Tại sao có cuộc đảo chánh lật đổ ông Ngô Đình Diệm?

Tổng Thống Ngô Đình Diệm. (Hình: Press and Information Office, Embassy of the Republic of Vietnam)

Thời gian gần đây, có rất nhiều bài viết xuất hiện trên các trang mạng, trên các điện báo, báo in của người Việt định cư khắp nơi trên thế giới, nói về nhân vật lịch sử Ngô Đình Diệm, về biến cố ngày 1 tháng 11 – 1963 tại Nam Việt Nam. Rồi những buổi Lễ tưởng niệm nhân vật lịch sử này được tổ chức ở nhiều nơi có Cộng Đồng người Việt. Lại có cả những nhóm người đến viếng thăm ngôi mộ của nhân vật Ngô Đình Diệm tại Việt Nam rất long trọng.

Một số bạn trẻ  trưởng thành nơi hải ngoại liên lạc bằng điện thư hoặc gặp chúng tôi, hỏi về chuyện “Tại sao có cuộc đảo chánh lật đổ ông Ngô Đình Diệm, ngày 1 tháng 11 – 1963 ở Việt Nam?  xem ý kiến ra sao. Bài viết này được đưa ra, mong trả lời các bạn trẻ đó, đồng thời đóng góp chút ít vào công việc làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử quan trọng, có ảnh hưởng lớn lao đến sự… mất còn, sụp đổ của Nam Việt Nam sau đó, cũng như ảnh hưởng đen tối của nó còn kéo dài đến mãi về sau.

Muốn tìm hiểu kỹ lưỡng, sâu xa hơn, tất nhiên là chúng ta phải tìm đọc những cuốn sách đáng tin cậy về chuyện này… Đôi khi cần thiết, chúng tôi xin được ghi chú thêm tiếng Anh để các bạn trẻ dễ nhận ra.

Tình hình trước khi xảy ra cuộc Đảo Chánh:

Những tháng giữa năm 1960, Ông Diệm với tư cách Tổng Thống và Tổng Tư Lệnh Quân Đội VNCH, đi thăm các Bộ Tư lệnh Quân Khu I – 2 – 3 – 4 và Quân Khu Thủ Đô để nói chuyện với các Sĩ Quan trong quân đội, các Quân Binh Chủng về một vấn đề vô cùng quan trọng là: chính quyền Mỹ lúc đó muốn đổ quân tác chiến (Combatant forces ) vào lãnh thổ Nam Việt Nam để đảm nhiệm vai trò chủ yếu trong công cuộc chiến đấu chống cộng sản trên chiến trường này, tất nhiên là theo chủ trương, chính sách của Hoa Kỳ…

Tại Hội trường Bộ Tư lệnh Quân Khu I, Đà Nẵng, trước mặt rất đông Sĩ Quan: cấp Tướng, cấp Tá và cấp Úy, ông Diệm nói rõ ý chí của ông là nhất định không chấp nhận cho chính phủ Mỹ đổ quân tác chiến vào Nam Việt Nam, mà chỉ Tổng Thống Ngô Đình Diệm chấp nhận vai trò cuả người Mỹ trong nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện cho Quân Đội VNCH. Ông nói “Chúng ta cần có sự cố vấn và huấn luyện của người Mỹ, chúng ta cần có sự viện trợ quân sự, kinh tế của người Mỹ, nhưng chúng ta không cần và nhất định không chấp nhận để cho người Mỹ chiến đấu thay thế cho  chúng ta trong công cuộc bảo vệ Quê Hương, Đất Nước này. Chúng ta đang phải đương đầu với với một cuộc chiến tranh ý thức hệ (ideological war) giữa chủ thuyết “Quốc Gia-Dân Tộc” tự do, dân chủ của chúng ta và  “ học thuyết ảo tưởng – Utopian doctrine” của cộng sản, xây dựng trên nền tảng tuyên truyền, lừa bịp có hệ thống, có khả năng lôi cuốn đông đảo quần chúng vào một cuộc chiến tranh nhân dân,  trường kỳ kháng chiến, để tiến tới một thiên đường không bao giờ có thực. Cuộc chiến đấu này không thể đơn thuần giải quyết bằng sức mạnh của vũ khí chiến tranh, nhất là bằng một đạo quân viễn chinh từ một quốc gia khác kéo đến. Nếu người Mỹ làm việc đó, chúng ta sẽ mất hết chính nghĩa, mất sự hậu thuẫn của nhân dân, tôi sẽ trở thành tổng thống bù nhìn và anh em, các sĩ quan đang có mặt tại đây, sẽ chỉ còn là những kẻ đánh thuê cho ngoại quốc…”

Ông nói thật nhiều, với tất cả tấm lòng và trái tim của mình. Rồi ông kêu gọi tất cả các sĩ quan Quân Đội VNCH đã từng nêu cao tinh thần anh dũng, can đảm trên mọi chiến trường khắp các Vùng Chiến Thuật  ( tactical areas ), hãy cùng Ông bằng mọi giá, giữ vững lập trường, đi đúng đường lối lãnh đạo chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc mà ông đã vạch ra và quyết tâm theo đuổi, bất chấp mọi sức ép bất cứ từ đâu đến ! Những cánh tay giơ lên, những tiếng hô vang làm rung chuyển cả Hội Trường Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I- Quân Khu I “Quyết tâm ủng hộ Tổng Thống! Quyết tâm giữ vững lập trường chiến đấu của Tổng Thống để bảo vệ Tổ Quốc!”

Tôi lúc đó chỉ là một chuẩn uý hiện dịch, nhưng với cái vốn kinh nghiệm gần 7 năm kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, 2 lần bị Tây bắt nhốt vào tù, rồi hơn 6 năm trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hòa, chống cộng sản, tôi cũng đủ trí khôn để thông cảm với những khó khăn, nguy hiểm đang đợi chờ Ông Diệm, vị tổng thống đầu tiên của nền Cộng Hòa non trẻ tại Nam Việt Nam. Tôi nhìn các sĩ quan đàn anh đứng chung quanh, hình như ai nấy đều linh cảm thấy có một cái gì nặng nề, nguy hiểm đang đợi chờ vị tổng thống khả kính và can đảm của mình. Phải thành thực mà công nhận rằng: vào thời gian đó, dưới sự lãnh đạo của ông Diệm, quân đội ra quân đội, tướng tá ra tướng tá, sĩ quan ra sĩ quan, chớ không có như tình trạng của những thời gian sau này, sau khi ông Diệm không còn nữa. Lúc đó, tôi không phải là người công giáo như ông Diệm, mà trong cương vị một quân nhân hiện dịch thuần tuý, từng quyết tâm từ bỏ hàng ngũ cộng sản, tìm đến hàng ngũ quốc gia để chống lại cộng sản, lúc này chỉ nghĩ đến quân đội, đến việc chống cộng, nhưng cũng thấy như mắt mình nhoà đi… Tôi cầu xin Ơn Trên phù hộ, che chở cho ông, cũng như cho Đất Nước này.

*Ngày 19-6-1960: Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, Elbridge Durbrow, gửi cho Ngoại Trưởng Mỹ, Christian Herter ở Hoa Thịnh Đốn 1 điện văn mật, thông báo tình hình Sài Gòn: Có thể có 1 cuộc đảo chánh nhằm lật đổ chính quyền của Ông Diệm, trong khi đó ở nông thôn, hoạt động của cộng sản gia tăng mạnh mẽ… Phần cuối, bản văn kết thúc “Nếu thế đứng của ông Diệm tiếp tục giảm sút, không còn phù hợp với tình thế chính trị, tâm lý, kinh tế và an ninh tại đây nữa thì có thể là điều mà chính phủ Hoa Kỳ nên tính đến những phương cách khác để hành động và thay thế người lãnh đạo hầu đạt đến những mục tiêu của chúng ta… (If Diem’s position in the country continues to deteriorate as result failure adopt proper political, psychological, economic and security measures, it may become necessary for US Government to begin consideration for alternative courses of action and leaders in order to achieve our objectives…).

* Ngày 11 – 12 tháng 11-1960: Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Lữ Đoàn nhảy dù và Trung Tá Vương Văn Đông chỉ huy một lực lượng quân sự gồm vài Tiểu Đoàn nhảy dù và 1 đơn vị Thuỷ Quân Lục Chiến, bao vây dinh Tổng Thống để làm một cuộc đảo chánh với lý do được công bố trên đài phát thanh Sài Gòn đã bị quân đảo chánh chiếm giữ “…Ông Diệm đã tỏ ra không đủ khả năng cứu đất nước khỏi họa cộng sản cũng như bảo vệ sự đoàn kết quốc gia… – Diem has shown himself incapable of saving the country from Communism and protecting national unity…”

Biết rằng cuộc âm mưu đảo chánh này không do những nhân vật chính trị có danh tiếng, không có hậu thuẫn chính trị thực sự của dân chúng, không có sự tham gia của các Tướng Lãnh cũng như đông đảo lực lượng quân đội dưới quyền, cho nên ông Diệm tạo thế trì hoãn, thoái thác nhượng bộ trước sự đòi hỏi của phe đảo chánh là từ bỏ chính quyền và đợi cho các lực lượng quân đội, hầu hết vẫn còn trung thành với ông, cùng ông theo đuổi đường lối chống cộng đã vạch ra, từ các nơi kéo về dẹp loạn. Cuộc đảo chánh bất thành vì quá non kém về tổ chức, lãnh đạo, cũng như đường lối chính trị và quân sự. Tuy nhiên cuộc đảo chánh bất thành này đã đem lại cho chính quyền của ông Diệm những bài học quan trọng:

A.- Cộng sản ngày càng tích cực tung cán bộ vào thành phố khai thác những mâu thuẫn, bất đồng giữa chính quyền và các nhân vật, các nhóm chống đối tại thành thị. Những mâu thuẫn này tất nhiên phải có trong hoàn cảnh miền Nam Việt Nam đang phải thực hiện một xã hội tương đối tự do, dân chủ, phồn thịnh (hơn hẳn miền Bắc). Có tự do, dân chủ khá nhiều cho nên các lực lượng, nhóm người chống đối này khác mới có hoàn cảnh, điều kiện mà hoạt động chống chính quyền, chớ còn như tình trạng Việt Nam hôm nay, dưới chế độ cộng sản, thì chính quyền thấy chống đối bằng bạo lực, là lập tức dùng công an, quân đội bằng võ lực tiêu diệt ngay, còn chi nữa mà chống đối. Chính quyền miền Nam lúc đó, cùng một lúc phải đối phó với hoàn cảnh đất nước như thế, lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lăng, phá hoại toàn diện của cộng sản Hà Nội, được chỉ đạo và yểm trợ từ Mạc-Tư-Khoa cũng như từ Bắc Kinh, theo “Đường lối cách mạng vô sản toàn cầu của Đệ Tam Quốc tế – Global Proletarian Revolution Policy of the Third International.”

B.- Thi hành 1 đường lối vô cùng khó khăn khả dĩ đáp ứng được nhu cầu của tình thế : Giữ vững chính quyền đang bị âm mưu khuynh đảo từ bên ngoài do bọn tài phiệt quốc tế (International Financial Oligarchy), ở bên trong thì do cộng sản chỉ đạo. Ngay trong nội bộ hàng ngũ quốc gia cũng có những phần tử ham danh, hám lợi cũng như quyền lực, đang lợi dụng không khí tự do, dân chủ của xã hội miền Nam, nhất là truyền thông, báo chí , tạo ra hay chờ đợi thời cơ để hành động.

C.- Giữ vững tinh thần kỷ luật và lòng trung thành của quân đội, là sức mạnh bảo vệ chính quyền, chế độ, đồng thời giữ vững sự đoàn kết các tôn giáo là sức mạnh hậu thuẫn của nhân dân, nhưng cả hai: Quân Đội và Tôn giáo lại là những mục tiêu quan trọng nhất mà cả 3 lực lượng chống phá nói trên (Tài phiệt quốc tế, cộng sản và các nhóm chống đối trong nước) đang quyết tâm nhắm vào để tạo ra một động lực làm nổ bùng một cuộc đảo chánh khác, có tầm vóc quy mô, có tổ chức tinh vi và… cao cấp hơn cuộc đảo chánh đã thất bại một cách dễ dàng ngày 11 tháng 11 năm 1960.

*Ngày 20-12-1960, để đánh lừa dư luận quốc tế, để thu hút các nhóm chống đối và lôi kéo nhân dân Miền Nam, cộng sản Hà Nội tuyên bố chính thức cho ra mắt công khai Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tại 1 Chiến Khu (Strategic war zone) của cộng sản tại phía đông miền Nam Việt Nam, thành phần bao gồm chừng 100 nhân vật nói là đại diện cho các nhóm chính trị đối lập với chính quyền, đại diện cho các tôn giáo có mặt tại Nam Việt Nam, các lực lượng vũ trang còn sót lại sau khi bị quân chính phủ đánh tan trong các chiến dịch hành quân tại miền Tây trước đó ít năm. Mặt trận này thực sự đặt dưới quyền lãnh đạo của một cán bộ cao cấp của Hà Nội, thuộc Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng.

*Ngày 1 tháng 4-1961: Cộng sản tung một Tiểu Đoàn chủ lực quân, có du kích địa phương tăng cường, gồm hơn 400 quân, tấn công thử sức vào 1 ngôi làng chiến đấu kiểu mẫu của “Quốc sách ấp chiến lược – National policy of Strategic Hamlets ” thuộc Tỉnh Kiến Hoà, nhưng bị quân đội Cộng Hoà đánh tan và bị thiệt hại nặng nề. Hai ngày sau, cộng sản thử sức lần nữa bằng cách tấn công vũ bão và bất ngờ vào khu vực Bến Cát, phía Bắc Sài Gòn, nhưng hơn 100 quân cộng sản bị quân Cộng Hoà tiêu diệt, bỏ xác tại trận. Cộng sản buộc phải đổi hướng, tập trung nỗ lực vào những hoạt động võ trang phá hoại tại các thành phố, tung cán bộ len lỏi vào trong các tầng lớp nhân dân, hàng ngũ tôn giáo nào có đông đảo quần chúng ( nhưng hàng ngũ thiếu huấn luyện, tổ chức không  chặt chẽ )  để tìm cơ hội gây xáo trộn chính trị tại các thị trấn, nơi tập trung đông đảo dân cư, làm suy yếu chính quyền Miền Nam thay vì nôn nóng giành chiến thắng quân sự để hỗ trợ cho các hoạt động chính trị và ngoại giao.

* Ngày 12-5-1961: Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson, trong cuộc viếng thăm Á Châu, đã gặp Tổng Thống Diệm tại Sài-gòn. Ông Johnson ca tụng Tổng Thống Diệm là một Churchill của Á Châu và nói, “Đối với thế đứng của Hoa Kỳ tại Á Châu, Tổng Thống Diệm là nhân vật, là người bạn không thể thiếu được.” Tuy nhiên, khi trở về Mỹ, ông Johnson lại báo cáo cho Tổng Thống Kennedy cũng như cho các nhân vật chính trị cao cấp biết rằng: Ông Diệm vẫn giữ vững lập trường không có quân chiến đấu của Hoa Kỳ tại Việt Nam, trừ phi cộng sản Hà Nội xua quân tràn qua vĩ tuyến 17 một cách đại quy mô như cộng sản Bắc Hàn đã xua quân tràn qua vĩ tuyến 38 hồi 1950 ….

Tổng Thống Ngô Đình Diệm với Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson và Đại sứ Frederick Nolting năm 1961. (Hình: U.S. Information Agency via Wikipedia.org)

Do lập trường cương quyết Bảo vệ Chủ quyền Quốc gia, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã luôn luôn kiên trì tranh đấu cho sự Độc lập Dân tộc dù phải chấp nhận những khó khăn. Ngày 09.05.1961, ông Diệm đã bày tỏ với Phó Tổng Thống Mỹ Johnson đang viếng thăm chính thức Việt Nam rằng: chính phủ Việt Nam rất biết ơn sự viện trợ quân sự và cố vấn Mỹ, nhưng về việc gửi Quân đội tác chiến Hoa kỳ đến Việt Nam, ông cương quyết từ chối:  Nếu quý vị mang Quân đội Mỹ vào Việt Nam, tôi phải giải thích thế nào đây với dân tộc tôi? Với người Việt, hình ảnh hãi hùng của Quân đội Viễn chinh Pháp còn ghi sâu trong tâm trí họ. Sự hiện diện của Quân đội Mỹ sẽ làm cho dân chúng dễ tin những lời tuyên truyền của cộng sản. Sự can thiệp trực tiếp của bất cứ quân đội ngoại quốc nào vào Việt Nam cũng đem lại sự bất lợi cho Việt Nam, vì làm cho cuộc chiến đấu của chúng ta mất chính nghĩa.

Tháng 11-1961, Đại sứ Frederick Nolting được yêu cầu từ Tòa Bạch Ốc gặp Tổng Thống Diệm về vấn đề quân chiến đấu Mỹ (được xem như chia sẻ trách nhiệm). Ông Diệm trả lời: « Chắc ông  Đại sứ cũng hiểu, những đề nghị ấy đụng chạm tới vấn đề trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam không muốn là một nước bị bảo hộ (Vietnam does not want to be a protectorate).”

-Ngày 18-9-1961: Cộng sản bất thần mở trận đánh lớn cấp Trung Đoàn (Regiment), tung 1,500 quân bao vây và đành chiếm Tỉnh Lỵ Phước Vinh, sau khi đã mở chiến dịch gồm 41 trận đánh lớn nhỏ trên khắp lãnh thổ Miền Nam để áp đảo và chia sẻ lực lượng đối phương. Sau đó 3 tuần lễ, tại diễn đàn Quốc Hội, Tổng Thống Diệm chính thức tuyên bố với quốc dân và thế giới là Việt Cộng, với sự chỉ đạo và yểm trợ của cộng sản quốc tế đã chính thức biến cuộc chiến tranh du kích trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa thành một thứ chiến tranh xâm lăng quy mô thực sự, có sự tham chiến của quân chính quy cộng sản Bắc Việt, được trang bị tối tân,  hùng hậu với đầy đủ pháo binh cỡ nặng, xe tăng, thiết giáp…

Bọn tài phiệt quốc tế, buôn bán chiến tranh, càng thêm cơ hội để tung tiền và thủ đoạn để đưa đám  “Lobbyists” vào các hành lang, ngõ ngách của Quốc Hội, hệ thống truyền thông Hoa Kỳ, dọn đường cho một kế hoạch ào ạt đổ quân tác chiến của Mỹ và lôi kéo một số đơn vị quân đội Đồng Minh vào chiến trường Nam Việt Nam. Chậm chân là thiệt hại cả… núi đô la chớ không phải chuyện đuà. Nhưng, lại tiếng nhưng ở chỗ này ! Nhưng Ông Diệm nhất định không chấp nhận cho quân đội tác chiến của Mỹ chiến đấu tại Nam Việt Nam. Còn Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy thì cũng không hăng hái, thiết tha cho lắm với việc đổ quân tác chiến của Mỹ vào chiến trường Miền Nam trong hoàn cảnh lúc này, không như lúc cộng sản Bắc Hàn xua quân cấp Quân Đoàn ( Army Corps ) tràn qua vĩ tuyến 38 hồi năm 1950… Ông Kennedy vẫn trung thành với “ Đường lối ngăn chặn – Containment Policy ” để chống lại sự bành trướng của phong trào cộng sản trên thế giới từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, bằng những phương cách ít tốn sinh mạng người Mỹ nhất, trừ trường hợp nền an ninh của Mỹ bị đe dọa trực tiếp, nghiã là ông Kennedy chỉ chấp nhận hy sinh nhân mạng của Mỹ trong “Trường hợp tối cần thiết – In case of absolute necessity.”

Thế thì “chúng nó ” bắt buộc phải loại trừ Ông Diệm khỏi ngôi vị lãnh đạo Nam Việt Nam trước đã, và sau đó bất cứ kẻ nào làm ngăn trở việc đổ quân tác chiến của Mỹ vào Nam Việt Nam cũng đều bị “chúng nó” xóa sổ hết ( kể luôn cả Tổng Thống Mỹ ).

-Ngày 2-1-1963: Tại Ấp Bắc, cách Sài Gòn 40 dặm về phía Đông Nam, gần 2 Trung Đoàn (2,500 quân ) thuộc Sư Đoàn 7 Bộ Binh VNCH, trang bị vũ khí tự động, có xe tăng, thiết vận xa, pháo binh và không quân (cả khu trục cơ lẫn trực thăng) yểm trợ, mở cuộc hành quân bao vây, tiêu diệt 1 lực lượng cộng sản gồm chừng I Tiểu Đoàn (battalion) hơn 300 quân chủ lực địa phương, với hoả lực yếu kém hơn rất nhiều, lại không có xe tăng cũng như không quân, pháo binh yểm trợ. Kết quả thật là đau buồn: Cộng quân lợi dụng đêm tối, thoát khỏi vòng vây gần như toàn vẹn chủ lực, sau khi đã gây cho quân chính phủ những tổn thất đáng kể. Thật là một cơ hội bằng vàng để bọn tài phiệt quốc tế dùng ảnh hưởng, sức mạnh của đồng đô la mà lái các cơ quan truyền thông, hướng dẫn dư luận, gây áp lực tại Hoa Kỳ, từ Quốc Hội cho đến chính phủ phải bằng mọi giá đổ quân tác chiến của Mỹ vào Việt Nam ngay lập tức. Nếu không, “ Tiền đồn chống cộng – Advanced Post resisting the communists  “của Mỹ tại Á Châu sẽ sụp đổ và Chính sách ngăn chặn cộng sản của Mỹ trên thế giới sẽ thất bại và… nền anh ninh của chính nước Mỹ cũng sẽ bị lâm nguy…

Chúng đem câu nói của Lenin, sư tổ của cách mạng vô sản 1917 tại Nga, người đã mở đường cho phong trào cộng sản thế giới bùng ra hết cách ngăn cản sau thế chiến thứ 2, mà dọa cả nước Mỹ “Trước hết, chúng ta hãy chiếm giữ Đông Âu, rồi nắm lấy khối quần chúng khổng lồ ở Á Châu, sau đó bao vây Hoa Kỳ là thành lũy cuối cùng cuả chủ nghiã tư bản. Chúng ta khỏi phải đánh đấm chi cả, Hoa Kỳ cũng sẽ rơi vào tay chúng ta như một trái cây đã chín rưã – First, we will take eastern Europe, then the masses of Asia, then we will encircle the United States which will be the last bastion of Capitalism. We will not have to attack, it will fall into our hands like an overipe fruit.” (The Death of A Nation – John A. Stormer – The Liberty Bell Press – Florissant Missouri, July 1978, Page 14 ).

*Ngày 8-5-1963: Bùng nổ vụ rối loạn, chống đối ở Cố Đô Huế, giữa hàng chục ngàn tín đồ Phật Giáo với nhân viên chính quyền địa phương và các lực lượng an ninh. Tổng Thống Diệm tuyên bố trên đài phát thanh quốc gia là vụ này có bàn tay của cộng sản nhúng vào, gây thêm tình trạng khó khăn cho địa phương, tạo thêm sự mâu thuẫn trầm trọng giữa  chính phủ và 1 tôn giáo lớn trong nước. Cuộc rối loạn ngày càng gay go, dữ dội, quyết liệt và khi 1 trái lựu đạn nổ tung trong khu vực đài phát thanh Huế, gây thương vong cho một số người biểu tình chống đối thì tình trạng biến sang hình thức “Một Tôn giáo lớn, đông đảo nhất trong nước chống lại một hệ thống chính quyền được lãnh đạo bởi 1 Tổng Thống và các nhân vật cao cấp, trọng yếu, đa số là người thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã.”

Trái lựu đạn nổ tung đó sau này được biết là do CIA cài đặt người, nhân lúc hỗn loạn, đã ra tay, cho nổ bùng đúng lúc để châm ngòi cho cuộc biểu tình chống đối từ Huế và sẽ lan ra khắp nơi, sau cùng là ngay tại Thủ  Đô Sài Gòn, trung tâm quyền lực của Việt Nam Cộng Hòa. Phía chính phủ thì lên tiếng : Tổng Thống Diệm sử dụng người theo nguyên tắc thông thường của các nhà lãnh đạo là căn cứ vào tài năng, đức độ, sự tin cậy, thích hợp cho công việc và lợi ích quốc gia, chớ không phải vì kỳ thị tôn giáo, không kỳ thị Phật Giáo như một số người buộc tội, gán ghép Cho ông Diệm. Ở điểm này, những người hiểu biết thì cho thấy rằng: Trong hàng ngũ Tướng lãnh của quân đội lúc đó, thử tìm coi có những ai là cùng tôn giáo với ông Diệm?

Trong hàng ngũ các Bộ Trưởng trong chính quyền Ngô Đình Diệm lúc đó, ngoại trừ ông Trần Trung Dung, Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống ra, còn có ai là người công giáo như ông Diệm? Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, được ông Diệm tin cậy, quý trọng, là người miền Nam, thì  khác tôn giáo với ông Diệm, là Phật Tử rõ ràng…

Nói một cách rõ ràng thì dưới đây là những Phật Tử được ông Diệm chọn đứng cùng hàng ngũ, phục vụ Đất Nước với ông :

– Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Phó Tổng Thống.

– Đại tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng.

– Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Tổng Trấn Sài Gòn- Gia Định.

– Ông Vũ Văn Mẫu, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao.

– Ông Quách Tòng Đức, Đổng Lý Văn Phòng.

– Ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ Trưởng phủ Tổng Thống, kiêm Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng.

– Ông Đoàn Văn Thêm, Phó Đổng Lý Văn Phòng.

– Ôn Võ Văn Hải, Chánh Võ Phòng.

– Ông Nguyễn Thành Cung, Tổng Thư Ký.

– Ông Trần Sử, Bí Thư…   Tất cả đều là Phật tử.

* Toàn thể Bộ Tham Mưu của Tổng Thống đều là Phật Tử.

* Trong số 18 Tổng Bộ Trưởng, chỉ có 5 người là Công giáo, còn 13 là Phật Tử..

* Bên quân đội, tổng số 19 tướng lãnh có quyền hành nhất, thì đã có 16 tướng là Phật tử, chỉ có 3 là công giáo… Nghĩa là đại đa số những nhân vật, những người nắm giữ và điều hành bộ máy chính quyền thời Ngô Đình Diệm đểu là Phật tử.

Đó là chưa kể chính quyền Ngô Đình Diệm đã giúp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thời đó xây dựng  nhiều Chùa

-Chùa Xá Lợi  ở đường Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn (trong đó có chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm…),giúp nhiều sư tăng ra nước ngoài (nhất là ở Pháp, ở Mỹ…) học hành đậu đạt bằng cấp cao (kể cả Tiến Sĩ) để trở về phục vụ hiệu quả hơn, mở mang các cơ sở giáo dục đào tạo thế hệ trẻ đủ khả năng phục vụ quốc gia, xã hội theo đường lối của tôn giáo mình . Vậy, cái chuyện…kỳ thị Phật Giáo chỉ là chiến thuật khởi đầu (starting tactic) để mở màn  kế hoạch huy động cho được  khối dân chúng đông đảo, thực hiện chương trình đảo chánh lật đổ ông  Diệm. Điều đó cũng  đồng thời đánh trúng tâm lý ganh ghét của một số người không phải là ít, khi thấy sự phát triển mạnh mẽ, có hệ thống, có tổ chức của Giáo Hội công giáo tại miền Nam vào thời điểm đó, sau sự thành công rõ ràng của chính quyền Ngô Đình Diệm trong chương trình định cư cả triệu đồng bào miền Bắc trốn chạy cộng sản, tìm đường vào Nam, mà trong đó phần đông là đồng bào công giáo. Chỉ riêng đồng bào công giáo của  vùng Bùi Chu, Phát Diệm rời bỏ Bắc vào Nam cũng đã đông đảo biết bao nhiêu rồi…

Sau này, nhiều người lại còn hỏi : bao nhiêu năm nay, Cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo, kìm kẹp kẻ đối lập, áp bức dân chúng gấp… bao nhiêu lần Ông Diệm, mà sao dân chúng chẳng thấy những phe này, nhóm nọ biểu tình, chống đối, nổi loạn để lật đổ chính quyền cộng sản chi cả.  Chỉ thấy gần đây mới có những nhân vật nam nữ đấu tranh ôn hòa cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân quyền ở Việt Nam, đang bị cộng sản hành hạ, bắt nhốt trong tù mà thôi.

Gần đây nhất, vụ cá chết, biển độc, do công ty nước ngoài Formosa ở Hà Tĩnh gây ra thảm họa cho hàng triệu dân các Tỉnh miền Trung, đã thúc đẩy dân chúng đứng lên biểu tình ôn hòa đòi hỏi chính quyền, nhà nước cộng sản phải đứng ra giải quyết, bảo vệ dân, bảo vệ môi trường. Việc biểu tình đấu tranh ngày càng bùng lên với tầm cỡ lớn lao, lan rộng khắp nước, cả ở Hà Nội, Hải Phòng, vào các thành phố trong Nam, trong đó có Sài Gòn.Vậy mà chẳng thấy tổ chức, lực lượng nào đứng lên đấu tranh như những hồi chống ông Diệm hồi 1963, và chống Việt Nam Cộng Hòa ở Huế, Đà Nẵng hồi 1966, mà lúc này chỉ thấy có Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, vị lãnh đạo của Giáo Phận Vinh, đứng về phía dân chúng trong vùng, để cho các Linh mục công giáo của ngài cùng đứng với dân oan, dân khổ để đấu tranh, chỉ thấy  Linh Mục Đặng Hữu Nam dẫn giáo dân đi kiện Formosa dù bị công an, cảnh sát cơ động ngăn cản, đe dọa, nhưng Linh mục Nam và giáo dân của ông cương quyết không bỏ cuộc. Người ta chỉ thấy Linh Mục Trần Đình Lai hướng dẫn hàng chục ngàn giáo dân khắp vùng đứng lên biểu tình, bao vây, đuổi  Formosa đi khỏi, Khí thế dũng mãnh đến độ công an, bộ đội bỏ chạy tán loạn, giáo dân trèo cả lên tường thành khu vực Formosa đã bị kiểm soát, nhưng tuyệt nhiên không bạo động, đốt phá, tạo thêm  sức mạnh cho toàn dân Việt Nam sẵn sàng cho những bước đấu tranh kế tiếp.

Như vậy, người ta có thể hiểu: ở Nam Việt Nam, hồi đó người dân có quyền tự do, dân chủ  khá rộng rãi cho nên việc biểu tình chống đối chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của của cơ quan “Tình Báo, Gián Điệp của nước bạn đồng minh khổng lồ,” được Thành Ủy cộng sản ở Huế phối hợp hành động, nắm lấy thời cơ, thúc đẩy dân chúng, dựa vào thế lực tôn giáo, mua chuộc Tướng lãnh quân đội, huy động dân chúng, đưa cán bộ,  tranh thủ thời cơ, đẩy cuộc đấu tranh chống chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa vào một thế  thuận lợi để giật sập chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền  đang làm cho mọi hoạt động của cộng sản lâm vào tình trạng điêu đứng, khó khăn, bế tắc… về đủ mọi phương diện: chính trị, quân sự, kinh tế,  xã hội, văn hóa.

Rõ ràng nhất là cộng sản sợ hãi chính sách tố cộng, chiêu hồi đã lôi kéo quá nhiều cán  binh Việt cộng, có cả trung và cao cấp, quay trở về đầu thú, tiết lộ rất nhiều thông tin quan trọng. Cộng sản rất sợ quốc sách ấp chiến lược, bình định nông thôn của ông Ngô Đình Nhu… làm tê liệt khả năng của cộng sản  trong chiến lược “nắm vững nông thôn, bao vây và tiêu diệt thành thị” trong lúc cả hai phía cộng sản cũng như Việt Nam Cộng Hòa đều biết rõ : phía nào nắm vững được nông thôn, bên đó sẽ thắng trong cuộc chiến tranh trường kỳ, phức tạp …trên chiến trường Việt Nam lúc này.

Sự rối loạn càng bùng lên dữ đội và lan mạnh tới các thành phố lớn rồi di chuyển trung tâm đấu tranh chống chính phủ về ngay tại Thủ Đô Sài Gòn, nơi tập trung các cơ quan quyền lực quốc gia, các Toà Đại Sứ ngoại quốc, cũng như các cơ sở truyền thông quốc tế. Tại đây, Thượng Tọa Thích Trí Quang, một trong những vị lãnh đạo cao cấp Phật Giáo lúc đó, gốc người Bắc Việt, 2 lần bị Pháp bắt vì tình nghi có liên lạc hoạt động với cộng sản, người được dư luận trong và ngoài nước coi là một nhân vật tôn giáo đặc biệt, có tài tổ chức, lãnh đạo quần chúng trong các hoạt động đấu tranh chính trị… đứng ra phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh của dân chúng. Thượng Tọa thông báo cho phía Mỹ biết là người Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hoạt động của chính quyền Sài Gòn do Mỹ ủng hộ… (Thich Tri Quang, a politically sophisticated monk of North Vietnamese origin, twice arrested by French on suspicion of Vietminh connections, stirs the people against Diem and informs US  officials, whom he holds responsible for Diem because of US support…).

*Ngày 7- 6 -1963: Bà Ngô Đình Nhu lên tiếng tố cáo trước dư luận là người Mỹ đã cố tình nhúng tay vào, tạo nên vụ biến động này và thúc đẩy cho ngày một thêm trầm trọng, phức tạp thêm, nhằm khuynh đảo chính quyền của Tổng Thống Diệm vì Tổng Thống Diệm cương quyết không chấp nhận chính sách can thiệp chính trị và quân sự của người Mỹ, là chính sách đi ngược lại ý nguyện và quyền lợi của dân chúng Nam Việt Nam.

* Ngày 11-6-1963: Thượng Tọa Thích Quảng Đức “tự thiêu” ngay tại trung tâm thủ đô Sài Gòn, để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ. Theo nghĩa thông thường, “tự thiêu” là tự mình thiêu đốt mình cho một lý do, mục đích chi đó. Vụ tự thiêu của Thượng Tọa Quảng Đức nói ở đây, thì sự việc lại khác hẳn: …Sau khi cầm bình xăng tưới vào người Thượng Tọa Thích Quảng Đức đang ngồi bất động, tên cộng sản nằm vùng, mặc áo nhà sư, Nguyễn Công Hoan (Huỳnh Văn Thạnh) còn cẩn thận rải thêm một đường xăng từ chỗ Thượng Tọa Quảng Đức đang ngồi, đi về phía sau, để hắn có thể đứng từ xa mà châm lửa!

Vậy mà toàn bộ sách báo cộng sản và phe phái chống đối đều viết rằng “Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự tẩm xăng ”!!!  Rồi ngay sau đó, cũng không phải do Thượng Tọa Thích Quảng Đức “tự bật quẹt Zippo để tự thiêu” như chúng rêu rao, mà là thượng toạ vẫn đang chấp hai tay trên ngực trong thế ngồi  bất động! Trước và sau khi ngọn lửa bùng lên, thượng tọa vẫn đang chắp tay trên ngực, còn ngọn lửa thì cháy từ phía sau, chạy tới rồi táp vào người Thượng Toạ để bùng lên ngọn lửa “tự thiêu”!

Hòa thượng Thích Quảng Đức bị bức tử, bị… đốt chết bởi sự liên kết thực hiện giữa cộng sản và phe nhóm chống đối lúc đó… nhằm khích động cuộc nổi loạn của dân chúng đúng theo kế hoạch của CIA và cộng sản… Dư luận dân chúng trong nước và thế giới bị xúc động mạnh. Báo chí trong và ngoài nước, các cơ quan truyền thông khác, nhất là tại Mỹ (đã bị lâm trận hỏa mù của bọn Lobbyists nói ở trên) khai thác tối đa vụ này theo chiều hướng “Phải thay thế ngay người lãnh đạo chính quyền Nam Việt Nam.” Thay thế bằng nhân vật nào? – Các cơ quan truyền thông Mỹ không nói rõ, nhưng chỉ hướng dẫn dư luận là : loại bỏ ông Diệm khỏi ngôi vị lãnh đạo chính quyền là được rồi…

Đang cơn dầu sôi lửa bỏng như thế thì vì tức giận người Mỹ và lực lượng đấu tranh nên đã nóng giận, mất sự khôn ngoan, bình tĩnh cần thiết trước tình thế bất lợi cho chính phủ., bà Nhu lên tiếng mạt sát, thoá mạ cuộc tự thiêu của Thượng Toạ Quảng Đức. Thật là “Lửa đã đỏ lại đổ thêm dầu.” Điều này làm cho dư luận dân chúng thêm phẫn nộ, lợi thế nghiêng hẳn về phía lực lượng đấu tranh chống chính phủ.

*Ngày 27- 6- 1963: Thấy tình hình Sài Gòn rối loạn, khó gỡ được ra, Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bổ nhiệm ông Henry Cabot Lodge, thuộc Đảng Cộng Hòa, sang Sài Gòn giữ chức vụ Đại Sứ Hoa Kỳ, thay thế cho Đại Sứ Nolting, người đang tỏ ra bất lực trong việc gỡ rối cho tình hình Sài Gòn theo chiều hướng có lợi cho chính sách của Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam. Thực tâm Tổng Thống Kennedy là chỉ gỡ rối sao cho êm đẹp, thuận lợi cho đường lối, chính sách của Hoa Kỳ, của ông Kennedy lúc này không hề nghĩ đến việc lật đổ ông Diệm, nhất là không bao giờ nghĩ đến việc phải giết ông Diệm.

Ông Cabot Lodge (đảng Cộng Hòa) được giới chính trị và truyền thông Hoa Kỳ coi là “một con cáo già chính trị” và đồng thời là một “Chuyên viên đảo chánh,” lúc đó đang theo đuổi một chính sách mang tính cách “diều hâu” khác hẳn với ông Kennedy (Đảng Dân Chủ) về vấn đề Việt Nam. Một Cabot Lodge, cáo già chính trị, chuyên viên đảo chánh, không cùng 1 Đảng với Ông Kennedy. Cabot Lodge thuộc Đảng Cộng Hòa, có nhiều liên hệ với quyền lợi của bọn tài phiệt buôn bán chiến tranh, mà sang làm Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn thì tình hình sẽ ra sao? Cabot Lodge được cử sang Sài Gòn với nhiệm vụ “gỡ rối – Untangling ” tình hình, nhưng Cabot Lodge lại quyết định chọn “phương cách gỡ rối ” bằng một “Cuộc đảo chánh – Coup d’état” êm ái, nhẹ nhàng, không chọc giận ông Kennedy, sinh trưởng trong 1 gia đình theo đạo Thiên Chúa, nghiã là chỉ cần đẩy ông Diệm ra khỏi ngôi vị lãnh đạo chính quyền Nam Việt Nam, đưa ông Diệm đi sống lưu vong ở một quốc gia nào đó nằm trong “Quỹ đạo chính trị – Political circle ” của Hoa Kỳ, như Đài Loan, Thái Lan chẳng hạn là đủ rồi. Sau đó, Cabot Lodge sẽ dựng lên một thứ chính quyền mới hoàn toàn biết vâng phục theo ý muốn của Hoa Kỳ, hay đúng ra trong lúc này, là ý muốn của “Giới tài phiệt – Financial Oligarchy” của Mỹ đang tính chuyện kiếm lời thật lớn lao trong cuộc chiến tranh đang xảy ra trên đất nước Việt nam nhỏ bé nhưng đầy đau khổ, máu xương và nước mắt này…

Đó! Câu trả lời cho cái đầu đề của bài viết này “Tại sao có cuộc đảo chánh lật đổ ông Ngô Đình Diệm?” tưởng đã đủ rõ ràng, khả dĩ góp phần nhỏ bé vào việc làm sáng tỏ 1 trang lịch sử cận đại của một đất nước, một dân tộc anh hùng, nhưng quá bé nhỏ trước nanh vuốt của … những thế lực khổng lồ, hung bạo nên đành phải chịu chấp nhận tủi nhục, đau thương… Nó là một bài học vô cùng quý giá cho những quốc gia cường thịnh cũng như nhược tiểu trong cuộc đoàn kết đấu tranh để sinh tồn trong một thế giới ngày càng thêm phức tạp, rắc rối, đòi hỏi một thế liên minh sáng suốt, khôn ngoan và chung thủy. Nếu không, kẻ thắng và người thua, rút cuộc tất cả như nhau, sẽ mang vào mình những kết quả thảm hại, những cái nhìn xấu xa nhất của những người chung quanh, kể cả kẻ thù lẫn bạn bè.

(Tháng 11, San Diego – California)

—–

Tài liệu tham khảo:
* The Death of A Nation – John A. Stormer.- Liberty Bell Press – Missouri, 1978.
* The World Almanac of The Vietnam War.- John S. Bowman (General Editor). Bison Books Corp.- New York, 1985.
* Vietnam: The History & The Tactics .- Ahsley Brown & Adrian Gilbert – Orbis Publishing Limited – London,1982.
* The Final Days .- Bob Woodward & Carl Bernstein – The Hearst Corporation – New York, 1976.
* Henry Kissinger Diplomacy.- Simon & Schuster – New York, 1994.
* Kennedy .- Theodore Sorensen – Harper & Row – New York, 1965.
*A Book of U.S. Presidents.- George Sullivan – Scholastic Incorporation – New York, 1984.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: