Nhớ người nhạc sĩ Du Ca, bên kia sông…

Kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, 27-3-2011

Nguyễn Đức Quang (1944-2011), linh hồn của phong trào Du Ca trước năm 1975, không chỉ để lại những bài hát nhận thức, kêu gọi, quần hợp… mà ông còn có môt loạt những bản tình ca ngọt ngào, góp vào dòng nhạc thưởng thức quen thuộc qua các giọng hát lừng danh một như Thái Hiền, Julie, Khánh Ly, Vũ Khanh, Tuấn Anh, Ngọc Lan…

Thời của Nguyễn Đức Quang, với tinh thần trung lập, mơ về một Việt Nam mới, đã chịu không ít những lời thầm thì cay độc. Phía Việt Nam Cộng Hòa thì có người từng nghĩ Du Ca là nơi dung dưỡng những thành phần Việt Cộng nằm vùng, còn phía miền Bắc Cộng Sản nghi ngờ, từng đưa vào danh sách đấu tố sau 1975 với nhận định cánh tay nối dài của CIA. Thậm chí, ông cũng bị đưa đi học tập cải tạo ba năm.

Âm nhạc của Nguyễn Đức Quang ngay từ khi ra mắt, đã khác lạ với dòng chảy âm nhạc lúc đó. Nguyễn Đức Quang xắn tay áo, nhập cuộc cùng giới trẻ, kêu gọi tuổi trẻ đến với nhau cùng xây dựng một đất nước và niềm tin. Do đó, nhạc của ông có khía cạnh phản đối chiến tranh, với tâm cảm của một con người khao khát hòa bình, nhưng không thiên về bên nào, như theo lời ông, không làm chính trị cho dù mang ý thức chính trị cao. Cũng như vậy, Nguyễn Đức Quang tự hào vì tính độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ cá nhân hoặc phe nhóm nào của phong trào Du ca, điều khiến nó có được tác động mạnh mẽ và sâu rộng trong cộng đồng. Trần Trọng Thảo, một thành viên khởi đầu của Du Ca đã giải thích cho tâm thế của Du Ca là âm nhạc về với dân tộc. Âm nhạc ý thức của một người Việt Nam kiêu hãnh và mang trách nhiệm với quê hương.

Nguyễn Đức Quang từng kể lại rằng, cuối năm 1965, sau khi đã sáng tác một số ca khúc, ông cùng một nhóm bạn học rất thân tại Đà Lạt cùng học hành, chơi đùa, ca hát và làm việc với nhau. Tuy nhiên, như ông nhớ lại: “Các bạn trong nhóm tôi không có ai sáng tác, chỉ có mình tôi làm nhạc, hát cho các bạn tôi nghe. Tôi không đi vào những con đường cũ của các nhạc sĩ đàn anh”.

Hầu hết những người làm thơ, viết nhạc đầu đời là những bài thơ tình, nhạc tình, và sống mãi với dòng nhạc đó. Phần tôi, sau những ngày tập tễnh với nhạc tình trẻ con, tôi quay hẳn sang một hướng khác không có mấy người làm. Nhạc của tôi sau này người ta gọi là nhạc cộng đồng, nhạc sinh hoạt, hay là một loại nhạc nào đó, một thứ tình cảm khác, một thứ tình cảm không phải chỉ dành cho hai người đang yêu nhau, mà là một thứ tình cảm thiết tha nói lên cái liên hệ giữa vùng đất và con người“.

Đứng giữa những ngược xuôi thời cuộc, đủ loại ngôn từ chụp mũ và hoang tưởng, bài Bên Kia Sông từng có thời bị đồn đãi là bài hát ngầm ủng hộ cộng sản miền Bắc, với ý ngầm nói phía bên kia sông của Vĩ tuyến 17. Nhưng thật ra, đơn giản, đó chỉ là bài phổ ý thơ, quanh một cuộc rượu của Nguyễn Đức Quang với bạn bè.

Bên Kia Sông, ý thơ của Nguyễn Ngọc Thạch và Trần Đại Lộc, là bài hát đã quyến rũ nhiều thế hệ người nghe nhạc suốt hơn nửa thế kỷ, và quyến rũ ngay từ những phút đầu lắng nghe giai điệu.

Giai điệu và lời bài hát của Bên Kia Sông mơ mộng về cuộc đời mới, tương lai mới, như khi sinh thời ông từng trả lời một bài phỏng vấn ở San Jose, Hoa Kỳ: “Chúng tôi vẫn tin vào trực giác của chúng tôi, trực giác nhạy cảm của những người làm văn nghệ, và chúng tôi tin rằng sẽ có một lúc nào đó chúng tôi sẽ trở về, dựng lại nhà trên một cái nền đổ nát, hệt như lời của một bài thơ, của một ca khúc nào đó của anh em chúng tôi. Ngày đó bắt buộc sẽ phải đến. Nó có thể là sáng mai, nó có thể là năm tới, nó có thể là năm năm, mười năm. Nếu tới ngày đó, và anh em chúng tôi còn sống, cho dù chỉ còn thoi thóp thở chúng tôi cũng sẽ trở về. Trở về để nhắm mắt trên mảnh đất chúng tôi đã sinh ra, đã lớn lên, đã bảo vệ và đã phải bỏ đi chỉ để trở về”.

Nhân 10 năm mất của người nhạc sĩ đầy giấc mơ cao đẹp cho quê hương mình, xin gửi đến quý anh chị, bài hát đầu tiên trong chuỗi ca khúc kỷ niệm về Nguyễn Đức Quang, cùng tiếng hát truyền cảm, đặc biệt còn giữ lại cảm giác ký ức miền Nam của ca sĩ Huyền Giang, được thực hiện từ CBR Studio trong tháng 2-2021.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: