Như một nén hương…

Một trại “học tập cải tạo” sau 1975 ở Tây Ninh; Tháng Sáu 1976 (ảnh: Sovfoto/Universal Images Group via Getty Images)

Vô tình chúng tôi gặp lại nhau trong một tiệc cưới ở thành phố San Jose. Mừng như gặp lại người thân khi ra tới khu vực thăm nuôi tù. Vài ngày sau, anh gởi cho tôi bản báo cáo anh đã mang theo khi vượt biên. Từ đó, mỗi năm khi Xuân về Tết đến, anh lại đem đến nhà anh chị Thành những khay thức ăn để góp phần cùng các anh em cựu tù mừng xuân, chúc tuổi và nói đến những hy vọng cũng như nhắc nhớ đến những anh em đã yên nghỉ, được chôn cất ven bìa rừng già trong những đêm khuya.

Năm nay, Tháng Tư về, vắng bóng dáng anh – người cựu tù năm xưa đã giã từ anh em âm thầm trong mùa đại dịch, làm cho những người từng sống bên anh ngỡ ngàng, tiếc thương. Hình ảnh người sĩ quan phi hành điển trai, với cá tính cương nghị, tiếng cười hào sảng, hồn nhiên, và tiếng sáo dìu dặt của anh mỗi buổi tối qua các bản nhạc Lòng Mẹ, Tình Ca Tiếng Nước Tôi, Giọt Mưa Thu… vang vọng khắp các tổ, khiến người nghe cảm thấy bùi ngùi, xót xa. Tất cả, như những kỷ niệm buồn của người tù khi vận nước thăng trầm, vẫn man mác trong ký ức tôi bao lâu nay.

Trong buổi họp tổ tối, năm 1978, tổ trưởng Lợi nói tôi sáng mai đi lãnh cuốc xẻng cho tổ trước 7 giờ. Căn nhà kho chứa dụng cụ nằm bên phải dãy nhà vệ binh, đối diện nhà kỷ luật và nhà các quản giáo Út Trọn, Tư Nhạc, bên kia đường – hai người quản giáo mới nhận đội 5 (C5) chúng tôi từ tay quản giáo Út Chót – một quản giáo nham hiểm với mạng lưới ăngten dầy đặc trong trại tù Cây Cày A.

Khi tôi vừa tới nhà kho thì anh Hoàng Quý đang mở cửa lấy cuốc xẻng cho mấy anh em tù bị “giam kỷ luật”. Thấy tôi tới, anh ghé tai nói nhỏ:

Cậu phải cẩn thận đấy, nói Trần Thọ Trường mai mốt đi lao động nhớ đi ngang nhà kỷ luật.

Anh Hoàng Qúy thuộc C1, bị nhốt ở nhà kỷ luật đã gần một năm vì bản nhạc anh sáng tác khi còn ở trại tù Kà Tum-Đồng Ban, bản nhạc tiếc thương anh Hiểu đã được anh em tù chuyền tay nhau hát ở trại tù Kà Tum. Ngày còn ở trại Kà Tum, anh Hiểu sang đội bên cạnh thăm người bạn vừa được gia đình thăm nuôi, bị bắn chết bên cạnh hàng rào cây que ngăn cách giữa hai đội. Cái chết thương tâm đầu tiên xảy ra khi anh em mới chuyển trại tới Kà Tum được vài tháng làm cả trại bàng hoàng.

Anh Hoàng Quý bị giam ở nhà kỷ luật chung với Chương và bố Thọ – hai người trốn trại bị bắt lại. Người sĩ quan già phòng 7 được anh em trong tổ 2 C5 gọi là “bố Thọ”, vì nể trọng tính nết và tuổi già với mái tóc bạc phơ của ông. Ngoài anh Hoàng Quý, Chương và bố Thọ, ở nhà kỷ luật còn có Trương Kỉnh Thành thuộc tổ 2 C5. Anh Thành bị Tổ trưởng tổ 2 VMN và V.H.H, Đội trưởng C5, báo cáo đã không lên án bố Thọ trốn trại, lại còn phát ngôn bừa bãi, bao biện cho người trốn trại.

Ngay buổi chiều, lúc đội vừa đi lao động về, V.H.H tập họp đội ở sân bóng chuyền theo lệnh của quản giáo Út Chót, đọc lệnh kỷ luật, và Trương Kỉnh Thành bị vệ binh trói dẫn đi. Hai người tù Trương Kỉnh Thành và bố già Thọ thuộc C5 chúng tôi. Còn anh Hoàng Quý và Chương thuộc đội 1, tức C1 của Kh. Đội trưởng Kh cũng được các quản giáo tín nhiệm như đội trưởng V.H.H. Căn nhà kỷ luật nằm dưới gốc cây cổ thụ già cuối trại, cạnh con đường mòn mà những người tù chúng tôi vẫn đi qua để vào các khu rừng lao động mỗi ngày. Vài anh thường thảy những gói quà nhỏ trên bãi cỏ cạnh nhà kỷ luật cho các anh đang bị giam, vì các anh bị cấm thăm nuôi và số ngày bị giam kỷ luật thì không ấn định.

Trong một trại tù cải tạo ở Tây Ninh; Tháng Sáu 1976 (ảnh: Sovfoto/Universal Images Group via Getty Images)

Buổi chiều, đi lao động ở rừng về, tôi nói lại cho Trường, tổ 5, lời nhắn của anh Hoàng Quý. Hai ba ngày sau, khi tôi đang nướng bánh khoai mì, luộc búp măng rừng để ăn độn với chén cơm chiều ở góc cuối sân sau thì Trường ghé qua, đưa cho tôi tờ giấy đã được gấp nhỏ lại và ngồi xuống cạnh tôi.

Anh đọc đi, mẹ nó, đồ chó má, khốn nạn thật – Trường nói nhỏ.

Vớt mấy búp măng ra khỏi nồi nước luộc, mở vung nồi khoai mì nướng và lấy chiếc đũa đâm sâu vào chiếc bánh để biết chắc bánh đã chín, tôi bắc cái nồi nướng bánh ra khỏi bếp để bánh không bị cháy khét. Sau một ngày lao động vất vả, mọi người còn nằm trong lán nghỉ lấy lại sức. Nhìn trước nhìn sau không có ai, tôi giở tờ giấy Trường đưa, đọc tới đọc lui hai ba lần.

Với những năm tháng tù đày, các đội trưởng, đội phó nhận lệnh từ các quản giáo để điều động các sinh hoạt tù và viết các bản báo cáo hàng tuần của mỗi đội. Các quản giáo trông coi tù căn cứ vào bản báo cáo để theo dõi và có biện pháp đối phó với người tù. Đây là lần đầu tiên tôi được đọc bản báo cáo của đội trưởng, đội phó báo cáo về các sinh hoạt của người tù và chính tôi.

Đọc xong bản báo cáo của đội trưởng V.H.H. và đội phó N.K.Á – C5, tôi cảm nhận được nỗi đau xót của một người tù bị chính những người cùng chiến tuyến cam tâm làm người chỉ điểm để lập công. Trong một giây lát nghĩ ngợi và tự nhủ phải thận trọng hơn, tôi nén giận, đọc lại một lần nữa rồi đưa lại cho Trường.

Hai chúng tôi ngồi lặng thinh nhìn nhau, rồi tôi hỏi Trường:

Sao mình có được bản báo cáo này?

Trường nói nhỏ:

Sau buổi chiều anh nói với tôi, sáng hôm sau tổ tôi đi làm rẫy, tôi cố ý đi sau cùng. Khi đi ngang nhà kỷ luật, Chương và mấy người bị giam kỷ luật đang làm cỏ bên mấy luống khoai mì, Chương nháy mắt hướng về miếng giấy đã gấp nhỏ, và tôi cúi xuống lượm nhét vào túi rồi đi lao động như thường lệ.

Nhưng làm sao bọn Chương lấy được? – tôi hỏi.

-Sáng hôm qua, lúc tôi và Chương cùng lãnh cuốc xẻng, Chương cho biết là trong khi quét dọn nhà quản giáo, nhân lúc họ đi vắng hết, thấy bản báo cáo trong ngăn kéo có tên bọn mình nên anh em lấy giấu đi, và báo cho bọn mình biết để đề phòng. Tôi sẽ giữ cái này suốt đời, tôi sẽ cất giấu thật kỹ, khi được thả tôi sẽ mang theo về – Trường nói.

-Thôi đốt đi, mình biết để cẩn thận, phòng thân thôi – tôi nói.

-Không, đừng lo, tôi sẽ giữ kỹ, quản giáo họ cũng chẳng để ý. Anh có thấy không, cần đóm hút thuốc họ đã xé một góc để làm đóm hút thuốc lào rồi mới để lại trong ngăn kéo bàn, nhờ thế mấy anh em mới lấy được. Quản giáo Tư Nhạc và Út Trọn tính nết xuề xòa, thường xuống chơi bóng chuyền với anh đó, họ có vẻ không cùng cánh thủ trưởng Năm Quân và không ác như tên Út Chót đã trông coi bọn mình trước đây – Trường nói và đứng dậy về lại tổ 5, cách tổ 4 của tôi cái sân bóng chuyền và nhà ăn của đội.

Sau khi Trường đi về tổ 5, hình ảnh những người tù chết, bị đánh chí mạng từ năm 1975 đến 1978 lởn vởn trong đầu tôi:

Ngô Nghĩa bị xử bắn ở Trảng Lớn; Hiểu bị bắn ở Kà Tum; Trần Duy Hóa bị nhà sập đè chết ở Kà Tum; Hồ Thanh Long đi phát quang té xuống giếng hoang chết; Mai Duy Hạnh bị Đội trưởng đội khung Hai Tý bắn chết ở Cây Cày A; anh Trần Duy Chương, trước năm 1975 là gíáo sư Việt Văn biệt phái, thân hình ốm yếu, gầy trơ xương, không bưng nổi cái vỉ đựng đất đổ lên khu đất thấp để làm nền cho căn nhà kho, đã bị đội Năm lửa đánh bằng báng súng thừa sống chí chết ở trại tù Cây Cày B…

Bản báo cáo được bạn tôi cất giấu và mang theo khi đi vượt biên

Hình ảnh những người bạn tù chết, bị đánh đập dã man, cộng với những oan khiên ác độc khác xảy ra hàng ngày, khiến tôi cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến những ngày mai đây của đời mình. Nhưng bất chợt, từ trong tâm trí tôi có lời nhắc nhở: Ngày mai có ngày mai lo”. Đứng dậy, vươn vai, nhìn ra sân bóng chuyền, nắng vàng chan hòa, không một làn gió, không một bóng người, tôi rảo bước đi lên lán nằm nghỉ.

Đời sống người tù xoay vần bất định. Vài ba tuần sau ngày tôi và Trường đọc bản báo cáo về chính mình, trời chưa hừng đông, các quản giáo xuống các đội ra lệnh thu xếp quân trang chuyển trại. Đây là lần chuyển trại thứ ba từ ngày chúng tôi bị tù. Tất cả anh em đang bị giam ở nhà kỷ luật cũng được trả về các tổ, các đội để di chuyển.

Khoảng 10 giờ sáng, các chuyến xe đã đổ 500 người tù chúng tôi xuống trại Cây Cày B và Bàu Cỏ. Hai trại tù đều đặt dưới sự chỉ huy và quản lý của Công an, trực thuộc Bộ Nội vụ Cộng sản Việt Nam. Tất cả tù nhân, kể cả các anh đã bị nhốt kỷ luật ở trại tù Cây Cày A trước đây đều được “biên chế“ vào những đội khác nhau; riêng tôi và Trường vẫn thuộc đội của đội trưởng V.H.H, đội phó N.K.Á ở trại Bàu Cỏ. Khoảng gần một năm sau tôi và Trường bị chuyển qua trại Cây Cày B. Nhưng V.H.H cũng như N.K.Á đều không hay biết về bản báo cáo của họ mà chúng tôi đã đọc và Trần Thọ Trường đang cất giấu.

Vì vô tình trong sinh hoạt thường ngày và thiếu cảnh giác nên bị báo cáo. Tuy nhiên, chúng tôi lại được các bạn đang bị giam trong nhà kỷ luật ra tay nghĩa hiệp bao che. Đau khổ và hạnh phúc như ẩn tàng trong nhau, xen kẽ và thấm nhập vào nhau. Những người tù như những con nai vàng lìa đàn, sống trong những cánh rừng già khô cằn lại khinh suất, coi thường hiểm nguy trước những thủ đoạn của đám thợ săn mồi, nhưng đã thoát được những cạm bẫy bủa vây chập chùng bởi ơn trên qua tình người nghĩa hiệp. Tôi đã vượt qua những hiểm nguy trong đời sống những năm tháng tù đày trong tinh thần tín thác, và nhận được những ân lộc một cách vô hình qua bàn tay của những tâm hồn cao thượng nên tôi thường giữ bình tĩnh khi gặp những khó khăn.

Dù ở trại này hay chuyển qua trại khác, những người tù vẫn nhẫn nhục, kiên tâm khi lao động khổ sai dưới mũi súng Công an. Tuy nhiên, sự đày ải và bóc lột vô độ của Việt Cộng theo năm tháng đã bị nhiều quốc gia lên án là một chế độ vi phạm nhân quyền, khiến đảng Cộng Sản Việt Nam bị cô lập với thế giới trong lúc nền kinh tế vào thập niên 1980 bị suy thoái trầm trọng. Do đó, dưới áp lực quốc tế về nhân quyền, và đảng Cộng Sản Việt Nam cũng muốn cứu vãn chế độ với nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa đang lao xuống vực thẳm, nên đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải thả tù từng đợt.

Sau hai ba đợt thả tù, cuối Tháng Tám 1980 tôi được thả khi đang lao động ở trại tù Cây Cày B. Rời trại tù biên giới lúc 7 giờ sáng, sau nhiều lần đổi từ xe ôm sang xe lam ba bánh và xe đò, tôi về đến ngã tư Bảy Hiền, lúc 8 giờ tối…

Bên ngoài Trại cải tạo Z30D, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận). Sau 1975, khoảng 2,000 cựu viên chức, quân nhân của chế độ cũ bị cải tạo tại đây. Đến năm 1988, phần lớn trong số đó đã ra khỏi trại. Nguồn ảnh và thông tin: Kienthuc.net.vn.

***

Sau lần vượt biển lần thứ ba tại cửa biển Rạch Giá và sống trong trại tỵ nạn Liemsing thuộc thành phố Choburi, Thái Lan được sáu tháng thì tôi được đại diện Sở di trú thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ phỏng vấn, chấp thuận cho định cư tại Hoa  Kỳ theo diện CAT A1. Để sớm ổn định đời sống, tôi vừa đi học vừa đi làm. Suốt tuần tôi bù đầu với công việc “loading” của hãng điện tử và bài vở của các lớp “evening class” tại San Jose College. Cuối tuần tôi ngủ vùi hoặc đến nhà bạn cùng lớp chơi bóng bàn, đôi khi dự tiệc cưới. Và trong tiệc cưới của cô em họ tại San Jose, tình cờ tôi gặp lại người bạn tù Trần Thọ Trường, chú rể là bạn cùng khóa phi hành với Trường xưa kia. Bất ngờ gặp lại nhau trên xứ người, hai chúng tôi kể cho nhau những gian nan khi vượt biên và nhắc đến những ngày còn sống trong tù…

-Tôi sẽ gửi cho ông bản báo cáo của thằng H và thằng Á – Trường trợn mắt và gằn giọng nói.

-Ủa ông còn giữ và mang theo được à? – tôi hỏi.

-Sao lại không, tôi đã hứa mà, làm sao tôi quên được, khi đi vượt biên bị thấm nước hơi nhòe một tí, và Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đóng dấu tùm lum. Nhưng còn đọc được. Tôi sẽ gửi cho ông để nhớ những thằng khốn ấy, thế nào cũng có ngày” – Trường nói, rồi bỏ lửng câu nói giữa chừng và cười mỉm.

Xen lẫn câu chuyện vui của các thân hữu cô dâu chú rể bên ly rượu thơm ngon là những lời mừng của các anh chị ngồi cạnh tôi và Trường khi biết hai chúng tôi là những người bạn tù, vượt biên và vô tình gặp lại nhau trong tiệc cưới. Sau ngày gặp nhau tại tiệc cưới, Trường gửi cho tôi bản báo cáo Trường đã cất giấu và mang theo khi đi vượt biên. Bản báo cáo được đóng dấu kiểm soát của Chỉ huy trưởng Trại tỵ nạn Paula Bidong, Kuala Terengganu, Terengganu thuộc Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.

(Từ phải qua trái) Cựu tù nhân các trại tù: Kà Tum, Cây Cày A, Cây Cày B, Bàu Cỏ: Trần Thọ Trường, Chu Văn Huy, Nguyễn Viết Hùng, Võ Tư, Trương Kỉnh Thành, Ara Nguyễn Phát, Bùi Quang Hùng tại mặt tiền nhà hàng Ponoma, thành phố San Jose, miền Bắc California ngày 27 Tháng Ba 2016 nhân dịp cựu tù Nguyễn Phát từ Bỉ quốc sang thăm các anh em cựu tù đang định cư tại tiểu bang California.

***

Đại dịch vẫn đang đe dọa khắp năm châu. Thành phố tôi cư ngụ cũng không thoát được thảm cảnh ly biệt âm thầm, cô đơn. Tôi cảm nghiệm được những mất mát đau thương và sự mỏng dòn của thân phận con người trước một vi sinh vật đã lấy đi bao nhiêu sinh mạng con người, trong đó có những người bạn tù, và tôi cũng thấy được tình người đối với tha nhân thật cao quý trước những khổ đau và ly biệt trong những năm tháng đại dịch.

Nếu không gặp lại người bạn cựu tù Trần Thọ Trường, có lẽ những năm tháng khốn cùng trong lao tù Việt Cộng và những hành động của vài ba con sói lạc vào đàn chiên vẫn ngủ yên trong ký ức của tôi. Những bất hạnh, những nhục hình mà người tù ngày xưa cũng như ngày nay, đã và đang gánh chịu trong các trại tù khổ sai của đảng Cộng Sản Việt Nam ở những vùng đèo heo hút gió, trong các vùng rừng núi đầy sương lam chướng khí đã bất chợt thức dậy trong tâm trí khi tôi gặp lại và nhận được bản báo cáo năm xưa từ người bạn cựu tù.  Những oan khiên và khổ đau của vết hằn Tháng Tư đen đã khiến chúng tôi nhớ đến nhau trong đời sống.

Thời tiết của ngày tháng giao mùa làm cảnh vật đổi thay. Buổi sáng ngày cuối tuần chưa thức giấc. Tôi ngồi trước máy vi tính nhìn ra sân sau qua cửa kiếng. Dưới ánh điện mờ như ánh trăng của khu vườn, những cánh hoa chao đảo rồi rơi xuống đất theo làn gió. Không gian buổi sớm mai cuối tuần mùa đại dịch thật trầm mặc, làm cho khu vực nhà tôi thêm thanh vắng. Tôi ngồi gõ từng chữ trên bàn phím như một nén hương lòng tưởng nhớ đến anh linh những nạn nhân của đảng Cộng Sản Việt Nam và người bạn cựu tù của tôi năm xưa – một người tù bất khuất sống bên tôi, một người thường nhắc đến những ngày vui buồn, những hy vọng sẽ đến với quê hương…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: