Người lính Mỹ nay ở đâu?

Minh họa: chad-madden-unsplash

Lời người viết:

Nước Mỹ vừa qua ngày 29 Tháng Năm 2023 – Ngày Memorial Day – Lễ Chiến Sĩ Trận Vong, một ngày lễ cảm khích tưởng nhớ Người Lính Mỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến… Từ chiến tranh Nam-Bắc (1861-1865) đến xung đột Iraq (2003-2011); tiếp hai mươi năm ròng rã trên chiến địa Afghanistan (2001-2021). Không kể nguyên nhân, hậu quả, hệ quả từ chiến tranh như thế nào. Tại sao? Do ai? Vì đâu? Chỉ biết tập thể Hy Sinh Lớn Nhất là những Người Lính Mỹ đã ngã xuống trên các chiến trường để nước Mỹ đã trở nên là một siêu cường lãnh đạo thế giới từ sau Đệ nhị Thế chiến chấm dứt (1945) cho tới hôm nay… Nhưng nay, hình ảnh Người Lính Mỹ cao quý ấy dần biến dạng, biến hình. Tại sao? Do đâu?

Một.

Để có được vị thế lãnh đạo nầy mà dầu người dân bất cứ quốc gia nào (dẫu định kiến quan điễm chính trị khác nhau) phần đông nếu không nói là hầu hết đều có mơ ước thực hiện “Giấc Mộng Mỹ/American Dream”. Giá trị hàng đầu của Nước Mỹ hôm nay là kết quả của một quá trình liên tục tranh đấu/chiến đấu của Người Mỹ/Dân Tộc Hợp Chủng của nhân loại mà vị thế, nguyên nhân quyết định hàng đầu là từ, do nơi Người Lính Mỹ mà Lễ Chiến Sĩ Trận Vong – Memorial Day là một xác chứng rất đáng tự hào.

Xác chứng cụ thể ấy là cuộc đổ bộ của Liên Quân Đồng Minh lên bờ biển Normandy nước Pháp trong ngày 6 Tháng Sáu 1944. Chiến Dịch ngày 6 Tháng Sáu 1944 có giá trị là Cuộc Chiến Thắng của lực lượng Dân Chủ-Tự Do của toàn Nhân Loại như thông điệp của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt gởi đến tập thể người lính đang trong bão lửa tại bờ biển Normandy sáng ngày 6 Tháng Sáu của 79 năm trước.

Cuộc đổ bộ vĩ đại được khởi động với chiến dịch hành quân không vận, thả xuống sau tuyến phòng thủ Atlantic Wall của Đức, sâu nội địa đất Pháp 18,000 lính gồm hai Sư Đoàn 82 và 101 Nhảy Dù Mỹ; Sư Đoàn 6 Nhảy Dù Anh, và Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù Gia Nã Đại. Cuộc hành quân không vận sử dụng đến 925 phi cơ vận tải C47 được đánh giá là “chiến dịch không vận lớn nhất trong hoạt động quân sự thế giới” kể tới thời điểm 1944 kia cho đến hôm nay.

Không những chỉ thế, lực lượng nhảy dù cùng lúc được tăng cường bởi 4,000 ngàn chiến sĩ bộ binh đổ bộ bằng 500 tàu lượn để yểm trợ vũ khí, vật dụng y tế, khí cụ truyền tin, đạn dược. Cuộc hành quân nhảy dù được thực hiện trong đêm ngày 5, trước rạng ngày 6. Đại tướng Eisenhower tổng tư lệnh lực lượng đã có mặt với đơn vị nhảy dù Mỹ cho đến khi chiến máy bay cuối cùng rời đất Anh. Ông ước tính lực lượng nhẩy dù Mỹ có thể bị thiệt hại đến 50 quân số và vũ khí, tuy nhiên cuộc hành quân không vận đã hoàn thành nhiệm vụ làm đầu cầu cho lực lượng thủy bộ đổ bộ lên bờ biển khi ngày 6 bắt đầu.

Minh họa: wesley-tingey-unsplash

Hai.

Kế hoạch đổ quân nhảy dù sau phòng tuyến của quân Đức có mục đích là làm nhẹ bớt, đánh lạc hướng lực lượng phòng thủ Đức, Bộ Tư Lệnh Đồng Minh đã dùng 7,000 tàu để vận chuyển, đổ bộ 132,000 chiến binh liên quân Anh, Mỹ lên năm bãi đáp được đặt tên Utah, Omaha, Gold, Juno… Lực lượng đổ bộ Mỹ mãi đến chiều ngày 6 vẫn còn bị chôn chân dưới chân những mỏm đá của bãi đáp Utah, Omaha. Hai mục tiêu nầy đã là bãi máu của lực lượng thủy bộ Anh-Mỹ. Đã có lúc Bộ tư lệnh Đồng Minh sợ rằng mục tiêu bãi Omaha (của Mỹ) không thể thực hiện được bởi không quân và hải pháo đồng minh không yểm trợ hiệu quả. Hơn nữa, quân Đức nơi Omaha đã quyết liệt phòng thủ, rút kinh nghiệm từ mặt trận phía Đông (đối với quân đội Liên Xô).

Chiến dịch đổ bộ lên bờ biển Normandy/D-Day/ngày 6 Tháng Sáu 1944 nằm trong toàn cục Hành Quân Overlord nhằm giải phóng các nước Tây Âu (Pháp, Bỉ, Hà Lan…), tấn công Đức từ mặt trận phía Tây để sau đó toàn thắng, giải phóng Châu Âu, 8 Tháng Năm 1945. Hành quân Overlord đòi hỏi một chuẩn bị hết sức chi tiết, kỹ càng từ sau Hội Nghị Tehran 1943 ở Ba Tư. Ba nhà lãnh đạo thế giới, Mỹ, Anh và Liên Xô tại Tehran đã vạch chiến lược tấn công nước Đức từ hai mặt trận:

Phía Đông do Liên Xô và các Đông Âu đảm trách. Phía Tây do liên quân Đồng Minh gồm 12 nước (chủ yếu là Anh, Mỹ, Gia Nã Đại…) huy động hơn hai triệu người mà Quân Lực Mỹ chiếm đến 1.4 triệu. Để yểm trợ cho 1.4 triệu quân trên chiến trường Châu Âu (chưa kể chiến trường Châu Á đánh với quân Nhật), toàn bộ nước Mỹ đồng tập trung vào công nghệ sản xuất vũ khí, quân trang cụ (không phải riêng cho quân đội Mỹ mà còn cho toàn quân lực đồng minh, kể cả Liên Xô). Người phụ nữ Mỹ gia nhập quân đội với số lượng lớn và đứng máy ở nội địa Mỹ. Chỉ riêng chiến trận ngày 6 Tháng Sáu 1944 nơi vùng Normandy như kể trên đã có tới 4,990 chiến binh Mỹ hy sinh theo tài liệu khả tín của giáo sư Stephen Ambrose, chuyên viên nghiên cứu, viết về Đại tướng Eisenhower, Tư lệnh Chiến dịch Overlord, Tổng thống đời thứ 34 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Nhưng tất cả vinh quang cao quý của Người Chiến Binh Mỹ đã dần biến dạng, bị xuyên tạc, hạ giá, bêu nhục.

Minh họa: jesper-blijdestein-unsplash

Ba.

Chiến dịch lăng nhục Quân Lực/Người Lính Mỹ có kế hoạch sâu xa được khởi động từ chiến cuộc Việt Nam, với trận Ấp Bắc (Tháng Giêng 1963); để (có cớ) tàn sát một lần hai vị tổng thống: Ngô Đình Diệm (2 Tháng Mười Một); J.F. Kennedy (22 Tháng Mười Một) cuối năm 1963.

Tiếp bày ra biến cố tàu Mỹ bị tấn công ở Vịnh Bắc Việt (2 Tháng Tám 1964) mở đầu “McNamara’s War” (sẽ trở lại nhân sự nầy khi chiến dịch “hạ nhục Quân lực Mỹ” hoàn tất cuối thế kỷ 20). Sự kiện “giả trá” ở Vịnh Bắc Việt được hợp thức hóa bởi lưỡng viện Quốc hội Mỹ qua Nghị quyết 1145 (7 Tháng Tám 1964) đồng thuận với số phiếu gần như tuyệt đối cho phép Tổng thống Johnson toàn quyền hành động, mở rộng chiến tranh trừng phạt cộng sản Bắc Việt, cứu nguy miền Nam, giữ vững Đông Nam Á.

Không phải chờ lâu, Tháng Ba 1965 đổ quân lên Đà Nẵng, thì từ 15 Tháng Tư 1967 đã thành hình cuộc biểu tình phản đối chiến tranh lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ với hàng trăm ngàn người xuống đường nơi khu Manhattan, New York; biểu tình lan rộng tới thủ đô Washington DC, ngày 23 Tháng Mười 1967 trước Ngũ Giác Đài; với hình ảnh biểu trưng với gã thanh niên phản chiến phẫn nộ, khinh miệt đưa “ngón tay giữa/bộ phận hậu môn” trước mắt Người Lính Mỹ nơi Chicago.

Những khẩu hiệu “Make Love Not War”; “No VC Called Me A Nigger” trở nên là khẩu hiệu chiến thuật để hàng trăm ngàn người xuống đường trước Tòa Bạch Ốc, với cờ của Mặt Trận Giải Phóng, ảnh HCM và tấm bảng buộc tội Tổng thống Mỹ: “Johnson War Criminal”. Thi sĩ Allen Ginsberg, nghệ sĩ Bob Dylan, ban nhạc Beatles dần là biểu tượng của “tôn giáo mới” đối với thế hệ trẻ Mỹ, với thuốc cần sa/áo quần hippy rách bẩn/phản đối chiến tranh Việt Nam là dấu ấn của một nền văn minh/văn hóa mới.

Chiến dịch/đúng ra là chiến lược gọi là “phản đối chiến tranh (ở Việt Nam)” không chỉ tác động về mặt xã hội-văn hóa trong quần chúng Mỹ nhưng là nguồn mối/hậu quả/hệ quả của một chiến lược lớn:

Thông cáo Thượng Hải 1972 ký kết giữa Nixon và Châu Ân Lai hiện thực nền tảng ngoại giao cho tám đời Tổng thống Mỹ (bất kể Cộng Hòa hay Dân Chủ). Năm 1995, cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara than vãn với Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội: “Tôi (đã) sai. Tôi quá sức sai/Wrong, terribly wrong”.

Minh họa: rene-porter-unsplash

Bốn.

Chiến dịch hạ giá Quân Lực/Người Lính Mỹ đạt đến đỉnh cao qua thế kỷ 21 với cách “thành thực thú tội” của McNamara đối với chiến tranh Việt Nam sau nầy được các “cựu bộ trưởng/bộ trưởng quốc phòng” Dick Cheney hay Donald Rumfeld lặp lại đối với Chiến tranh Iraq (2003-2011). Thế nên cuộc rút lui bất ngờ nháo nhác của binh đội Mỹ trong Tháng Năm 2021 là “chuyện tất nhiên, hợp lý”.

Tóm lại, 7,000 Chiến Binh Hoa Kỳ thiệt mạng từ sau biến cố 911 năm 2001 nơi chiến trường Iraq và Afghanistan chỉ là những chuyện nhỏ nhặt; Cờ Mỹ bị xé, đốt; Tượng đài lịch sử bị phá hoại chỉ là hành vi “tự do phát biểu quan điểm cá nhân” được Tu Chính Án Số #1 bảo vệ; lực sĩ đoạt huy chương nơi thế vận hội, cầu thủ bóng football… không chào cờ, hát quốc ca Mỹ là biểu tượng của những thần tượng văn hóa mới Mỹ – Văn Hóa Thức Tỉnh – được cổ võ bởi đại biểu thành phần cực tả trong Quốc hội; giới giáo sư đại học; hoạt động giao dịch hành chánh-tài chánh; công lý hình sự…

Thế nên, có thể kết luận: Tác động của chiến lược tuyên truyền tẩy não không chỉ xẩy ra dưới chế độ cộng sản ở Trung Cộng, Bắc Hàn, Việt Nam mà còn tác động ở Mỹ và chung cho toàn thế giới với những hình thức, cường độ khác nhau. Lời tiên tri của tác giả Neil Postman trong cuốn sách “Giải trí cho đến chết/Amusing Ourself to Death ” đã báo động tình trạng: “Mọi người đều tự nguyện yêu thích sự áp bức, ngưỡng mộ những công nghệ làm suy giảm khả năng tư duy để cuối cùng: Những gì chúng ta yêu thích sẽ hủy hoại chúng ta.

Vậy, đừng ngạc nhiên nếu như Lễ Memorial Day cuối Tháng Năm vừa qua thay vì tưởng niệm những Chiến Binh đã hiến thân xây dựng, bảo vệ tổ quốc vĩ đại Liên Bang Hoa Kỳ đã trở thành dịp bắt đầu kỳ nghỉ hè hàng năm mà Công ty bảo hiểm xe hơi AAA đã có thống kê: Có 42 triệu người Mỹ dự tính di chuyển khoảng 50 dặm hay nhiều hơn cho lần nghỉ hè năm nay.

Trong diễn tiến giải trí đại quy mô nầy, mấy ai trong trăm triệu người Mỹ tưởng ra cảnh Chiến Binh Mỹ tuổi rất trẻ phơi thân dưới bão lửa trên bãi đổ bộ Normandy ngày 6 Tháng Sáu 1944. Cũng thế, cộng đồng Việt Nam hải Ngoại, người Việt trong nước chắc không có ai nhớ ra, tưởng đến thảm cảnh những ngày Hè 1972 nơi Quê Hương xa sau 48 năm.

___________

Người Lính Phan Nhật Nam,

Nhớ lần vào An Lộc, 8 Tháng Sáu 1972

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: