Miền Nam những ngày tháng Năm…

Không người miền Nam nào có thể hình dung những thảm cảnh gì sẽ xảy ra sau khi Sài Gòn thất thủ (file photo)

20g ngày 30-4, Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng lên sóng: “Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn Giải Phóng – Tiếng nói của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Trưa ngày 1-5-1975, Thông tấn xã Giải Phóng phát đi bản tin đặc biệt: “Từ sáng ngày 1-5-1975, toàn bộ miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng”. Sáng 2-5-1975, diễn ra lễ thượng cờ cách mạng trên cột cờ Thủ Ngữ tại bến Bạch Đằng. Sài Gòn bước sang thời đại mới, một thời đại có lẽ chưa người dân nào kịp mường tượng, có lẽ, ngay cả với những trí thức đối lập hay những học sinh sinh viên nhảy núi lên xanh, lên cứ cũng không biết nó hay, dở thế nào cho tới ngày bàng hoàng phản tỉnh.

Nhiều lần, tôi cố gắng tái hiện trong đầu mình quang cảnh miền Nam tháng 5 năm 1975 qua những tấm hình được ghi lại bởi các phóng viên quốc tế có mặt lúc bấy giờ. Cố hình dung tâm thái người dân miền Nam khi đó. Miền Nam tháng 5 năm 1975. Có lẽ, đô thị chưa điêu tàn như những năm cuối thập niên 1970, sau khi được “giải phóng” khỏi cuộc sống “phồn vinh giả tạo” để chia đều cảm nhận cái đói nghèo chân thật cùng với người dân cả nước.

Miền Nam những ngày tháng 5…

Vẫn chưa tới thời điểm bi thảm khi phe chiến thắng lấy hình mẫu từ Liên Xô, đem cải tạo giam giữ hàng trăm ngàn sĩ quan, trí thức, văn nghệ sĩ chế độ Sài Gòn không qua xét xử, khiến họ không được hưởng quy chế tù binh trong Công ước Geneve, chưa tới thời điểm tan nát tột cùng khi những người đàn ông tinh hoa nhất của thể chế cũ bị giam cầm, bị đày ải chết dần chết mòn trong những trại lao cải, để lại biết bao nàng Vọng Phu khuê các bỗng chốc thành thân cò lặn lội chân đất đầu trần vượt rừng vượt núi gánh gạo nuôi chồng chưa biết bao giờ về lại hay phải bỏ xác tận rừng sâu.

Cũng chưa tới cảnh bao nữ sinh áo dài trắng chỉ biết ôm cặp tới trường, sau ngày định mệnh, bỗng trở thành gái đứng đường dạn dĩ mời chào rao bán thân xác để nuôi mẹ, nuôi em. Chưa tới ngày, một người mẹ, vì ốm đau không đủ sữa đứa con chín tháng tuổi phải làm đơn đề nghị chính quyền cứu xét, khai báo đủ tuổi tên quê quán của cả mẹ lẫn con có đủ các ban bệ xác nhận mới được quyền mua sữa. Chưa tới lúc, mang con đi chữa bệnh cũng phải có giấy phép của công an, và giấy chỉ có giá trị trong 20 ngày, lỡ đứa con ốm tới ngày 21 thì mẹ nó thành người vắng mặt bất hợp pháp.

Miền Nam tháng 5 chưa tiếp nhận những cơn siêu bão thổi tới từ Hà Nội với các bí số X1, X2, X3 khiến cho Sài Gòn từ một “Hòn ngọc Viễn Đông” lừng lẫy, chỉ qua một đêm, một viên thuốc trụ sinh cũng trở thành khan hiếm, chưa tới ngày hơn 600 ngàn dân Sài Gòn bị cưỡng bức từ bỏ toàn bộ nhà cửa, đất đai, tài sản đến vùng kinh tế mới để rồi chết bệnh, chết đói, chết vì bom mìn sót lại từ thời chiến, người sống sót thì bồng bế nhau bỏ trốn về lại thành phố không ăn xin thì cũng chịu đủ khổ sở, đói rách, nhục nhằn, phải làm mọi nghề để tồn tại, với hơn bốn triệu tấn lúa gạo cấp tốc chở ra miền Bắc để trám vào sự thiếu hụt do không còn được viện trợ khiến cho người dân Nam vốn không biết khái niệm thiếu ăn, đã hiểu thế nào là “đói vàng mắt”.

Miền Nam những ngày tháng 5 chưa có gần một triệu người bỏ nước ra đi, để lần đầu tiên, từ điển tiếng Việt được bổ sung những từ ngữ “thuyền nhân”, “bộ nhân” gợi ký ức kinh hoàng… Miền Nam tháng 5… chưa tới ngày cùng khổ. Miền Nam tháng 5… sắc xanh quân phục lá rừng của bộ đội thay sắc áo lính của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, những gương mặt chưa hết dấu vết hốc hác của những năm tháng luồn rừng và sống cùng bom đạn, ngạc nhiên, rạng rỡ sà xuống chợ đen bày khắp vỉa hè Sài Gòn, không thiếu bất kỳ một mặt hàng gì, điều không tưởng với họ khi ở miền ngoài, là những ánh nhìn vừa bỡ ngỡ, tự ti, vừa ngạo nghễ của bên thắng trận.

Miền Nam tháng 5… trên quốc lộ 1A ngược ra Bắc là ùn ùn xe cộ, hàng hóa, chiến lợi phẩm của tướng tá thắng trận, có người lính gầy gò, lưng đeo balô, một tay cầm con búp bê làm quà cho con, và một chiếc xắc nhỏ xinh, có lẽ dành tặng vợ. Người lính này cũng như bao đồng đội, hậu chiến, anh được và mất gì? Ít nhất, anh được sống trở về, thoát cảnh sinh Bắc tử Nam.

Miền Nam tháng 5… xen lẫn nỗi vui mừng âm thầm từ nay đã có hòa bình, đêm đêm không còn phải nghe đại bác dội về thành phố, không còn những đứa con chết trận, không còn quốc kỳ phủ lên những quan tài, được yên ổn sinh sống, làm ăn… còn là bao ưu tư, hoang mang, sợ hãi, trốn tránh, bắt bớ, đe dọa, trình diện, mít tinh, cờ và khẩu hiệu, còn là thấp thỏm đợi chờ với thời hạn 15 ngày tiễn người thân đi học tập mang theo 21 ký gạo để rồi cuối cùng là có người phải hứng chịu cái kỷ lục “học tập” dài nhất: xấp xỉ sáu ngàn ngày đêm trầm luân khổ ải.

Miền Nam tháng 5… là đập phá tượng đài Thủy Quân lục chiến, là giật sập bức tượng Tiếc Thương trong sự đổ vỡ của bên này và đắc thắng của bên kia. Người miền Nam khi đó không hình dung được, không chỉ tượng đài người lính, mà biết bao công trình kiến trúc tuyệt đẹp cũng sẽ bị đập bỏ lần lượt trong nhiều năm sau đó, như sự kỳ thị, hằn học muốn xóa sạch dấu vết của một thời đại văn minh. Miền Nam tháng 5… lần đầu tiên dép râu bày bán trên đường Tự Do… Đôi dép râu và mũ cối trên đường Tự Do mới chỉ là hình ảnh lạ lẫm, kỳ khôi chứ chắc chưa đến nỗi đem đến sợ hãi và thù hận như vài năm sau đó. Người dân cảm nhận cái nghèo nhưng chưa biết thế nào là khổ. Vẫn còn vàng bạc, đồ đạc trong nhà đem bán dần đi để lần hồi sinh nhai. Miền Nam khi đó chưa biết, cơn đói dạ dày chỉ kéo dài tới vài chục năm sau nhưng cơn đói tự do là ước mơ của cả dân tộc chưa biết bao giờ thành hiện thực.

Miền Nam tháng 5… là chiến dịch “Bài trừ văn hóa phản động, đồi trụy” với cờ quạt, biểu ngữ chăng đỏ Sài Gòn, đỏ đứt ruột những lưỡi lửa bùng lên khắp đô thành thiêu rụi băng đĩa nhạc, cờ VNCH và hàng trăm ngàn đầu sách báo, tạp chí chỉ trong 20 năm đã kịp tạo ra một thế hệ trẻ mang tinh thần Dân tộc – Nhân bản – Khai phóng với những tên tuổi rạng danh xứ sở. Trong những sách báo bị thiêu hủy đó, có sách Triết học, sách nghiên cứu Phật giáo, có sách biên khảo, dịch thuật, văn hóa, lịch sử, có thi ca, văn chương, hội họa, sách giáo khoa, giáo trình Đại học, sách kỹ thuật, từ điển… Có lẽ, trong lịch sử nước Việt, sau họa giặc Ngô cướp và đốt sách, hòng triệt hạ tận gốc văn hiến Đại Việt, thì chiến dịch này đã tiêu hủy số lượng sách báo lớn chưa từng có (miền Bắc sau 1954, chuyện tiêu hủy sách báo từ thời Pháp diễn ra âm thầm hơn, để đào tận gốc trốc tận rễ tàn dư thực dân phong kiến, có lẽ bởi nó không được ghi lại bằng hình ảnh?).

Miền Nam tháng 5… Có bao nhiêu bà mẹ đứng lặng trước bàn thờ gia tộc, thằng Hai đội mũ tai bèo cười rạng rỡ, thằng Ba đội mũ sắt phải cất kỹ trong rương, thằng Tư người ta đưa đi học tập, mẹ đâu biết, ngày nhắm mắt lìa đời, cũng là khi mồ con xanh cỏ. Chỉ còn khói hương lẩn quất trên cả hai bát nhang chập chờn cháy đỏ. Mẹ nghĩ gì giữa rát ruột tháng 5?

Miền Nam tháng 5… những thương phế binh bị đuổi khỏi Tổng y viện Cộng Hòa (cũng y như cái cách mà chiến hữu của họ ở Tổng y viện Duy Tân đã trải qua vào ngày Đà Nẵng thất thủ). Những người lính xả thân tự vệ quê hương với tinh thần của chiến binh Sparta tại Cổng Lửa Thermopylae, thất thời, thất trận, mất quê hương, mất một phần thân thể vào những ngày tàn cuộc, trong vòng một ngày phải lập tức ra khỏi nơi dưỡng bệnh. Vết thương thể xác chưa kịp lành đã bị giáng những đòn chí tử khiến vết thương tinh thần không bao giờ liền miệng, lê lết kéo nhau đi, người cụt tay dìu người mất chân, người kịp lắp chân giả khập khiễng trên đôi nạng gỗ, người vừa từ chiến trường chuyển về, vết thương chưa kín miệng vẫn phải bò lết tìm về quê quán, máu thịt, bông băng dính lầy đất cát. Gia đình ai còn ai mất, có bao nhiêu người phải bỏ xác dọc đường?!

Tháng 5 năm 1975… với người miền Nam, chưa phải là kết thúc, mà mới chỉ mở màn cho chất chồng khổ đau của những tháng Năm trở đi trở lại đằng sau.

Nếu nhìn thấu quãng đường cả chục năm sau đó, bao nhiêu người sẽ tuẫn tiết ngay sau khi xướng ngôn viên Mai Liên đọc bản tin cuối cùng? Bao nhiêu người sẽ nằm xuống với quê hương để khỏi phải di cư – như bản nhạc định mệnh của dân Do Thái được chọn làm nhạc nền cho phát thanh cuối cùng của Đài Phát thanh Sài Gòn buổi trưa ngày 29-4 năm đó?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: