11 Tháng Chín, tại sao NSA thất bại?

Trong nhiều thập niên, NSA được gọi là “No Such Agency” vì gần như không người dân Mỹ nào biết đến sự tồn tại của họ (ảnh: Brooks Kraft LLC/Corbis via Getty Images)

Trong bài viết trên The New Yorker, cây bút nổi tiếng Seymour M. Hersh (giải Pulitzer) đã phân tích nhiều nguyên nhân khiến Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) tụt dốc và góp phần khoét lỗ hổng an ninh lớn như thế nào cho nước Mỹ. Tháng 5-1998, vụ thử hạt nhân lần đầu tiên của Ấn Độ tại Pokharan (Tây Nam New Delhi) đã làm Washington giật mình. NSA hoàn toàn không biết trước chút gì về vụ này. Mãi sau này, NSA mới biết Tổng thống Iraq Saddam Hussein có hệ thống điện thoại di động hoạt động với hơn 900 kênh (!) và mỗi kênh đều được cài mã. Các cuộc gọi của Tổng thống Hussein thay đổi liên tục từ kênh này sang kênh khác…

Số điện thoại của Bin Laden

“873682505331” không phải là số điện thoại bình thường. Nó là số điện thoại của Osama Bin Laden. Chính số điện thoại này là một trong những bằng chứng cho việc cáo buộc bốn đệ tử của Bin Laden trong phiên tòa hồi đầu năm 2000.

“873682505331” thuộc một điện thoại vệ tinh (thiết bị nhỏ gọn bằng máy tính xách tay mà Bin Laden dùng để liên lạc toàn cầu với các thành viên trong tổ chức khủng bố Al-Qaeda nằm rải rác thế giới) đã được Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) bắt sóng được và cung cấp bằng chứng cho thấy Bin Laden thật sự đứng đằng sau vụ khủng bố hai tòa đại sứ Mỹ ở châu Phi năm 1998. Tuy nhiên sau đó, NSA không theo dõi thêm được cuộc điện đàm nào, như từng có lúc nghe cú điện của Bin Laden nói chuyện với mẹ hắn. Tên trùm khủng bố hình như đã cài hệ thống mã tinh vi để chống bắt sóng trộm mà NSA – bậc thầy trong lĩnh vực giải mã – cũng bó tay…

NSA từng cảnh báo Chính phủ Mỹ rằng các bộ phần mềm khóa mã có thể là vũ khí chết người trong tay bọn khủng bố và cuộc tranh luận quanh việc có nên cho phép sản xuất và bán rộng rãi các phần mềm này hay không từng là đề tài nóng trong Quốc hội Mỹ. Trong thực tế, bọn khủng bố từng tận dụng chính các bộ khóa mã siêu việt của Mỹ để hạ nước Mỹ. Ramzi Yousef – kẻ đầu sỏ trong vụ đánh bom Trung tâm thương mại thế giới năm 1993 – đã dùng khóa mã để bảo vệ các tập tin chứa chi tiết kế hoạch tấn công 11 hãng hàng không Mỹ mà sau hàng tháng ròng làm việc NSA mới bẻ khóa được.

Vụ khủng bố hai tòa đại sứ Mỹ ở châu Phi năm 1998 cũng tương tự. Theo báo Baltimore Sun, Wadih El-Hage – một trong bốn bị cáo liên quan – khai rằng hắn dùng e-mail khóa mã, bằng những tên giả khác nhau (“Norman” hay “Abdus Sabbur”), đồng thời nhận lệnh Bin Laden qua các đường điện thoại bình thường từ số “873682505331”. Bin Laden sử dụng điện thoại vệ tinh thuộc mạng Inmarsat (thoạt đầu chỉ dành riêng cho Hải quân Mỹ nhưng sau đó phổ biến rộng với khoảng 210.000 điện thoại trên toàn cầu).

Thuộc hạ Bin Laden đã mua hệ thống điện thoại vệ tinh tại một cửa hàng ở New York vào ngày 1-11-1996 và trả tiền trước cho thời gian sử dụng 2.200 phút khi đăng ký nối mạng. Dùng thiết bị này, Bin Laden đã gọi đến Anh, Yemen, Sudan, Iran, Saudi Arabia, Pakistan và Azerbaijan, chưa kể 50 cuộc gọi đến Kenya, nơi vụ đánh bom Tòa đại sứ Mỹ xảy ra (1998). Khi cảm thấy bị lộ, Bin Laden đã cài mã cho tín hiệu liên lạc, hay đơn giản bỏ hẳn thiết bị điện thoại vệ tinh, khiến NSA mất dấu hắn. Trong vụ khủng bố 11-9-2001, thượng nghị sĩ Orrin G. Hatch cho biết NSA đã bắt được tín hiệu và nội dung điện đàm giữa hai tên thuộc hạ Bin Laden.

NSA, từ một lịch sử huy hoàng…

Trong bài viết mang tựa Test of strength trên Washington Post, tác giả Vernon Loeb đã phân tích kỹ các nguyên nhân đưa đến tình trạng trì trệ tại NSA. Cơ quan này là đầu tàu của ngành an ninh Mỹ. Cục tình báo trung ương (CIA) và Cục điều tra liên bang (FBI) luôn cần thông tin cung cấp từ NSA. Dù là cơ quan gần như duy nhất thế giới trang bị đầy đủ thiết bị để có thể nghe trộm bất kỳ cuộc điện đàm nào nếu muốn.

Thời Chiến tranh lạnh, NSA từng có một quá khứ huy hoàng. Ở Tây Âu, các nhà ngôn ngữ học của NSA đã bí mật ngồi trong xe tải nhỏ kín, nghe cuộc nói chuyện hàng ngày của các đơn vị xe tăng Liên Xô đồn trú bên kia bức tường Berlin. Tại Thái Bình Dương, kỹ thuật viên NSA cùng chuyên viên vô tuyến Không quân Mỹ bay thành từng nhóm tám máy bay Boeing 707 để bắt tín hiệu Morse và giải mã liên lạc giữa Bắc Triều Tiên và các nước thuộc Liên Xô vùng Viễn Đông. Cắm ở Địa Trung Hải, chuyên viên tín hiệu (signalman) của Hải quân cùng đồng sự NSA nghe lén mọi cuộc điện đàm cấp chính phủ trong khu vực Trung Đông. Hàng loạt mật mã phức tạp của Liên Xô đã bị phá, trong đó có mật mã liên lạc giữa Moscow và Tòa đại sứ Liên Xô ở Washington.

Trước khi Richard Nixon nhậm chức, NSA đã có thể nghe “rõ mồn một” các cuộc điện đàm của giới lãnh đạo cấp cao Liên Xô khi họ được chở ra hay đưa vào Kremlin trên những chiếc limousine bóng lộn. Henry A. Kissinger – tham vấn an ninh quốc gia thời Nixon – còn đi xa hơn khi ra lệnh NSA theo dõi bất kỳ cuộc điện đàm ngoại giao chính thức nào từ Washington ra bên ngoài rồi báo cáo riêng cho ông. Giữa thập niên 1970, khi thế giới bắt đầu liên lạc bằng sóng viba, NSA đã phát triển hệ thống tình báo vệ tinh hiện đại và các nhà toán học tài ba của họ đôi lúc còn chọc tức Liên Xô bằng cách làm hỗn loạn tín hiệu liên lạc của Cục tình báo Liên Xô (KGB). Thậm chí các cáp điện thoại trong lòng biển và dưới đất – được xem là an toàn tuyệt đối thời điểm đó – cũng bị NSA tiếp cận thành công…

Xét ở khả năng và độ phức tạp, không cơ quan tình báo thế giới nào có thể so với NSA. Lượng thông tin họ thu thập mỗi ba giờ có thể lấp kín Thư viện Quốc hội (thư viện quốc gia lớn nhất Mỹ). Họ sử dụng một tập thể những nhà ngôn ngữ học và toán học đông nhất thế giới cũng như sở hữu lượng siêu máy tính nhiều nhất thế giới. Hệ thống máy tính NSA sử dụng nguồn năng lượng có thể thắp sáng cả một thành phố (tiền điện tốn trung bình 21 triệu USD/năm) và nếu được làm mát bằng nước thì người ta phải dùng đến 8.000 tấn nước đá.

“No Such Agency”

Thừa hưởng di sản từ những chuyên gia giải mã bậc thầy thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai, NSA được Tổng thống Harry Truman thành lập năm 1952 với mục đích chuyên nhắm vào tình báo tín hiệu (signals intelligence – SIGINT), lĩnh vực được tin rằng có giá trị và hữu dụng hơn điệp viên và tình báo vệ tinh. Với tham vọng là cơ quan SIGINT tiên phong thế giới, NSA không chỉ nghe lén trong nội bộ Mỹ mà còn có thể thu thông tin từ nước khác. Không lâu sau khi thành lập, NSA trở thành cỗ máy khổng lồ với những trạm nghe lén đặt khắp toàn cầu, cùng tàu do thám, tàu ngầm, máy bay và vệ tinh…

Hệ thống dò tín hiệu của NSA có thể nhận ra thậm chí cả rung động trên các tấm kính cửa sổ, từ mạng vệ tinh ở độ cao 22.000 dặm (35.200km)! Chính NSA chứ không phải cơ quan nào khác là nơi nhận ra sự xuất hiện của tên lửa Liên Xô trên đất Cuba hồi năm 1962. Cũng chính NSA là nơi tung ra cảnh báo đầu tiên về nguy cơ Sài Gòn bị tấn công, 5 ngày trước sự kiện Tết Mậu thân 1968. Tổng cộng, NSA giải mã tín hiệu liên lạc của 40 nước thời Chiến tranh lạnh và cũng từng tiến hành chiến dịch có mật danh Gamma Guppy nhằm nghe lén các cuộc nói chuyện cá nhân của lãnh tụ Liên Xô Leonid Brezhnev. Năm 1986, Tổng thống Ronald Reagan đã ra lệnh oanh tạc chỉ huy sở của đại tá Moammar Gaddafi tại Tripoli sau khi máy dò NSA cho thấy vai trò của Libya trong vụ đánh bom khủng bố trong một hộp đêm tại Berlin làm chết hai người Mỹ và một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ…

Đa số người Mỹ chưa hề nghe nói đến cơ quan này hàng thập niên từ ngày nó được thành lập. Năm 1975, một tiểu ban Thượng viện với chủ trì của thượng nghị sĩ Frank Church tiết lộ rằng NSA đã vượt quá mức cho phép phạm vi hoạt động tình báo hải ngoại mà Tổng thống Harry Truman chủ trương ban đầu, khi rình rập công dân trong nước, như diễn viên Jane Fonda, ca sĩ Joan Baez, bác sĩ Benjamin Spock (những người phản chiến) và cả mục sư Martin Luther King Jr. Báo cáo trên khiến người ta lập các điều luật mới ngăn cấm NSA rình rập trên đất Mỹ.

Sau vụ Frank Church, NSA càng nâng cao tầm quan trọng của tính bí mật. Nhân viên cơ quan nói đùa rằng NSA là chữ viết tắt của “No Such Agency” (Không có cơ quan nào như vậy) hay “Never Say Anything” (Không bao giờ nói bất cứ điều gì). Năm 1982, khi tác giả James Bamford viết quyển sách đầu tiên về NSA, mang tựa The puzzle palace, Chính phủ Reagan đã dọa mang Bamford ra tòa tội làm gián điệp nếu ông không hoàn lại các tài liệu nhạy cảm thu thập được nhờ Đạo luật tự do thông tin. Chính phủ cuối cùng cũng nhượng bộ nhưng sự việc cho thấy tầm quan trọng của tính bí mật trong NSA được chú ý như thế nào. (Giám đốc NSA Michael Hayden đã hợp tác với James Bamford trong quyển thứ hai của ông về NSA, mang tựa Body of secrets, tung ra hồi tháng 5-2001).

Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã buộc người ta xem xét lại sứ mạng của NSA. Cơ quan này chuyển sang đối tượng khủng bố quốc tế và dân buôn lậu ma túy. Ngân sách bị cắt. Đầu thập niên 1990, khi thế giới sử dụng rộng rãi cáp quang, NSA đóng cửa 20 trong số 42 trạm vô tuyến nghe lén của mình tại nhiều nơi trên thế giới. Nhân lực quân sự của NSA ở nước ngoài giảm phân nửa. Vị trí NSA trong các cơ quan cấp chính phủ của Mỹ gần như bị xóa sổ. NSA không còn lập báo cáo đệ trình trực tiếp cho Bộ trưởng quốc phòng và việc lập báo cáo hàng ngày cho Tổng thống (trình mỗi buổi sáng) giảm gần 20%. NSA cũng nhận được ít giúp đỡ từ cộng đồng tình báo Mỹ. Những người từng ủng hộ NSA – thành viên các tiểu ban tình báo trong Hạ viện và Thượng viện – bây giờ lại chỉ trích NSA nặng lời nhất.

Tại sao NSA bất lực?

Cú điện gọi sau giờ ăn tối một đêm thứ hai khi tướng Michael Hayden đang xem truyền hình ở nhà. Có một sự cố máy tính nghiêm trọng ở cơ quan. Một hỏng hóc phần mềm đã phá sụm toàn bộ hệ thống mạng. “Nói cụ thể xem nào” – tướng Hayden yêu cầu viên sĩ quan trực, qua đường dây điện thoại an toàn. “Toàn bộ hệ thống mạng bị hỏng” – viên sĩ quan nói. Hậu quả của sự cố quá tải. Thêm nữa, hệ thống mạng trở nên lộn xộn đến mức không ai thật sự biết làm thế nào.

Đó là ngày 24-1-2000 và trung tướng Hayden vẫn còn chưa quen nhiệm vụ mới, chỉ vừa bước qua tháng thứ 10 với tư cách giám đốc NSA – nơi có mạng vệ tinh tình báo và các đài nghe trộm khổng lồ nằm trên năm lục địa; nơi có thể nghe lén điện thoại, xem trộm e-mail, fax và giải tín hiệu vô tuyến; nơi có hệ thống lưu trữ khổng lồ với 5 ngàn tỉ trang dữ liệu tại chỉ huy sở ở Fort Meade. Bỗng nhiên, toàn bộ dữ liệu bị “đông cứng”. Không ai có thể tiếp cận. NSA – cơ quan tình báo lớn nhất và mạnh nhất thế giới – đã trở thành một bộ não chết…

Michael Hayden lập tức gọi Giám đốc CIA George J. Tenet. Hai ông trùm tình báo hàng đầu của Mỹ hoàn toàn bất lực và biết rằng họ không thể làm gì ngoài việc nhường chỗ cho kỹ thuật viên. Sáng hôm sau, chưa hết lo lắng từ sự cố máy tính, Hayden bàng hoàng khi nghe tin một “trận bão” đã tấn công Washington và phá hỏng hệ thống máy tính chính phủ liên bang. Hayden càng tuyệt vọng hơn khi hai ngày trôi qua mà không có tiến triển khả quan. Sự cố trở thành cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia. Đến trưa, khi vội vã dự phiên họp nội bộ, Hayden bước lên sân khấu khán phòng Freidman trong NSA và thông báo với hàng ngàn nhân viên về thảm họa.

“Chúng ta là người giữ bí mật cho quốc gia” – ông nói với giọng dữ dằn – “Nếu chuyện này lọt ra ngoài, chúng ta sẽ làm tăng niềm hồ nghi rằng người Mỹ có thể bị tấn công. Những kẻ muốn đất nước và công dân chúng ta bị hại sẽ có dịp mưu toan ra tay. Đây là chuyện tuyệt mật, không được phép lọt ra khỏi tòa nhà này”. Liệu tất cả 30.000 nhân viên sống với lời thề giữ bí mật có thể kín miệng? Với Hayden – sĩ quan tình báo có sự nghiệp dày cộm từng phục vụ thời Tổng thống George H. Bush và từng quản lý trung tâm chiến tranh không gian điều khiển của Không lực, sự cố máy tính là dấu hiệu rõ ràng cho nhu cầu bức thiết nâng cấp. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, Hayden nhận ra rằng hỏng hóc hệ thống máy tính chỉ là vấn đề nhỏ nhất của NSA…

Thành công của NSA thời Chiến tranh lạnh dựa vào ba chân đế: ngân sách khổng lồ, kỹ thuật siêu việt và chỉ có một kẻ thù đáng sợ duy nhất là Liên Xô. Bây giờ, cả ba chân đế đều gãy. NSA vẫn là một trong những cơ quan có số nhân viên nhiều nhất bang Maryland nhưng ngân sách đã bị cắt 30% và nhân lực cũng giảm liên tục trong thập niên 1990. Nếu Chiến tranh lạnh hạ màn khiến chân tay NSA thừa thãi thì thời kỹ thuật số hóa càng làm họ vất vả nhiều. Liên lạc thực hiện bằng kỹ thuật cáp quang khiến NSA khó dò bắt và ngày càng có nhiều phần mềm mới chống bẻ mã ra đời.

Năm 1999, Ủy ban tình báo thường trực Hạ viện Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng NSA đang trong tình trạng “cực kỳ nghiêm trọng”, thiếu vốn một cách khổ sở và không có nhà lãnh đạo đủ tài ba. Những người theo chủ nghĩa tự do, giới hoạt động chuyên về tính bảo mật Internet và các doanh nghiệp phần mềm chống bẻ mã – chưa kể Nghị viện châu Âu và hàng triệu công dân châu Âu, đều cho rằng đã đến lúc NSA nên đóng cửa. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ vẫn cho rằng SIGINT còn cần thiết.

Michael Hayden

Năm 1998, trước sự lo lắng tột độ của các ủy ban tình báo Thượng lẫn Hạ viện quanh chiếc ghế lãnh đạo NSA, Giám đốc CIA George J. Tenet đã đích thân săn tìm người. Cuối cùng, Tenet chọn ra một nhân vật. Đó là một người nhỏ con với cái đầu hói, một người thích nghiên cứu sử học, một người biết thể hiện mình không biết sợ là gì, cả trong cơ quan lẫn nơi công chúng. Không ai khác hơn là Michael Hayden.

Michael Hayden 56 tuổi (2001) trưởng thành vào thời mà xương sống của nền công nghiệp Mỹ còn là các nhà máy thép và xưởng sản xuất công nghiệp nhỏ, tại khu North Side ở Pittsburgh. Bố ông – Harry Hayden Sr – là thợ hàn chì ở nhà máy Allis-Chalmers. Harry làm việc từ 3 giờ rưỡi sáng đến nửa đêm, để vợ Sadie chăm ba đứa con. Điều Harry nhớ nhất về thời niên thiếu của cậu con trai Michael là đèn trong phòng cậu luôn bật đến tận 5 giờ 30 sáng. Thằng bé đang học bài…

Cuối thập niên 1960, sau khi lấy bằng thạc sĩ sử học Mỹ, Michael Hayden gia nhập không quân. Một thập niên sau, Hayden lên chức thiếu tá và trưởng phòng tình báo căn cứ Osan (Đại Hàn). Sau đó, ông trải qua sáu tháng tu nghiệp tại Đại học quân sự ở Norfolk và 18 tháng học tiếng Bulgaria trước khi làm tùy viên quân sự tại Sofia. Hai năm sau, Hayden được chuyển về làm việc tại Lầu năm góc rồi được chọn làm giám đốc Ủy ban an ninh quốc gia (NSC) phụ trách chính sách quốc phòng và kiểm soát vũ khí. Chức trách kế tiếp của Hayden là tư lệnh trưởng Cơ quan tình báo không quân tại căn cứ Kelly ở San Antonio. Cuối năm 1998, Hayden dẫn đầu phái đoàn quân sự đàm phán với một nhóm tướng CHDCND Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm.

Tướng Michael Hayden (ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

Lúc Hayden đang ở Seoul thì được George J. Tenet triệu về cho cuộc phỏng vấn nhằm đưa ông lên ghế giám đốc NSA. Trở lại Hàn Quốc với tinh thần chuẩn bị ngồi ghế điều hành NSA mà nhiệm kỳ thường chỉ ba năm, trong khi không biết nhiều về SIGINT, Hayden hiểu rằng mình sẽ đảm đương một trọng trách thách thức nhất trong sự nghiệp. Lúc ở Hàn, ông cùng vợ đến rạp hát trong khu quân sự Yongsan để xem bộ phim mới Enemy of the state do Will Smith thủ vai chính. Nội dung phim nói về một viên chức cấp cao NSA ám sát một dân biểu – người từ chối ủng hộ dự luật mở rộng quyền hạn NSA trong việc được phép rình rập công dân Mỹ. Trong rạp, ngồi quanh đám lính GI kêu la khoái chí khi âm mưu của viên chức NSA bị lật tẩy, trùm NSA tương lai Hayden phải thụp xuống ghế tránh mặt. Trong thực tế, hình ảnh NSA thậm chí phức tạp bội phần so với tưởng tượng Hollywood…

Năm 1997, Nghị viện châu Âu tung ra báo cáo chi tiết về mạng viễn thông toàn cầu Echelon. Báo cáo nói rằng NSA đã theo dõi từng bức fax, điện thoại và e-mail ở châu Âu. Kết luận này không đúng hoàn toàn. Echelon thật ra chỉ là một hệ thống nhỏ của NSA mà trong đó NSA cùng các đối tác tình báo điện tử ở Anh, Canada, Úc và New Zealand phân chia trách nhiệm trong việc xử lý thông tin vệ tinh. Ngoài việc đương đầu với cáo buộc NSA chôm chỉa thông tin tình báo công nghiệp ở châu Âu, Hayden nhận thức rằng mình đang thừa hưởng một cơ quan vừa bị cáo buộc có quyền lực vô hạn trong cùng lúc vừa bị lên án về sự bất lực tột cùng.

Khi đến Fort Meade – chỉ huy sở NSA, Hayden còn phát hiện thêm một sự thật lạnh buốt: giám đốc NSA không thật sự quản lý cơ quan. NSA bị phân tán thành 5 ban lãnh đạo mà mỗi ban tự lập một vương quốc riêng. Cấu trúc lãnh đạo NSA bị chồng chéo và không ai có thể thấy một bức tranh toàn cảnh hình thù như thế nào. Có đến 68 hệ thống e-mail khác nhau ở Fort Meade và 452 tiểu ban nghiên cứu thông tin đều có thể xem tin của một trong 68 hệ thống e-mail này.

Không còn cách nào khác, Hayden bắt đầu cuộc đảo chính nội bộ, lập hai nhóm khảo sát – một gồm nhân viên NSA và một thuê từ bên ngoài – để báo cáo toàn bộ nội tình NSA. Kết quả thật kinh khủng. Nhóm bên trong chỉ trích quyết liệt những người tiền nhiệm Hayden, nói rằng NSA bị khủng hoảng lãnh đạo trong gần một thập niên… Nhóm bên ngoài cho rằng NSA đã “lưỡng lự” trong việc chuyển từ “các mục tiêu truyền thống sang mục tiêu mới hơn” và rằng NSA hoàn toàn “điếc” trước những gì liên quan đến tướng tá quân đội, ban bộ hoạch định chính sách trong Nhà trắng và CIA.

Tiến hành cuộc “đảo chính”, Hayden thuê Beverly L. Wright (thạc sĩ kinh thương Harvard) làm chánh văn phòng về tài chính. Không có một nhân viên chuyên nghiệp như vậy, ông không thể biết ngân sách bị chia năm xẻ bảy như thế nào. Tiếp theo, Hayden thuê chuyên gia viễn thông Harold C. Smith chịu trách nhiệm toàn bộ kỹ thuật thông tin của NSA. Ông thậm chí muốn thuê một người phó cho mình từ bên ngoài nhưng bị ngăn cản bởi cựu đô đốc Bobby Ray Inman – một giám đốc NSA huyền thoại trong quá khứ mà Hayden thường hỏi ý kiến.

Ngoài việc thuê người ngoài, NSA cũng tiến hành thuê công ty tư nhân để phát triển kỹ thuật SIGINT mới gọi là Trailblazer, hồi cuối tháng 3-2001, với tham gia của ba công ty (Booz Allen & Hamilton Inc, Lockheed Martin Corp và TRW). Việc này cũng bị chỉ trích, trước một vụ tiền lệ hồi cuối thập niên 1980, khi Cơ quan quản lý hàng không liên bang thuê hãng IBM nhằm thiết lập một hệ thống kiểm soát không lưu (dự án cuối cùng bãi bỏ với chi phí 500 triệu USD). Dù thế nào, kỹ thuật vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong cuộc cải tổ của Hayden…

Seymour M. Hersh nhấn mạnh rằng một trong những nguyên nhân khiến NSA bất lực trong việc hàn kín lỗ hổng an ninh cho nước Mỹ là tình trạng phát triển các phần mềm khóa mã. Năm 1978, khi George I. Davida (nhà khoa học máy tính thuộc Đại học Wisconsin) tìm cách đăng ký bản quyền một bộ khóa mã, NSA đã kiện ra tòa, dẫn từ một điều luật an ninh quốc gia năm 1951. Năm 1993, cuộc chiến giữa NSA và giới kinh doanh phần mềm khóa mã lại bùng lên khi hacker Philip R. Zimmermann ở Boulder (bang Colorado) tung ra chương trình khóa mã Pretty Good Privacy (PGP).

Thật sự trở thành ác mộng cho NSA, PGP cho phép bất kỳ người sử dụng máy tính trình độ trung bình nào cũng có thể lập mã khóa thông tin. Không lâu sau, PGP tràn lan trên Internet và NSA xem Zimmermann không khác gì một kẻ “xuất khẩu đạn dược” nguy hiểm nhất nước Mỹ. Một vụ kiện lại được thiết lập. Ba năm sau, vụ án bị hủy vì người ta không thể qui kết Zimmermann vào tội danh phạm pháp nào. Sau vụ này, Nội các Bill Clinton đề nghị một giải pháp. Việc xuất khẩu phần mềm khóa mã tiếp tục được thực hiện, với điều kiện các công ty phải cài thêm bộ vi xử lý (gọi là Clipper Chip) để ngành an ninh Mỹ có thể trực tiếp tiếp cận và phá mã trong trường hợp cần thiết. Ý tưởng này bị phản đối. Giới sản xuất cho rằng, thật bất hợp lý khi cho phép họ bán ổ khóa nhưng cùng lúc lại bí mật trao chìa mở cho người thứ ba. Cuối cùng, trận chiến giữa NSA và dân Thung lũng Silicon kết thúc. NSA là người thua cuộc.

Liệu có phải bộ khóa mã thương mại là mấu chốt của lỗ hổng an ninh Mỹ? Chuyên san tình báo quốc phòng Jane’s Intelligence Review cho rằng vấn đề không phải NSA hay các cơ quan an ninh khác của Mỹ hoàn toàn bất lực trong việc dò tìm thông tin mà là “chúng ta đơn giản không có các hoạt động đầy đủ kỹ năng để phân tích thông tin tình báo nhận được, trong thời gian đủ nhanh để phản ứng hiệu quả và tìm ra kẻ đang âm mưu phá hoại Mỹ” – Jane’s Intelligence Review dẫn lời Giám đốc CIA George Tenet.

Cho đến trước sự kiện 11-9-2001, không cơ quan an ninh Mỹ nào có một chuyên gia Pushto (ngôn ngữ của người Pashtun – sắc dân đa số tại Afghanistan trong đó có thành phần Taliban), dù biết rõ rằng Bin Laden đang sống dưới sự che chở của Taliban ở Afghanistan, dù kế hoạch xây mạng lưới điệp viên nói tiếng Pushto cài vào Afghanistan từng được bàn nhiều lần. Nói khác đi, ngành an ninh Mỹ thiếu một kế hoạch chiến lược cho tình báo ngăn ngừa (preventative intelligence) và chậm chân hơn so với động thủ của bọn khủng bố. Chiến tranh lạnh chấm dứt khiến ngành tình báo Mỹ bắt đầu ít việc và sự kiện 11 Tháng Chín cho thấy họ đã trả giá cho sự nhàn hạ và thậm chí lười biếng này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: