Lính Liên Xô: Từ “giải phóng” biến thành những kẻ cướp, giết, hiếp…

Nhìn lại lịch sử Tháng Tư tang tóc ở châu Âu (bài 1)
Hồng quân Liên Xô treo cờ tại tòa nhà Reichstag, Berlin ngày 30 Tháng Tư 1945 – đánh dấu một khởi đầu cho những màn cướp, giết, hiếp đầy ô nhục (ảnh: Sovfoto/Universal Images Group via Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Lính Liên Xô: Từ “giải phóng” biến thành những kẻ cướp, giết, hiếp…
/

Ngược dòng thời gian 77 năm về trước, sau khi quân Liên Xô cắm lá cờ búa liềm lên nóc tòa nhà Reichstag (nơi có trụ sở Hạ viện Đức) ở Berlin, người dân các nước Đông Âu mừng rỡ. Chiến tranh thực sự kết thúc, họ sẽ được trở lại với cuộc sống bình an. Nhưng họ không ngờ rằng, được giải thoát khỏi chế độ phát xít hà khắc thì họ lại bị đầy vào giai đoạn mà một sử gia gọi là thời kỳ “Đông Âu bị đập tan nát”. Những gì họ trải qua trong năm đầu tiên của “được Liên Xô giải phóng” sao mà giống những gì người dân miền Nam Việt Nam hứng chịu sau thời khắc định mệnh 30 Tháng Tư 1975, và cả người dân Ukraine hiện nay.

GIẢI PHÓNG VÀ CHIẾM ĐÓNG

THÁNG GIÊNG 1945, Stalin tung đại chiến dịch quân sự cuối cùng. Hồng quân Nga vượt qua Vistula, con sông chảy dài qua miền Trung của đất nước Ba Lan, nhanh chóng hành quân qua miền Tây Ba Lan vốn bị bom đạn phá tan tác và các nước Baltic. Giữa Tháng Hai, họ chiếm Budapest; Tháng Ba thì giải phóng vùng Silesia. Và cuộc chinh phục Konigsberg ở Đông Phổ kết thúc vào cuối Tháng Tư. Khi ấy, hai tập đoàn quân rất hùng hậu – First Belorussian Front và First Ukrainian Front, đã có mặt ở vòng ngoài thủ đô Berlin, liên tục bắn phá các mục tiêu. Hitler tự sát ngày 30 Tháng Tư 1945 và một tuần sau, ngày 7 Tháng Năm, tướng Alfred Jodl, thay mặt cho Bộ chỉ huy tối cao quân lực Đức (Wehrmacht) ký đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh.

Trong cuốn Iron Curtain – The Crushing of Eastern Europe, phát hành lần đầu năm 2012 – nhà báo nữ kiêm sử gia rất có uy tín Anne Applebaum người Mỹ viết rằng: “Cho đến nay, không ai rõ toàn bộ những gì đã diễn ra tại Đông Âu trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh kinh thiên động địa. Mọi sự như một mớ hỗn độn vì mỗi người mỗi nhớ cách khác. Sách báo, phim ảnh Liên Xô thì luôn đề cao những “cuộc giải phóng tiếp nối những cuộc giải phóng”, từ Warsaw; Budapest qua Prague; Vienna rồi đến Berlin; người dân vui mừng thoát ách phát xít Đức, tìm lại được tự do”.

“Giải phóng quân” Liên Xô tại Berlin, Tháng Năm 1945 (ảnh: Sovfoto/Universal Images Group via Getty Images)

Với nhiều người, không có sự giải phóng của Hồng quân Nga thì họ chắc chắn đã chết. Quân Liên Xô chính là sứ thần của tự do đã mở cổng các trại tập trung tàn sát kinh hoàng Auschwitz-Birkenau; Majdanek; Stuthoff; Sachsenhausen và Ravensbruck; đã tháo xích trong các nhà tù do Gestapo quản lý. Nhờ có quân Liên Xô mà rất nhiều người Do Thái ở các nước Đông Âu đã có thể ra khỏi nơi họ sống ẩn náu nhiều năm trước đó, trở về nhà, cố gắng tái xây dựng cuộc sống bình thường mới.

Quân Liên Xô còn được người Ba Lan sống ở phía Tây đất nước nhớ đến với lòng biết ơn sau nhiều năm bị cấm không được nói chính ngôn ngữ Ba Lan! Và ngay trong nước Đức, những ai từng ngấm ngầm chống lại Hitler và chủ nghĩa phát xít, thù ghét chiến tranh và chính sách diệt chủng, cũng đã vui mừng khi thấy các tay súng Liên Xô tiến vào thành phố họ sống. Tuy nhiên, chuyện không dừng lại ở đó. Sử gia Anne Applebaum thuật thêm:

“Nhưng nhiều người khác không nhớ như vậy, nhất là những cư dân Berlin đã giữ im lặng suốt mấy thập niên, rất ít khi mở miệng kể những gì đã xảy ra với họ trong Tháng Năm 1945 và thời gian sau đó. Nhưng rồi, khi thế giới chuyển sang một Thiên niên kỷ mới, chẳng rõ vì sao, họ đột nhiên thay chiều và kể. Họ nhớ rất rõ những đám lính Liên Xô hôi của như thế nào, bóp cò giết bất cứ ai lên tiếng phản đối hay ngăn cản. Họ nhớ đã bị đối xử thật dã man, đầy bạo lực ra sao; nhưng trên tất cả, họ nhớ mãi trong uất hận những vụ cưỡng hiếp tập thể. Không ngày nào không có vài chục vụ lính Liên Xô hiếp phụ nữ Đức. Lắm khi chúng hiếp xong thì chúng giết”.

“Tại các nước Đông Âu, Hồng quân Nga cũng được nhớ đến là những tay súng hăng hái lùng sục, tấn công và tiêu diệt những kháng chiến quân từng đánh phá quân lính Đức. Chỉ vì họ không phải là những người cộng sản nên bị nghi ngờ, mà như Stalin từng phán thì cứ hạ kẻ tình nghi cho an tâm! Đối với người dân các nước Ba Lan, Hungari, Đức, Tiệp Khắc, Rumani và Bulgari, việc Hồng quân tiến vào không được nhớ như là những cuộc giải phóng thuần túy mà là sự khởi đầu của một cuộc chiếm đóng mới!”.

BỊ CHÓA MẮT

Khi tiến vào các nước Đông Âu và Đức, lính Liên Xô mang tâm trạng đầy ngờ vực, nhìn người dân các quốc gia bị quân Đức chiếm đóng như những kẻ xa lạ hoàn toàn, như những đối thủ phải cảnh giác tối đa. Và sau bao nhiêu năm tháng bị nhồi sọ rằng chủ nghĩa cộng sản đem lại cuộc sống bình đẳng, ấm no, hạnh phúc cho mọi người, họ đã hoàn toàn bị chóa mắt khi lần đầu chứng kiến nhà cửa, quần áo, xe cộ, cuộc sống của người dân phương Tây tư bản, dù bị hư hại, mất mát nhiều sau những năm chiến tranh nhưng vẫn quá ư lộng lẫy.

Một lính Liên Xô đi với một phụ nữ Đức (trước sự chứng kiến của lính Mỹ); Berlin 1945 – ảnh: Hulton-Deutsch Collection/CORBIS

Khi tiến vào miền Đông Ba Lan, nơi nghèo khó nhất của đất nước này, lính Liên Xô không thể tin rằng người nông dân khó khăn nhất cũng có vài con gà, một cặp bò và hai ba bộ quần áo để thay thế cho những ngày lao động ngoài đồng, để mặc cho những ngày Chúa Nhật, ngày lễ. Họ trố mắt trước những nhà thờ xây bằng đá tảng to ngay trong những ngôi làng nhỏ; những con đường lát đá sỏi, đá tròn mài phẳng; họ ngỡ ngàng thấy hầu như ai ai trong thị trấn cũng có xe đạp mà khi ấy hầu như là “hàng quý hiếm” đối với đại đa số người dân khắp nước Nga. Họ sững sờ phát hiện những trang trại có nhà kho rộng to, chắc chắn; những ruộng vườn được chăm chút tốt đẹp. Đó là những hình ảnh hoàn toàn khác với cảnh đường bùn nhão, làng xã nghèo khó và những căn nhà gỗ xác xơ ở miền nông thôn Nga, nơi đa số họ sinh ra và lớn lên.

Như những kẻ nhà quê lên tỉnh, lính Liên Xô ngố ngáo trước cảnh tượng những đại giáo đường nguy nga ở Konigsberg; những tòa nhà sang đẹp ở Budapest và những ngôi nhà với đủ trang thiết bị nội thất cổ xưa quý giá ở Berlin. Họ thòm thèm nhìn những món đồ trang sức, các váy dạ hội của giới quý bà trong tầng lớp thượng lưu tại các thủ đô Đông Âu. Họ không thể ngờ rằng những gia đình này từ lâu đã được hưởng cuộc sống tiện nghi với bóng đèn điện; buồng tắm rộng lớn; bồn vệ sinh giật nước; nhà bếp ấm cúng và sạch sẽ thơm tho; sân vườn nhiều hoa…

Một chính trị viên viết báo cáo gửi về Moscow thế này: “Đây là một kulak nông nghiệp đã phát triển từ việc sử dụng sức lao động của nhiều người. Vì thế cái gì nhìn cũng đẹp, nhìn đâu cũng toát lên sự giàu có”. Và một người lính khác thì kể với gia đình: “Trong các cửa hàng có đủ loại thực phẩm từ khắp châu Âu. Cả đến đàn cừu chúng nuôi cũng thuộc loại cừu cho lông ấm và đẹp hơn cừu Nga. Nhưng không bao lâu nữa, tất cả những thứ này đều sẽ được bày bán trong các cửa hành bách hóa ở đất nước Nga của chúng ta. Đó là chiến lợi phẩm!”.

Bị chóa mắt trước sự giàu có ấy, sự ganh tị rồi lòng tham nổi lên, binh lính Hồng quân Liên Xô đã trở thành những kẻ hôi của, những tên hiếp dâm và những tên giết người.

BÀI 2:

Stalin: Hồng quân cần được “hưởng chút vui vẻ với đàn bà hoặc thu vén chút đồ lặt vặt!”

_______

Bà Anne Applebaum là một nhà báo kiêm sử gia người Mỹ gốc Ba Lan nay 57 tuổi. Bà có bài viết được đăng thường xuyên trên các báo Washington Post (thành viên trong ban biên tập từ 2002-2006) và Slate. Bà còn là tác giả của nhiều sách sử rất giá trị, trong đó có cuốn Gulag: A History được giải Pulitzer hạng mục non-fiction năm 2004. Chồng bà, ông Radek Sikorksi, từng là Ngoại trưởng Ba Lan.

__________

BÀI 2:

Stalin: Hồng quân cần được “hưởng chút vui vẻ với đàn bà hoặc thu vén chút đồ lặt vặt!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: