Thế hệ người Việt tiếp theo ở Mỹ: Coi chừng mất gốc – đứt luôn cả rễ!

(Ảnh: Allen J. Schaben / Los Angeles Times via Getty Images)

Sau khi qua Mỹ được hơn chục năm, cuộc sống của gia đình chúng tôi tạm gọi là yên ổn, mùa Hè năm 1990 vợ chồng chúng tôi nhận lời… đi dạy học ở một Trung Tâm Việt Ngữ, mặc dù chưa từng đứng lớp bao giờ. Bằng cấp, giáo trình và giáo án cũng không có luôn nhưng cứ nhận. Lý do rất đơn giản, hai đứa con của chúng tôi sanh ra và lớn lên ở đây, đứa lớn vừa lên 11, đứa nhỏ 6 tuổi. Lẽ dĩ nhiên, tiếng Anh chúng không cần phải học thêm, còn tiếng Việt, vợ chồng chúng tôi hiểu với nhau là, nếu không học kèm thêm tiếng Việt thì chắc chắn rồi sẽ… mất gốc và đứt luôn cả rễ, không chạy đi đâu được.

Cái câu châm ngôn mà chúng tôi luôn được nghe nhắc đi nhắc lại thuở ấy là: “Tiếng Việt Còn, Người Việt Còn – Tiếng Việt Mất, Người Việt Mất”. Đó cũng là nguồn động lực hối thúc chúng tôi xả thân phục vụ vào những ngày cuối tuần, sau một tuần lễ… cày vất vả. Vốn liếng làm hành trang lên đường của chúng tôi vỏn vẹn có mấy Khóa Tu Nghiệp cho Thầy Cô Việt Ngữ được tổ chức dưới Quận Cam, Thủ Đô Của Người Việt Tỵ Nạn.

Cuối tuần nào cũng thế, chúng tôi hăm hở, trong tay có sẵn những “giáo án” được chuẩn bị kỹ lưỡng sau những buổi chiều về nhà từ sở, sẽ được đem ra áp dụng ở lớp học. Thuở đó còn trẻ, lòng hăng hái và sự nhiệt tình của chúng tôi cao ghê lắm, tuốt trên chín tầng mây. Dạy Việt Ngữ ở trường rồi dạy luôn Việt Ngữ ở nhà. Ngôn ngữ chính sau khi bọn trẻ về nhà từ trường học hàng ngày là tiếng Việt. Như một số cha mẹ khác hoan hỉ và hăng hái đốc thúc con cái học tiếng Việt ở các cộng đồng người Việt Nam Cali thuở đó, chúng tôi có phần thưởng cho việc sử dụng tiếng Việt và hình phạt cho việc nói chuyện bằng tiếng Anh ở nhà, trong niềm tin tưởng vô biên: “Tiếng Việt Còn, Người Việt Còn – Tiếng Việt Mất, Người Việt Mất”.

Sau hơn chục năm đi học Việt Ngữ mỗi cuối tuần, nóng cũng như lạnh, nắng cũng như mưa, trừ những ngày bị cảm cúm ra, vợ tôi không bao giờ cho con mình được nghỉ học, cho dù năn nỉ, cho dù khóc lóc, cho dù giả bệnh, giả đau bụng, giả nhức đầu. Miết, hai đứa con chúng tôi biết thân, cứ tới thứ Bảy cuối tuần là lẳng lặng sách vở sẵn sàng, cho dù cái mặt sưng lên như cái bị nhưng… vẫn phải đi.

Tôi chính thức hoàn toàn nghỉ đi dạy vào cuối năm 2005 sau khi nghỉ luôn việc làm ở Disneyland để giúp vợ tôi trông coi hai cái cửa tiệm, một ở Hawthorne và một ở Westminster. Lúc đó, con chị thì mới ra trường, còn thằng em vừa vào đại học, vợ chồng tôi chỉ còn là hai cái bóng quạnh quẽ trên tường. Tiếng Việt của cả hai đứa tạm gọi là rất giỏi, biết đọc, biết viết và biết cả nói móc, nói kháy nhau bằng tiếng Việt.

*****

Chỉ độ chục năm sau đó, con cái của chúng tôi và các em học sinh cũ của chúng tôi ngày một lớn dần, chúng nó tứ tán khắp nơi nhưng vẫn luôn giữ những mối giây liên lạc qua lại, từng đứa từng đứa lập gia đình, đứa lấy chồng, đứa lấy vợ, khởi đầu cho thế hệ thứ ba ở Mỹ. Điều không muốn nhưng cũng đành phải chấp nhận là có đến 70-80% chúng nó… lập gia đình với người khác chủng tộc, đa số là dân da trắng, còn lại thì không thiếu một thứ sắc dân nào hiện đang có mặt ở Mỹ: Người Hoa, người Phi Luật Tân, người Hàn Quốc, người Nhật, người Mễ, người Ấn Độ, chỉ thiếu có người Da Đen.

Tôi có anh bạn cùng lứa tuổi, giữ kỷ lục với sáu đứa con, tất cả đều lấy vợ lấy chồng đủ mọi sắc tộc, đến nỗi hai ông bà than phiền một cách hết sức đùa cợt để khỏa lấp nỗi buồn là: “Gia đình tôi là gia đình Liên Hiệp Quốc sống trong nước… Liên Hiệp Quốc, họp mặt nhau, chỉ dùng tiếng của… Liên Hiệp Quốc Hoa Kỳ”.

Đám trẻ thuộc thế hệ thứ Hai ở Mỹ, con cái chúng tôi và những đứa đồng trang lứa thuở ấy, vì đi học ở những trường đại học xa California, rồi vì kế sinh nhai, vì công việc, chúng phải tứ tán đi khắp nơi, mà tỷ lệ người Việt chỉ là con số vô cùng nhỏ trên đất Mỹ, chúng quen với bạn Mỹ, hội nhập vào nước Mỹ, nhất là tự do chọn lựa người phối ngẫu, do vậy việc lập gia đình với “người Mỹ” là điều không thể tránh khỏi.

Hơn chục năm sau, hầu hết chúng nó, thế hệ thứ hai đó giờ đã có con có cái, đây là cái thế hệ thứ ba mà tôi muốn nói đến trong bài viết này. Đa số bọn trẻ thuộc thế hệ thứ hai đều không muốn trở về “cội nguồn” là những cộng đồng đông đảo người Việt mà chúng nó lớn lên như những khu Little Sài Gòn ở Nam, Bắc California hay Houston. Chúng lớn lên, đi học đại học “xa quê” là một đi không trở lại và chúng thường lập gia đình với người “bản xứ” rồi gây dựng cơ nghiệp luôn ở những chốn đó với công việc đi kèm sau khi ra trường. Thử hỏi, có Mấy Đứa Chịu Trở Về Cố Hương? (San Jose, Los Angeles, Quận Cam, Bellaire)?

Cả hai đứa con của chúng tôi, cũng đều vướng vào những khó khăn này, chúng lập gia đình với người Mỹ, mặc dù ngày xưa, cô con gái cũng có một anh bồ người Việt, ra trường có công việc, mỗi đứa mỗi nơi, thế là hết. Anh con trai cũng vậy, ngày xưa dắt về ra mắt bố mẹ một cô người Đài Loan, nhìn giống y chang người Việt, vừa xinh gái, vừa đoan trang và lễ phép hơn cả những cô con dâu mà các bà mẹ người Việt mơ ước có, không có con dâu người Việt, con dâu người Hoa cũng tạm vui vẻ chấp nhận được. Sau khi chia tay nhau để đi học cao hơn, mỗi đứa mỗi nơi, thế là cũng hết.

Đến hôm nay, tiếng Việt của hai đứa con chúng tôi tuy chưa đến nỗi nào nhưng chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy những lúc khó khăn tìm chữ qua những cái text messages hoặc emails. Trong các cuộc nói chuyện với chúng tôi, hai đứa chúng nó đã nhiều lần phải trộn lộn những từ ngữ của tiếng Anh vào thì… mới có đầy đủ ý nghĩa để diễn tả tư tưởng cho trọn vẹn. Ngược lại, đôi khi chúng tôi cũng phải giựt mình nhìn nhau ngạc nhiên, vì chính chúng tôi cũng thế, có những từ ngữ mà ngay cả chúng tôi, bất chợt không tìm ra được ở tiếng Việt, hoặc từ ngữ tiếng Việt mà chúng tôi cố sử dụng kia, lại không diễn tả đầy đủ ý mình.

***

Hơn hai năm trước, thằng cháu đích tôn của chúng tôi chào đời, bố Việt, mẹ Da Trắng (cô này có bà nội là người Nhật lập gia đình với người Mỹ Trắng, có bố nửa Nhật nửa Mỹ Trắng lấy vợ người Mỹ Trắng). Ông sui của tôi sanh ra và lớn lên ở Mỹ giờ chỉ biết bập bẹ vài chữ tiếng Nhật, đếm được trên hai đầu bàn tay, không đủ để ráp thành câu. Con dâu tôi chỉ nhận ra được tiếng Nhật qua hình ảnh những con dấu ngoằn ngoèo trên sách vở, một chữ cắn đôi cũng không biết, ngay cả câu nói tạm biệt sayonara của người Nhật cũng còn ngọng nghịu. Tiếng Việt của thằng cháu chúng tôi rồi sẽ ra sao? Đó luôn là câu hỏi lớn nhất, dai dẳng nhất luôn lởn vởn trong trí của chúng tôi và lẽ đương nhiên, câu trả lời đã có.

***

Tiếng Việt của tôi sau hơn 40 năm ở Mỹ cũng đã bị mai một rất nhiều. Đương nhiên, câu văn và ý tứ muốn gởi gấm vào đó mặc dù vẫn đầy đủ nhưng câu chữ đã bắt đầu… lai căng nhiều rồi. Nói thẳng ra thì trong một bài viết của tôi, đã có khá nhiều “Từ Ngữ của Việt Cộng” như một số bạn Facebook vẫn thường vạch ra.

TỪ ĐÂU và TẠI SAO?

Khá dễ để có câu trả lời. Sau thập niên 2000, số lượng người Việt sinh sau đẻ muộn ở trong nước đã sống với Việt Cộng có hơn 25 năm, giờ được qua Mỹ định cư theo nhiều dạng. Họ đi mang theo cả quê hương, trong đó lẽ dĩ nhiên, “tiếng Việt của Việt Cộng” không thể thiếu. Đó là chưa kể đến những từ ngữ chuyên ngành, chuyên môn và chuyên nghiệp mà trước đây chúng ta không hề có. Bên cạnh đó, báo chí và các phương tiện thông tin truyền thông truyền hình cũng từ từ du nhập những “từ ngữ của Việt Cộng” trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại trong hơn hai thập niên qua.

Sự chống đối sử dụng “Từ Ngữ của Việt Cộng” không phải là đã chấm dứt hoàn toàn nhưng càng ngày càng yếu dần và đó cũng là mối băn khoăn của tôi mỗi lần được sửa lưng ở các bài viết. Dường như nhiều người chỉ biết “chỉnh người khác” hoặc “chống lại” việc sử dụng “Từ Ngữ của Việt Cộng” như một… hình thức nhưng lại không thể đưa ra một cách giải quyết hay giải pháp nào cho thỏa đáng, trong khi tiếng Việt của các thế hệ thứ hai, thứ ba và các thứ tiếp tục khác sau này… đi về đâu thì ai cũng có thể đoán ra được.

Hình như đa số người Việt trong cộng đồng người Việt hải ngoại của chúng ta chống Cộng đặt nặng về hình thức hơn là tìm ra những giải pháp thực tiễn để có thể thực hiện được. Bởi vậy, tôi thường nghĩ, có bị lên án hay bị chửi cũng chịu:

TÔI THÀ CHO CON CHÁU MÌNH BIẾT TIẾNG VIỆT, CHO DÙ ĐÓ LÀ NHỮNG “TỪ NGỮ của VIỆT CỘNG”. Bằng không thì chỉ độ hai chục năm nữa thôi, chắc chắn đại đa số con cháu của người Việt ở hải ngoại, chẳng những chỉ… MẤT GỐC MÀ CÒN ĐỨT LUÔN CẢ RỄ.

_______

Bài viết trên không thể hiện quan điểm của SGN. SGN luôn đón nhận các ý kiến phản bác trên tinh thần tôn trọng lập luận trái chiều được thể hiện bằng ngôn ngữ lịch sự chừng mực. Vui lòng gửi bài viết phản hồi nếu quý độc giả không đồng ý với tác giả. Xin gửi về: [email protected].

ĐỌC THÊM:

Tiếng Việt từ trong nước ra hải ngoại

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: