Ngày buồn nhất đời tôi

 

Ngày 30-4-1975 tính tới nay là 46 năm tròn, đã đi vào quá khứ xa xăm, nhưng sao nó vẫn canh cánh trong tôi như mới ngày nào. Đôi lúc tôi ngẫm nghĩ rồi tự hỏi: phải chăng đó là ngày buồn nhất của đời tôi?

Ngày ấy tôi là một quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đơn vị mà tôi phục vụ là Tiểu Khu Châu Đốc. Ngày này cũng là một ngày khá đẹp trời tại thị xã Châu Đốc. Ánh nắng chan hòa trải dài trên dòng sông Hậu. Chim nhảy nhót hát ca trong những vòm cây. Bướm lượn tung tăng trên những đám cỏ. Xe cộ tấp nập ngược xuôi trên con đường Gia Long, song song với dòng sông Hậu, băng ngang qua Tòa Hành Chánh tỉnh, rồi xuyên vào khu phố chợ sầm uất nhất của thị xã.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 30-4-1975, sau một đêm ứng chiến 100% tại nhiệm sở ở Trung Tâm Điều Hợp Bình Định và Phát Triển Tỉnh & Tiểu Khu Châu Đốc, trong khuôn viên Tòa Hành Chánh Tỉnh, tôi trở về nhà riêng trong khu cư xá Gia Long để ăn sáng. Bước vào nhà là tôi mở ngay radio để nghe tin chiến sự. Ít phút sau đó, Đài Phát Thanh Sài Gòn thông báo: “Xin chú ý, xin chú ý, xin đồng bào chú ý! Tổng thống Dương Văn Minh sẽ ngỏ lời cùng đồng bào, xin theo dõi”. Dựa vào tình hình chiến sự lúc ấy, tôi phỏng đoán vị Tân Tổng thống cũng là Tân Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ tuyên bố TỔ QUỐC LÂM NGUY, rồi nhân đấy kêu gọi toàn dân và toàn quân chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Ngồi vào bàn ăn, tôi vừa ăn vừa chờ đợi đón nhận những lời “gang thép” ấy. Ít phút sau từ chiếc radio phát ra:

Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố, chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương, trao lại cho chính quyền Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam.”

Thật không ngờ! Lệnh buông súng đầu hàng khiến tôi ngẩn ngơ, ngỡ ngàng, hụt hẫng, chới với. Miếng bánh mì đang nuốt, bỗng mắc nghẹn nơi cuống họng. Miệng tôi lẩm bẩm: “Không! không! không thể đầu hàng như thế được!”, rồi tôi đứng bật dậy, lảo đảo bước tới chiếc giường, thảy mình lên đó, đau đớn, rã rời. Khi bố tôi mất năm 1957 và khi mẹ tôi từ trần năm 1962, tôi rất buồn, buồn đến nỗi, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, nhưng tôi chưa buồn đến nỗi muốn quyên sinh. Khi được tin người tôi yêu lên xe hoa, tôi cũng buồn man mác, nhưng chưa buồn đến nỗi “mua ngay thuốc chuột uống cho rồi đời”. Khi thi Tú Tài I và II cũng như thi Cử Nhân Luật I, II, III tôi cũng hỏng thi nhiều lần, và mỗi lần hỏng thi tôi cũng buồn lắm, song chưa một lần hỏng thi nào mà tôi coi là “đệ nhất buồn” trong đời tôi như cụ Tú Xương:

Bụng buồn còn muốn nói năng chi

Đệ nhất buồn là cái hỏng thi

Một việc văn chương thôi cũng nhảm

Trăm năm thân thế có ra gì

Khi nhà tôi từ trần vào ngày 5-9-2018, tôi cũng buồn lắm, vì còn có nỗi buồn nào hơn nỗi buồn một người chồng mất người vợ yêu thương đã cùng tôi chia ngọt xẻ bùi, đồng cam cộng khổ trong gần 60 năm trời, nhất là trong năm năm tôi bị giam giữ trong một số trại tù cải tạo trải dài từ miền Nam tới miền Trung sau ngày 30-4-1975. Trong buổi tang lễ tiễn đưa nhà tôi về cõi vĩnh hắng, tôi có viết một đôi câu đối để tiễn biệt như sau:

“Nếu Sinh Ký Tử Quy Em Đang Ngậm Cười Nơi Chín suối

Song Tử Biệt Sinh Ly Anh Đành Thổn Thức Với Thương Đau”

Nếu đem nỗi buồn của tôi vào ngày 30-4-1975 sau khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh hạ lệnh buông súng đầu hàng với những nỗi buồn khác từ khi tôi đủ lớn để biết thế nào là buồn, thì tôi phải thừa nhận rằng đó là nỗi buồn lớn nhất đời tôi. Giá hôm ấy tôi ở nhà một mình, chắc tôi đã kết liễu đời mình bằng một viên đạn súng Colt treo ngay đầu giường. Tôi có thừa can đảm cầm khẩu Colt bắn vào đầu mình, nhưng lại thiếu can đảm làm công việc này trước mặt nhà tôi và ba đứa con còn thơ ngây.

Không buồn làm sao được, khi thấy hàng trăm ngàn người sống ở miền Nam đã không tiếc xương máu, chiến đấu chống lại Cộng Sản Bắc Việt để bảo vệ nhân dân miền Nam tiếp tục được sống trong tự do, dân chủ, hòa bình và no ấm. Cuộc chiến đấu cao cả của hàng triệu con người quốc gia ấy đã thất bại trong đắng cay, nhục nhã, tức tưởi. Tất cả công lao và sự hy sinh to lớn của bao người trong đó có tôi, bỗng tan biến vào hư không.

Không buồn sao được, khi nhận ra rằng, cuộc sống của tôi, của vợ con tôi, của bạn bè tôi, của đồng đội tôi, của đồng bào miền Nam sắp bước vào giai đoạn cực kỳ bi thảm. Sở dĩ tôi nhận ra được những điều đắng cay này, không phải vì tôi quá bi quan hay hoang tưởng với hiện tình miền Nam tự do đang sụp đổ trước mắt, mà vì những gì chính tôi đã nghe, chính mắt đã thấy, và chính gia đình tôi và thân nhân tôi đã phải gánh chịu, trong suốt thời gian mười năm sống ở Liên Khu Bắc Việt, nơi được gọi là vùng “kháng chiến”. Đây là những gì mà tôi đã thấy trong thời gian mười năm ấy:

Vâng, tôi đã thấy, ngay sau khi cướp được chính quyền từ tay người Nhật, ông Hồ và các đồng chí của ông đã giết một cách không thương tiếc hàng ngàn người mà họ cho là “chó săn” của Nhật, tay sai của Pháp, tay chân của triều đình phong kiến. Trong số này, có những nhà văn, nhà báo, nhà giáo nổi tiếng như Phạm Quỳnh năm 1945, Tạ Thu Thâu năm 1945, Dương Quảng Hàm năm 1946, Khái Hưng năm 1947… Vâng, tôi đã thấy ông Hồ và các đồng chí của ông bắt cóc và thủ tiêu hàng nghìn người mà họ coi là thành phần phản động trong vùng quê Phú Thọ của tôi, bằng nhiều hình thức vô cùng tàn ác, như trói chân tay bỏ vào bao bố, hay cột vào một thanh tà-vẹt đường xe lửa rồi thả xuống dòng sông hay ao hồ.

Vâng, tôi đã thấy, ông Hồ và tay chân của ông bắt bớ, giam cầm và giết hại hàng trăm ngàn người được cho là đảng viên của các đảng phái quốc gia, và là lực lượng cản đường ngăn lối họ xây dựng chế độ cộng sản ở Việt Nam. Tôi đã thấy, sau khi giành được những thắng lợi to lớn về quân sự trên đất Bắc, ông Hồ và các đồng chí của ông tin rằng ngày chiến thắng cuối cùng đã gần kề, nên đã thực thi ngay cuộc Cách Mạng Cải Cách Ruộng Đất, ĐÀO TẬN GỐC, TRỐC TẬN RỄ thành phần TRÍ – PHÚ – ĐỊA – HÀO.

Qua những tên bộ đội cộng sản Bắc Việt bị bắt làm tù binh hay ra hồi chánh vào những năm đầu thập niên 1970, tôi biết thêm rằng, ông Hồ và các đồng chí của ông đã áp dụng chế độ hộ khẩu khắc nghiệt trên toàn lãnh thổ miền Bắc để quản lý và kiểm soát tất cả. Từ củ khoai lang đến củ khoai mì, từ hạt bắp đến hạt gạo, từ lạng muối tới cân đường, từ mớ rau đến ký thịt…, đều do Đảng và Nhà nước nắm độc quyền phân phối và cung cấp cho từng đầu người. Chế độ hộ khẩu đã trở thành một vũ khí vô cùng hữu hiệu trong việc ép buộc dân chúng miền Bắc phải triệt để tuân hành tất cả những gì mà Đảng Cộng sản muốn người dân phải làm. Một nhà văn miền Bắc đã ví von rằng, người miền Bắc vào những năm tháng ấy tương tự như những con chó ngoan ngoãn một mực tuân theo lời chủ.

Vào ngày 30-4-1975, hầu hết những điều mà tôi đã thấy và đã nghe về ông Hồ và các đồng chí cộng sản của ông thực thi ở miền Bắc sau năm 1945, lại một lần nữa lướt qua đầu tôi như một cuốn phim chiếu chậm. Hình ảnh cuốn phim chiếu chậm này đã thầm bảo tôi rằng, tất cả đường lối và chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực thi ở miền Bắc sẽ được áp đặt lên đầu nhân dân miền Nam. Ngày 30-4-1975, không ít người từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, vì nông cạn, ngây ngô, đã hớn hở đón chào ngày này như một ngày khải hoàn của dân tộc. Đối với tôi, đó là ngày CƯỜNG BẠO thắng CHÍ NHÂN, ngày PHI NGHĨA thắng CHÍNH NGHĨA, ngày NƯỚC MẤT NHÀ TAN.

Năm 2021, tôi đã bước vào tuổi gần 90, quá gần đất và rất xa trời, nên tôi tin chắc rằng phần thời gian ít ỏi còn lại của đời tôi, sẽ không còn gặp một nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn của tôi với ngày 30-4-1975.

30 tháng Tư – Ngày Buồn Nhất của Đời Tôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: