Trong cõi người ta

(Ảnh: David McNew/Getty Images)

Tìm mình trong cõi người ta

Thấy từ thơ ấu có Đà Nẵng xưa

Đỗ Hùng (1945-2021) 

Năm 1957, gã thiếu niên được bạn, TTHải, Đội Trưởng Đội Hổ Đoàn Hướng Đạo Lam Sơn cho tấm hình căn cước mặc y phục Hướng Đạo Sinh với lời đề tặng: “Tặng N, tình chúng ta nhẹ nhưng bền mãi”. Tuy không hiểu hết ý nghĩa của lời bạn, nhưng gã cũng thấy ra điều “hay hay” qua lời đề tặng. 

Sau nầy khôn lớn, và nay đang buổi cuối đời, thỉnh thoảng gã thiếu niên năm xưa/lão nhân hiện tại hiểu ra điều đơn giản nhưng cảm kích: “Quân tử chi giao như đạm thủy”. Đúng thế thật, chẳng cần thắm thiết, đậm đà, nhưng liên hệ giữa hai Người Bạn cũng không phải là hạng đại nhân, quân tử mà chỉ là hai người đàn ông bình thường/tầm thường chỉ cần giữ nghĩa “đạm thủy chi giao – cứ như nước lạnh” thì sẽ được mối bền vững tốt lành. Đám tang ngày Đỗ Hùng ra đi, 10 Tháng Mười 2021, cho anh thêm một lần phần xác thực của Nghĩa Bằng Hữu Chi Giao.

Một. 1954,

Vừa ra khỏi cổng Trường Nam Tiểu Học Đà Nẵng bên hông Nhà Đèn, ba đứa nhỏ của xóm nhà thờ di cư đối mặt với một đám thiếu niên Trường Hải Châu dẫn đầu bởi một gã hung dữ tên Trần Xếp, học trò trường Tây. Xếp nổi bậc với tiếng nói lớn dọa nạt, thân hình rắn chắc, và nhất là chiếc cặp căng phồng sách giáo khoa chữ Pháp. Đó! Đó… Mấy đứa ni là tụi nơi xóm nhà thờ di cư! Bọn nhỏ trường Hải Châu hăm hở xông tới. Bắc Kỳ con! Bắc Kỳ con bỏ vô lon… Bắc Kỳ ăn cá rô cây… Những chiếc giàn thun bắn ra những cọng phượng rơi lụp bụp trên áo ba đứa nhỏ nạn nhân với những chiếc cặp nhỏ chỉ vừa đủ che mặt.

Vị cứu tinh xuất hiện kịp thời. Tụi mi không được ăn hiếp mấy đưa ni, coi chừng tao bẻ hết răng tụi mi! Gã thiếu niên tuổi khoảng 14, 15 tuổi nhảy vội xuống xe đạp, tay vung chiếc kìm nhỏ. Bọn trẻ Trường Hải Châu dạt ra, đầu đảng Trần Xếp lùi phía sau. Gã thiếu niên cứu tinh được thể nói lớn. Tao qua Trường Hải Châu mét thầy Trịnh Thể, tao là “di cư Tam Tòa” đây! Cụm từ “di cư Tam Tòa” được nói lớn với âm sắc mạnh mẽ vùng Quảng Bình với chiếc kìm sắt trên tay vung lên đe dọa của gã thiếu niên khiến bọn trẻ Trường Hải Châu e ngại, nhụt thế. Cuộc chiến tàn nhanh. Ba đứa trẻ xóm di cư lấy lại bình tĩnh vây quanh gã thiếu niên “di cư Tam Tòa”.

– Tụi mi ở mô? Học lớp mấy?

– Tui không phải di cư, chỉ ở chung xóm nhà thờ di cư Thạc Gián, học lớp Nhứt với thằng ni. Bé Nhân lanh lẹ nói trước chỉ tay vào đứa nhỏ cùng cỡ, nét mặt tinh anh sắc sảo.

– Tôi mới là di cư, tháng trước xuống tàu bên kia sông Hàn, vì đi học trường nầy nên qua ở nhà ông bác Đường Nguyễn Hoàng. Bé Vũ, đứa thứ hai tự giới thiệu.

Còn thằng nầy? Cả bọn quây lại thằng bé nhỏ nhất, gầy gò, đen đủi. Chỉ ánh mắt đen linh động u uẩn. Em tên Hùng, ở xóm nhà thờ di cư trên ga, học lớp Ba. Thằng nhỏ có vẻ không muốn nói thêm hoặc không biết phải nói điều gì.

Khi biết rõ tên, tuổi, tình thế của ba đứa nhỏ, gã thiếu niên cứu nạn hào hiệp đề nghị: Tao chở ba đứa mi về tới Cầu vồng thì xuống xe, tao đạp lên không nổi. Xuống dốc Cầu Vồng tao về Tam Tòa, chỉ chở thằng ni (chỉ bé Vũ) qua đường Nguyễn Hoàng, còn mi (chỉ bé Nhân) với thằng ni (đứa nhỏ thứ ba tên Hùng) đi thẳng lên trại nhà thờ di cư. Mi nhớ đường không? Bé Nhân nhanh nhẹn trả lời. Biết, nhà tui ở đó mấy năm rồi, trước khi có trại di cư. Ba đứa nhỏ hân hoan trèo lên xe. Một đứa ngồi trước trên thanh ngang, nắm chắc ghi-đông; hai đứa ngồi sau chen chặt lên phọc-ba-ga.

Khi xuống bên nầy dốc Cầu Vồng, Đường Khải Định, gã thiếu niên “Tam Tòa di cư” sắp xếp. Đây nì, tao với thằng Vũ ni quẹo tay phải ra đường Nguyễn Hoàng, còn hai đưa mi đi thẳng lên trại di cư. Thằng nhỏ thứ ba rụt rè đề nghị. Mai cho đi xe đạp nữa không? Được, tao học Đệ Thất Phan Châu Trinh nhưng chung trường tiểu học với tụi mi, sang năm tao mới qua bên trường mới. Bữa mô bãi học cùng giờ, tao cho tụi mi đi xe tao, cũng để tụi Trường Hải Châu không dám tới ăn hiếp.

Khi gã thiếu niên Tam Tòa và bé Vũ khuất sau hàng cây bã đậu trước nhà thờ Tin Lành, hai thằng nhỏ Nhân và Hùng theo Đường Thống Nhất đi về phía trại di cư, đường ra Huế.

Bé Nhân mở lời quen thân. Mi có đạo phải không? Ừ! Bé Hùng có vẻ miễn cưỡng trả lời. Đạo Chúa hay Đạo Tin Lành? Không đợi Hùng trả lời, Nhân chỉ ngôi nhà lầu của Mục Sư Tin Lành Hội Thánh Đà Nẵng. Đi Đạo Tin Lành có cho đồ chơi và áo quần Mỹ. Tao không biết. Bé Hùng tỏ ý chấm dứt câu chuyện. Ban đêm mi có đọc kinh không? Bé Nhân gợi chuyện qua một hướng khác. Có chứ! Bé Hùng có vẽ hào hứng trở lại. Nhà ông thợ mộc di cư bên nhà tao đêm mô cũng đọc kinh. Họ đọc lâu lắm, tao đứng bên ngoài nghe hoài nên thuộc luôn. Kính mừng Maria. Mi cũng đọc kinh như rứa phải không? Bé Hùng trở nên nghiêm trang. Kinh Kính Mừng không phải để đọc chơi. Câu chuyện hai đứa nhỏ dần trở nên thân mật khi đi hết đoạn đường Thống Nhất đến ngã tư lối vào nhà ga. Bé Nhân chỉ qua hướng trái, đường Hoàng Hoa Thám..

Đó, cái nhà tranh là nhà tao, chỗ có hai cây kiền kiền to, từ đó đến nhà thờ trước đồn cảnh sát toàn là người di cư như mi. Nhà mi ở mô? Bé Hùng chỉ ra hướng Ngã Ba Cai Lang, đường đi Huế. Nhà tao sau mấy cái nhà kia kìa. Vậy thì mai tao đợi mi ở đây. Bé Nhân sốt sắng đề nghị. Còn thằng kia? À thằng Vũ, nhà hắn ở đường Nguyễn Hoàng, không đi đường Cầu Vồng nầy; khi về thì mình nhờ anh người Tam Tòa chở cho tới dốc Cầu Vồng, thằng Vũ mới đi theo như bữa ni. Bé Hùng đưa ngón tay trỏ cong cong. Mi nghéo tay nghe không? Bé Nhân đưa ngón tay ngoéo lại. Tao là sói con của Trưởng Thanh, anh thằng Trác, mi muốn đi sói con thì tao dẫn tới Trưởng Thanh. Tao không biết đi sói con đó mà cũng không có áo quần!

Trước khi chia tay, bé Nhân hỏi với cách tin cậy: Khi bị tụi Trường Hải Châu ăn hiếp mi có sợ không? Không! Thằng bé Hùng đáp mau. Tại răng mi không sợ? Tao có cây viết, thằng nào tới gần tao đâm liền! Mi giỏi thiệt! Bé Nhân nói lời khen ngợi thán phục. Câu chuyện nhỏ giữa những đứa bé từ năm 1954 hóa ra là nền tảng cho mối liên hệ bằng hữu thầm lặng bền bỉ qua sống, qua chết, giữa lửa đạn chiến tranh, tận khổ nhục tù tội đọa đày. Không người nào có thể tưởng tượng ra. Nghĩ tới.

Hai. 1974,

Ngồi trên những chiếc ghế nhỏ quán nước lề đường bên cạnh Ty Thông Tin Đà  Nẵng, ba người lính mở những chai bia 33, im lặng ngột ngạt. Người mang cấp bậc đại úy, y phục xanh bộ binh, bảng tên Vũ mở lời khắc nghiệt: Mẹ kiếp, chẳng ai tính ra được, hai mươi năm sau ba thằng lại gặp nhau ở đây! Ông Hùng làm trên Tổng Y Viện gặp mặt đã đành, còn ông Nhân từ Sài Gòn ra đây làm gì?

– Thì nhảy dù từ Huế chuyển vô đây, nên tôi đi Đà Nẵng để xem có chuyện gì không? Người tên Nhân trả lời trống không.

– Chuyện đ… gì cũng thế! Tàn cuộc, cuối đời, ông ở chỗ Ban Liên Hợp kia ắc phải biết. “Chúng nó” tính hết cả rồi! Vũ nói tiếng lớn như muốn người những bàn kế cậu phải nghe cùng. Không biết “chúng nó” ám chỉ những ai.

Hùng chen vào hòa giải. Chúng nó tính ở đâu kệ chúng nó, ba đứa sau 20 năm ngồi uống với nhau chai bia thế nầy là vui rồi. Dzô! Hùng nâng chai bia tăng không khí hào hứng.

Men bia dần làm câu chuyện trở nên dễ dàng. Hùng nói lời ấm áp với Nhân: Ông viết tới lắm, tôi ở ngoài nầy luôn theo dõi bài ông viết.

Vũ sôi nổi, hào hứng. “Thì từ 1968, lúc làm sĩ quan liên lạc pháo binh nhẩy dù, tôi đã thấy ra ông ấy là “đại văn hào”. Chỉ khổ nỗi, sau đó bị bà vợ ông ấy buộc cho tội. “Ông làm bạn ông thành nhà văn. Tôi mất chồng!”

Hùng làm vẽ hạch hỏi: Sao ông không biến tôi thành “nhà văn” coi chơi?!

Vũ tung hê: Muốn thì ông tự làm đi chứ. Tôi tài cán gì? Danh là khách của thực!

Cuộc gặp mặt sau 20 năm dần trở thành sống động khi những chai bia thứ ba, thứ tư được uống cạn và những lời thương mến, khen ngợi chân thực. Cha Vũ nầy giỏi thiệt! Bằng cấp nào cũng có, chỉ tội quá giỏi nhà binh nó đâu chịu; lại thêm tội ứng cử quốc hội, nghị viên mà không về phe ông tông tông (Tổng thống- Cách gọi của người miền Nam, Sài Gòn) thua là cái chắc!

– Còn lâu tôi mới về phe tông tông, bị bắt vào cục an ninh quân đội tôi cũng nói như vậy. Chẳng ai ép tôi được.

– Thì thuở nhỏ cũng chẳng ai ép ông được. Hết học Phan Châu Trinh, ông vào Sài Gòn học giỏi có tiếng. Ờ mà sao lại không lọt được vào trường Y Khoa như các cậu Phạm Gia, cậu Hưng “con”?

– Vô TP (Thực tập chứng chỉ PCB/Lý-Hóa-Sinh), bị cha phụ giảng đánh rớt liên tiếp thì làm sao học ra ông Đốc được?! Hê hê! Vũ gật gù cười. Cũng may, nếu học ra ông Đốc, chơi với máu me, người chết như cậu Hùng ở Tổng Y Viện tôi không ham. Ngày, đêm phải đánh vật với thương binh, xác chết như những kỳ Mậu Thân, 1968; Hạ Lào, 1971, Mùa Hè Đỏ Lửa, 1972 hãi quá!

– Rồi cũng quen đi! Hùng nói nhỏ chịu đựng. Riết thấy sống/chết như nhau. Sống đôi khi còn khổ hơn. Ông Nhân viết về Đại Lộ Kinh Hoàng, Quảng Trị; cảnh Việt cộng pháo kích ở An Lộc, Bình Long năm 1972 chắc thấy lời tôi nói không sai! Sống mang thêm mặc cảm có tội.

– Nhưng sống vẫn tốt hơn. Chết là thua. Như thằng Dũng nhẩy dù lớp mình chết năm 1965 ở Đồng Xoài bây giờ có ai nhắc gì nữa đâu? Không biết mộ nó chôn ở đâu trên Ngã Ba Cai Lang. Vũ kết luận.

Hùng bùi ngùi. Năm đó ba thằng nhỏ chỉ dám đi tới Ngã Ba Cai Lang, hết đường Khải Định là rừng dương liễu chạy ra tới biển; chỗ tụi mình đang ngồi đây trông ra cũng là vườn bông để họp biểu tình. Hai mươi năm bao nhiêu là biến đổi không ai lường ra được! Màu mắt đen của Hùng thẫm sắc hơn.

Chiều xuống, thành phố Đà Nẵng lên đèn. Ba người lính không nói với nhau thêm một lời. Chỉ âm động lịch kịch những chai bia nhấc lên, đặt xuống.

Ba. 1975,

Tháng Tư, Sài Gòn vỡ tung như như một tổ ong bị un khói, gặp nhau nơi tòa soạn báo Sóng Thần, báo Độc Lập Đường Võ Tánh, Vũ và Nhân nhìn rõ nỗi tuyệt vọng uất hận trong mắt mỗi người. Ông làm sao từ Đà Nẵng mà thoát vào được? Tôi đi theo xà-lan vào tới Nha Trang, xuống Cam Ranh, xong theo đường bộ vào Sài Gòn. Ai giúp cho ông đi về được Sài Gòn? 

Gặp thằng Trương Kh. ở Biệt Động Quân, nó nhận ra tôi, cho lên xe jeep của nó. Cũng bởi, tôi là thằng “Bắc Kỳ oắt tì xà lai” năm 1955 khi vô Phan Châu Trinh nên nó nhớ ra! Không theo cánh Biệt Động Quân thì khó mà toàn thây với bọn tù ở quân lao thả ra. Bọn chúng như bầy thú điên từ Đà Nẵng vào Nha Trang gây bao nhiêu thảm cảnh nói không hết, viết không nổi. Miền Nam không chết bởi vi-xi mà chết vì hỗn loạn sụp đổ nầy. Cảnh mà Nguyễn Trãi mô tả “bọn chúng quây giáo mà đánh lẫn nhau”! Vũ nói trong tiếng gầm gừ, mắt tóe lửa.

– Bây giờ ông tính sao? Nhân cố ghìm nỗi phẫn nộ uất hận của bạn với thực tế công việc. Ông định viết cho Độc Lập hay Sóng Thần?

– Chẳng tính gì cả, lão Hoàng Q, bên Độc Lập hay bà Th. của Sóng Thần đề nghị tôi viết lại đoạn đường tháo chạy từ Đà Nẵng. Viết sao nổi toàn cảnh con người bị kinh miệt? Con người bị giết. Bị giết sống. Gớm ghê hơn cái chết!

Nhân cố gắng vớt vát. Thôi tôi cũng mừng ông vào được đến đây, mấy đứa học chung lớp ngày trước ở Đà Nẵng có thằng nào chạy được không? Chẳng rõ, tôi chỉ thấy thấp thoáng thằng Đồng nháo nhác ở Bến Cá Chợ Hàn. Đồng nào? Lớp mình có hai Đồng. Thằng Đồng dạy học, làm thơ. Ông có thấy thằng Hùng người Bắc không? Hùng “đen” đàn ghi-ta? Hắn làm trên Tổng Y Viện Duy Tân, tôi không rõ. Tổng Y Viện Duy Tân là địa ngục có thật khi tụi Việt Cộng từ ngoài Bắc tràn vào. Chúng giết thương binh ngay trên giường bệnh. Chắc Sài Gòn cũng phải chịu như vậy trong nay mai!

Sau 30 Tháng Tư 1975. Vùng núi Hoàng Liên Sơn, đất Bắc, một chiều mưa gió vần vũ Tháng Tám 1978, đông đảo đám tù người Nam thuộc các liên trại Đoàn 776 tập trung chen chúc bên bờ sông Hồng, bến Âu Lâu đợi chuyển lên tàu tại ga Yên Bái. Những tiếng… ơi… ơi mầy… tao… thăm hỏi vang vang bãi sông mỗi lần đoàn tù nầy đi qua mặt đoàn tù trại khác. Tao đây… tao đây… nhảy dù đây… sư đoàn 5 đây… Biệt động quân hả… Tiểu đoàn mấy… Có đứa nào thấy thằng Tâm “cao” không; thằng Phong “râu” Đà Lạt…? Nhân ngồi gục đầu lên chiếc xắc tay nhỏ sũng ướt không đủ sức nhìn lên dẫu nghe tên một gã bạn quen. Ta bỗng rụng rời. Ta thấy lạc. Ta còn không đủ… Hở ai đây?! (Ta Về, Tô Thùy Yên) – một người làm thơ đã viết nên những lời thơ ai oán khốc liệt nầy. Ai còn biết ai sống chết ra sao khi bản thân đã tan nát đọa đày từ một ngày rời Miền Nam, 19 Tháng Sáu 1976?

Sau 12 năm biệt xứ nơi đất Bắc, mùa Hè 1988, từ Trại Ba Sao Hà Nam Ninh theo đoàn tù cuối cùng chuyển về Nam đến Trại Z30D, Nhân nghe được những nguồn tin tưởng như không thật. Vũ đã là một giáo sư khoa bảng ở Mỹ, và Hùng được ra tù từ mấy năm trước do là ngôi sao văn nghệ nơi Trại Z30 D nầy! 

Nhân hỏi lại cho rõ: Có phải Hùng “đen” Hành Chánh Quân Y của Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng không? Chứ còn ai nữa, hắn ta chơi ghi-ta nhà nghề, hát rất vững dưới quyền trưởng ban văn nghệ họ Hoàng Đình, thiếu tá không quân! Trời đất! Toàn là bồ ruột của tôi. Nhân nhớ cách thanh thản vui chơi của Hoàng Đình “không quân” trước anh một khóa của Trường Đà Lạt trong mọi hoàn cảnh trước 1975, và sắc mắt đen quyết liệt của bé Hùng ngày bị bọn trẻ trường Hải Châu Đà Nẵng tấn công năm 1954. Hóa ra mấy người bạn của anh luôn có một thứ vũ khí gì đó để giữ thân, vượt qua tình huống khó khăn. Nhân thầm thán phục những “ông thần” của anh.

Bốn. 1996,

Dịp Thế Vận Hội tổ chức tại Atlanta, Hùng tập họp một số anh em trong giới báo chí, văn học đến từ San Jose, Bắc Cali; Houston, Texas, phần đông là bạn lính trước 1975 ở Đà Nẵng, Sài Gòn. Đúng hơn, Hùng muốn gặp Nhân và Vũ đã cách biệt từ buổi rượu 1974 ở Ty Thông Tin Đà Nẵng như phần trên đã trình bày. Trong hơi rượu cảm khích của buổi gặp mặt bằng hữu, chiến hữu sau lần đổi đời khắc nghiệt tàn nhẫn của ngày 30 Tháng Tư 1975. Hùng hứng khởi giải bày. Đây nhá, tôi đã tổ chức buổi ra mắt sách sau khi đến Mỹ cho ông Nhân xong; ông Vũ thì khỏi cần, vì đã là giám đốc cơ sở Văn Hóa, chủ bút Báo Quốc Dân, giáo sư đại học. Tôi cũng trả nợ 14 năm tù cho “đại úy đại văn hào” vì năm 1986 đã về trước ở Trại Z30D, không đợi năm 1988 ông từ ngoài Bắc về cùng! Chắc ông cũng không nỡ trách tôi với ông Hoàng Đình “tàu bay” đã không chịu ở thêm tù đợi ông?! Mời nâng ly, xong tôi có chuyện nói. Cả bọn nao nức uống cạn ly rượu VSOP Martell loại “chai nước mắm”.

– Đã thiệt, năm 1975 đố ai tưởng tượng ra được tình cảnh nầy? Vừa xuống Guam, tôi đã tìm mấy cậu nhảy dù quen hỏi từng người chẳng ai thấy ra cậu N? Tất cả đều chung ý nghĩ. “Em N” chuyến nầy chắc chết với mấy thằng vi-xi Hà Nội! Em chửi chúng nó kỹ như thế ở An Lộc, Quảng Trị năm 72 thì làm sao chúng nó để cho yên?! Bởi vậy, tôi đã cực lực phản đối vụ “mặt trận” làm rùm beng “ủy ban vận động cho nhà văn N”. Đúng như tôi nói bên nầy, bên kia nó cho “em” vào hầm! Cộng sản nó đâu ngán mấy cái ủy ban thổ tả ngoài nầy! Vũ uống nhanh ly rượu để nói hết phần uẩn ức.

– Còn lâu vi-xi mới giết được tôi! Tôi còn phải sống để uống rượu với các ông chứ. Bác Hùng có chuyện gì cần nói ra cho anh em nghe. Nhân chuyển lại tình thế theo cách bình thường,

– À, tôi sẽ viết sách! Hùng điềm nhiên, giọng không chút đùa cợt.

Ng. Bá (cũng xuất thân Phan Châu Trinh, Bắc Kỳ di cư 1954) cười ồ. Viết sách thì cũng xoàng! Đâu phải chỉ hai cậu Vũ, cậu Nhân viết sách; tôi đây cũng viết sách, hai ông nầy. (Chỉ Cao Kh. và Ngu Yn) còn làm thơ. Không phải thơ tiếng An Nam mà thơ tiếng Mỹ. Nhưng ông viết sách gì?

Không để ý cách đùa cợt của Ng. Bá, Hùng nói chắc: Tôi viết tiểu thuyết dã sử!

Từ khả năng tinh tế của người sống lâu trong nghiệp viết, đọc sách, Vũ hỏi với giọng chăm chú: Ông sẽ viết những gì? Chữ nghĩa không của riêng ai? Lịch sử lại là của chung, biết viết và đọc sử làm sao cho đúng, làm sao cho đủ. Bản thân tôi tự thấy viết bao nhiêu cũng không đủ! (Ngoài những tác phẩm tiểu thuyết trước, sau 1975; Vũ còn là tác giả nhiều bộ sách chuyên về sử học).

Hùng giải thích rành rọt: Tôi không phải loại người chữ nghĩa như các bác, tôi biết rõ điều ấy hơn ai hết. Vào tuổi nầy, với cảnh sống sống sau 1975 tôi không hưỡn để làm chuyện chữ nghĩa. Tôi lại là loại người của tổ chức, để làm việc, Mỹ nó gọi businessman nhưng tôi sẽ viết sách để “nói cho ra lẽ”.

– Ghê quá, chưa gì ông đã tính chuyện lời lỗ, hơn thiệt. Nói cho anh em nghe chơi để thấy ông làm business chữ nghĩa. Hoàng Đình “không quân” (vốn đã ở sẵn nơi Atlanta từ lâu) gật gù đánh giá.

Không để ý lời của họ Hoàng, Hùng chậm rãi, rạch ròi. Tôi sẽ viết về nơi tôi sinh ra, chỗ tôi lớn lên với những con người chuyên gây tranh chấp, nhiều mưu thuật, lắm thủ đoạn. Không phải vài ba người, nhưng thế hệ nầy tiếp thế hệ khác, hằng hai, ba trăm kéo dài cho đến hôm nay.

Áy, người đâu mà ghê quá vậy cha? Anh làm thơ người Nam đến từ Houston, Cao Kh. kêu lên.

Thì mấy ông họ Trịnh, họ Nguyễn, họ Lê nơi xứ của tôi. Những ông hoàng, ông quận, ông chúa từ thời Lê Trung Hưng, Nam-Bắc Triều, Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn… mà hậu quả cho đến bây giờ với đám cộng sản đánh đá nhau ở Hà Nội. Nỗi Đau người Việt là từ đây mà ra chứ không đâu khác.

– Cái nầy không có tôi! Ng Bá gốc quốc gia hành chánh xua tay đầu hàng, chỉ có ông Vũ “giáo sư” mới viết ra.

Vũ từ chối. Tôi cũng chỉ viết về sử cận đại, chuyện đời trước tìm đâu ra tài liệu mà viết, họa may có ông họ Tạ gốc Bình Định mới có thể viết nên! Mà ông sẽ viết chuyện đời xưa ấy như thế nào?

Hùng nói tỉnh, dứt khoát: Tôi viết theo lối dã sử để chẳng anh nào có thể kiện tôi!

Ghê thật, Hùng “đen” tính đâu ra đó. Cứ như đánh phé, đè được tẩy xì. Hoàng Đình “tàu bay” tỏ ý chịu thua.

Kết Từ.

Ngày 6 Tháng Mười 2021 từ Nam Cali, Nhân gọi về Houston mừng sinh nhật sắp chạm 80 của Vũ. Tiếng Vũ chậm rãi, mệt mỏi nhưng vẫn vững chắc. Đến tuổi nầy, tôi với bác còn gọi cho nhau chúc sinh nhật là một đại phúc. Cám ơn bác. Giọng  Vũ trầm xuống. Bác vẫn làm việc đấy chứ? Có đi đâu gặp ai quen cho tôi gởi lời thăm. Nhân trả lời gọn. Tôi sắp đi Atlanta. Qua đó gặp Đỗ Hùng cho tôi chào nha. Lâu quá tôi không đi đâu, nhớ ngày nào tôi làm cuốn sách cho lui (“lui”, tiếng Pháp, có nghĩa “hắn, ông, y”). Ngày 10, Nhân nhận lời nhắn qua cellphone từ một số phone lạ, area code 167…: Anh Đỗ Hùng, Columbus, GA từ trần đêm qua lúc 12: 40 AM, 10 Tháng 10, 2021 sau thời gian bạo bệnh. Chẳng cần truy tìm text của ai, nơi nào tới, anh bật kêu lên: Trời đất, lâu không nói, không nghe, nay vừa nhắc tới thì đã ra đi! Sao ông “độc” quá vậy ông? Anh quả thật quá sợ và quá mệt với chính mình. Tại sao vậy?

Ngày 14 Tháng Mười khi làm Lễ Di Quan bạn lần đầu tiên, anh mới đọc ra tên bạn đầy đủ: Đỗ Mạnh Hùng sinh 06 Tháng 5, 1945 tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, Việt Nam – À, hóa ra là từ đây: Vĩnh Lộc-Thanh Hóa-Việt Nam – Trại 5 Lam Sơn; Trại Thanh Cẩm, nơi buộc anh PHẢI hiểu nghĩa THẬT của Sống/Chết- Chết khi đang Sống TRONG CÕI NGƯỜI TA.

Viết gởi riêng

Gia Đình Đỗ Mạnh Hùng.

Bằng Hữu & Các Cháu nơi Atlanta.

Phan Nhật Nam

Quốc Khánh VNCH (26/10/1955-2021) 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: