Lịch sử nhìn từ nhân chứng của “bên thua cuộc”

HỌC PHÍ “ĐẠI HỌC” TRẢ BẰNG MÁU
Những sĩ quan VNCH bị triệu tập đi “học tập cải tạo”, thực chất là đi tù với đời sống lưu đày nghiệt ngã dưới chính sách tàn bạo của cộng sản thời hậu chiến (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

Những người viết sách của “bên thua cuộc” là những nhân chứng sống của một thời. Hơn thế nữa, để có một nơi chốn bình yên viết những cuốn sách này, họ đã phải đối mặt với những hiểm nguy tính mạng, với sự vi phạm nhân quyền và những đắng cay, cơ cực tưởng chừng không thể vượt qua.

“Đại học máu” là cuốn sách của tác giả Hà Thúc Sinh ghi chép lại những tháng ngày đi “học tập cải tạo” của bản thân. “Học tập cải tạo” là một chủ trương của chính quyền cộng sản Việt Nam thực hiện đối với binh lính chế độ Việt Nam Cộng hòa hay những người tham gia phục vụ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước 1975. Chủ trương này lấy hình mẫu từ trại cải tạo lao động của Liên Xô trước đây. Chỉ một thời gian rất ngắn sau ngày 30 Tháng Tư 1975, có ba thông cáo ký tên Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định vào các ngày 10 Tháng Sáu, ngày 11 Tháng Sáu và ngày 20 Tháng Sáu lần lượt được thông báo.

Những công chức, quân nhân của chế độ Việt Nam cộng hòa được gọi trình diện để đi “học tập cải tạo”. Ngoài những thông tin cụ thể, rõ ràng về ngày giờ, địa điểm đến trình diện, thì theo như thông cáo, những người đi học tập cải tạo là quân nhân phải “đem theo đầy đủ giấy, bút, quần áo, mùng mền, vật dụng cá nhân, đồ ăn hoặc tiền bạc để dùng trong mười ngày, kể từ ngày tập trung trình diện” (theo thông cáo ngày 20 Tháng Sáu 1975).

Thương phế binh VNCH cũng bị bắt đi “học tập cải tạo” (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

Riêng đối với các sĩ quan cao cấp trong quân đội và cảnh sát, các vị dân biểu, các nhân vật lãnh đạo các đảng phái tại miền Nam, thì được lệnh phải “đem theo đầy đủ giấy, bút, quần áo, mùng mền, vật dụng cá nhân, đồ ăn hoặc tiền bạc để dùng trong một tháng kể từ ngày học tập đầu tiên” (theo thông cáo ngày 11 Tháng Sáu 1975). Nhưng rồi mười ngày hay một tháng đã thành vài năm, mười năm hay lâu hơn thế, và đã có những người nằm xuống vĩnh viễn trong những trại cải tạo, không một lần kịp gặp lại vợ con, người thân trong gia đình. Một số người khác được trả tự do nhưng cũng nằm xuống trong những chuyến vượt biển để tìm kiếm một miền đất khác, thoát khỏi những gông cùm, kìm kẹp.

Bản tường trình Tháng Tư 1983 của Ginetta Sagan và Stephen Denney (tổ chức Aurora Foundation), dựa trên những kết quả điều tra và phỏng vấn thực tế, cho biết:

“Rất ít, nếu có, người đi học tập cải tạo được thả về sau thời hạn mười ngày hay một tháng… Trong số hơn một triệu người đã đi vào các trại học tập cải tạo (trên 150 trại rải rác khắp nước Việt Nam) thì có khoảng 500,000 người được trả tự do trong vòng ba tháng; 200,000 người đã ở trong trại từ hai năm đến bốn năm; 240,000 người đã phải chịu đựng ít nhất năm năm trong cảnh tù đày; và cho đến nay (Tháng Tư 1983) vẫn còn ít nhất là 60,000 người đang bị giam giữ…”.

Những con số ước lượng này cho thấy chính hai tác giả cũng rất thận trọng khi đưa ra các thông tin bởi lẽ họ được tiếp cận chưa đầy đủ. Trang web hinhanhlichsu.org có đưa ra các thông tin, hình ảnh và số liệu cụ thể hơn. Một thông tin khác là:

Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn một triệu người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443,360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng; 362 đại tá; 1,806 trung tá; 3,978 thiếu tá; 39,304 sĩ quan cấp uý; 35,564 cảnh sát; 1,932 nhân viên tình báo; 1,469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9,306 người trong các “đảng phái phản động” (theo Huy Đức, “Bên thắng cuộc”: I. Giải phóng. Boston: OsinBook, 2012, tr 37).

“Đại học máu” là cuốn sách dày 822 trang với 70 chương của tác giả Hà Thúc Sinh. Hà Thúc Sinh là một sĩ quan binh chủng Hải Quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sở dĩ cuốn sách có tên “Đại học máu” bởi lẽ nó kể về quãng thời gian 4 năm 7 tháng 14 ngày, tức 1,685 ngày, từ ngày 26 Tháng Sáu 1975 đến ngày 9 Tháng Hai 1980 mà tác giả trải qua trong bốn “trại học tập cải tạo”: Trảng Lớn, An Dưỡng, Suối Máu và Hàm Tân.

Đây là bốn năm học tập trả giá không chỉ bằng máu, mà còn bằng nỗi đau, sự khổ nhục và tuyệt vọng. Tháng Mười Một 1980, sau khi vượt thoát khỏi Việt Nam đến đảo Pulau Bidong của Malaysia, Hà Thúc Sinh bắt tay vào việc khởi thảo cuốn sách và đến Tháng Mười Hai 1984, tác giả hoàn tất bản thảo tại San Diego (California, Mỹ), nơi cuộc sống mới của tác giả bắt đầu. Năm 1985, cuốn sách được cơ sở Nhân Văn xuất bản.

Khi còn trầm luân trong những trại học tập cải tạo, tác giả Hà Thúc Sinh đã tự thề với bản thân rằng nếu may mắn sống sót trở về, chỉ xin “một đời làm thằng mõ không công”, viết về những tháng ngày khủng khiếp này, không chỉ cho bản thân mình, mà còn viết thay cho những người bạn, trong đó có những người đã vĩnh viễn nằm xuống, hoặc cho những người đã may mắn thoát khỏi nhưng đã đánh mất trí nhớ, hay vì một lẽ nào đó, họ không muốn nhớ đến nữa.

Đúng như nhan đề “Đại học máu”, tác giả Hà Thúc Sinh đã vẽ nên một bức tranh khốc liệt về sự phi nhân tính của chủ trương bắt những người lính, sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng hòa đi “học tập cải tạo”. Đó là sự quản lý khắc nghiệt và tàn nhẫn với những tù nhân mang danh là đi học tập cải tạo đi kèm với sự nhồi sọ tư tưởng.

Sự đối xử hành hạ của những quản giáo đối với tù nhân đi kèm với sự bớt xén khẩu phần ăn vốn đã nghèo nàn và ít ỏi. Sự lao động vất vả, cực nhọc của tù nhân đi kèm với những lời chửi rủa, miệt thị thô lỗ từ phía “bên thắng cuộc”… Trong môi trường ấy, có những người đã bán đứng bạn bè, đồng đội để có thể có chút thức ăn nhiều hơn, được thả tự do sớm hơn. Có những người suy sụp dần cả về thể chất và tinh thần để rồi thân xác nằm lại mảnh đất trại giam, không chờ được ngày về, bỏ lại vợ con nheo nhóc, khổ sở.

Cuốn sách được viết bằng văn phong chân thực và trần trụi. Nhưng chính sự chân thực, trần trụi đó khiến cho người đọc… gai cả người. Đó là cảnh chen chúc chật hẹp khi ngồi học tập. “Một trăm hai mươi “học viên” được dồn vào một “lớp học” gỗ mà trước kia người Mỹ dựng lên như một đơn vị phòng ngủ dành cho tám người. Người Việt Nam dù có nhỏ con hơn người Mỹ đi nữa, nhưng với một diện tích 15m x 5m cho một trăm hai mươi con người thì quả là tự điển Việt Nam không thể có một tính từ nào mô tả cho chỉnh tình trạng này.” (“Đại học máu” – chương 1 – trang 7).

Đó là những lời đe dọa thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc:

“Đừng nói đâu xa xôi, các anh cứ mở to mắt mà ngó đảng Cộng sản Kampuchea anh em của ta thì rõ. Sau ngày giải phóng Nam Vang, mọi sinh vật, kể cả chó mèo, nếu đã từng nếm mùi bơ thừa sữa cặn của bọn đế quốc tư bản phản động đều bị giết, giết hết, giết sạch. Nếu Đảng ta cũng ra tay theo đúng đường lối ấy thì liệu giờ này các anh còn được đứng nơi đây không? Tôi bảo thật, nếu cứ lấy câu châm ngôn mắt trả mắt, răng trả răng ra mà xử với các anh, thì tội của các anh không chỉ xử bắn bằng một viên đạn, mà mỗi người phải chịu xử bắn bằng 10 thùng đạn đại liên. Nhớ chưa? Bằng 10 thùng đạn… Để kết thúc bài học tập họp điểm danh, tên thủ phó không quên nhát ma thêm một điều nữa: Bất cứ ai lợi dụng chức năng đại diện tập thể để phát ngôn những lời lẽ gây phấn chấn tinh thần chống đối học tập cải tạo sẽ bị xử bắn!” (“Đại học máu” – chương 3 – trang 45).

Trong ký ức nhiều người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, đây không phải đạo quân chính nghĩa mà chỉ là những kẻ cướp (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

822 trang sách đẫm máu và nước mắt cùng với những oán hờn, cay đắng của những số phận con người bị đẩy vào cơn lốc xoáy của bi kịch, khi họ không có quyền định đoạt cuộc sống của mình. Chính vì vậy, trong lời nói đầu, tác giả Hà Thúc Sinh đã viết:

“Quyển sách này không thể là một tác phẩm tiểu thuyết văn chương, cũng không thể nằm trong hình thức một hồi ký chính trị hoặc một bút ký lao tù. Quyển sách này, thực tế, chỉ có thể được coi như một đống quặng mỏ, được khai quật và còn giữ nguyên hình thái chân thực của nó.

Hoặc có thể nói một cách khác, bảy mươi chương sách này có thể xem như bảy mươi tấm ảnh, được chụp liên tục và được rửa ra bởi một phó nháy may mắn và có tính tiếc của, nháy được bảy mươi hoàn cảnh buồn nhưng có ý nghĩa trong đời tù cải tạo dưới chế độ cộng sản. Hoặc có thể nói một cách khác hơn nữa, quyển sách này là bản phúc trình của một người lính Việt Nam Cộng hòa bị bỏ rơi, bị ở tù cộng sản, rồi thoát được ra ngoài, ngồi viết lại để kính gửi tới những ai còn thương yêu và còn quan tâm đến nước Việt Nam và con người Việt Nam còn ở lại…”

Tác giả có nhiều hoài vọng, phải nói thật như vậy, nhưng hoài vọng lớn nhất vẫn là mong sao mớ quặng mỏ này sẽ giúp cho một guồng máy chống cộng nào đó chạy thêm một vòng xích, một sử gia nào đó có thêm một chứng từ về cơn đau ốm quê hương, hoặc một người Việt Nam lưu lạc nào đó tìm được một quyết định: Phải cứu lấy người ở nhà!…”

Cho đến nay, kể từ ngày cuốn sách xuất bản đã 38 năm trôi qua, những lời tâm sự giãi bày và khẩn cầu tha thiết của tác giả Hà Thúc Sinh vẫn còn nguyên giá trị. Chắc chắn đây không phải là tiếng nói đầu tiên, cũng không phải là tiếng nói cuối cùng, cất lên tố cáo một tội ác của chế độ cộng sản Việt Nam tưởng đã lùi xa trong quá khứ nhưng vẫn khiến những ai có lương tri không thể nào quên.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: