Những giấc mơ tan vỡ của Việt Nam Cộng Hòa – 6

Lược thuật sách “Rút gươm nơi xứ xa” của George J. Veith
Share:
Ông Ngô Đình Diệm, một người Công giáo ngoan đạo, trong một buổi rước lễ lúc nửa đêm khoảng năm 1955. Ảnh PhotoQuest/Getty Images

Bài 6: Khủng hoảng 1962-1963

Vụ đảo chính 1960 thất bại còn gieo mầm cho những rối loạn trong những năm cuối của chế độ Ngô Đình Diệm và đặc biệt là sau khi ông Diệm mất, trong những sự kiện hỗn loạn của năm 1964, 1965.

Như đã nói ở phần trước, sau khi đảo chính thất bại, các ông Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông và Phạm Văn Liễu chạy sang Cambodia. Ngay sau đó tình báo Cambodia yêu cầu họ cung cấp thông tin về bố phòng của quân đội VNCH, nhưng hai ông Liễu và Thi từ chối. Họ ném các ông vào tù, giam giữ gần một năm. Sau khi được thả ra, họ sống trong nghèo khó. 

Ông Vương Văn Đông thì được tự do và sau hai năm sống ở Cambodia, ông ta sang Pháp định cư. Theo ông Thi kể lại sau này, “Sau khi sang Pháp, Đông làm việc cho nhóm chính trị gia thân Pháp như Trần Đình Lân và Nguyễn Văn Vỹ.” Nhiều năm sau, ông Đông phủ nhận chuyện dính dáng của người Pháp vào cuộc đảo chính, bác bỏ chuyện ông thân Pháp, nhưng rồi cuối cùng ông ta gia nhập nhóm người Việt lưu vong ở Paris, ủng hộ việc trung lập hóa miền Nam Việt Nam. Chuyện trung lập này về sau là một vấn đề nóng, gây chia rẽ sâu sắc trong hàng ngũ tướng lãnh VNCH.

Ông Thi thì ôm mối hận mà sau này sẽ bùng nổ vào tháng Giêng 1964.

Đường phố Sài Gòn năm 1962. Ảnh CORBIS/Corbis via Getty Images

Vụ đánh dẹp cuộc đảo chính 1960 gây ra mối ác cảm giữa Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Đại tá Trần Thiện Khiêm; đồng thời cũng củng cố các mối quan hệ trong hành ngũ sĩ quan cao cấp của quân đội VNCH sẽ ảnh hưởng đến những sự kiện sau này.

Một trong những mối quan hệ như vậy là giữa ông Khiêm và Thiếu tướng Nguyễn Khánh. Hai ông đã quen biết nhau từ năm 1947 khi cùng học ở trường sĩ quan Pháp ở Đà Lạt và mối giao hảo đó ngày càng sâu đậm để rồi đâm bông kết trái trong cuộc đảo chính ngày 30 tháng Giêng năm 1964.

Tướng Khánh được Tổng thống Diệm tưởng thưởng sau vụ trấn áp thành công vụ đảo chính tháng Mười Một 1960, được đề bạt lên chức vụ mới là chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu – cơ quan chỉ huy quân đội VNCH. 

Đại tá Khiêm cũng được thăng chức nhanh chóng và đến ngày 20 tháng Mười Hai 1962, ông được thăng thiếu tướng, thay thế tướng Khánh ở Bộ Tổng Tham mưu khi ông Khánh chuyển đi làm tư lệnh Quân khu 2.

Cùng với ông Khánh và ông Khiêm, trong nhóm chống đảo chính bảo vệ ông Diệm còn có tướng Tôn Thất Đính. Sau sự kiện 1960, ông Đính được bổ nhiệm tư lệnh Quân khu 3, gồm các tỉnh chung quanh Sài Gòn.

Ném bom Dinh Độc Lập 1962

Do nỗi bất mãn âm ỉ của giới tướng lãnh quân đội đối với anh em ông Diệm, có thể đoán trước một âm mưu đảo chính khác. Ngày 27 tháng Hai 1962, hai phi công của Không quân VNCH là các ông Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử đã xuất phát từ phi trường Biên Hòa lúc 7 giờ sáng nhưng bay về hướng Sài Gòn với mục đích ném bom Dinh Độc Lập.

Cử là con của một chính trị gia nổi tiếng đã bị ông Diệm bỏ tù một thời gian vì các hoạt động chống chính phủ; còn Quốc thì tin rằng tổng thống Diệm là một nhà độc tài. 

Quả bom đầu tiên trúng vào căn phòng nơi ông Diệm ngồi đọc sách nhưng bom không nổ và ông Diệm thoát chết. Sau khi ném tiếp vài quả bom nữa, làm hư hại cánh trái của Dinh, hai chiếc phi cơ quay đầu bay đi. Cử bay sang Cambodia và được cho tỵ nạn chính trị trong khi phi cơ của Quốc bị hỏa lực phòng không của Hải quân VNCH bắn hạ, rơi xuống sông Sài Gòn; Quốc được cứu và bị cầm tù.

Dinh Toàn quyền Pháp, còn gọi là Dinh Norodom, thời Tổng thống Ngô Đình Diệm được gọi là Dinh Độc Lập. Ngày 27 tháng Hai 1962 hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc làm binh biến, ném bom phá hỏng cánh trái của dinh nhưng ông Diệm may mắn thoát chết. Ảnh Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images

Phản ứng của ông Diệm sau vụ “chết hụt” vì quả bom ngày 27 tháng Hai 1962 là có thể đoán được: Ông đổ lỗi cho báo chí Mỹ gây ra sự việc; ngay lập tức ông siết chặt các quy định đối với báo chí quốc nội và gia tăng đàn áp những người bất đồng về chính trị. Tuy nhiên, nỗi bất mãn của giới tướng lãnh quân đội đối với chế độ chuyên chế của anh em ông Diệm vẫn tiếp tục tăng lên và sẽ dẫn tới sự kết thúc chế độ đệ nhất cộng hòa hơn một năm sau đó.

Một trong những biến cố quân sự làm rung chuyển chế độ Ngô Đình Diệm xảy ra vào đầu năm 1963, ngay thời điểm mà rất nhiều người lạc quan về triển vọng của cuộc chiến.

Trận Ấp Bắc tháng Giêng 1963

Ngay từ năm 1962, để chống lại phong trào nổi dậy của cộng sản, Hoa Kỳ đã viện trợ cho quân đội VNCH nhiều loại vũ khí và quân trang quân dụng mới, trong đó có thiết vận xa (xe bọc thép) dùng cho việc di chuyển binh sĩ. Hai đại đội bộ binh cơ giới được thành lập, trong đó một đại đội được phiên chế vào Sư đoàn 7, tuần tra khu vực phía nam Sài Gòn. Đại đội Cơ giới của Sư đoàn 7 nhanh chóng chứng tỏ hiệu quả trong chiến đấu; dưới sự chỉ huy của Đại úy Lý Tòng Bá, đại đội đã gây nhiều thiệt hại cho các lực lượng của Mặt trận Giải phóng (NLF). Ngoài ra Hoa Kỳ còn viện trợ cho quân đội VNCH phi cơ trực thăng dùng để chuyển quân nhanh chóng qua địa hình của Đồng bằng sông Cửu Long kênh rạch và đầm lầy chằng chịt. Hai lợi thế về công nghệ này giúp quân đội VNCH có tính cơ động cao hơn, hỏa lực mạnh hơn nhiều lần so với lực lượng đối phương.

Trực thăng do Hoa Kỳ viện trợ vận chuyển bộ binh VNCH trong các chiến dịch tảo thanh vùng nông thôn miền Nam tháng Năm, 1962. Ảnh Underwood Archives/Getty Images.

Quân du kích của NLF phải thay đổi chiến thuật để đối phó với các loại vũ khí mới của VNCH. Thay cho chiến thuật đánh nhanh rồi rút nhanh thông thường, họ quyết định chuẩn bị những điểm phòng thủ mạnh rồi dụ quân đội VNCH vào ổ phục kích nhằm gây nhiều thương vong mà họ sẽ biến thành những thắng lợi về tuyên truyền chính trị.

Một đơn vị du kích khoảng 350 tay súng đã tập trung tại Ấp Bắc – một ngôi làng nhỏ gần vùng Đồng Tháp Mười ở phía thượng nguồn của Đồng bằng Sông Cửu Long. Quân du kích NLF đào chiến hào, lập ra những cứ điểm phòng thủ mạnh ở những nơi họ dự tính phi cơ trực thăng sẽ đáp xuống để đổ quân, Khi tình báo Mỹ nghe lén được những cuộc trao đổi của chỉ huy du kích khu vực qua sóng radio, quân đội VNCH quyết định sẽ tấn công vào cứ điểm của đối phương vào ngày 2 tháng Giêng 1963.

Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, người thay tướng Trần Thiện Khiêm làm tư lệnh Quân khu 4 vào cuối tháng Mười Hai 1962, và trước đó là tư lệnh Sư đoàn 7 bộ binh từ tháng Giêng 1959, chuẩn bị một lực lượng tấn công gồm nhiều trung đoàn. Tuy nhiên, như nhiều tướng lãnh quân đội VNCH, tướng Cao không được huấn luyện để chỉ huy những đơn vị phối hợp nhiều quân binh chủng.

Mặc dù quân của tướng Cao chiếm ưu thế về lực lượng và phương tiện, nhưng thời tiết xấu và chỉ huy kém đã làm cho tướng Cao không phối hợp được các bước tiến quân. Bất ngờ rơi vào trận địa phục kích của địch, quân Nam Việt Nam bị tổn thất 63 binh sĩ, bị thương gần 100 người; ba cố vấn Mỹ bị giết và 5 phi cơ trực thăng bị phá hủy. Thương vong của đối phương được cho là rất lớn nhưng không có số liệu.

Điều không may là các phóng viên báo chí Mỹ, vẫn thường được đi theo các cuộc hành quân để tường thuật, và vốn không có thiện cảm với chế độ ông Diệm, đã nhanh chóng thổi phồng một khó khăn chiến thuật thành một thất bại trầm trọng và tuyên bố trận đánh Ấp Bắc đã làm bộc lộ sự bất tài của quân đội VNCH. 

Phe cộng sản, với tổn thất không được công khai, đã tuyên bố chiến thắng, đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao tinh thần do lực lượng của họ. Thất bại trong trận Ấp Bắc đã giáng thêm một đòn mạnh vào chính phủ Ngô Đình Diệm và mâu thuẫn giữa anh em ông Diệm với cánh quân đội thêm trầm trọng.

***

Trong suốt thời gian hỗn loạn này, ông Nguyễn Văn Thiệu vẫn một mực trung thành với Tổng thống Diệm. Lòng trung thành của ông Thiệu cuối cùng cũng chiếm được lòng tin của ông Diệm. Ngày 1 tháng Mười 1961, ông Thiệu được cử làm tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh đóng tại Huế, thay cho Đại tá Nguyễn Đức Thắng, một người nhiều nghị lực. Đại tá Thắng được chuyển vào nam làm tư lệnh Sư đoàn 5 đóng ở Biên Hòa bên cạnh Sài Gòn.

Tuy đóng ở địa đầu giới tuyến, xa thủ đô Sài Gòn nhưng Sư đoàn 1 là một đơn vị có vai trò quan trọng: Bảo vệ vùng phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam, bảo vệ hai tỉnh địa đầu của miền Nam là Quảng Trị và Thừa Thiên. Hai tỉnh này giáp biên giới với Lào, nơi có con đường thâm nhập chính của cộng sản Bắc Việt vào miền Nam.

Sư đoàn 1 từ lâu đã được coi là sư đoàn thiện chiến nhất của quân đội VNCH. Công việc chỉ huy của ông Thiệu ở Sư đoàn 1 được coi là thành công và ngày 20 tháng Mười Hai năm 1962, tức hơn một năm sau, ông được cử làm tư lệnh Sư đoàn 5 thay cho tướng Thắng.

Nếu như Sư đoàn 1 là một đơn vị chủ lực rất quan trọng ở tuyến đầu thì Sư đoàn 5 lại rất thiết yếu về chính trị vì là đơn vị quân đội lớn nhất bên cạnh thủ đô, bảo vệ các định chế chính trị của đất nước. Tổng thống Diệm chỉ giao quyền tư lệnh Sư đoàn 5 cho những sĩ quan mà ông tin cậy nhất. Và ông Thiệu là một người được tin cậy như vậy.

Còn tiếp…

Bài liên quan:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: