Nước Mỹ, 11 Tháng Chín 2001: Một ngày chấn động thế giới

Ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group/Getty Images
Share:

Tất cả trụ sở cấp liên bang đều đóng cửa. Toàn bộ Quốc hội được di tản. Tất cả 19 tòa nhà thuộc giám sát của Cảnh vệ Quốc hội (Capitol Police) đều đóng kín, tương tự tất cả văn phòng chính phủ nằm trên địa phận Washington DC. Cơ quan quản lý hàng không liên bang cấm bất kỳ máy bay nào trên đất Mỹ được phép cất cánh (và nhiều nước cũng hoãn các chuyến bay đến Mỹ), cho đến trưa 12-9…

Gần như toàn bộ xe lửa và tàu điện ngầm tạm ngưng hoạt động. Tất cả trường học tại bang Maryland đóng cửa, như nhiều trường đại học khắp nước Mỹ. Hải lục không quân kéo về Washington và New York. Mọi hoạt động giải trí bị hủy. Lễ công bố giải Latin Grammy tối 11-9-2001 và giải truyền hình Emmy dự kiến tối 16-9 đều tạm ngưng. Mọi bảo tàng ở Washington DC dừng hoạt động.

Nhiều phụ huynh khắp nước Mỹ không cho con đến trường. Tình trạng khẩn cấp ban bố toàn quốc. Các trụ sở chính phủ Mỹ ở hải ngoại nằm trong tình trạng báo động. Trụ sở Liên Hiệp Quốc được di tản… Gần tròn 60 năm ngày lịch sử Trân Châu Cảng (7-12-1941), nước Mỹ đã bàng hoàng bởi vụ khủng bố nghiêm trọng chưa từng có tại nước mình cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

MỘT NGÀY LỊCH SỬ MỸ KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

Còi báo động vang lên toàn thành phố New York sau khi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) 110 tầng bị cú đánh đầu tiên vào lúc 8 giờ 45 sáng 11-9 bởi một máy bay đâm vào, ở tháp Bắc, xé toạc một lỗ to và tạo ra trận cháy lớn. 9 giờ 03, chiếc máy bay thứ hai đâm tiếp vào tháp Nam WTC. Nhiều xác người bị hất văng khỏi tòa nhà từ tầng cao. Chuyên gia vi tính dữ liệu Boris Ozersky kể rằng anh đang ở tầng 70 thì nghe tiếng nổ. Vội vàng lao vào thang máy và kịp phóng ra ngoài, Ozersky thoát chết. Bên trong, tiếng kêu khóc, gào thét vang to như muốn át cả tiếng còi xe cứu hỏa và không khí hỗn loạn cực điểm khi nhiều tầng lầu tối om vì mất điện – Ozersky kể.

“Các tấm kính cửa sổ kêu răng rắc khi tòa nhà bắt đầu run rẩy. Hàng toán người bên trong chạy ra với mình mẩy đầy bụi gạch và vẻ mặt kinh hoàng trông như những bóng ma” – phóng viên AP Dunstan Prial tường thuật. 10 giờ 05, tháp Nam WTC đổ sụm, bao trùm Manhattan trong khói bụi và gạch vụn. 10 giờ 28, tháp Bắc đổ. Dọc đại lộ Số 6, hàng ngàn người New York bàng hoàng chứng kiến cảnh WTC ngùn ngụt cháy và lúc ngọn tháp Nam đổ xuống thì mọi người cuống cuồng bỏ chạy, tránh cuộn mây khói và gạch vụn văng đến…

Đống đổ nát sau khi hai tòa tháp đôi WTC đổ sụm (ảnh:Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

Hàng ngàn người đã hoảng loạn chạy từ các tầng lầu của hai ngọn tháp 110 tầng trước khi chúng đổ sụm. Một số người may mắn tìm được thang máy còn hoạt động; số khác, chỉ còn cách chạy và bò xuống hàng trăm tầng cầu thang. “Người ta la hét và mảnh vỡ văng khắp nơi” – nhân chứng sống sót John McKeehan kể – “Quang cảnh hệt như nước Mỹ đang trong một cuộc chiến”. Vô số người khác đã không thể thoát, bị chặn bởi lửa và sợ hãi tột cùng. Các chuyên gia cho biết ngọn lửa gây ra bởi hai máy bay đầy nhiên liệu sức nóng có thể lên đến 1.400oC, đủ để nung thép chảy thành nước và thiêu mất xác các nạn nhân. Nhiều người không chịu nổi ngọn lửa đã phóng ra ngoài từ trên tầng cao…

Nhân chứng Walter Lipiak kể rằng vào 8 giờ 45, lúc anh mở cửa vào khu văn phòng Cosmos Service America ở tầng 89 trên tháp Bắc thì chiếc máy bay đầu tiên đâm vào. Khi tay vẫn còn cầm chìa khóa, tiếng nổ kinh khủng bùng lên, tống anh văng vào góc phòng. Lúc những người khác đến, anh yêu cầu họ nằm xuống sàn và lấy khăn tắm che mặt. Vài phút sau, Lipiak cùng mọi người lao ra cầu thang. Cửa thang bị bít. Cảnh sát xuất hiện và dòng người chen nhau chạy xuống…

Cách văn phòng Cosmos Service America bốn tầng phía dưới, quản trị viên công ty luật Geoffrey Heineman sáng hôm đó đến nơi làm việc khá sớm, đang đứng nhìn ra khung cảnh cảng New York và tượng Nữ thần Tự do. Công ty luật Ohrenstein & Brown có 90 nhân viên và sau Heineman thì thêm 14 người có mặt. 8 giờ 45, Heineman cùng các đồng nghiệp nghe một tiếng va chạm cực mạnh khiến tòa nhà chao đảo. Ban đầu, Heineman nghĩ rằng có thể là trực thăng hoặc máy bay nhỏ đụng vào tháp. “Rồi có người khóc và kêu thét” – Heineman kể. Khói lan vào khu văn phòng. Heineman cùng đồng nghiệp chạy ra. Cửa thang bị chặn bởi các ống thép gãy. Mọi người dỡ chướng ngại vật và chạy đến cầu thang khẩn cấp…

Thiếu tá Jerry Kitzhaber đang ở Lầu Năm Góc thì nhận cú điện của vợ, thông báo về sự cố WTC và bày tỏ lo sợ. “Anh không sao đâu. Đây là Lầu Năm Góc mà…” – Kitzhaber trấn an. Ngay khi vừa gác máy, Kitzhaber nghe một tiếng nổ kinh thiên động địa. Nhiều nhân viên bị hất văng khỏi ghế bởi sức ép kinh khủng từ chấn động. Khói đen kịt bốc lên từ một góc tòa nhà lục giác này, gây bàng hoàng cho Kitzhaber và hơn 20.000 người làm việc bên trong. Điện thoại di động được yêu cầu tắt, sợ rằng có thể kích nổ bom. Lầu Năm Góc – biểu tượng sức mạnh tuyệt đối của quân đội Hoa Kỳ – đã bị chiếc máy bay thứ ba đâm vào, lúc 9 giờ 43.

4 giờ 10 chiều, Cao ốc số 7 (Building 7) 47 tầng thuộc khu phức hợp WTC ngùn ngụt cháy và đến 5 giờ 20 thì nó đổ sụm.

Vết tích còn lại của hai tòa tháp WTC (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA?

Nhân viên hàng không phụ trách tình trạng khẩn cấp Glenn Cramer tại hạt Westmoreland thuộc bang Pennsylvania kể rằng anh nhận được cú điện thoại di động lúc 9 giờ 58 từ một người nói rằng mình đang bị nhốt trong phòng vệ sinh trên chiếc Flight 93. “Chúng tôi bị không tặc. Chúng tôi bị không tặc!” – Glenn Cramer kể lại lời cầu cứu của nạn nhân. Trước đó, nạn nhân Mark Bingham trên chiếc Flight 93 cũng gọi về gia đình, thông báo tin máy bay bị không tặc.

Tiếp viên hàng không CeeCee Lyles cũng liên lạc được với chồng. Một hành khách khác của Flight 93 – Jeremy Glick – gọi điện cho vợ tại New Jersey, nói rằng một số nạn nhân đang tìm cách chống lại bọn khủng bố. Glick nói rằng chiếc máy bay bị khống chế bởi ba tên Trung Đông mang băng đỏ quấn ngang trán. Chúng vung dao đe dọa và cầm một hộp đỏ nói rằng đó là bom. Nạn nhân Thomas Burnett điện cho vợ: “Anh biết tất cả mọi người sẽ chết. Một người đã bị đâm. Có ba người bọn anh đang tìm cách… Anh yêu em” – cú điện cắt ngang… (chiếc Flight 93 rơi lúc 10 giờ 10). Từ chiếc Flight 77, Barbara Olson (cựu công tố viên liên bang) gọi điện thoại di động cho chồng, báo tin xấu. “Làm gì bây giờ, làm gì bây giờ?” – Olson hỏi. Vài phút sau, Flight 77 đâm xuống Lầu năm góc… (Độ tin cậy của các thông tin trên hoàn toàn lệ thuộc vào sự trung thực của gia đình các nạn nhân).

Có tổng cộng bốn chiếc máy bay dân dụng bị không tặc – hai chiếc của hãng United Airlines và hai của American Airlines. 11 giờ 18, hãng American Airlines xác nhận họ mất hai máy bay: chiếc Flight 11 (chở 81 hành khách) bay từ Boston đến Los Angeles và chiếc Flight 77 (chở 58 hành khách) bay từ Washington đến Los Angeles. Chiếc Flight 11 đâm vào tháp Bắc WTC và chiếc Flight 77 đâm xuống Lầu năm góc. Gần 10 phút sau, hãng United Airlines loan báo chiếc Flight 93 (chở 45 hành khách) của họ bay từ Newark ở New Jersey đến San Francisco bị nổ tan tành từ không trung, cách Đông Nam Pittsburgh (Pennsylvania) khoảng 120 km.

Chiếc Flight 93 hẳn là nạn nhân cho một cuộc tấn công vào vị trí trọng yếu – chẳng hạn Trại David (nơi nghỉ mát của tổng thống), như phỏng đoán của một số viên chức Hải quân Mỹ – nhưng vì lý do gì chưa rõ đã khiến nó cháy nổ trước khi kịp gây thảm họa. Một chiếc United Airlines khác, Flight 175, với 56 hành khách, bay từ Boston đến Los Angeles cũng bị tan tành khi lao đầu vào tháp Nam WTC… Điều gì đã thật sự xảy ra?

Hầu hết ghế trên chiếc chuyến bay Flight 77 thuộc hãng American Airlines đều trống. Trong chuyến bay từ phi trường Dulles ở Washington đến Los Angeles, hành khách trên chiếc máy bay vắng chỗ đã tập trung tại các ô cửa để ngắm cảnh quan rặng Blue và thung lũng sông Ohio. 8 giờ 51, khoảng 40 phút sau khi cất cánh, Flight 77 đạt đến độ cao an toàn bình thường và hành khách bắt đầu tháo đai lưng. Trong 58 hành khách, có nhóm học sinh tiểu học (11 tuổi) đi du lịch do Hiệp hội địa lý quốc gia (National Geographic) tài trợ; chủ tịch một công ty ở California, một bình luận viên truyền hình nổi tiếng… Lúc 9 giờ, khi bay vào Ohio, tín hiệu theo dõi đường bay Flight 77 ở mặt đất bị mất. Nó quay ngược lại sau chặng đường 480 km từ phía Tây và chuẩn bị biến thành quả tên lửa khổng lồ nhắm vào Nhà trắng.

Không lâu sau khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào Tháp Nam WTC (9 giờ 03), lúc 9 giờ 25, Washington bắt đầu biết có một máy bay nữa bị không tặc. Nạn nhân Barbara Olson (bình luận viên truyền hình) gọi điện thoại di động cho chồng – viên chức cấp cao Bộ tư pháp Mỹ Theodore B. Olson – báo rằng Flight 77 bị không tặc. 5 phút sau, cô gọi lại, nói rằng hành khách đang bị dồn vào phía sau, trong đó có phi công chính.

Theodore B. Olson lập tức báo cho Trung tâm không lưu Washington. Khi Flight 77 đến gần, radar không lưu Washington có thể thấy rõ nó đang lao về hướng vùng cấm bay trên Nhà Trắng (chính nguồn tin này đã khiến Tổng thống Mỹ George W. Bush không dám về Dinh tổng thống, cho đến 5 giờ 30 chiều cùng ngày, theo Newsweek (CNN ghi là 6 giờ 54). Không biết vì lý do gì, Flight 77 chuyển hướng đâm vào Lầu Năm Góc, lúc 9 giờ 43. (Toàn bộ hành trình Flight 77 vừa kể được cung cấp bởi Flight Explorer – công ty chuyên thu thập và bán thông tin-dữ liệu radar từ các chuyến bay dân dụng).

Một chiếc American Airlines khác, Flight 11, khởi hành đúng lịch bay, 7 giờ 59, từ sân bay quốc tế Logan ở Boston trên hành trình đến Los Angeles. Phi công trưởng John Ogonowski hẳn đang nghĩ đến chuyến du lịch cuối tuần đã hứa với vợ. Sau 16 phút bay về hướng Tây và khi ngang qua Worcester (Massachusetts), Flight 11 bỗng quay sang hướng Nam rồi đổi qua hướng Bắc lúc 8 giờ 15…

Suốt trong thời gian đó cho đến 8 giờ 20, người ta mới nhận ra sự bất thường: Flight 11 không thực hiện lời hướng dẫn bay ở độ cao an toàn và tín hiệu cung cấp thông tin độ cao cũng bị mất. Phi công trưởng Ogonowski cố báo động bằng cách gõ nhẹ liên tiếp vào micro, nhấn nút truyền tín hiệu để không lưu có thể nghe.

Lính cứu hỏa tại hiện trường đống đổ nát của hai tòa tháp đôi WTC (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

“Đừng làm gì ngu ngốc. Bọn tao còn nhiều máy bay nữa” – một tên khủng bố nói, theo băng ghi âm tại một trạm không lưu mà tờ Christian Science Monitor độc quyền tiếp cận được. Cùng lúc, một tiếp viên gọi điện – có thể là điện thoại di động hay điện thoại gắn ở lưng ghế – cho Trung tâm điều khiển American Airlines. 8 giờ 29, Flight 11 xuất hiện trên bầu trời New York. Nó hạ thấp dần và đâm vào Tháp Bắc WTC lúc 8 giờ 45…

Hình như có một cuộc ấu đả trên chiếc Flight 93 của hãng United Airlines. Trong bốn máy bay, Flight 93 là nơi có nhiều cuộc gọi báo động nhất. Lyzbeth Glick kể rằng chồng cô – Jeremy – gọi điện nói có ba-bốn người đang tìm cách chống lại bọn khủng bố mà thoạt đầu người ta tỏ ra xem thường khi thấy chúng uy hiếp bằng dao phết bơ bánh mì thuỗn được sau buổi điểm tâm. Jeremy cho biết có ba tên Arab mang băng đỏ quấn trán. Một nạn nhân khác – Thomas E. Burnett Jr. – cũng điện báo cho vợ, nói rằng một hành khách đã bị đâm chết. Trong hoảng loạn, một hành khách trốn vào phòng tắm đã gọi về Tổng đài 911 và nạn nhân Lauren Grandcolas cũng điện cho chồng nhưng không gặp và để lại tin nhắn: “Máy bay có sự cố. Em vẫn an toàn…”.

Đi theo tuyến từ Newark (New Jersey) tới San Francisco (California), Flight 93 lên đến độ cao an toàn khoảng 8 giờ 44. Đến 9 giờ 37, nó đột ngột quay lại chặng cũ. Hãng tin CNN cho biết họ có một phần cuộn ghi âm tiếp cận từ một trạm không lưu, trong đó, một tên dùng tiếng Anh giọng Trung Đông nói: “Đây là phi công trưởng. Mọi người ngồi yên. Có một quả bom trên máy bay. Giữ im lặng. Chúng ta sẽ trở lại phi trường”.

Góc Tây Nam của tòa nhà Pentagon (Lầu Năm Góc) bị tấn công ngày 11 Tháng Chín 2001 (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Theo nhiều viên chức cấp cao và các nhà điều tra, mục tiêu của Flight 93 có thể là Trại David (nơi nghỉ mát của tổng thống) nhưng cuộc chống trả của các nạn nhân (làm một người bị đâm chết) đã khiến Flight 93 cuối cùng rơi cháy tan tành, lúc 10 giờ 10. Điểm rơi cách Trại David hơn 100 km về phía Tây Bắc, tại hạt Somerset thuộc bang Pennsylvania…

Hình ảnh gây bàng hoàng nhất cho cả thế giới chính là chiếc Flight 175 của hãng United Airlines đâm vào Tháp Nam WTC – 18 phút sau khi Tháp Bắc bị tấn công. Từ sân bay quốc tế Logan ở Boston, Flight 175 cất cánh đúng giờ, với vỏn vẹn 56 hành khách trên chiếc Boeing 767 khổng lồ. Nó rời cổng sân bay lúc 7 giờ 58 và bánh xe của nó bắt đầu cuốn lên lúc 8 giờ 15. Flight 175 đi đúng tuyến Tây Nam hướng về Los Angeles, cho đến 8 giờ 47, bỗng ngoặt sang trái. 20 phút sau, nó thực hiện cú đánh gắt sang trái lần nữa.

Trong cùng thời gian, bọn không tặc dùng dao đâm trọng thương một số tiếp viên – theo lời nạn nhân Peter Hanson 32 tuổi gọi điện cho bố mình ở Connecticut (Flight 175 đâm vào Tháp Nam WTC, lúc 9 giờ 03)… Người ta tin rằng bọn khủng bố hoạt động ăn khớp với một kế hoạch hoàn hảo trong đó có việc đâm vào Tháp Nam WTC muộn hơn cú tấn công Tháp Bắc (18 phút), tạo thời gian đủ để giới truyền thông có thể truyền hình trực tiếp cảnh kinh hoàng…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: