Osama Bin Laden và ma trận khủng bố

Một tuần sau vụ khủng bố 11 Tháng Chín, hàng loạt trang nhất báo Mỹ đang ảnh truy nã Osama Bin Laden. Phải đến ngày 2 Tháng Năm 2011, kẻ thù của nước Mỹ mới bị tiêu diệt (ảnh: Richard Baker/In Pictures/Getty Images)

Tờ American Reporter đã thử giải thích câu hỏi rằng tại sao bọn khủng bố chọn ngày 11-9 để “tử hình” nước Mỹ: một phần trong kế hoạch của chúng là ngăn vụ xử án Mohamed Rasheed Daoud al-Owhali – một trong những kẻ dính vào vụ đánh bom ở hai tòa đại sứ Mỹ (tại Kenya và Tanzania vào tháng 8-1998) – dự tính tiến hành vào ngày 12-9-2001 (chưa kể vụ xử M. Salim – cựu viên chức cấp cao trong tổ chức Al-Qaeda của Bin Laden – vài ngày sau đó).

TẠI SAO OSAMA THÙ GHÉT MỸ?

Một thông tin công bố trung tuần tháng 9-2001 còn cho thấy thế lực ghê gớm của Bin Laden trong cộng đồng Hồi giáo: chính tay triệu phú trùm khủng bố đã đứng đằng sau các vụ hỗn loạn ở Indonesia. Hắn thân chinh đến đảo Maluku (Indonesia) để tham gia chỉ huy lực lượng Laskar Jihad nhằm châm ngòi cho người Hồi đánh-giết thành phần Thiên chúa giáo. Hắn cũng chi tiền cho Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro ở Nam Philippines để chống phá Chính phủ Manila…

Bin Laden là kẻ đứng đằng sau nhiều vụ khủng bố quốc tế trong thập niên 1990: vụ đánh bom Trung tâm thương mại New York năm 1993; vụ tấn công lính Mỹ ở Somalia nhằm buộc quân Mỹ rút khỏi Lực lượng gìn giữ hòa bình; vụ đánh bom trung tâm huấn luyện Cảnh vệ quốc gia Saudi ở Riyadh (Saudi Arabia) năm 1995; vụ đánh bom khu phức hợp Khobar Towers gần Dhahran năm 1996, khiến hơn 20 người Mỹ thiệt mạng…

Đầu năm 2001, Bin Laden cho “phát hành” cuộn phim 100 phút mang tựa Chuẩn bị và giải pháp (do hãng El-Sakheb Media Productions tung ra), với cảnh hắn vận bộ đồ trắng và đeo con dao găm, kêu gọi tổ chức cuộc thánh chiến chống Mỹ và cảm ơn Thượng đế đã giúp hắn thành công vụ khủng bố cảm tử tàu USS Cole tại Yemen. Với tài hùng biện, hắn cũng là bậc thầy trong chiến tranh tâm lý – theo Bruce Hoffman, chuyên gia nghiên cứu khủng bố thuộc trung tâm Rand Corp.

Sự nổi giận của hắn dành cho người Mỹ bắt đầu từ sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Trong bản tuyên bố năm 1996 nêu rõ luận thuyết của mình, Bin Laden nhấn mạnh rằng sự có mặt trên vùng đất thánh Arab của “bọn thập tự chinh Mỹ” là “thái độ ngạo mạn nghiêm trọng nhất” nhằm vào toàn bộ thế giới Hồi giáo kể từ khi Nhà tiên tri Muhammad chết năm 632. Bị giam lỏng tại Jiddah (Saudi Arabia) do chống đối việc Chính phủ Saudi Arabia liên minh với Mỹ, Bin Laden trốn ra nước ngoài vào tháng 4-1991, đầu tiên đến Afghanistan và sau đó đến Khartoum (thủ đô Sudan), vào thời điểm mà một chính phủ Hồi giáo chính thống vừa lên nắm quyền tại Sudan và cho phép bất kỳ người Hồi nào được nhập cảnh không cần visa.

Osama Bin Laden trong một lần hiếm hoi tiếp xúc báo chí (trong ảnh là với nhà báo Pakistan Hamid Mir; bài báo này đăng ngày 10 Tháng Mười Một 2001 (ảnh: Visual News/Getty Images)

Từ Sudan, chiến dịch tiêu diệt Mỹ có phương án cụ thể và kế hoạch chi tiết bắt đầu hình thành. Năm 1996, Sudan trục xuất Bin Laden, bởi sức ép chính trị và ngoại giao từ Washington. Hắn quay lại Afghanistan, dựng trại huấn luyện trong rừng núi và mua súng ống. Ahmed Ressam – một đệ tử người Algeria của Bin Laden bị bắt tại biên giới Canada tháng 12-1999 – khai tại phiên tòa New York hồi tháng 7-2001 rằng Bin Laden đã lên kế hoạch khủng bố lễ đón mừng Thiên niên kỷ bằng cách đánh bom phi trường quốc tế Los Angeles nhưng bất thành và còn tính đánh cướp các ngân hàng ở Canada để có ngân sách cho cuộc thánh chiến dài hơi…

Từ năm 1998, CIA đã được Nhà trắng chuẩn y kế hoạch truy bắt Bin Laden (và được tái chuẩn y ngân sách ngay khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức). Tuy nhiên, đến khi vụ 11-9 xảy ra, tình báo Mỹ vẫn vô vọng trong việc tiếp cận kẻ thù nguy hiểm này. Trong khi đó, Bin Laden thậm chí tuyển mộ thành viên ngay trên đất Mỹ, như trường hợp Wadih El Hage – nhân viên quản lý một cửa hàng lốp xe ở Texas bị kết án hồi đầu năm 2001 tội dính dáng vụ khủng bố hai tòa đại sứ Mỹ ở châu Phi năm 1998.

Bin Laden và Al-Qaeda tiếp tục tồn tại một phần nhờ sự giúp đỡ khi chỗ này khi chỗ kia của người Hồi. Giáo sư Đại học Harvard Jessica Stern (giúp Nội các Clinton trong những vấn đề liên quan khủng bố) nói rằng Chính phủ Pakistan thời Thủ tướng Nawaz Sharif từng hỗ trợ Bin Laden, đổi lại, Taliban và bọn Hồi giáo quá khích của Bin Laden giúp Sharif trong cuộc chiến du kích đánh Ấn Độ tại Kashmir. Cho đến trước khi Taliban tan rã bởi các cuộc oanh kích của Mỹ trong tháng 10 và 11-2001, Osama Bin Laden sống ở Afghanistan cùng ba người vợ và 42 gia đình Arab khác trong khu phức hợp gồm 30 căn nhà…

CUỘC “THÁNH CHIẾN”

Bản tin xuất hiện trên một tờ báo Arab phát hành tại Luân Đôn khiến người ta để ý: “Giết người Mỹ và bọn đồng minh của chúng là bổn phận của mỗi người chúng ta…”. Chuyện một tờ báo kêu gọi cộng đồng Arab ly khai và chống phương Tây, nhất là Mỹ, đã trở nên quá quen thuộc nhưng lần này người ta phải quan tâm bởi kẻ hô hào vừa nói là Osama Bin Laden chứ không ai khác. Vài ngày sau, các tòa đại sứ Mỹ ở Trung Đông cũng như Pakistan đặt trong tình trạng báo động. Các trụ sở Mỹ tại Washington được cảnh giác tối đa. Bất cứ chiếc xe nào vào Lầu năm góc đều bị lục soát…

Bố của Osama – Muhammad Bin Oud Bin Laden – thiết lập sự nghiệp từ con đường thầu xây dựng. Năm 1973, công ty xây dựng Bin Laden được Hoàng gia Saudi cấp phép cho dự án tái dựng khu đền thiêng tại Mecca và Medina. Cuối thập niên 1960, khi Osama khoảng 11 tuổi, Muhammad Bin Oud Bin Laden chết trong một tai nạn máy bay. Người anh cả Salem (từng học bán trú tại trường Millfield ở Anh) thay bố cai quản vương quốc Bin Laden.

Phần mình, sau khi tốt nghiệp cơ khí và kinh tế (Đại học King Abdul Aziz tại Jiddah, Saudi Arabia) cuối thập niên 1970, Osama muốn nhảy lên vị trí cao trong Saudi Bin Laden Group. Thái độ này bị anh em trong nhà thù ghét và tìm cách loại bỏ. Người ta còn đồn Osama thất bại liên tiếp trong các thương vụ đầu tiên, khiến gia đình không tin tưởng…

Osama là đứa con duy nhất của người vợ Syria trong 11 người vợ (mà 10 người đều là dân Saudi) của Muhammad Bin Oud Bin Laden (gốc Yemen). Quan hệ gia đình rạn nứt cùng lúc vài diễn biến chính trị thế giới xuất hiện đã đẩy nhanh Osama xa khỏi quỹ đạo dòng họ. Đầu năm 1979, cơn bão cách mạng Hồi giáo lật đổ chế độ phong kiến Iran. Tháng 11-1979, ngọn gió Hồi giáo quét vào Saudi Arabia, khi Đại giáo đường ở Mecca bị nhóm Hồi giáo vũ trang quá khích chiếm giữ; trong cùng năm, Liên Xô bắt đầu tấn công Afghanistan… Các diễn biến hội tụ này khiến Osama cuối cùng lái sang con đường chính trị thay vì kinh doanh, đi ngược lại hầu hết thành viên còn lại trong dòng họ…

Cao, gầy với bộ râu dày, Osama Bin Laden lúc nào cũng khoác chiếc áo choàng trắng như mọi người Arab khác. Những ai từng tiếp xúc với Bin Laden kể lại rằng hắn luôn có thái độ điềm tĩnh, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng giọng nói uy lực. Một lần, khi ghé vào cứ điểm của Bin Laden sâu trong rặng núi ở Afghanistan, phóng viên Palestine Abdelbari Atwan cứ nghĩ mình sẽ thấy một khu trại tiện nghi nhưng rồi hai đêm sau đó, Atwan phải nằm cạnh Bin Laden trong một cái hang. “Trời lạnh không chịu nổi. Khi với tay xuống giường, tôi chẳng thấy chăn đâu mà toàn súng trường và lựu đạn” – Atwan kể.

Tung ra Jihad (Thánh chiến), Bin Laden cho rằng sự hiện diện của người phương Tây nào ở Trung Đông cũng là mối đe dọa cho cộng đồng Arab cũng như Hồi giáo. Sau khi Iraq tấn công Kuwait vào tháng 8-1990, Bin Laden gặp Bộ trưởng quốc phòng Saudi Arabia, đề nghị giúp đỡ với điều kiện không để người Mỹ dính vào. “Bin Laden trải trước mặt Bộ trưởng quốc phòng Saudi Arabia hàng loạt bản đồ và cam đoan có đủ kế hoạch để tiêu diệt xe tăng, máy bay hoặc thậm chí vũ khí hóa học của Iraq” – một viên chức Saudi Arabia kể lại. “Tôi sẽ diệt Iraq, bằng niềm tin của mình” – Bin Laden khẳng định. Saudi Arabia từ chối, Bin Laden quay sang Sudan nhưng cũng không thuyết phục được chính phủ nước này. Sau đó không lâu, Bin Laden rút 260 triệu USD trong gia sản mình và dùng số tiền này để tài trợ cho bất cứ tổ chức hay cá nhân nào dám đương đầu phương Tây…

Năm 1992, Bin Laden gửi một bức fax đe dọa Chính phủ Ai Cập của Tổng thống Hosni Mubarak – đồng minh thân cận của Mỹ trong khối Arab. Bin Laden biết rõ nếu Ai Cập thất thế trước người Hồi giáo quá khích thì có thể toàn bộ khối Arab cũng rơi vào tay họ. Bởi thế, Bin Laden trở thành nhà tài trợ chính trong việc huấn luyện một nhóm khủng bố nằm dưới sự lãnh đạo của giáo sĩ Omar Abdel Rahman. Nhóm khủng bố này tung ra nhiều cuộc tấn công mà điển hình nhất là vụ giết hại 58 du khách phương Tây tại Luxor (Ai Cập) vào tháng 11-1997.

Osama Bin Laden cùng phó tướng Ayman al-Zawahiri (ảnh: Visual News/Getty Images)

Các cuộc điều tra của tình báo phương Tây còn cho biết thêm Ramzi Yousef – kẻ đánh bom tầng hầm Trung tâm thương mại thế giới (WTC) năm 1993 – chính là đệ tử của Bin Laden. Edwin Angeles – thủ lĩnh nhóm Hồi giáo cấp tiến ở Philippines – cho biết Bin Laden và Ramzi Yousef móc nối nhau từ năm 1989. Đó là thời điểm Yousef xuất hiện ở Philippines với tư cách phái viên của Bin Laden, được gửi đến để giúp đỡ phong trào Hồi giáo cấp tiến tại nước này. Theo Edwin Angeles, một trong những người Yousef liên lạc thường xuyên ở Philippines là tay nhà buôn Arab Mohammad Jamal Khalifa – anh/em rể của Bin Laden.

Sau khi nhúng tay vào vụ đánh bom tầng hầm WTC, Yousef trở về Philippines và tính cài thêm vài quả bom vào một số máy bay hành khách của Mỹ vào năm 1995. Trong cùng lúc, tại New York, Omar Abdel Rahman lập kế hoạch tấn công một số cây cầu và tuyến đường ngầm nhưng chưa kịp ra tay thì bị bắt. Trong phiên xử Rahman, công tố viên Mỹ đã nêu tên Bin Laden, nhưng không qui kết tội danh mà chỉ cho là “có thể bị buộc tội can phạm”…

Khi sống ở Sudan, Bin Laden thành lập một công ty xây dựng mà nhân công toàn là dân Afghanistan trước kia phục vụ trong quân ngũ. Mùa xuân 1996, một trong những cận vệ của Bin Laden mưu tính ám sát hắn nhưng không thành. Nguyên nhân chưa được rõ. Sau đó, Bin Laden bay sang Afghanistan trên chiếc chuyên cơ riêng và thiết lập một cứ địa ở Tây Nam Jalalabad.

Vài tuần sau, một khối thuốc nổ cực mạnh đã nổ tung khu phức hợp Khobar Towers gần Dhahran (Saudi Arabia), giết chết 19 lính-nhân viên Mỹ. Bin Laden lên tiếng không can dự nhưng sáu gã bị bắt sau đó khai rằng họ được huấn luyện ở Afghanistan. Từ tháng 8 đến cuối tháng 11-1996, Bin Laden loan báo rộng rãi rằng mình và “những anh em” sẽ tung ra hàng loạt vụ tấn công nhằm vào người Mỹ ở Arab để buộc Mỹ rút khỏi Trung Đông. Lời đe dọa trên biến thành hiện thực khi tám vụ tấn công đã xảy ra sau đó.

Các tổ chức khủng bố nằm dưới sự tài trợ của Bin Laden hoạt động nhiều nơi. Tháng 3-1998, cảnh sát Bỉ đã bắt bảy gã mang theo một khối thuốc nổ. Nhóm khủng bố này thuộc Nhóm Hồi giáo vũ trang (GIA) từng bị qui kết tội thảm sát hàng ngàn nạn nhân ở Algeria trong hơn sáu năm. Một nguồn tin cho biết GIA nhận tài trợ từ Bin Laden. Tháng 5-1998, tám thành viên GIA khác bị bắt ở Luân Đôn. Giáo sĩ Omar Bakri Muhammad ở Luân Đôn cho biết thêm, Bin Laden có những mối quan hệ chặt chẽ với bọn khủng bố nhiều nơi khác như Albania, Chechnya, Bosnia, Nigeria và Algeria.

Bin Laden mua vũ khí từ thị trường chợ đen và huấn luyện các nhóm khủng bố ở doanh trại đóng ở phía Bắc Afghanistan. Những nhóm vũ trang của Bin Laden không những tấn công viên chức mà còn giết cả thường dân hay công nhân. Tháng 11-1997, bốn công nhân dầu hỏa Mỹ đã bị bắn gục ở Pakistan. Vụ giết người được xem như là đòn trả thù, xảy ra hai ngày sau khi phiên tòa ở Fairfax (bang Virginia, Mỹ) xét xử tên Mir Aimal Kasi (Pakistan) về tội vãi đạn ngay trước trụ sở CIA vào năm 1993, làm chết hai nhân viên CIA…

“HÃNG HÀNG KHÔNG BIN LADEN”

Theo điều tra của tờ Los Angeles Times, Bin Laden từng nắm trong tay một hãng hàng không riêng để phục vụ công cuộc “thánh chiến”, không chỉ có thể dùng làm vũ khí cảm tử mà còn sử dụng cho vận chuyển hàng hóa và súng ống đến hậu cứ Afghanistan…

Phỏng vấn hơn 50 nhà ngoại giao, tùy viên an ninh, các viên chức tình báo Mỹ cùng cựu viên chức điều hành hàng không Afghanistan Ariana Airways, Los Angeles Times cho biết Bin Laden đã thật sự nắm trong tay phương tiện hàng không cho cuộc thánh chiến. Hắn có lần mua và sửa chữa một máy bay quân đội Mỹ hồi năm 1992 và đưa đến căn cứ mình tại Sudan. Sau khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan 1996, Bin Laden bắt đầu dùng hãng hàng không Ariana Airways của nước này để chở các chiến binh Arab tình nguyện cùng trang thiết bị quân sự đến khu trại huấn luyện du kích tại Afghanistan.

Trong đợt oanh kích tháng 10-2001, bom Mỹ đã dội xuống một sân bay tại Tây Afghanistan, nơi có bốn chiếc Ariana mà tình báo Mỹ tin rằng Bin Laden đang cất giấu. Cuộc tấn công được triển khai nhằm vô hiệu hóa đường trốn chạy bằng máy bay của Bin Laden. Một cựu viên chức hàng không Afghanistan kể thêm rằng bọn Taliban đã cho phép Bin Laden thường xuyên sử dụng một trực thăng MI-17 (Liên Xô chế tạo). Trong bốn năm hoạt động trước khi bị ngưng do lệnh cấm vận Liên Hiệp Quốc, hãng hàng không Ariana – qua điều khiển của Bin Laden – đã chở các chiến binh Hồi giáo, tiền và thuốc phiện trên trục Afghanistan-Tiểu vương quốc Arab thống nhất-Pakistan.

Trung tuần tháng 11-2001, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu lật lại hồ sơ vụ mua chiếc T-39A tiến hành ngay trên đất Mỹ. Giữa tháng 12-1992, John Lowrey – cựu phi công điều hành một sân bay nhỏ tại Lancaster – đã tiếp khách hàng Ai Cập tên Essam al Ridi (trong trang phục phi công hãng hàng không Mỹ Northwest Airlink). Ridi nói rằng mình muốn học lái T-39A vì mới mua chiếc tương tự để chở một gia đình giàu có tại Cairo.

Thế hệ T-39 là phiên bản quân sự của máy bay hai động cơ Sabreliner do hãng North American Rockwell chế tạo, từng được không quân Mỹ sử dụng hồi cuối thập niên 1950 để chở sĩ quan quân đội cấp cao và nhân vật quan trọng. Do chiếc máy bay mà Ridi mua đang được trùng tu tại phi trường Van Nuys nên Lowrey phải dạy hắn trên một chiếc T-39 mượn tạm. Chỉ sau vài tuần, Ridi đã nắm vững kỹ thuật và lái chiếc T-39A từ Van Nuys đến Texas.

Tháng 1-1993, Ridi lái máy bay rời không phận Mỹ, không phải đến Cairo như hắn nói. Ridi bay vòng vèo từ Fort Worth đến Sault Ste. Marie rồi vịnh Frobisher (Canada); Iceland; Rome; Cairo trước khi hạ cánh xuống Khartoum. Tại đó, hắn giao chìa khóa máy bay cho người chủ thật sự: Bin Laden. Hôm sau, Bin Laden đề nghị thuê làm phi công riêng nhưng Ridi từ chối khi biết tiền lương chỉ 1.200 USD/tháng. Cuối năm 1993, Ridi lái T-39 đến Nairobi (Kenya), thả xuống năm tên chỉ huy Al-Qaeda, trên đường đến Somalia để kích động cuộc nổi dậy tấn công lính Mỹ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình.

Với những người ủng hộ Taliban ở Pakistan, Osama Bin Laden là một biểu tượng của cuộc thánh chiến; Quetta, Pakistan, ngày 1 Tháng Mười 2001 (ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)

Trong năm tên chỉ huy, có Mohammed Atef – tổng chỉ huy cánh quân sự của Al-Qaeda (bị bắn chết tại Afghanistan trung tuần tháng 11-2001). Chuyến bay thứ ba của T-39 là lần cất cánh cuối cùng. Trở lại Khartoum năm 1995, Ridi bắt đầu nhận thấy dấu hiệu máy bay hỏng. Lốp của nó bị chảy bởi sức nóng sa mạc và các ống dẫn bị kẹt đầy cát. Sau khi sửa chữa và cho máy nổ thử, máy bay chạy trượt và đâm đầu vào đụn cát bốc cháy. Hoảng sợ, Ridi bỏ trốn…

Tháng 10-1996, một tháng sau khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan, các viên chức quản lý hãng hàng không Ariana tại Kabul bắt đầu lo lắng trước vụ mất tích một vận tải cơ Boeing 727. Chiếc máy bay được hai nhà ngoại giao Sudan thuê để thực hiện chuyến đi từ Jalalabad đến Khartoum. Theo lịch trình, nó bay sang Tiểu vương quốc Arab thống nhất rồi đến Khartoum chở trái cây và thảm. Vài ngày sau, nó (đáng lý) trở về Afghanistan với các kiện thực phẩm-thuốc men. Tuy nhiên, chuyến đi của Boeing 727 kéo dài đến một tuần.

Khi trở về, tổ lái Boeing 727 của hãng Ariana kể lại một câu chuyện lạ. Tại Khartoum, họ bị giam lỏng ba ngày trong một khách sạn. Đến lúc được phép lên máy bay trở về nước, họ ngạc nhiên nhận thấy máy bay không có hàng hóa như trong hợp đồng vận chuyển mà thay vào đó là 90 hành khách lạ mặt (đàn ông, đàn bà và cả trẻ con). Trong ba ngày tổ lái bị cô lập, người ta đã lắp 100 cái ghế lên chiếc vận tải cơ. Không hành khách nào có giấy tờ. Khi máy bay hạ cánh xuống Jalalabad vào giữa đêm, một toán xe jeep và xe tải đã đợi sẵn mà những tên tài xế đều ôm theo súng. Trong vài phút, đám hành khách được chở biến hút vào bóng đêm (bản thân Bin Laden cũng rời khỏi Khartoum vào tháng 5-1996, đầu tiên đến Jalalabad rồi sau đó đến Kandahar)…

Trong bốn năm liền, hãng hàng không Ariana bị biến thành phương tiện cho Al-Qaeda. Lịch bay thường xuyên thay đổi bất ngờ và các chuyến bay trở về từ Tiểu vương quốc Arab thống nhất thường mang theo nhiều gương mặt lạ lẫn vũ khí. Theo Julie Sirrs – chuyên gia về Afghanistan thuộc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ thời Bill Clinton, Chính phủ Mỹ từng đánh hơi được chuyện này. Một tên Al-Qaeda người Yemen bị Liên minh phương Bắc bắt đã khai rằng Bin Laden dùng Ariana để đưa thành phần khủng bố từ Yemen vào Afghanistan, cải trang làm nhân viên Ariana.

Taliban thậm chí lập một phân xưởng chuyên làm giấy tờ giả ngay tại sân bay Kabul vào năm 1997. Một trong những điểm tập kết đưa quân tình nguyện sang Afghanistan tại Trung Đông là Sharjah (thuộc Tiểu vương quốc Arab thống nhất). Không chỉ vận chuyển vũ khí và các chiến binh, Ariana còn bị ép chở thuốc phiện để bán lấy tiền lập quỹ “thánh chiến” cho Bin Laden. Chưa hết, Taliban còn bắt các viên chức Ariana dạy hai tên Al-Qaeda cách lái Boeing 727.

Hai tên này – từng là phi công thuộc không quân Afghanistan ngày trước – đã được gửi đến trường dạy lái máy bay Jordanian Airways mà Ariana dùng để huấn luyện phi công mình. Kế hoạch trên thất bại vì hai tên không biết tiếng Anh. Tháng 3-1998, có một tai nạn hàng không tại Afghanistan: chiếc Boeing 727 của Ariana đâm sầm vào ngọn núi gần Kabul, làm thiệt mạng 45 người. Nguyên nhân chính là do máy bay được cầm lái bởi hai tên phi công Taliban. Sau đó, Taliban còn mở các đợt tuyển phi công với mức lương 4.000-5.000 USD/tháng, tại khu vực Bắc Afghanistan, giáp biên giới Uzbekistan…

Mỹ, Nga và cả Liên Hiệp Quốc đều biết Bin Laden sử dụng Ariana làm công cụ cho hắn như thế nào nên cuối cùng tung ra lệnh cấm vận vào năm 2000. Sau khi các chuyến bay nước ngoài của Ariana bị đình hoãn, Bin Laden quay sang dịch vụ máy bay thuê tại Sharjah (Tiểu vương quốc Arab thống nhất), không chỉ chở hàng hóa, vũ khí mà còn bí mật đưa các viên chức cấp cao tại vùng Vịnh sang Afghanistan cho các chuyến đi săn giải trí như một cách mua chuộc tình cảm.

Trong số các vị khách lớn, có hoàng tử Turki al Faisal (con cố vương Faisal của Saudi Arabia) – giám đốc Cơ quan tình báo Saudi Arabia cho đến cuối tháng 8-2001. Ngoài ra, còn có Sheik Mohammed ibn Rashid al Maktum – thái tử Dubai và Bộ trưởng quốc phòng Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Tuy nhiên, các viên chức Arab đều bác bỏ tin này…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: