Những tích tắc của số phận (2)

CHẲNG CÒN LO ÂU GÌ NỮA
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Những tích tắc của số phận (2)
/

Cuộc “di tản chiến thuật” triệt thoái quân đội ra khỏi cao nguyên xuống Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên để “tái phối trí” lực lượng được coi là thảm bại lớn nhất của VNCH từ trước đến nay.

VNCH tạo được yếu tố bất ngờ khi chọn đường rút lui là Quốc lộ 7 bỏ phế không dùng từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đoàn quân di chuyển rất chậm vì công binh phải sửa đường và cầu cho người và cơ giới đi qua trong điều kiện thời tiết khó khăn, và dân chúng ùn ùn bám theo đoàn quân để tránh nạn Cộng sản. Rồi Cộng quân cũng bắt kịp đoàn người di tản và ra tay tấn công kịch liệt khiến vô số quân và dân bỏ xác dọc đường. Khi đến đích, các đơn vị chiến đấu đều tan rã.

Chỉ mới một tuần mà thế cuộc xoay vần như một cơn ác mộng. Ban Mê Thuột thất thủ và cao nguyên rơi vào tay Cộng sản. Có tin đồn VNCH sẽ bỏ Vùng I Chiến thuật và giao thêm vùng đất từ Qui Nhơn trở ra cho Cộng sản. Nếu thế, Huế và Đà Nẵng, nơi phần lớn họ hàng nhà tôi ở, sẽ nằm sau bức màn sắt; năm 1954 khi đất nước chia đôi những người bà con đó đã một lần di cư từ Quảng Bình vào Nam để khỏi sống dưới ách Cộng sản. Và khi nào đến lượt Sài gòn, đến lượt tôi?

Ở nhà tôi, bữa cơm tối linh hoạt và ấm cúng ngày nào nay lặng lẽ và tẻ ngắt. Quỳnh Châu và em Bình không còn chuyện trò giòn giã, và hai em nhỏ nhất là Lâm và Trọng cắm cúi ăn và ăn xong là đứng dậy dắt tay cháu Dưỡng lên phòng. Dưỡng đã ăn cơm với cha ở nhà trên và đứng lảng vảng chờ hai chú. Lâm năm nay mười bảy tuổi học trường trung học Nguyễn Du cạnh cổng sau cư xá; Trọng mười lăm tuổi học trường trung học Đồng Tiến trên đường Nguyễn Tri Phương nối dài; và Dưỡng tám tuổi học trường tiểu học Bắc Hải cạnh cổng trước của cư xá.

Tôi ráng giữ thái độ bình thản để người thân khỏi bận lòng, nhưng vẻ mặt bơ phờ ưu tư của tôi không che mắt được ai; mẹ thở dài ái ngại,

-“Mi ráng ăn, không ngon miệng cũng phải ăn cho nhớ bữa.”

Đợi Quỳnh Châu và em Bình dọn bàn xong, tôi đứng dậy lấy xe dắt ra ngoài. Quỳnh Châu vội theo tôi ra cửa, chìa má cho tôi hôn từ giã, và không nói một lời, đôi mắt nàng buồn rười rượi. Tôi chạy xe loanh quanh, không biết mình muốn tới đâu, và cuối cùng thấy mình dừng xe trước nhà trọ thằng Tú. Nó chào tôi với nụ cười héo hắt,

-“Tao tính chạy vào nhà mày đây. Bỗng dưng muốn gặp một thằng bạn, không biết để làm gì.  Mẹ nó, ‘ông’ có cảm tưởng như là tên tử tù chờ ngày lên đoạn đầu đài.”

-“Tử tù còn biết được lúc nào nào lên máy chém, còn tụi mình thì bắt phải hồi hộp đợi chờ.  Tao tính rủ mày đi ăn nghêu uống bia giải buồn đây.”

-“Ừ, đi thì đi. Mày tính đi đâu?”

Từ khi thằng Tú giải ngũ về Sài Gòn đến nay, đây là lần đầu tiên nó phá cách nhận lời mời ra ngoài ăn nhậu với tôi. Thường thì nó vờ kể khổ, “Thôi miễn cho tao, ‘ông’ đau như thế này, cái chân què như thế này, đi đứng chả tiện tí nào.” Khi vui hơn thì nó cười cợt, “Uống bia với mày rồi ‘ông’ quen thói, mai mốt không có mà uống thì đâm ra thiếu thốn thèm thuồng; thôi tao ở nhà cho rồi.”

Hai thằng đi nhậu nghêu hấp bên lề đường Nguyễn Tri Phương và nói chuyện về thằng Song và thuở ba thằng mới về Sài Gòn học. Dạo đó, thằng Tú học Luật và bị thằng Song chê là “dân tỉnh lẻ” vì dáng điệu nghiêm trang, lối phục sức chỉnh tề, và cặp kính cận màu xanh vừa là kính mát (mắc tiền hơn kính cận thường) của nó. Sinh viên năm thứ nhất đại học phải làm dáng trí thức, đọc tiểu thuyết hiện sinh “cuộc đời phi lý và buồn nôn,” cố làm ra vẻ nổi loạn bất cần đời, và khiến bề ngoài của mình càng nhàu nhò tồi tàn càng tốt; ai mà… đứng đắn đàng hoàng như nó?

Thằng Song nói trông thằng Tú giống như cụ Lý chọn được ngày lành tháng tốt để xuất du ra chốn thành đô và gặp ai cũng khúm núm cúi đầu, “Thưa ông, cháu là Lý Toét ở quê ra.”  Con giun xéo mãi cũng oằn, và hơn nữa thằng Tú hiền lành nhưng không phải là tay kém cỏi. Một hôm “cụ Lý” ra chiêu phản pháo bằng hai câu thơ thật… thâm thúy khiến thằng Song cứng họng,

Cụ Lý giơ tay mó củ bìu,

Bèn đưa lên mũi thấy đìu hiu.

Thằng bạn cựu chiến binh chống đôi nạng gỗ đi học Văn khoa vẫn bị thằng Song chọc ghẹo và chế giễu như thường, “bác nhà quê tỉnh lẻ” trở thành “thằng què giết giặc.” Khi thằng Tú mang chân nhân tạo và đi đứng khá bình thường, thằng Song nghĩ ra câu đùa bỡn mới,

-“Vậy là từ nay ‘Ngày Trở Về,’ không còn có anh nông phu chống nạng cày bừa mà chỉ có anh thôn phu ấy vợ dàng trời.” “Thôn phu” là người đàn ông ở thôn quê.

-“Mày nói quá đáng, có ít xít ra nhiều. Trong quân y viện, tao nghe mấy thằng thương bệnh binh kháo nhau nếu bị cưa chân quá đầu gối thì kể như chuyện ấy đi đong; chân què này hết còn làm ăn gì được nữa rồi chúng mày ạ,” thằng Tú mỉm cười cãi.

-“Nhưng mày chỉ cụt một chân, còn sức lực ít nhất là năm mươi phần trăm. Vậy thì đổi thành có anh sinh viên ấy’ vợ hàng tuần. Khà khà.”

Tôi mới gặp thằng Song tháng trước. Nó từ Pleiku về Sài Gòn công tác, nói khéo với Quỳnh Châu để rủ tôi đi chơi qua đêm, và đưa tôi đi uống bia ở quán bia gần góc đường Trần Quốc Toản và Sư Vạn Hạnh. Thằng Tú thuật lại thuở nó học chung với thằng Song và vợ là Ngự Thanh,

-“Con Thanh lớn hơn thằng Song một tuổi. Nó là hoa hậu trường trung học Pleiku, chỉ chấm một mình thằng láu cá học giỏi nhất trường đó, và giữ riệt không cho nó léng phéng với con nhỏ nào khác. Hai đứa như chim liền cánh cây liền cành, cho đến khi thằng Song đậu Tú tài II và đậu vào trường Điện với mày. Con Thanh thi rớt Tú tài II, ở lại Pleiku, và xin làm giáo viên dạy tiểu học.”

Phần tiếp theo của mối tình đó thì tôi biết rõ. Trong thời gian học ở trường Điện, tôi và thằng Song chia sẻ mọi thứ và không giấu nhau điều gì, kể cả chuyện tình cảm riêng tư.  Ngày nào Ngự Thanh cũng viết thư cho nó, thư nào thư nấy dày cộm chi chít những hàng chữ nắn nót và rắn rỏi trên giấy học trò kẻ ô.

Viết thư trả lời là công việc quan trọng nhất trong ngày, có lần chiều thứ Sáu thằng Song mua cuốn vở một trăm trang, để nguyên cuối tuần viết thư cho “vợ” (khi nói chuyện với bạn bè nó gọi nàng như thế), và sáng thứ Hai ra bưu điện gửi nguyên cuốn vở cho nàng. Nó hay đưa thư nàng cho tôi đọc, nhất là khi thư có đoạn vừa ý, nhưng tôi chỉ liếc sơ qua vài dòng đầu, đưa trả thư, và cười nhạo,

-“Thư tình chỉ hay ho giữa hai kẻ mê nhau chết bỏ. Đối với kẻ vô can vô cớ vô tội như tao, lời lẽ tình tứ ướt át nồng nàn lâm ly bi đát của tụi mày không hơn tiểu thuyết tâm lý xã hội của Bà Tuyền Lương bao nhiêu.”

Giữa năm đệ tứ niên của nó, các bạn trong trường vô cùng ngạc nhiên khi thấy sau kỳ nghỉ về nhà ăn Tết, nó về Sài Gòn với ngón tay đeo nhẫn cưới: Nó cưới Ngự Thanh mà không đợi đại đăng khoa (thi đậu) rồi mới đến tiểu đăng khoa (lấy vợ) như nhiều người khác. Nó nói vắn tắt, xem như chẳng có gì quan trọng,

-“Mạ tao nói lấy vợ phải lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha. Bà ưng thì để bà làm, bên nhà con Ngự Thanh cũng muốn vậy, mất chi mà cản.”

Thằng Song nay là một người cầm đầu ty Điện lực Pleiku. Nó và Ngự Thanh có hai cậu con trai kháu khỉnh, đứa lớn lên năm và đứa nhỏ lên ba. Nhìn đồng hồ thấy còn sớm, tôi định gọi thêm bia “33” nhưng thằng Tú xua tay,

-“Mày uống thêm thì uống chứ tao đủ đô (dose) rồi. Tao hỏi mày tại sao thằng quỷ sứ Song nhất định tử thủ Pleiku mà không lo mang vợ con chạy thoát lấy thân?”

-“Làm sao tao biết được? Kể mày nghe, lúc còn ở trường hai thằng tao viết chung cái truyện ngắn đưa đăng trong đặc san xuân sinh viên Cao đẳng Điện học; hy vọng câu chuyện giả tưởng ngày trước không lung lạc quyết định của nó,

Một chàng kỹ sư trẻ phụ trách nhà máy điện chạy bằng động cơ đi-ê-zen (diesel) cung cấp điện cho một thành phố nhỏ ở miền đèo heo hút gió. Rồi thành phố sắp bị giặc tấn công.  Trước thế địch quá mạnh, quân ta quyết định triệt thoái để bảo toàn lực lượng, và dân chúng lũ lượt bồng bế nhau đi theo và di chuyển về vùng an toàn. Chàng kỹ sư cùng với anh thợ trẻ thân tín nán lại, tiếp tục điều hành nhà máy, và giữ đèn điện ngoài đường và trong nhà sáng trưng để dân chúng dễ dàng sắp xếp đồ đạc và vật dụng mang theo.

Khi gia đình cuối cùng rời khỏi thành phố, hai thầy trò tắt cỗ máy điện, hì hục mở động cơ, lấy ra con heo dầu tức là bộ phận điều tiết dầu mà nếu không có cỗ máy không thể hoạt động, và mang chôn dấu trước khi tìm cách thoát khỏi vòng vây của địch đang thắt chặt. Hai người trốn thoát khỏi tay giặc, nhưng bị quân ta tưởng nhầm là địch quân và bắn chết.

Thằng Tú xúc động,

-“Thị xã Pleiku có điện cho đến ngày cuối cùng trước khi thất thủ. Rõ ràng thằng Song hành động giống như thằng kỹ sư trong truyện, mày thấy không?”

-“Tao mong nó gặp may mắn hơn,” nước mắt tôi rưng rưng.

-“Lấy con heo dầu để địch không thể sử dụng nhà máy thì tao hiểu. Nhưng tại sao không hủy phá hay vứt mẹ xuống sông cho mất biệt mà mất công chôn dấu?” bạn tôi băn khoăn.

-“Vì nghĩ rằng khi quân ta tái chiếm thành phố và dân chúng trở về sinh sống, hắn ta sẽ lấy lại con heo dầu, ráp vào máy, và tiếp tục phục vụ khách hàng theo trách vụ người kỹ sư.”

Hồi đó, tôi và thằng Song còn viết chung truyện dài Một Mai Hòa Bình. Truyện kể, khi thanh bình trở về với đất nước, hai người bạn nối khố cùng nhau phiêu du từ Nam ra Bắc trên chiếc xe Jeep mở mui trần, lái dọc theo Quốc lộ 1, và viếng thăm từng địa điểm dọc đường.  Họ thưởng thức những món ăn địa phương, thăm những thắng cảnh quê hương, kết giao bằng hữu, và có khi vấn vương tình cảm lưu luyến. Viết xong, tôi và thằng Song dịch ra tiếng Anh và nhờ anh bạn Leon người Mỹ trong đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế của tôi hiệu chính. Trước khi chia tay, thằng Tú kề tai tôi nói nhỏ,

-“Này này hôm trước thằng bạn Biệt động quân ghé thăm tao, tao biểu nó kiếm cho tao vài quả lựu đạn, và hôm qua nó mang tới một tá. Bọn Cộng đánh tới đây, tao không có súng để chơi lại AK-47, nhưng với mấy quả lựu đạn, có đi ‘ông’ cũng kéo theo dăm bảy thằng. Giờ ‘ông’ yên chí rồi, chẳng còn lo âu gì nữa!”

-“Tao cũng tính vậy, rõ ràng chí lớn gặp nhau,” tôi gật gù.

-“Mày cần không, tao chia cho một nửa?”

-“Không, hồi tối đến tìm mày là tao định hỏi mày câu tương tự. Thằng Thắng Nhảy Dù vừa cho tao một thùng.”

-“Sư mày, sao không nói ngay để ‘ông’ khỏi phải đi uống bia với mày cho quen thói?”

Tôi thấy nhẹ nhõm trong lòng. Que Será, Será (Việc gì đến, sẽ đến). Khi cuộc chiến đấu tối hậu xảy đến, giặc dữ vào đây, tuy tôi sẽ khó lòng ra đi nhẹ nhàng như mong muốn, nhưng đã có phương tiện để không chịu khuất phục làm kẻ thua trận ngàn đời. Chẳng còn lo âu gì nữa!

CÒN TIẾP

Những tích tắc của số phận

________________

Những Tích Tắc của Số Phận kể lại những câu chuyện mà tác giả đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại trong khoảng thời gian quanh biến cố 30 Tháng Tư 1975, ngày đau thương nhất của đất nước trong lịch sử cận đại. Tập truyện không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử.

Tác giả dùng nhân vật xưng “tôi” như nhân chứng thuật lại chuyện xưa; nhân vật này không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự của bạn bè cùng thời. Mọi nhân vật khác đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào.

Tác giả Nguyễn Ngọc Hoa là bút hiệu của một kỹ sư hồi hưu. Tác giả sinh năm 1947 ở Quảng Bình, di cư vào Nam năm 1954, và hầu như lớn lên ở Huế. Học trung học ở Huế và Ban Mê Thuột; kỹ thuật điện ở Trung tâm Quốc Gia Kỹ thuật, Sài Gòn; và điện tử và viễn thông ở Đại học Khoa học Sài Gòn. Ông là giảng viên vật lý và kỹ thuật điện tại một số đại học y khoa và kỹ thuật ở Sài Gòn trước 1975; sang Hoa Kỳ tỵ nạn năm 1975; định cư tại Bismarck, North Dakota; Lần lượt học quản trị xí nghiệp, quản trị công quyền, và kinh tế ở University of North Dakota; Làm chuyên viên kế hoạch cho một công ty tiện ích đến năm 2012 thì về hưu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: