Không ai có quyền quyết định sự sống của người khác

Câu chuyện của "bác sĩ Khoa" cao thượng quyết rút ống thở ba mẹ để cứu trẻ sơ sinh, lại mở ra một vấn đề khác...

Cách cổ xuý bằng nước mắt cho hành động giết người (mà chuyện ở đây là rút ống thở bệnh nhân, lại là cha mẹ già của mình) là hành động thủ ác với lý lẽ trí trá: Giết người để cứu người. Đây là cách mà ở các triều đại bạo chúa, độc tài, được các loại “trí thức” cung đình nâng lên thành chủ thuyết, kim chỉ nam cho hành động giết người.

Chẳng phải đó cũng là giải pháp tiêu diệt người Do Thái của chế độ Quốc Xã, nhưng được hô hào là để cứu nhân loại đó sao? Chẳng phải là Trung cộng đang thanh lọc sắc tộc ở Tân Cương là nhân danh để cứu người Duy Ngô Nhĩ đó sao?

Thế nên sự việc một bác sĩ (ắt là nhân vật hư cấu) tự cho là hành động cao thượng khi quyết giết cha mẹ mình, để cứu một sản phụ sinh khó đã lấy nước mắt đồng cảm, sự ủng hộ của hàng ngàn trang Facebook – cũng không có gì lạ,  bởi vì nó cho thấy sự đồng thuận có ngay trong sâu thẳm bản năng hoang dã, rằng: Sự sống sót là quan trọng nhất, còn mọi kiểu giết người đều có đủ lý lẽ để biện minh cho tính cần thiết. Và xa hơn nữa là trang điểm cho việc giết người là chiếc áo cao thượng.

Với việc bác sĩ hư cấu tên Khoa giết cha mẹ mình để cứu một bà mẹ  và hai đứa con sơ sinh, số lượng người anh ta giết ít hơn số người được anh ta cứu sống. Vấn đề người phải chết là cha mẹ anh ta, và quan trọng là số người chết chỉ là con số ít hơn so với người được cứu. Các bạn có thấy lối tính toán lạnh lùng này quen thuộc không? Chắc chắn là quen vì đã có những tên ác quỷ đội lớp người trong cái vỏ vua chúa, lãnh tụ… đã giết người hàng loạt, với cách tính toán như vậy.

Nhưng sao loài quỷ đội lớp người đó có thể lạnh lùng sắt máu thực hiện đến cùng thứ quyền chọn ai được sống và ai phải chết, mà không run tay? Nếu không có sự hô hào cổ xuý  bởi các kẻ thao túng dư luận bằng cách khơi gợi cảm xúc bản năng của đám đông, lồng ghép giá trị “giết người là để cứu người”, tôn vinh giết người vì mục đích cao thượng, vì chân lý… thì chưa chắc bọn ác quỷ có đủ động lực.

Nói không hề quá đáng, chính các kẻ thao túng dư luận phục vụ ác quỷ đó cũng là các kẻ giết người. Dù chỉ là gián tiếp, nhưng so với bọn ác quỷ giết người “nóng”, họ chính là kẻ giết người “nguội”, cả hai loại ấy đều là kẻ giết người.

Trở lại với bác sĩ hư cấu Khoa với việc “giết người để cứu người”, trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành nặng nề ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Thì xin thưa: Chỉ riêng chi tiết đơn giản ông bác sĩ này có quyền rút ống thở, và dễ dàng chọn số phận bệnh nhân nào phải chết, cũng đủ chấn động dư luận.

Đám đông vốn nhạy cảm trước những việc hệ trọng với sinh mệnh mình, nhất là lúc số ca nhiễm cúm Covid-19 nặng tăng lên. Bệnh viện chật cứng người bệnh, máy thở không đủ vậy thì cả hàng triệu người chưa bị lây nhiễm đều không tránh được suy nghĩ: Lỡ khi bị dương tính, bệnh trở nặng, cái quyền rút ống thở đoạt mạng mình bị xử tùy tiện theo ý riêng, lý do riêng, mục đích riêng của bác sĩ thì sao!

Việc một ông Phó tổng biên tập tờ báo Pháp Luật, và các dư luận bị lừa – hoặc cố ý đánh bóng cho hành vi rút ống thở “giết người để cứu người” – dù động cơ là vô tình hay cố ý thì thực chất, nhẹ nhất, là hành vi cấy đặt sự hoài nghi của đám đông người dân vào thiên chức của bác sĩ.

Tôi xin trích đăng lại một comment của bạn Quang Dinh, đăng trên Facebook Nguyễn Đình Bổn:

“Câu chuyện giết cha mẹ trở thành câu chuyện nhân văn đầy nước mắt. Qua đó thấy được lũ ngu muội đạo đức giả đầy rẫy. Cho dù người đó là cha mẹ của bác sĩ thì trong bệnh viện họ là bệnh nhân. Cho hỏi bác sĩ có quyền rút ống thở của bệnh nhân này, để cho chết và để cứu bệnh nhân khác không? Mang danh câu chuyện ‘đạo đức’ để cổ xuý cái việc quyền cho sống hay chết của bác sĩ đối với bệnh nhân. Hôm nay nó cho mẹ nó chết được, thì nó có thể cho cha mẹ các bạn chết theo ý nó. Mạng sống con người nằm trong tay nó chứ không phải thuộc bệnh viện?!

Vậy nên, lúc này không có gì là quá lời hay võ đoán khi tôi cho rằng, câu chuyện bác sĩ  Khoa không còn là hư cấu hay tin giả nữa, vì chính hiệu ứng được cánh chủ ý cổ xúy dư luận vô nhân thổi bùng dư luận như có thật, đó mới là vấn đề.

Hiệu ứng đó không còn tùy vào góc nhìn nhận tốt hay xấu, hoặc vừa tốt vừa xấu (dân gian hay gọi là “ba phải”) theo cảm tính của một số người nữa, mà thật sự đã là một thứ virus độc hại hợp lực cùng đại dịch, trước mắt sinh sôi hủy hoại tinh thần con người trong thời phong thành, và di hại lâu dài làm mục rã giá trị Thiêng Liêng: Chỉ riêng từng cá nhân mới có quyền chọn lựa sống hay chết cho mình. Và quyền tối thượng đó không phải là thứ có thể nhân danh lòng “cao thượng” mà thao túng dư luận, tôn vinh cho sự  tước đoạt mạng người một cách đơn giản.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: