Thiết giáp hạm USS Texas, một thời vẻ vang

Tháng Sáu 2022, một vụ nổi khổng lồ được trục kéo từ Nassau, Bahamas đã tiến vào xưởng Gulf Copper Shipyard, gần Galveston, Texas, chuẩn bị cho chương trình đại tu chiếc thiết giáp hạm 110 tuổi USS Texas sẽ chính thức khởi công vào giữa Tháng Tám tới đây. Đây là một chương trình lớn, dự kiến hoàn thành vào Tháng Sáu 2023. Vì USS Texas chính là “battleship” (thiết giáp hạm) đầu tiên của Hải quân Mỹ và cũng là chiếc chiến hạm duy nhất đã kinh qua đủ hai cuộc Đại chiến Thế giới.

Trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn của thành phố Houston có một nơi nổi bật, rất đáng tham quan vì là một bảo tàng rất độc đáo. Đó là chiếc thiết giáp hạm USS Texas, một trong số rất ít khí tài của Hải quân Mỹ đã trải qua đủ hai cuộc Đại chiến thế giới. Đã qua hẳn thời hải hành oai phong trên các đại dương, chiếc USS Texas nay neo ở một khúc nhỏ của Houston Ship Channel, đối diện với tượng đài Trận địa San Jacinto kỷ niệm trận chiến của dân quân Mỹ chống lại đoàn quân hùng hậu của Mexico ngày 21 Tháng Tư 1836.

Hạ thủy Tháng Năm 1912, thiết giáp hạm USS Texas được (US Navy) chính thức đưa vào hoạt động ngày 12 Tháng Ba 1914. Khi ấy, nó là một trong những vũ khí trên biển thuộc loại mạnh nhất thế giới, một sản phẩm thuộc dạng phức hợp công nghệ cao, cơ khí tiên tiến trên biển, đại diện cho một quốc gia công nghiệp phát triển đang bắt đầu xuất hiện rõ nét hơn ở các sự kiện biến động toàn cầu. Hai năm sau, USS Texas trở thành chiếc chiến hạm đầu tiên của Mỹ có trang bị các giàn đại bác phòng không. Không những vậy, các ổ phòng không trên tàu còn được nối kết trực tiếp với những cỗ máy tính giúp nâng cao mức độ hỏa lực chính xác.

Sau khi Mỹ tham gia liên quân đánh lại quân Đức-Phổ, thiết giáp hạm Texas được đặc phái sang mặt trận Đại Tây Dương làm nhiệm vụ với các tàu chiến thuộc Đại Hạm đội Anh (British Grand Fleet) từ đầu năm 1918. USS Texas đã thực hiện các cuộc thả thủy lôi tại Biển Bắc, hải hành nghênh cản các tàu chiến thuộc Hạm đội Đức cũng như tham gia các chiến dịch phòng chống tàu chiến Đức đánh phá các đường tiếp viện trên biển của quân Đồng minh. Đến cuối năm 1918, USS Texas có nhiệm vụ đặc biệt khác là hộ tống các tàu chiến Đức đã thua cuộc chiến đến nơi neo đậu an toàn để bị giải giáp.

Năm 1925, US Navy quyết định hiện đại hóa USS Texas, động cơ than được thay bằng động cơ dầu mazout, vỏ ngoài con tàu được gia cố để chống lực phá của thủy lôi địch. Năm 1939, nó là một trong những tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ được trang bị radar. Rồi còn được trang bị các giàn phòng không tối tân hơn, các thiết bị truyền tin hiện đại hơn. Tuy đã “lớn tuổi” nhưng tàu chiến này vẫn còn đủ khả năng chiến đấu. Đó là giàn 10 khẩu pháo 14 inch/45cal (356mm) Mark 1 có thể bắn xa 21 km những viên đạn xuyên phá thép nặng 640 kg; và giàn 21 họng đại bác 5 inch/51cal (127 mm). Ngoài ra nó còn có bốn ống phóng thủy lôi với 12 trái thủy lôi 21 inch (533 mm) Mark 8.

Trước khi Mỹ tham gia Thế chiến II, USS Texas là soái hạm chỉ huy (flagship, tức có treo cờ hiệu của đô đốc chỉ huy) Hạm đội Đại Tây Dương của Hải quân Mỹ. Một điều bất ngờ là nếu không có lệnh cấm của Adolf Hitler thì USS Texas đã bị trúng thủy lôi bắn đi từ chiếc tàu ngầm U-203 của Hải quân Đức.

Bình minh ngày 6 Tháng Sáu 1941, khi hàng trăm máy bay của Hải quân Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng, tàu chiến USS Texas đang neo đậu an toàn ở Maine, Mỹ nên không bị tấn công, hư hại nặng hoặc bị nhấn chìm như sáu chiến hạm khác của Hạm đội Thái Bình Dương. Bình minh ngày 6 Tháng Sáu 1944, khi quân Đồng minh Mỹ, Anh, Canada, Pháp bắt đầu cuộc đổ bộ lên năm bãi biển ở Normandie, Pháp thì USS Texas từ ngoài khơi nã đại pháo vào các lô cốt, giao thông hào của quân Đức đồn trú dọc theo Bức tường Đại Tây Dương, dựng lên theo lệnh của Hitler.

Không lâu sau đó, đại bác Đức ở cảng Cherbourg cũng hai lần bắn trúng USS Texas, làm một thủy thủ chết và 12 người bị thương. Sau khi sửa chữa, chiếc thiết giáp hạm này hải hành xuống miền Nam nước Pháp, tấn công các vị trí Đức. Vào cuối năm 1944, nó chuyển sang mặt trận Thái Bình Dương, hỗ trợ cho cuộc đổ bộ của Thủy quân Lục chiến Mỹ lên hai đảo Iwo Jima và Okinawa. Sau khi Nhật đầu hàng vô điều kiện, nhiệm vụ cuối cùng của USS Texas là chở lính Mỹ từ chiến trường Thái Bình Dương về nước nhà. Chuyến hải hành cuối kết thúc, USS Texas được chính quyền tiểu bang Texas mua lại, tránh cho nó khỏi phải trở thành khối sắt vụn khổng lồ.

Thời hiện đại, khi các hàng không mẫu hạm ngày càng tỏ rõ vai trò bệ phóng sức mạnh Không quân trên biển, còn có thể tiếp cận bờ biển để tấn công các mục tiêu trên mặt đất rồi lại có thêm sự phát triển của những khu trục hạm (destroyer) phóng phi đạn rất hiệu quả thì các thiết giáp hạm đành phải lùi dần vào quá khứ. Sách sử Mỹ còn ghi nhớ rằng từ năm 1888 đến 1947, có ít nhất 21 lớp thiết giáp hạm khác được đóng và giao cho US Navy sử dụng. Và trong số đó, USS Texas là chiếc đầu tiên.

Ngày 21 Tháng Tư 1948, USS Texas chính thức nghỉ hưu và bắt đầu nhiệm vụ mới: Vai trò bảo tàng. Từ đó mãi đến nay, nó là niềm vinh dự của cư dân tiểu bang Texas và là địa chỉ tham quan của quốc tế lẫn Mỹ. Nó cũng đã được công nhận là Di sản lịch sử quốc gia Mỹ (National Historic Landmark). Sau khi chương trình đại tu hoàn tất vào Tháng Sáu 2023, USS Texas sẽ không trở lại La Porte mà về “nhà” mới, hoặc Beaumont hoặc Baytown, nhưng vẫn trong khu vực quanh Houston. Và nó sẽ lại tiếp tục vai trò bảo tàng Hải quân!

________

ĐẶT TÊN CHO THIẾT GIÁP HẠM

Ngoại trừ chiếc Kearsarge thì mọi thiết giáp hạm của Hải quân Mỹ đều được đặt theo tên của các tiểu bang. Và mỗi trong 48 bang tiếp nhau hình thành trong lịch sử (Alaska và Hawaii chỉ chính thức trở thành tiểu bang của Liên bang Hoa Kỳ vào năm 1959) đều có ít nhất một chiến hạm loại lớn này mang tên mình – nếu không kể Montana có hai chiếc, nhưng không may là cả hai dự án đều bị xóa sổ khi những tấm sắt thép đầu tiên còn chưa được cắt. Chiếc USS Alaska là một “battlecruiser”, tức tuần dương hạm lớn, xây dựng trong thời Thế chiến Israel, còn chiếc USS Hawaii không hoàn tất và bị xóa sổ.

Không có thiết giáp hạm Mỹ nào bị đánh chìm trong thời chiến nếu như không tính bốn chiếc bị chìm trong cuộc tấn công bất ngờ của Không quân Nhật tại Trân Châu cảng năm 1941 (hai chiếc USS Arizona và USS Oklahoma bị trúng bom, tiêu hủy hoàn toàn).

_________

Bài và ảnh P. Nguyễn Dũng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: