Một thời lừng lẫy Tống Mỹ Linh

Share:
Bà Tống Mỹ Linh (ảnh: Constance Bannister Corp/Getty Images)

Được xem là một trong những phụ nữ nổi bật nhất lịch sử Trung Hoa cận đại, Tống Mỹ Linh (Soong Mei-ling) – phu nhân của Tưởng Giới Thạch – là người có cuộc đời thăng trầm trải qua ba thế kỷ.

Bà tham gia cuộc cách mạng giành lãnh thổ từ phát xít Nhật, chứng kiến thăng trầm Trung Hoa trong Thế chiến thứ hai cũng như sự suy sụp của Quốc dân đảng (QDĐ) khiến Tưởng Giới Thạch phải lánh sang Đài Loan.

Sinh trong gia đình mệnh danh “Kennedy Trung Quốc”, bà cùng hai chị – Tống Ái Linh (Soong Ai-ling) và Tống Khánh Linh (Soong Ch’ing-ling) – đã in dấu ấn đậm không những trong lịch sử mà còn văn hóa Trung Hoa…

__________

Một gia đình “Kennedy Trung Quốc”

Sinh ngày 12 Tháng Hai 1898 (5 Tháng Ba 1897 theo Âm lịch) tại Thượng Hải, Tống Mỹ Linh du học sang Mỹ năm 10 tuổi và tốt nghiệp Đại học Wellesley (bang Georgia) với bằng cử nhân nghệ thuật. Là một trong sáu người con, Mỹ Linh thuộc một trong những gia đình quyền lực và nổi tiếng nhất Trung Quốc. Là người nhỏ nhất trong ba cô gái, Tống Mỹ Linh được bố mẹ cưng chìu nhất mực. Bố bà – Tống Diệu Như (còn được gọi là Tống Gia Thụ) – là doanh nhân thành đạt, được kính trọng hàng bậc nhất Thượng Hải.

Ba chị em nhà Tống (trái sang): Tống Ái Linh, Tống Mỹ Linh và Tống Khánh Linh – Trùng Khánh, 1940 (ảnh: Topical Press Agency/Hulton Archive/Getty Images)

Tống Diệu Như đến Mỹ thập niên 1870, được giáo dục và truyền thụ học vấn từ Hội Giám lý nhưng sau đó cải đạo sang Công giáo. Tống Diệu Như trở về Trung Quốc năm 1886 và dựng sự nghiệp với ngành in ấn (chuyên in Thánh Kinh). Năm 1894, Tống Diệu Như gặp Tôn Trung Sơn, hỗ trợ Tôn trong chiến dịch lật đổ triều đình Mãn Châu năm 1911 và thành lập nhà nước cộng hòa.

Người con cả gia đình Tống – Tống Tử Văn – cũng là thành viên trụ cột QDĐ và từng giữ ghế Bộ trưởng Tài chính. Gia đình Tống càng nổi tiếng khi ba cô con gái đều lập gia đình với những người chiếm vị trí cao xã hội đương thời. Xã hội Trung Hoa bấy giờ từng truyền tụng về gia đình Tống với ba ái nữ mà “một người yêu tiền (Ái Linh), một người yêu quyền lực (Mỹ Linh) và một người yêu Trung Quốc (Khánh Linh)”.

Tôn Trung Sơn và vợ – bà Tống Khánh Linh, 1924 (ảnh: Sovfoto/Universal Images Group via Getty Images)

Tống Ái Linh lập gia đình với Khổng Tường Hy (thuộc gia đình tài phiệt chuyên lĩnh vực ngân hàng). Tống Khánh Linh lập gia đình với Tôn Trung Sơn. Sau khi Tôn chết, Khánh Linh qui kết Tưởng Giới Thạch tội đi ngược tôn chỉ QDĐ và bà quay sang ủng hộ cộng sản. Năm 1927, Tưởng Giới Thạch từng khiến Liên Xô bàng hoàng khi thực hiện cuộc thảm sát những kẻ cộng sản được cho là phản bội tại Thượng Hải. Theo nhà báo Mỹ Edgar Snow (dẫn lại từ Boston Globe), số nạn nhân bị lính Tưởng giết chết lên đến hơn 5,000 người! Vụ trên khiến Khánh Linh bất mãn và chỉ huy nhóm chống đối yêu cầu trục xuất Tưởng khỏi tất cả vị trí quyền lực (nhưng bất thành). Tống Tử Văn cũng từ chức Bộ trưởng Tài chính…

Tống Khánh Linh và Mao Trạch Đông, Thượng Hải 1920 (Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images)
Tưởng Giới Thạch và phu nhân, bà Tống Mỹ Linh, 1937 (ảnh: Topical Press Agency/Getty Images)

Sau khi trở về Trung Hoa, Tống Mỹ Linh học lại văn hóa Trung Hoa và tham gia vài hoạt động xã hội, trong đó có Hiệp hội thiếu nữ Công giáo tại Thượng Hải và một ủy ban duyệt phim. Đầu thập niên 1920, Mỹ Linh gặp Tưởng – lúc đó là viên tướng đang thăng tiến trong lực lượng quân đội Tôn Trung Sơn. Sau khi Tôn chết năm 1925, Tưởng Giới Thạch tiếp nhận quyền lực và từng có ý chiếm trái tim bà góa trẻ Tống Khánh Linh.

Khi bị khước từ, Tưởng quay sang Mỹ Linh – theo Emily Hahn, tác giả quyển The Soong Sisters phát hành 1941 (nguyên phóng viên đặc trách Trung Quốc của tờ The New Yorker). Trong mắt gia đình sùng kính Công giáo nhà Tống, Tưởng là kẻ không thích hợp. Vào thời điểm ve vãn Mỹ Linh, Tưởng đã có ba vợ (Mao Phúc Mai, người sinh ra Tưởng Kinh Quốc; Diêu Di Cầm; và Trần Khiết Như).

Năm 1927, đối mặt sự phân rã nội bộ QDĐ và tình trạng sức khỏe suy sụp, Tưởng sang Tokyo nghỉ ngơi. Trong chuyến du lịch, Tưởng ghé đến nhà nghỉ gia đình Tống tại Kobe. Mẹ Mỹ Linh (bà Nghê Quế Trân) rất miễn cưỡng khi tiếp Tưởng. Tuy nhiên, Tưởng vẫn xin cưới Mỹ Linh, đưa ra giấy ly dị và hứa đuổi tất cả nhân tình còn vướng víu.

Tưởng cũng đồng ý học Kinh Thánh. Cuối cùng, ngày cưới được định. Đám cưới Tống Mỹ Linh với Tưởng Giới Thạch, được tổ chức tại khách sạn Majestic ở Thượng Hải với 1,300 thực khách vào ngày 1 Tháng Mười Hai 1927, là sự kiện gây chú ý thời đó và là “cuộc hôn phối chính trị thành công nhất lịch sử thế kỷ 20” – theo Lee Yung-chih, giáo sư sử Đại học quốc gia Đài Bắc. Lúc đó, Mỹ Linh 30 tuổi và Tưởng 41 tuổi.

Trái sang: Bà Tống Mỹ Linh, bà Tống Ái Linh, ông Tưởng Giới Thạch và bà Tống Khánh Linh (Getty Images)
Tưởng Giới Thạch và vợ, bà Tống Khánh Linh, khoảng năm 1940 (ảnh: Archive Photos/Getty Images)

__________

Cuộc hôn phối chính trị

Hôn lễ Tưởng Giới Thạch-Tống Mỹ Linh là sự kết nối của “tứ đại gia” có sức ảnh hưởng đáng kể tại Trung Hoa đầu thế kỷ 20: Tưởng là viên tướng uy quyền; Khổng là gia đình giàu nhất; Tôn Trung Sơn là người sáng lập QDĐ; và gia đình Tống là đại diện thế hệ doanh nhân thành đạt. Gọi là “cuộc hôn phối chính trị” không phải không có lý do.

Nhiều sử gia và chính trị học đều cho rằng Tưởng đã tính kỹ khi lập gia đình với Tống Mỹ Linh. Bằng cách này, Tưởng có thể tiếp nối quyền lực trong hàng ngũ QDĐ từ Tôn Trung Sơn, đồng thời dễ dàng tìm kiếm hậu thuẫn quốc tế, đặc biệt từ Mỹ, thông qua Mỹ Linh. “Tống Mỹ Linh xinh đẹp, hoạt bát và nói tiếng Anh lưu loát. Tất cả đều là đặc điểm khả năng hiếm có ở một phụ nữ trong xã hội còn khép kín tại Trung Hoa thời điểm trên. Hơn nữa, sự thấu hiểu văn hóa phương Tây của bà đã trở thành cầu nối cho Tưởng với cộng đồng nước ngoài” – nhận xét của Shih Chih-yu, học giả chính trị thuộc Đại học quốc gia Đài Loan.

Năm 1931, Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch xuất hiện trên bìa tuần báo TIME (Mỹ), với hàng tít Đệ nhất gia đình Trung Quốc. Rõ ràng, nếu không có Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch chưa chắc được Mỹ hỗ trợ trong cuộc chiến đánh Nhật cũng như cuộc so găng giành quyền lực với tập đoàn cộng sản Mao sau này. “Tất cả những gì tôi biết về Tưởng Giới Thạch đều thông qua Phu nhân Tưởng” – Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt nói vào năm 1945.

Tưởng Giới Thạch và phu nhân, bà Tống Mỹ Linh, trên một bìa tuần báo TIME

Không như hầu hết phu nhân sĩ quan quân đội, Mỹ Linh chấp nhận từ bỏ cuộc sống êm ấm Thượng Hải và theo chồng đến Nam Kinh. Bà tổ chức các trường chính trị cho thiếu nhi mồ côi thuộc gia đình có thân nhân hy sinh vì sự nghiệp QDĐ, đồng thời trông coi nhiều công trình xây dựng nhà nước. Khi chiến sự bùng nổ phía Bắc, bà cũng theo Tưởng tham gia chiến dịch quân sự. Một trong những kỳ tích của bà là giúp thành lập lực lượng không quân Phi Hổ, từng gây tổn thất lớn cho quân Nhật.

Tăm tiếng Tống Mỹ Linh bắt đầu nổi như cồn khi bà bình tĩnh ứng biến trong vụ Tưởng Giới Thạch bị bắt cóc tại Tây An vào Tháng Mười Hai 1936. Sự cố xảy ra khi tướng Trương Học Lương bất đồng với Tưởng trong chính sách đối phó Nhật và thực hiện vụ bắt cóc nhằm uy hiếp tinh thần. 11 ngày sau khi Tưởng bị bắt, Mỹ Linh đến Tây An, cùng anh mình (Tử Văn) và một cố vấn. Tại sân bay, Mỹ Linh trao súng cho tùy viên, ra lệnh anh ta bắn mình nếu bà bị quân Trương Học Lương bắt (theo tác giả Seth Faison, New York Times). Vài ngày sau, Tưởng được thả…

Vợ chồng Tưởng Giới Thạch-Tống Mỹ Linh và tướng Joseph Stillwell, 1942 (ảnh: Interim Archives/Getty Images)

Với giúp đỡ của tướng Joseph W. Stilwell (tư lệnh trưởng quân đội Mỹ tại Trung Hoa thời chiến tranh kháng Nhật), Mỹ Linh được Washington hỗ trợ đáng kể. Tuy nhiên, cũng chính bởi Mỹ Linh, quan hệ Tưởng Giới Thạch và Mỹ có lúc trở nên tồi tệ. Một lần, bà yêu cầu Washington hỗ trợ ba sư đoàn lính Mỹ, 500 máy bay chiến đấu và 5,000 tấn quân cụ/tháng; nếu bị từ chối, quân Tưởng sẽ buông súng trong cuộc chiến chống Nhật – Mỹ Linh dọa.

Tuy nhiên, Joseph W. Stilwell khước từ và “bà ấy (Mỹ Linh) đã rủa thẳng vào mặt tôi” (lời kể trong nhật ký Stilwell). Cuối thập niên 1930, Mỹ Linh viết hàng chục bài đăng trên các báo Mỹ, so sánh cuộc xâm chiếm của phát xít Nhật với cuộc xâm lược phương Tây của Thành Cát Tư Hãn. Bà cũng xuất hiện trên loạt chương trình phát thanh quốc tế, kêu gọi ủng hộ giải phóng Trung Hoa khỏi Nhật. Năm 1940, bà viết hai quyển sách Trung Quốc thời bình và thời chiến; và Đây là nước Trung Hoa của chúng tôi.

Tướng Douglas MacArthur chào tạm biệt bà Tống Mỹ Linh sau chuyến công du Đài Bắc (Getty Images)

__________

Suy vong

Năm 1942, Tống Mỹ Linh sang Mỹ mở chiến dịch vận động tài trợ, chính thức khai màn tại Washington DC ngày 18 Tháng Hai 1943. Tại Quốc hội Mỹ, bà chinh phục gần như hoàn toàn giới nghị sĩ, với bài diễn văn Chiến tranh và Hòa bình (trở thành người Trung Hoa đầu tiên và phụ nữ thứ hai nói chuyện trước Quốc hội Hoa Kỳ). Trong nội ngày đó, giới nghị sĩ Mỹ đã hứa viện trợ tiền cũng như vũ khí cho quân đội Tưởng và Tổng thống Roosevelt cũng tuyên bố tương tự trong cuộc họp báo vào hôm sau.

Buổi nói chuyện trước Quốc hội Hoa Kỳ của bà Tống Mỹ Linh (ảnh: Fox Photos/Hulton Archive/Getty Images)

Chưa dừng lại, Mỹ Linh thực hiện tiếp chuyến du thuyết tại New York City, qui tụ 20,000 khán giả tại Madison Square Garden; và rồi đến lượt Boston, Chicago, San Francisco… Tại chặng dừng cuối cùng Los Angeles, Tống Mỹ Linh qui tụ 30,000 khán giả, tập trung tại Hollywood Bowl, nơi bà đã làm nhiều người xúc động rơi nước mắt khi nói rằng “đôi giày tôi vẫn còn in máu của những chiến sĩ Trung Hoa bị thương”… Nước Mỹ như lên cơn sốt trước hình ảnh đầy cá tính và tài hùng biện của Tống Mỹ Linh. Mỗi ngày (trong chuyến du thuyết), bà nhận được hàng trăm thư và quà tặng.

Lưu lại Tòa Bạch Ốc hai tuần, bà khiến Nội các Washington kinh ngạc bởi phong cách quyền uy phong kiến. Không dùng điện thoại hoặc chuông, bà luôn gọi người phục vụ bằng cách vỗ tay theo phong thái trịch thượng kẻ cả. Mang theo mớ lụa Trung Hoa, bà yêu cầu thay tấm trải giường nhiều lần trong ngày, thậm chí khi bà nằm nghỉ chỉ 10-15 phút. Trong một buổi chiêu đãi, khi được Tổng thống Roosevelt hỏi rằng sẽ xử lý như thế nào trước tình trạng bãi công của công nhân mỏ, Tống Mỹ Linh không nói gì mà chỉ đưa ngón tay ngang họng (ám chỉ cắt cổ!).

Vợ chồng Tổng thống Franklin Roosevelt tiếp Tống Mỹ Linh, 1943 (ảnh: Photo 12/Universal Images Group via Getty Images)
Phu nhân Eleanor Roosevelt và Phu nhân Tưởng Giới Thạch, Washington DC, 1943 (ảnh: Bachrach/Getty Images)

Hẳn nhiên Đệ nhất phu nhân Tổng thống Eleanor Roosevelt có lý do gì đó khi nói rằng “bà ấy (Mỹ Linh) có thể trình bày sống động và hùng hồn về dân chủ nhưng không biết cách sống dân chủ”. Và trong khi kịch tác gia Clare Boothe Luce (vợ Henry Luce, người sáng lập tờ TIME) gọi Mỹ Linh là “phụ nữ đương đại vĩ đại nhất”; học giả John King Fairbank (Đại học Harvard) lại nhận xét Mỹ Linh là “một diễn viên, với nhiều phẩm chất đáng mến, tính cách quyến rũ và thông minh nhưng ẩn bên dưới là một thiên hướng dối trá”.

Đến trước khi phu nhân Tưởng kết thúc chuyến du thuyết Mỹ vào Tháng Năm 1943, Roosevelt đã quá mệt mỏi và chỉ muốn tống khứ sớm Mỹ Linh – theo lời kể cố vấn tổng thống, Henry Morgenthau Jr. Dù vậy, cuối năm 1943, tại Hội nghị Cairo, Tưởng Giới Thạch được tiếp như nguyên thủ cấp cường quốc, ngang tầm Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Trong cuộc gặp này, các nguyên thủ phương Tây thống nhất việc yêu cầu Nhật trả lại cho Trung Hoa các vùng Đài Loan, Bành Hồ Huyền (Penghu), Kim Môn Huyền (Kinmen) và Mã Tổ (Matsu).

Hội nghị Cairo 1943 (trái sang): Tưởng Giới Thạch, Franklin D. Roosevelt, Winston Churchill và Tống Mỹ Linh (Photo12/Universal Images Group via Getty Images)

Tuy nhiên, sự ủng hộ phương Tây dành cho Tưởng không kéo dài, khi người ta phát hiện hầu hết tiền viện trợ Mỹ rơi vào tay thành phần QDĐ tham nhũng. Tuyệt vọng, Tưởng phái Mỹ Linh sang Mỹ cầu viện. Tháng Mười Một 1948, Mỹ Linh đến Mỹ, với hy vọng xin được $3 tỉ. Lần này, Washington không trải thảm đỏ. Mỹ Linh trở thành khách riêng của Ngoại trưởng George C. Marshall chứ không phải của chính phủ như năm 1943. Roosevelt đã chết và Tổng thống Harry S. Truman đang bí mật mở chiến dịch điều tra qui kết hàng triệu đôla viện trợ cho Trung Quốc bị đưa vào các tài khoản gia đình Tống ở Mỹ.

Truman nói: “Tất cả họ đều là bọn ăn cắp, đứa nào cũng vậy” – khi đề cập đến Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch. Cuối năm 1949, khi quân cộng sản Mao Trạch Đông càn quét vài cứ điểm QDĐ cuối cùng, Tưởng trốn sang Đài Loan. Tống Mỹ Linh tiếp tục duy trì vai trò mình trong bối cảnh chính trị mới, “liên lạc với giới chức Mỹ cấp cao tại Đài Loan, trong đó có CIA” – theo sử gia Jay Taylor, cựu viên chức Tòa đại sứ Mỹ tại Đài Loan thập niên 1960 (dẫn lại từ Elaine Woo, Los Angeles Times).

Trong cùng thời gian, Tưởng bị qui kết vi phạm nhân quyền với chính sách cai trị bàn tay sắt và độc tài. Tiếp đó, dưới áp lực của cộng sản Mao, năm 1971, Liên Hiệp Quốc hất bỏ chế độ Tưởng và chính thức công nhận chính thể Mao Trạch Đông là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Mỹ cũng gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Đài Loan năm 1979. Hình ảnh Tống Mỹ Linh bắt đầu lu mờ, đặc biệt khi xuất hiện vai trò lấn át của Tưởng Kinh Quốc.

Ngày 5 Tháng Tư 1975, Tưởng Giới Thạch chết. Tống Mỹ Linh sang New York, sống trong căn hộ tại Gracie Square thuộc Manhattan (chưa kể khu bất động sản 36 mẫu Anh tại Lattingtown, ngoại ô Long Island, cách New York City khoảng 50 km). Có lúc, người ta thấy bà dường như chưa muốn dứt bỏ chính trường, đặc biệt sau cái chết của Tưởng Kinh Quốc vào Tháng Một 1988 và xuất hiện khoảng trống quyền lực trong nội bộ QDĐ. Tuy nhiên, Lý Đăng Huy được chọn thay, hơn là Tống Mỹ Linh.

__________

Những năm cuối đời

Dù không tham chính nhưng sức hấp dẫn Tống Mỹ Linh tiếp tục chiếm vị trí nhất định tại Đài Loan cũng như xã hội Mỹ. Cuối năm 1965, cuộc thăm dò do Viện Gallup thực hiện cho thấy Tống Mỹ Linh được xem là một trong 10 phụ nữ đáng kính trọng nhất thế giới. Khi bà đến Washington DC năm 1995, hàng trăm người đã tụ tập kín các con đường bên ngoài trụ sở Quốc hội Mỹ. Vài năm sau, 13,000 người đến dự cuộc triển lãm tranh của bà. Cuộc bán đấu giá nhiều vật dụng của Tống Mỹ Linh năm 1998 cũng thu hút chú ý (khoảng 10,000 Hoa kiều Mỹ đã đổ về Lattingtown vào ngày dinh thự bà mở cửa cho cuộc bán đấu giá).

Thủ bút của bà Tống Mỹ Linh (file photo)

Năm 1970, bà bị phát hiện ung thư vú nhưng chữa trị kịp và sau này có lần bị tai nạn gãy xương hông. Ở tuổi hơn 100, bà vẫn xem phim, đọc tiểu thuyết gửi từ Trung Quốc và tự mình xuống thang lầu để tiếp khách. Bà từ trần ngày 23 Tháng Mười 2003 tại New York, thọ 105 tuổi.

Bà là người cuối cùng ra đi, trong ba chị em nhà Tống một thời gây sóng gió chính trường lẫn xã hội Trung Hoa. Tống Ái Linh chết tại New York do bệnh ung thư vào năm 1973 (85 tuổi). Tống Khánh Linh chết năm 1981 (89 tuổi). Tống Mỹ Linh được an táng tại khu mộ gia đình, tại hạt Westchester (New York).

__________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: