Những tích tắc của số phận (3)

CHỈ CÓ MỖI MỘT CON ĐƯỜNG
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Những tích tắc của số phận (3)
/

Chiều hôm ấy, thứ Sáu mồng 4 Tháng Tư, tôi làm việc ở trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Đức trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận gần phi trường Tân Sơn Nhứt. Tôi tổng kết điểm thi thực tập cuối năm và phác họa những dự án cần thực hiện trong kỳ nghỉ hè sắp tới với Dân. Dân tốt nghiệp kỹ sư điện cơ khóa đầu tiên của Minh Đức và được giữ lại trường làm Phụ tá Trưởng phòng Máy Điện từ đầu năm nay. Công việc xong, Dân ngượng nghịu đưa cho tôi tấm thiệp báo hỉ,

-“Gia đình con bồ em giục làm đám cưới gấp vì người ta đồn Việt Cộng vào sẽ bắt con gái lấy thương binh tụi nó. Thầy cô tới dự với em cho vui.”

Bỗng có tiếng la rất lớn bên ngoài, “Máy bay rớt, máy bay rớt bà con ơi!” Tôi và Dân chạy ra và ngước mặt lên nhìn về hướng phi trường. Trên nền trời mây xám, chiếc máy bay quân sự C-5A bốc khói và lảo đảo cố bay lên. Cửa lớn đằng sau đuôi mở xuôi xuống, người và đồ đạc tuôn ra lả tả thành những vệt đen dài rải rác một góc trời. C-5A là loại phi cơ vận tải lớn nhất của quân đội Hoa kỳ, và đó là chuyến bay đầu tiên chở cô nhi sang Hoa Kỳ làm con nuôi theo chiến dịch Không vận Ấu nhi (Operation Babylift) mà báo chí đăng tải và bình luận trong mấy ngày qua.

Cảnh tượng chết thảm của cả trăm trẻ em rơi từ độ cao bảy ngàn thước xuống đất ám ảnh tôi cả cuối tuần. Tôi nằm ngủ mơ thấy em Định máu me đầy mình, em khóc nói, “Họ ác lắm anh ơi, anh chạy đi cho mau”. Em tôi tu tập và săn sóc cô nhi ở chùa Pháp Hải Ninh Hòa, nhưng mấy tuần nay không có tin tức của em. Sáng thứ Hai, tôi dạy ở Ngành Điện của Đại học Kỹ thuật Thủ Đức ở Phú Thọ, lên giảng đường nhưng không xách theo cặp da như thường ngày, và ấp úng câu nói soạn sẵn trong đầu,

-“Cám ơn các anh chị đã chăm chỉ học hành trong lục cá nguyệt vừa qua. Trong tình thế này, tôi rất tiếc không còn tinh thần để giảng dạy. Kể từ giờ phút này, khóa học của chúng ta kết thúc,” và trước hơn sáu mươi khuôn mặt trẻ ngỡ ngàng, tôi nói thêm, “Mời các anh chị xuống Phòng Giáo sư dùng cà phê trước khi mình chia tay.”

Trong Phòng Giáo sư, tôi để sẵn hai bình lọc cà-phê tự động lớn người Mỹ dùng trong các cafeteria mà tôi tha về trong chuyến ra Nha Trang giúp mẹ dọn nhà. Mẹ muốn đem cho hay liệng bỏ nhưng tôi tiếc của đời vác về Sài Gòn dùng ở trường. Hôm qua tôi ra quán Cà-phê Nhân mua năm kí cà-phê xay sẵn và ghé tiệm tạp hóa mua một chục hộp sữa Ông Thọ, vậy là buổi tiệc giã từ sẵn sàng. Vài sinh viên tẽn tò thú nhận đây là lần đầu tiên được thưởng thức cà phê, chắc hẳn là món xa xí đối với học trò nghèo.

Các em đứng xúm xít quanh tôi và nôn nóng hỏi về hiện tình đất nước mà ước gì tôi có câu trả lời. Trong trường xầm xì về hai giáo sư có vợ ngoại quốc đã theo vợ về nước và vài giáo sư du học Hoa Kỳ về, hàng ngày ra Tòa Đại sứ đội nắng xếp hàng xin được bốc đi; các em hỏi tôi,

-“Thầy có tính đi ngoại quốc như các thầy đó không?”

-“Tôi ở lại Sài Gòn đến ngày cuối cùng, nhưng sẽ không bao giờ sống chung với Cộng sản,” tôi trả lời không do dự.

Trong lớp này có Thận là anh trung úy Công binh người Nam được quân đội gửi đến học.  Thận ngoài ba mươi tuổi, học giỏi, và thường ngày lễ độ, nhưng hôm nay anh gay gắt chất vấn tôi,

-“‘Phe bên kia’ vào đây, đất nước thống nhất và hòa bình; sao thầy ra đi?”

-“Vì không thể sống với kẻ thù.”

-“Thầy còn trẻ và chưa từng ở trong quân đội, làm sao có thể xem họ là kẻ thù không đợi trời chung?”

-“Tôi sinh ra ở Quảng Bình phía Bắc vĩ tuyến 17. Năm 1954, sau hiệp định Genève chia cắt đất nước, tôi di cư vào Nam để trốn tránh họ.”

Thận không bị thuyết phục dễ dàng,

-“Lúc đó thầy còn nhỏ, di cư theo người lớn chứ không phải vì thù ghét Cộng sản.”

-“Giữa tôi và họ có một mối thù sâu nặng. Thay vì di cư, ông nội tôi chọn ở lại quê nhà để ‘sống thờ phụng ông bà và giữ gìn mồ mả tổ tiên, thác chôn nơi quê cha đất tổ.’ Họ buộc ông tôi vào tội địa chủ, đấu tố và sát hại, và chiếm đoạt nhà cửa ruộng vườn. Dưới chiêu bài cải cách ruộng đất, ông Hà và chính quyền miền Bắc ra tay giết người cướp của, số nạn nhân như ông tôi lên tới hàng trăm ngàn người.”

-“Biết đâu Cộng sản năm 1975 đổi khác thầy ơi,” Thận dịu giọng.

-“Anh cứ tưởng tượng họ áp đặt vào miền Nam chính sách hiện tại ở miền Bắc như không có quyền tư hữu, tự do tôn giáo, hay tự do ngôn luận. Xã hội miền Nam của chúng ta sẽ bị đảo lộn và khốn khổ đến mức nào? Thí dụ, không có quyền tư hữu nghĩa là tiền bạc của cải anh dành dụm cả đời hay cha ông để lại, hôm trước là của gia đình anh, hôm sau bị cướp đoạt ngang xương bằng cách tuyên phán là của nhân dân tức là của đảng. Làm sao sống nổi?”

Thận gắng gượng bào chữa,

-“Dầu gì đi nữa, ‘phe bên kia’ cũng là người Việt máu đỏ da vàng…”

-“Nhưng không có nhân tính và cực kỳ xảo quyệt,” tôi ngắt lời anh và cất cao giọng, “Tôi tin lời ông Thiện, đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm. Riêng tôi, khi còn là sinh viên trường Điện như các anh chị, đôi khi tôi lén mở radio bắt ‘đài bá âm’ Hà Nội xem đời sống ngoài Bắc ra sao. Một đêm, trong thời kỳ không quân Hoa Kỳ oanh tạc Bắc Việt dữ dội, tôi bắt được bản tin,

“Một đồng chí tiều phu ở Thái Nguyên tên Xyzt vác rựa và đòn gánh lên rừng đốn củi. Nhân ở trên núi cao ngang tầm với máy bay và trông thấy chiếc máy bay ném bom siêu âm tầm xa Con Ma [tức là phi cơ chiến đấu F-4 Phantom do hãng McDonnell Douglas chế tạo] bay qua, đồng chí Xyzt bèn nhanh trí đưa đòn gánh thọc lên trời, tức thì hạ được chiếc Con Ma, và anh hùng dùng rựa chế ngự hai thằng ‘giặc lái’ và bắt trói chúng giải về thành nộp cho công an.”

*****

Chiều thứ Ba, thầy Phong vào Phú Thọ gặp tôi. Thầy là giáo sư bảo trợ luận án tiến sĩ kỹ sư của tôi ở Đại học Khoa học Sài Gòn, Trưởng ban Điện ở Khoa học Kỹ thuật Minh Đức, và đồng thời là bạn tâm giao. Thầy đưa cho tôi văn thư của bộ Ngoại giao Úc; tôi đọc qua và ngạc nhiên,

-“Làm sao có chuyện may mắn này? Em có xoay xở xin xỏ gì đâu mà Úc thông báo nhận gia đình em vào nước họ?”

-“Trước đây ít lâu, tôi liên lạc với cô vợ cũ Emily ở Melbourne và nhờ tìm cách giúp gia đình tôi ra khỏi Việt Nam. Tôi là cựu sinh viên du học Úc và đồng thời là cha đẻ của bé Oliver là công dân Úc. Sáng nay, ông tham vụ ngoại giao Tòa Đại sứ Úc đến trường Khoa học tìm tôi và đưa cho tôi hai cái văn thư, một cái cho tôi và một cái nhờ chuyển cho anh, yêu cầu mang gia đình đến trình diện Tòa Đại sứ để được cung cấp phương tiện di dân.”

Dạo cô Emily ở Sài Gòn, thầy Phong thường bận rộn nên hàng tuần nhờ tôi đưa cô đi nghe nhạc phòng trà. Cô có cảm tình đậm đà với tôi, ngày cuối cùng trước khi về Úc, tình cờ gặp tôi ngoài phố và bịn rịn từ biệt, và từ đó không có tin tức. Thầy giải thích,

-“Emily vận động với trường đại học cũ của tôi và bà con bạn bè để họ đứng ra bảo lãnh và thỉnh cầu chính phủ Úc giúp gia đình hai đứa mình di tản. Bộ Ngoại giao Úc chấp thuận và điện về Tòa Đại sứ ở Sài Gòn.”

“Nghĩa là thầy và em chỉ việc mang gia đình vào Tòa Đại sứ Úc và họ sẽ bốc mình đi?” tôi mừng khấp khởi dù chưa tin là thực.

-“Nếu dễ dàng như vậy thì ông tham vụ đã không thân chinh tới bàn chuyện với tôi. Vì liên hệ ngoại giao giữa Úc và VNCH hiện đang bất đồng căng thẳng, và đồng thời để ngăn chặn làn sóng người xin nhập cư sang Úc, chính phủ mình cô lập Tòa Đại sứ và chỉ cho phép nhân viên chính thức ra vào làm việc mà thôi.”

Sau hiệp định Genève, Úc công nhận VNCH về mặt pháp lý và không có liên hệ ngoại giao với miền Bắc. Năm 1962, Úc gửi một toán huấn luyện bộ binh đến giúp miền Nam và từ năm 1965, trực tiếp tham chiến với tư cách quân đội đồng minh. Tuy nhiên, cuối năm 1972, đảng Lao động thiên tả Úc thắng cử lên cầm quyền, thay đổi hoàn toàn chính sách ngoại giao, và công nhận chính quyền Hà Nội nhưng vẫn duy trì Tòa Đại sứ tại Sài Gòn. Thầy Phong ngao ngán thất vọng nhưng vẫn khuyên tôi,

-“Nếu anh có cách vượt qua trạm ngăn chặn của cảnh sát thì êm xuôi. Vào tới Tòa Đại sứ là mình đặt chân lên lãnh thổ Úc, họ sẽ lo liệu phần còn lại.”

Tôi chạy xe ngang qua Tòa Đại sứ Úc xem xét tình hình. Đoạn đường khoảng một trăm thước đầy vòng rào kẽm gai và ngựa sắt (tường cản kết bằng dây kẽm gai có bánh xe di chuyển), cảnh sát dã chiến võ trang đầy mình, và cảnh sát lưu thông xét hỏi gắt gao người và xe cộ ra vào. Về nhà, tôi thuật lại với mẹ và Quỳnh Châu, nàng nảy ra ý kiến,

“Hay là nhờ cha đóng bộ mang quân phục, lon lá, và huy chương đầy đủ như còn tại chức, ngồi trên xe anh lái đưa cả gia đình vào, và ra oai nồ mấy ông cảnh sát? Phải mạnh miệng làm dữ họ mới ngán và nhường đường.”

“Không được . Hồi nớ cha bây được tài đánh giặc và khoát nạt lính tráng và vợ con, chừ về hưu thì cong lưng rụt cổ có dám đi mà mong. Có ra ngoài thì cũng rụt lưỡi cứng họng, còn chút gan dạ mà làm oai làm tướng với ai,” mẹ gạt đi.

-“Vậy chồng không được gặp lại cô Emily yêu dấu, buồn năm phút ?” Quỳnh Châu nheo mắt và véo tay tôi.

Chuyện hụt đi Úc tới tai cha, tối tối cha sai thằng Trọng út ra quán mua một xị đế rồi bắc ghế ngoài bao lơn ngồi uống và mở máy mắng ra rả,

“Trí thức có học mà ngu xuẩn nghe lời Cộng sản tuyên truyền, uổng công tau nuôi ăn học tới giáo sư đại học! Ngày nào thằng Thiện còn thì miền Nam không thể mất, sớm muộn chi hắn cũng tìm ra giải pháp chính trị thỏa đáng.”

Tôi nghe chửi một tuần thì được giải ách; đài phát thanh đọc thông cáo cho biết mọi công dân Việt Nam ngoài hạn tuổi quân dịch, không can án, và không thiếu thuế đều được phép xuất ngoại nếu có đơn xin. Đó là luật lệ hiện hành và được công bố có lẽ để trấn an dân chúng. Cha mừng rỡ sai thằng Sang em kế tôi,

-“Mi đem giấy tờ đi làm thủ tục và mua vé máy bay cho tau đi Pháp, có nhiều bà con bên nớ.  Nếu không tau đi Mỹ ở với thằng Triết cũng được.”

Thằng Sang là sĩ quan Pháo binh từ Phan Thiết chạy về, đôi ba ngày vào Bộ Tư lệnh Pháo binh trung ương trình diện một lần để khỏi lo bị kết tội đào ngũ, và ngoài ra rảnh rỗi nằm nhà. Em Triết kế nó đang du học ở tiểu bang Texas. Thằng Sang vâng lệnh cha lấy xe Honda ra đi và chiều tối về báo cáo,

-“Con lên Bộ Nội vụ đứng sắp hàng chờ cả ngày. Đến phiên con hỏi thì họ nói chưa có nhân viên để điều tra và cứu xét giấy tờ và hẹn ngày mồng một tháng Năm trở lại.”

Tôi biết thằng Sang không hề đi hỏi tin tức mà lên gần cổng Bộ Nội vụ trên đường Nguyễn Du ngồi uống cà-phê vỉa hè và tán dóc với mấy thằng đệ tử Phan Thiết. Tôi và cha hầu như bất đồng ý kiến về mọi khía cạnh của cuộc đời, tôi chỉ câm miệng hến không dám nói ra.  Tuy nhiên, có một điểm tôi đồng ý với cha: Trong tình thế này, chỉ có mỗi một con đường để sống còn – thoát khỏi Sài Gòn bằng bất cứ giá nào.

CÒN TIẾP

Những tích tắc của số phận

________________

Những Tích Tắc của Số Phận kể lại những câu chuyện mà tác giả đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại trong khoảng thời gian quanh biến cố 30 Tháng Tư 1975, ngày đau thương nhất của đất nước trong lịch sử cận đại. Tập truyện không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử.

Tác giả dùng nhân vật xưng “tôi” như nhân chứng thuật lại chuyện xưa; nhân vật này không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự của bạn bè cùng thời. Mọi nhân vật khác đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào.

Tác giả Nguyễn Ngọc Hoa là bút hiệu của một kỹ sư hồi hưu. Tác giả sinh năm 1947 ở Quảng Bình, di cư vào Nam năm 1954, và hầu như lớn lên ở Huế. Học trung học ở Huế và Ban Mê Thuột; kỹ thuật điện ở Trung tâm Quốc Gia Kỹ thuật, Sài Gòn; và điện tử và viễn thông ở Đại học Khoa học Sài Gòn. Ông là giảng viên vật lý và kỹ thuật điện tại một số đại học y khoa và kỹ thuật ở Sài Gòn trước 1975; sang Hoa Kỳ tỵ nạn năm 1975; định cư tại Bismarck, North Dakota; Lần lượt học quản trị xí nghiệp, quản trị công quyền, và kinh tế ở University of North Dakota; Làm chuyên viên kế hoạch cho một công ty tiện ích đến năm 2012 thì về hưu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: