Afghanistan: Vết thương mãn tính

Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby trong buổi họp báo về tình hình Afghanistan, ngày 16 Tháng Tám 2021, Arlington, Virginia (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Lẽ tự nhiên những gì đang xảy ra ở Afghanistan không khỏi gợi nhớ đến kết cuộc của cuộc chiến Việt Nam, và như vậy, đã có nhiều người phát biểu, kẻ chê, người bênh quyết định của nội các Joe Biden. Nói cho công bằng, ông Biden thừa kế việc rút quân khỏi Afghanistan từ người tiền nhiệm, mà khi còn đương nhiệm vốn có những hành vi vô tiền rất kỳ quái trong chính sách đối ngoại.

Nhưng việc ông Biden kẹt tay không phải là điều đáng nói, mà những suy tư của cá nhân ông ấy về việc rút quân mới chính là điều để khảo sát. Dưới đây là một nhận định có thể nói là trái chiều, so với cái nhìn từ phía Mỹ về chiến tranh Việt Nam (the American narrative) mà nhiều người Việt vì lý do này hay lý do khác, chấp nhận nó như sự thật khách quan.

Những người thờ ơ với lịch sử theo nghĩa thông thường, mà tỏ ra ngạc nhiên hay sững sờ trước việc Mỹ một lần nữa bỏ rơi đồng minh, tôi không trách. Dù trong thời cận đại, ngoài Nam Việt Nam, Đài Loan, và Philippines, Mỹ đã chứng minh thường xuyên họ có thể ngoảnh mặt với những đồng minh đắc lực, một thời vào sanh ra tử với họ. Người ta có thể kể đến Saddam Hussein, người Kurds, và ngay cả Bin Laden.

Nhưng người đã có kinh nghiệm chính trường, từng tham chính hay nắm quyền bính trong tay dưới chính thể VNCH, mà than vãn thái độ này của người Mỹ thì tôi lấy làm rất khó nghĩ. Thậm chí, tôi có thể nghi ngờ họ chỉ đóng tuồng khi nhai lại một luận điệu thuận tai số đông người Việt, để giữ một địa vị nào đó với số đông kia, theo cách khôn ngoan của những kẻ làm chính trị cơ hội, không bỏ cơ hội nào thi thố thủ thuật lôi kéo lòng người, phe phái cho mục đích phe nhóm hay cá nhân của họ.

Động thái của ông Joe Biden có gì khác thường so với những chính sách trước đây của Mỹ trong suốt dòng lịch sử? Chẳng có gì khác biệt cả, theo tôi. Vị tổng thống đương nhiệm giải thích:

“Nước Mỹ bước vào Afghanistan độ 20 năm trước, với những mục tiêu rõ ràng: bắt những kẻ đã tấn công chúng ta vào ngày 11 tháng 9 (2001), và bảo đảm Al Qaeda sẽ không dùng Afghanistan làm hậu cứ tấn công chúng ta tiếp. Chúng ta đã thành công.  Chúng ta đã làm Al Qaeda lụn bại. Chúng ta không từ bỏ cuộc săn tìm Osama Bin Laden và chúng ta đã hạ được hắn…. Đó là một thập niên trước. Nhiệm vụ của chúng ta chưa bao giờ để xây dựng một quốc gia. Chưa bao giờ để kiến tạo một quốc gia đoàn kết, với một chính quyền dân chủ trung ương. Quyền lợi quan trọng của chúng ta ở xứ này vẫn chỉ là một từ trước đến nay: Ngăn ngừa những cuộc tấn công bởi quân khủng bố trên đất Mỹ.”

Đoạn trích trên nói với tôi là ít nhất ông Joe Biden thiếu thành thật, dù ông vẫn khăng khăng “tôi đã hứa với dân Mỹ tôi sẽ thẳng thắn…” (But I always promised the American people that I will be straight with you). Vì nếu mục đích duy nhất của Mỹ là săn lùng khủng bố, thì đánh đuổi Taliban và thiết lập một chính quyền thân Mỹ ở Kabul làm gì cho tốn kém? Và nếu, như một số người đã kết luận, Mỹ đã đo lường kỹ lưỡng cái giá phải trả khi bước vào, thì tại sao bây giờ than thở là tốn kém quá?

Lại nếu mục tiêu không phải để kiến tạo một quốc gia dân chủ thì khi nhiệm vụ đã hoàn thành, tại sao phải chờ 10 năm sau mới bước đi? Vì, như ông Biden nói tiếp, nhiệm vụ không hề hoàn thành:

“Hôm nay, mối đe doạ khủng bố đã lan rộng ngoài biên cương Afghanistan. Al Shabab ở Somalia, Al Qaeda trên bán đảo Ả Rập, Al Nusra ở Syria, ISIS mưu toan thành lập một vương quốc ở Syria và Iraq, cấu kết với nhiều quốc gia khác ở châu Phi và châu Á.  Những mối đe doạ này đáng để chúng ta chú tâm và dồn phương tiện vào đó. Chúng ta chống khủng bố hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới mà chúng ta không có quân đội Mỹ hiện diện thường trực. Nếu cần, chúng ta cũng sẽ làm như vậy ở Afghanistan.”

Ông Biden thừa nhận Al Qaeda vẫn bành trướng ở những nơi khác như quái vật Hydra, chặt một đầu nó sẽ mọc thêm hai. Nhìn từ Mỹ, nếu nói đã hàng được Al Qaeda ở Afghanistan, thì Al Qaeda ở những vùng khác rắp tâm tấn công Mỹ sẽ nguy hiểm tương đương, không có lý do để lạc quan hơn. Al Qaeda nơi khác vẫn nguy hiểm như Afghanistan thì thành công ở đây là thành công gì? (1)

Và ai là người ngây ngô tin rằng khi Taliban thắng cuộc, họ sẽ giữ lời cam kết, không dung dưỡng Al Qaeda nữa? Vì sao từ đầu Taliban cấu kết với Al Qaeda? Bây giờ lý do đó đã biến mất qua 20 năm Mỹ hiện diện ở vùng đất này chưa? Nếu chưa thì chuyện đâu vẫn còn đó, đâu lại vào đó thôi.

Và nếu bây giờ sách lược chống khủng bố hiệu quả mà không cần quân đội Mỹ phải có mặt thì tại sao không làm vậy từ đầu với Afghanistan? Hồi đó nước Mỹ dại hơn, thiếu kiến thức hơn bây giờ hay sao? Mà nếu làm vậy là đủ thì tại sao không rút hết căn cứ Mỹ khỏi mọi nước (nhất là vùng Trung Đông) nghi ngờ là ủng hộ khủng bố? Quân đội Mỹ phải có mặt vì sao, để làm gì, mọi người có thể đoán, nhưng lý do chính phủ Mỹ chính thức đưa ra rất khó tin cậy.

*****

Quân đội Mỹ không thể và không nên lâm vào, và chết trong một trận chiến mà các lực lượng của Afghanistan không muốn chiến đấu cho chính họ… Chúng ta huấn luyện và trang bị một quân đội với 300,000 binh sĩ. Trang bị đầy đủ. Một quân đội lớn hơn nhiều đồng minh của chúng ta trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương… Chúng ta đã cho họ mọi cơ hội để tự định đoạt tương lai. Điều chúng ta không thể đưa cho họ là ý chí để đấu tranh cho tương lai đó.     

Sự thật là sự tan rã của Afghanistan đã xảy ra nhanh hơn dự đoán. Chuyện gì đã xảy ra?  Các chính  trị gia của nước này bỏ cuộc và chạy trốn.  Quân đội Afghanistan sụp đổ, đôi khi trước khi có giao tranh… Những sự kiện này cho thấy rõ là chấm dứt sự dây dưa của quân đội Mỹ vào quốc gia này là một quyết định đúng đắn.”

Lập luận này của ông Biden không mới, nếu không muốn nói là quá quen thuộc. Họ đưa ra lý do là quân đội và chính quyền Kabul không có khả năng. Trước kia Nam Việt Nam cũng mang tiếng như vậy. Nhưng tôi lại hỏi ai tạo ra chính quyền đó, và tại sao những chính quyền quốc gia chưa mở mang do Mỹ hỗ trợ đều yếu kém giống nhau?  Những người miền Nam thuộc VNCH yêu nước và có khả năng biến đi đâu hết mà không tham gia chính sự? Người ta có thể xét lại để tự hỏi và trả lời là trong thời VNCH, thành phần tài năng nào đặt quyền lợi Việt Nam lên trên hết, không cúi đầu nghe lời mà được trọng dụng hoặc cho phép có ảnh hưởng lớn bởi người Mỹ.

Câu chuyện cựu đại sứ Bùi Diễm kể lại cho thấy là Chính phủ Việt Nam, ít nhất là chính phủ ông Phan Huy Quát, không hề rước mời quân đội Mỹ vào tham chiến, để từ đó chiến tranh leo thang và miền Nam trở thành hoàn toàn lệ thuộc họ. (2) Bao nhiêu trăm ngàn quân dân cán chính của miền Nam đã chết hoặc tàn phế để họ có thể thản nhiên viết lịch sử là thể chế đó bất tài và hèn nhát? (3)

Người Mỹ có tự do ngôn luận, nhưng không được tuyên bố là họ có quyền xồng xộc bước vào cửa tiệm của người khác, gạt mọi món hàng trên kệ xuống đất đổ vỡ tung tóe, đập phá tan nát tiệm, xong thản nhiên bước đi, bảo cái đống rác kia là trách nhiệm từ đó về sau của chủ chợ, hay nhờ dở chịu, chứ từ khi họ ra khỏi chốn đó thì họ đã vô can. Thế giới có áp dụng cái lý luận lạ lùng đó vào biến cố 9/11 để biện hộ cho Al Qaeda với người Mỹ được không?

Tôi không phủ nhận nước Mỹ đã mang đến miền Nam những giá trị nhân bản, và sự tiến bộ về nhiều mặt của quốc gia đó. Nhưng lý do đưa đến sụp đổ của miền Nam không đến từ sự thiếu cố gắng của miền Nam. Vì nước Mỹ trở thành siêu cường không phải nhờ vào nhân bản và văn minh. Mà vì quyền lợi trong mắt họ là quyền lợi của những con buôn. Mà con buôn thì đôi khi có hành vì ứng xử như cô gái điếm, tức không kén chọn khách hàng, bạn hay thù, hễ ai trả tiền thì gật.

Một quốc gia chưa phát triển nên tìm hiểu lịch sử Mỹ để canh tân, có thể nương vào gương đó, học hỏi và đúc kết kiến thức của họ, chứ không được dựa vào họ. Lại một quốc gia cấu kết với nước Mỹ mà trông chờ vào chữ “danh dự” để đặt cược cho việc sống chết của mình thì cũng như những người Việt đã mong đợi kẻ tiền nhiệm ông Biden sẽ giải phóng Việt Nam và mang ấm no đến cho dân. Họ có tâm lý khách hàng của tiệm thức ăn nhanh, muốn có thức ăn liền, lại rẻ nhưng hương vị phải như một món được nấu nướng công phu. Có thể họ quên sờ túi để biết họ có tiền để mua món ăn hay không, và tiền nào của nấy, không thể nhanh mà có phẩm chất được. Nên với họ, Nam Việt Nam chỉ là quá khứ, quên là xong, không phải bài học để đời trả bằng máu.

California, 17 Tháng Tám 2021

*****

(1) Có người phân tích Al Qaeda là một bóng ma do Tây Phương dựng lên. Trong thực chất họ gom vào một rọ nhiều tổ chức ô hợp, có phương thức tranh đấu gần giống nhau, có quyền lợi trùng hợp nhau vào giai đoạn nhất định, nhưng với những mục tiêu tối hậu khác nhau. Blitz, James (January 19, 2010). “A threat transformed”. Financial Times.

Chính Bin Laden, người được coi là thủ lãnh của Al Qaeda, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Tayseer Allouni của hãng thông tấn Al Jazeera xác nhận không hề có tổ chức thống nhất mang tên Al Qaeda như Tây Phương đã gán: “this matter isn’t about any specific person and… is not about the al-Qa’idah Organization. We are the children of an Islamic Nation, with Prophet Muhammad as its leader, our Lord is one… and all the true believers [mu’mineen] are brothers. So the situation isn’t like the West portrays it, that there is an ‘organization’ with a specific name (such as ‘al-Qa’idah’) and so on.” [emphasis added].

(2) Bùi Diễm:… [C]hính phủ Phan Huy Quát mới được thành lập, nếu mà tôi không nhầm vào cái ngày 15 tháng hai năm 1965. Từ 15 tháng hai cho đến mùng 8 tháng 3 chỉ có ba tuần lễ thôi… [Tôi] hơi ngỡ ngàng ngày mùng 3 tháng năm 1965 khi thấy ba tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đồn dập đổ bộ vào buổi sáng mùng 8 năm 1965… Tôi vội vàng tôi đến nhà ông Quát… Ông Quát bảo tôi Anh ở đây rồi thì anh phải sửa soạn thảo một bản thông cáo để loan báo việc 3 cái tiểu đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng.” Tôi hết sức ngạc nhiên, tôi bảo có cái chuyện gì mà nguy hiểm đến thế mà quân đội Mỹ phải đổ bộ đến Việt Nam?”. Ông Quát bảo: “[A]nh cùng với ông ấy thảo luận việc làm sao có được một bản thông cáo về việc đổ bộ của 3 cái tiểu đoàn thủy quân lục chiến.”

https://indomemoires.hypotheses.org/tag/bui-diem

(3)  Theo lời kể của một sĩ quan tác chiến cao cấp trong binh chủng Nhảy Dù Nam Việt Nam từ cuối thập niên 1950 (mà người viết không tiện nêu tên vì vị sĩ quan đó đã quá vãng), là trước ngày Mỹ vào, quân đội miền Nam chiến đấu bằng đa số vũ khí đã có thời Đệ Nhị Thế Chiến. Quân đội miền Bắc cũng chẳng khá hơn. Rồi miền Nam có M16, và miền Bắc có AK47. Ai nói được là cuộc chiến sẽ ra sao nếu quân tác chiến Mỹ không tự tiện bước vào Việt Nam?

*****

Bài viết trên không thể hiện quan điểm của SGN. SGN luôn đón nhận các ý kiến phản bác trên tinh thần tôn trọng lập luận trái chiều được thể hiện bằng ngôn ngữ lịch sự chừng mực. Vui lòng gửi bài viết phản hồi nếu quý độc giả không đồng ý với tác giả. Xin gửi về: [email protected]

ĐỌC THÊM:

Thấy gì về quyết định rút quân của Mỹ ở Afghanistan?

Tổng thống Biden bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Bài Mới

Quảng Cáo
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: