Một chuyến đi trong “Tháng giỗ VNCH”…

Phần mộ của một người lính VNCH tại Phan Rang

Ngày 1 Tháng Tư 1975, nhóm trinh sát chúng tôi quyết định rời Nha Trang vì có thông tin Việt Cộng sẽ mang đại quân đến chiếm lĩnh thành phố. Trên chiếc xe Dodge lấy được từ Huấn khu Dục Mỹ, đổ đầy xăng, chúng tôi tổng cộng chín quân nhân mà cấp bậc cao nhất là… trung sĩ, bắt đầu rời Nha Trang vào 8h sáng. Ngang qua đèo Du Long, lập tức cảm giác an toàn trở lại khi thấy ven quốc lộ, cạnh một cây cầu nhỏ, là một đơn vị mặc quân phục Nhảy dù đang củng cố vị trí phòng thủ.

Tiếng thở dài của những oan khuất

Trò chuyện mới biết đây là nhóm trinh sát 3 của binh chủng cực kỳ thiện chiến thuộc Quân lực VNCH. Được đơn vị bạn chia sẻ một số lựu đạn M67, hỏa tiễn M72A1 chống tăng…, chúng tôi sau đó dùng bữa cơm với các chiến sĩ Nhảy dù. Đây là bữa cơm ngon nhất chúng tôi có được từ sau ngày rút khỏi Ban Mê Thuột, dù chỉ là cơm nóng, thịt hộp và rau tàu bay. Khi nghe kể về chuyện chúng tôi chứng kiến trên đường rút về Nha Trang khá nhiều thi thể quân nhân Nhảy dù thuộc Lữ Đoàn 3, với những binh sĩ bị chặt đầu gần Đèo Phượng Hoàng, nhóm trinh sát Dù nhìn nhau vẻ căm hận. Ai đó buột miệng chửi thề…

Từ chối lời kêu gọi ở lại tham gia phòng thủ với các chiến hữu rằn ri, chúng tôi tiếp tục lên đường theo sự bàn bạc từ trước. Chúng tôi đi ngược lên hướng Đà Lạt vì cho rằng sẽ có rất nhiều chiến hữu “Nam Bình, Bắc Phạt, Cao Nguyên Trấn” sẽ rút về đây theo hướng Lạc Thiện. Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp gỡ và nói chuyện với các chiến binh Nhảy dù, một trong những đơn vị đứng đầu Quân lực VNCH về sự thiện chiến và lòng dũng cảm…

Đêm 9 Tháng Tư 2022, sau 47 năm dài… Nhóm chúng tôi gồm tám người lên xe đò trực chỉ Phan Rang. Trong nhóm, chỉ mình tôi là cựu binh Sư đoàn 23 Bộ Binh VNCH, còn lại bảy người đều là hậu duệ VNCH. Họ đi với tâm trạng bùi ngùi và những hoài niệm về các bậc cha anh, những người từng chiến đấu bảo vệ sự tự do, phẩm giá và tính người cho quê hương miền Nam Việt Nam.

Nấm mồ năm Ất Mão 1975

Đến Phan Rang, vào khách sạn nhận phòng và chờ xe đã thuê từ trước đến đón, cả nhóm ra quán cà phê bàn bạc xem cần mua thêm gì cho chuyến đi thăm viếng mộ các chiến sĩ bỏ mình trong trận chiến bảo vệ phòng tuyến của Quân Đoàn 3 tại sân bay Thành Sơn. Do có lần ở tù cùng các vị như Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang ở Trại Ba Sao Nam Hà nên tôi có trách nhiệm thuật lại cho các hậu duệ Quân lực VNCH.

Trước kia, cách nhìn nhận của tôi về Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi khi ông còn là Tư lệnh Quân đoàn 4 VNCH, thú thật là, không thiện cảm và thiếu tôn trọng. Báo chí miền Nam, đặc biệt cái gọi là “thành phần thứ ba” thân cộng, đã ra sức bôi bác các cấp lãnh đạo VNCH, khiến chúng tôi, những người trẻ tuổi, không thể không lầm lẫn. Nhưng khi vào trại giam, nghe Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và các vị tướng khác kể về việc ông Nguyễn Vĩnh Nghi từ chối lên máy bay rời mặt trận khi tuyến phòng thủ tan vỡ chỉ vì binh sĩ dưới quyền ông đang còn cật lực chiến đấu… thì cái nhìn của tôi về Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi hoàn toàn thay đổi! Suốt thời gian ở phòng 3 khu A trại A Nam Hà, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã tỏ rõ được tư cách của một vị tướng, điềm đạm nhưng kiên quyết. Bọn công an coi tù rất nể sợ ông.

Năm 1987, tôi có ghé nhà Trung tướng Nghi ở đường Phạm Ngũ Lão, Quận Nhất. Khi từ giã ra về, tôi nhìn lên cửa nhà có tấm biển đúc bằng xi măng ghi “Phụ Nữ Tân Văn”. Sau này được giải thích, tôi khá bất ngờ khi biết Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi là con rể bà Bút Trà, một trí thức nổi tiếng của miền Nam.

Trở lại với chuyến đi… Theo chỉ dẫn của một cựu binh từng đến nơi này, chúng tôi cho xe chạy về phía doanh trại quân đội cộng sản gần chân Núi Ngỗng. Chúng tôi loay hoay cả giờ đồng hồ vẫn không tìm ra được nấm mồ tập thể đã cải táng các chiến binh Nhảy dù, trong đó có cả Trung tá Trần Văn Sơn-Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 2 Nhảy dù. Bồn chồn lo lắng dưới cái nóng đổ lửa của vùng “gió như phang-nắng như rang”, hai thành viên nữ trong đoàn lẩm nhẩm khấn xin sự chỉ dẫn của các anh linh tử sĩ… Lạ thay, anh tài xế, người tôi luôn nghi ngờ và cảnh giác, đã tìm ra được các ngôi mộ.

Đau xót trước hình ảnh những tấm bia mộ bị vỡ

Đến nơi, chị Loan – một người trong đoàn – đã ngồi bệt xuống đất và ôm mặt bật khóc.  Trước mắt chúng tôi là tấm bia bằng đá ghi tên các tử sĩ đã bị đập nát, vứt vung vãi trên mặt đất! Dù là một chiến binh đụng trận nhiều không kể xiết, chuyện thương tâm gặp hằng hà sa số, tôi cũng không thể ngăn nổi rươm rướm nước mắt! Ở một góc lẻ loi tận cùng của núi rừng hoang vắng, ngôi mộ gần như bị cách ly khỏi khu nghĩa trang gần đó. Vậy mà các tử sĩ VNCH vẫn không thể yên nghỉ. Nơi tử trận của các anh là khu vực sân bay Thành Sơn. Phe thắng trận đã vùi chung một hố các quân nhân VNCH tử trận, rồi sau đó do nhu cầu sử dụng sân bay, chúng lại bới hài cốt các anh mang vào tận xó núi để vùi dập một lần nữa. Người dân trong vùng đã quy tập, dựa trên thẻ bài, để một số chiến sĩ có được danh tánh trên nấm mồ bằng phẳng như nền đất.

Đoàn người ai cũng bùi ngùi

Cúng kiến thắp nhang cho các chiến sĩ trận vong xong cũng đã giữa trưa, cả nhóm đi đến Nghĩa Trang Đô Vinh theo sự chỉ dẫn của một cựu binh người địa phương. Khi mở rộng quy mô nhà máy mía đường ngay vành đai phi trường, công nhân nhà máy đã phát hiện một bộ hài cốt quân nhân VNCH và đưa về lập mộ ở nghĩa trang dành cho dân chúng. Thực lòng cảm ơn những công nhân nhà máy đã tìm cách cho một chiến sĩ trận vong có được nơi yên nghỉ. Chúng tôi loay hoay tìm ngôi mộ ấy. Ngay cả các thợ hồ làm bia xây mộ ở nghĩa trang này cũng chịu thua không thể giúp gì. Các thành viên bèn khấn vái… Lạ sao, cũng chính anh tài xế lại tìm ra và vui mừng chạy đến báo tin!

Những câu chuyện thảm khốc ở An Lộc

Cũng vào những ngày Tháng Tư này, tôi cũng đến An Lộc và nghe những lời kể của những nhân chứng sống sót…

Trái đạn 130 mm sản xuất tận xứ Nga La Tư vĩ đại nổ cạnh gốc đa chùa Chưởng Phước vào 9g sáng ngày 7 Tháng Tư 1972 đã khiến hàng chục người dân Ấp Phú Lạc chết ngay tại chỗ. Trong đó tất nhiên là đàn bà và trẻ con. Chiến tranh đã rút đi hầu hết sinh lực thanh niên trai tráng của cả hai miền vào guồng máy khốc liệt của nó. Dân-Chạy-Giặc đa phần là những người không thể hoặc không bị buộc phải cầm súng chiến đấu. Tôi muốn nói đến một góc tối, góc của những tiếng khóc rên rỉ uất nghẹn và mãi đến nay, nhiều năm sau, trở thành tiếng thở dài.

Gia đình anh Thanh vốn ba đời làm công nhân cạo mủ cao su ở đồn điền Hớn Quản. Hôm đó, vợ và ba đứa con của anh cùng rúc vào hầm trú ẩn khi những trái pháo Việt Cộng bắn vào An Lộc. Đến ngày 10 Tháng Tư, muỗng cháo cuối cùng dành cho những đứa trẻ cũng hết… Bé Trang khóc ngằn ngặt và không chịu rời tay cha. “Để em!” – người vợ nói rồi trườn ra khỏi hầm. Nhà của ông bà nội lũ trẻ, nơi còn có thể vét được ít gạo và muối mắm, cách hầm trú khoảng hơn 150 m, gần nơi gọi là Ngã Tư Chợ Chiều. Chung quanh là những hố đạn pháo sâu hoắm, những mẩu thịt xương vương vãi, manh áo quần rách tả tơi đen khói…

Nơi trước kia là Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5

Người vợ trườn thật chậm, sát đất, thỉnh thoảng ngước lên nhìn. Trước mặt là một tốp lính Bắc cộng. Chị đứng dậy, miệng kêu lớn: “Chúng tôi là dân… Xin các ông cho chúng tôi qua!”. Thật bất ngờ, ngay khi chị đứng dậy thì ở những hố đạn pháo, góc nhà, gốc cây gần đó cũng xuất hiện nhiều người dân khác. Đáp lại lời kêu gọi của chị và bà con là khẩu AK trên tay bọn bộ đội khạc đạn. Từng tràng trung liên RPD và AK thi nhau quét về hướng những người dân đi tìm đường sống, tiễn họ về hướng ngược lại: Cõi Chết!

Nơi trước kia là khu mộ tập thể nay trở thành công viên

Sau sự kiện Ngã Tư Chợ Chiều, quân Bắc cộng đi đến đâu, dân luôn bỏ chạy về hướng ngược lại. Dân chúng gồng gánh từ các hướng đi về trung tâm thị xã, nơi họ cho rằng an toàn khi các đơn vị VNCH vẫn còn đồn trú, dù chung quanh Bắc cộng đã xiết chặt vòng vây. Một người dân, nay đã vào độ tuổi “trâu già há sợ dao phay”, kể lại rằng ông bị bọn bộ đội Bắc việt bắt giữ cùng chục thanh niên nam nữ khác. Ông thoát chết là nhờ lính Nhảy dù từ Sóc Tổng Cui ập đến… Nhân chứng này kể: Cạnh cống lấp, ngay cây ổi ven bờ suối ở dốc Núi Gió vào Quản Lợi, có một gò đất. Đó chính là nơi vùi thây cả chục người dân-chạy-giặc!

Di tích trường Quốc Quang (hiện nay)
Tác giả tại gốc đa chùa Chưởng Phước, nơi nhiều thường dân bị VC bắn giết

Không chỉ những nạn nhân ở chùa Chưởng Phước, những người dân tụ tập ở trường tiểu học Quốc Quang, sát với phòng tuyến quân chính phủ, cũng bị giết. Khi người Nhật sang thăm An Lộc vào thập niên 1980, họ đề nghị chánh quyền cộng sản giữ lại ngôi trường như một chứng tích chiến tranh. Thế là một “lý lịch khác” được ngụy tạo để biến “nỗi kinh hoàng mang tên cộng sản” thành chứng tích tội ác chiến tranh của “Mỹ Ngụy”. Với ai đó lần đầu ghé An Lộc, họ sẽ rùng mình trước cảnh tàn phá chiến tranh của “đế quốc Mỹ”, còn với dân cố cựu và nhất là những người may mắn thoát chết sau vụ thảm sát bằng đạn pháo hôm ấy, ắt sẽ nhổ toẹt vào tấm biển “lên án tội ác Mỹ Ngụy”.

Tấm bia tưởng niệm với những ghi chú dối trá sai sự thật

Dân tụ tập nơi tượng Chúa Ki Tô Vua và Nhà Thờ cuối đại lộ Hoàng Hôn cũng không may mắn gì hơn. Cánh quân Bắc Việt từ Ngã Ba Xe Tăng cũng áp dụng tiền pháo hậu xung, bắn hàng loạt vào dân. Tượng Chúa Ki Tô Vua bị một mảnh pháo chém phăng. Dân An Lộc gọi là Tượng Chúa Cụt Đầu. Nhà xác Bệnh viện Bình Long vốn chỉ có chừng mươi bệ đặt thi hài, nay đột ngột được chất vài trăm xác dân mỗi ngày! Xác chồng lên xác. Sau đó công binh VNC phải đào ba hố lớn và chôn gần 5,000 người. Tréo ngoe nhất là khi đi thăm ngôi mộ tập thể dân chạy giặc bị giết ở An Lộc (nay biến thành một công viên), thấy có tấm bảng ghi: Chết do bom đạn Mỹ! “Mỹ gì ở đây?” – Một bác ngoài bảy mươi tuổi chép miệng nói – “Họ có coi dân chạy giặc lúc đó là con người đâu!”…

______

Bài và ảnh: Nguyễn Minh Chí

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: