Châu Thụy và lịch sử từ những phận người

Share:
Anh Châu Thụy (ảnh: nhân vật cung cấp)

Không biết phải gọi Châu Thụy là nhà văn, nhà thơ, họa pháp hay là nhà hoạt động cộng đồng… vì ở trong mỗi lĩnh vực, anh đều để lại những dấu ấn đặc biệt khiến mọi người đều ngỡ ngàng.

Thế nhưng, điểm nhấn rõ rệt và đáng chú ý nhất mà anh giới thiệu đều xuất phát từ một điều duy nhất: Ký ức của anh về những ngày rời khỏi Việt Nam bằng con thuyền vào năm 1980, chứng kiến khổ nhục và đau thương của người Việt đi tìm tự do. Những ký ức đó là phần năng lượng lớn nhất khiến anh hình thành Viện bảo tàng Di sản người Việt (Vietnamese Heritage Museum – VHM).

Châu Thụy với Bút Họa

Sinh sống ở Lâm Đồng, năm 1980, song thân của Châu Thụy quyết định đưa đứa con trai của mình đang học lớp 9, một mình đến Rạch Giá để vào bước vào cuộc hành trình tìm một tương lai khác. Chuyến tàu lênh đênh trên biển ba ngày, vừa tránh né cuộc săn đuổi của tàu bộ đội cộng sản, vừa bị hải tặc Thái Lan chặn đường cướp. Đói khát và trải nghiệm một hành trình vào đời khắc nghiệt, cuối cùng Châu Thụy cũng đến Mỹ, mang theo hy vọng của gia đình dành cho anh, và mang theo cả những điều không thể nào quên của thân phận một thuyền nhân.

Châu Thụy tốt nghiệp Đại học Louisiana với bằng Cử nhân Khoa học Kỹ thuật Điện (BSEE). Anh có hai bằng sáng chế Hoa Kỳ, đạt được những thành tựu như ước mơ mà gia đình đã gửi gắm, thế nhưng, lẽ ra bắt đầu cuộc đời ổn định với nghề nghiệp có được, Châu Thụy lại bước sang một lĩnh vực khác, hoàn toàn mới mẻ với người Việt hải ngoại, bộ môn anh gọi là Bút Họa. Lấy cảm hứng từ thư pháp Việt Nam, bộ môn mà anh coi là một loại hình nghệ thuật mới kết hợp tính biểu tượng của hình ảnh với sức mạnh của ngôn từ. Từ đó, anh mở ra một góc mới, với mục đích truyền tải vẻ đẹp của chữ Việt bằng sự cách điệu chứa đựng hình họa.

Những bản bút họa đầu tiên giới thiệu với mọi người đã đem lại sự thích thú. Từ bi, hay Thuyền nhân, là những sự sáng tạo đem lại cho Châu Thụy những danh tiếng đầu tiên, gợi mở một bộ môn nghệ thuật mới trong cộng đồng người Việt tự do. Châu Thụy được mời đi giới thiệu ở các trường đại học, các điểm sinh hoạt cộng đồng… về những tạo tác của mình, giải thích và trình bày các phương thức để hình thành phong cách bút họa.

Từ bi: Tác phẩm với ba dòng đơn giản miêu tả yếu tố tử tế. Lòng tốt mở ra, tâm trí, trái tim và nhận thấy khi người khác đang đau khổ. Lòng trắc ẩn là sự sẵn sàng mở lòng với người khác mà không mong nhận lại điều gì. Mở rộng bản thân và không ngần ngại giúp đỡ những người gặp khó khăn, làm nhẹ đi gánh nặng đau đớn và đau khổ của người khác.

Không ngần ngại giúp đỡ, mở rộng vòng tay chia sẻ gánh nặng, đau khổ của những người bất hạnh (hình trái tim ngược). Như ý nghĩa hàm chứa trong hai câu thơ sau:

Đổ ra trái tim của bạn,

Mở rộng vòng tay, nhưng không mong đợi gì được đáp lại.

Các yếu tố:

-Lá bồ đề hay lá hình trái tim: Tượng trưng cho lòng từ bi, nhân ái, bao dung.

-Hình trái tim ngược: Tượng trưng cho những người bất hạnh, trái ngược với cuộc sống bình thường.

-Đường cong dài: Dang tay để hỗ trợ hoặc chia sẻ.

Thuyền nhân: Trong cơn thử thách trên biển, Thuyền nhân đã hy sinh gần như tất cả. Nhưng họ KHÔNG đánh mất nhân tính và phẩm giá, bởi những mệnh lệnh ngăn nắp giữa sự hỗn loạn trong những giây phút tuyệt vọng khi chờ được cứu khỏi chiếc thuyền đang chìm.

Đức tin của họ được thử thách khi họ đối mặt với cái chết. Cứu tinh của họ, những vị thần, là hy vọng sống sót duy nhất của họ. Trong khi một số cầu xin Chúa giúp đỡ, những người khác âm thầm cầu nguyện phép màu. Lòng dũng cảm của họ được thể hiện một cách trân trọng ở đây trong Thư pháp Ấn tượng này. Thuyền nhân thà chết đứng vì lý tưởng chứ không sống quỳ gối.

Nỗi đau được cảm nhận qua những giọt nước mắt và tiếng hét của họ chìm vào sự im lặng giữa biển khơi. Châu Thụy như muốn nói, Chúng tôi, những người sống sót, có nghĩa vụ phải cho thế giới nghe thấy những âm thanh của sự im lặng. Thuyền nhân là ví dụ sống động của sự chuyển tiếp giữa đất liền và biển cả, giam cầm và tự do, đau khổ và hạnh phúc, sự sống và cái chết.

Các yếu tố:

-Hai dòng cắt nhau: Chuyển tiếp giữa giam cầm và tự do, đất liền và biển cả, đau khổ và hạnh phúc, sự sống và cái chết.

-Chìm thuyền: Mọi người từ trẻ đến già, từ đàn ông đến phụ nữ, đưa tay ra cầu cứu.

-Giọt nước mắt: Hàng ngàn giọt nước mắt rơi.

Tâm tình về bút họa, Châu Thụy nói rằng phong cách Bút Họa, hay Thư pháp Ấn tượng, thường bao gồm hai phần: Hình thức thực tế và ấn tượng thị giác. Phần đầu tiên, hình thức, có thể so sánh với phong cách viết phông chữ dành riêng cho một nhà thư pháp. Một số phông chữ yêu cầu các nét dày và nặng để thể hiện sức mạnh, sự dũng cảm, vững vàng và quyết tâm; trong khi các phông chữ khác chỉ yêu cầu các nét nhẹ nhàng và lượn sóng để gợi cảm giác thanh lịch, ý nhị, điềm tĩnh và thư thái.

Phần thứ hai, ấn tượng thị giác, có thể được tạo ra bằng các hiệu ứng silhouette tương phản với các nét đen trên nền trắng hoặc ngược lại, để gợi lên hình ảnh của một vật thể quen thuộc trong tâm trí người xem. Ấn tượng thị giác cũng có thể đạt được bằng một số yếu tố nhất định, có thể được nhúng khéo léo vào các biểu mẫu hoặc có thể được tăng cường bằng hiệu ứng tô màu.

Những yếu tố nhúng này nhằm kích hoạt phản ứng cảm xúc từ người xem đối với cảm xúc mà nghệ sĩ dự định nắm bắt tại thời điểm sáng tạo nghệ thuật. Khi các màu đen và trắng đan xen vào nhau, hiệu ứng “xám” được tạo ra. Chính hiệu ứng “xám” gợi lên ấn tượng thị giác thay đổi tùy thuộc vào trải nghiệm, cảm xúc và văn hóa độc đáo của người xem.

Bút họa được sáng tạo bởi những yếu tố mà tác giả gửi gấm hồn của chữ trong hình thể, hoặc ẩn hiện, hoặc chìm nổi giữa các sắc màu. Sự gửi gấm (hồn) này còn tùy thuộc vào sự khai phá của người thưởng lãm, đặt mình vào tâm trạng của người sáng tác. Khi màu mực đen và nền giấy trắng quyện vào nhau, tạo nên màu nâu phát xuất, giúp những hình ảnh đưa tâm ý người xem bước vào một thế giới ảo huyền mà trong đó, linh hồn của chữ tỏa nên nét nhiệm màu.

Châu Thụy với Vực xoáy

Số phận thuyền nhân là những ký ức đeo đuổi không rời với Châu Thụy. Anh ấp ủ một tiểu thuyết tái hiện lại những dữ liệu đời mình, và của những người khác, ra mắt năm 2015, với tựa Vực Xoáy. Cuốn sách gây ấn tượng mạnh khi ra mắt người đọc. Châu Thụy nói anh dành nhiều giờ, để đọc các tự thuật của những thuyền nhân khác, và anh rơi nước mắt khi thấy sự nổi trôi của mình so với muôn vàn người Việt khác là vô cùng nhỏ bé.

Để đổi lấy một tương lai, giữ một niềm hy vọng, nhiều người Việt đã sống được, đến được đất nước tự do và giữ im trong mình những vết thương không bao giờ lành, và cứ rỉ máu khi nhắc tới. Đó là sự thôi thúc khiến Châu Thụy viết hơn 260 trang Vực Xoáy. Tâm tình về quyển sách, Châu Thụy nói nhiều chi tiết trong sách là có thật, trong đó nhân vật chính là hai người trẻ ở lứa tuổi 17, 18. Trong hoàn cảnh vô vọng, với rất nhiều đau khổ đè nặng lên cuộc đời, họ vẫn vươn lên và cố tìm một tia hy vọng là đi vượt biên. “Tác phẩm này nói lên những đau thương của dân tộc, sau biến cố miền Nam bị thất thủ. Trong nỗi đau thương đó, tôi muốn gửi gắm tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhất là ở thời điểm mà rất nhiều người bỏ nước ra đi tìm tự do”, Châu Thụy nói.

(ảnh: nhân vật cung cấp)

Cuốn sách mở đầu với sự kiện Tháng Tư 1975. Sự kiện lịch sử đau thương này mở ra một kỷ nguyên với biết bao hỗn loạn, bất công và những điều vô nhân đạo áp đặt lên người dân miền Nam Việt Nam. Sự tuyệt vọng đã khiến biết bao người tìm cách thoát khỏi quê hương để tìm kiếm một cuộc sống an toàn, mặc dù biết rằng cơ may sống sót thật mong manh và sự nguy hiểm vô tận mà họ phải đối mặt trên biển cả. Trong những người trôi dạt vào bến Tự Do, một chàng trai trẻ là Vũ, đã yêu một cô gái tên Vân, trong khi lẩn trốn để chờ chuyến vượt biển. Tình yêu của họ trải qua biết bao thử thách bởi những bi kịch không thể kể xiết và sự tàn nhẫn không thể tưởng tượng được khi họ còn trên biển rộng.

Nói về Vực xoáy, nhân ngày ra mắt dịp 30 Tháng Tư 2015, nhà thơ Du Tử Lê nói, “tôi là một người già rồi, khi đọc những đoạn nhật ký trong quyển sách của Châu Thụy, tôi cũng muốn chảy nước mắt. Và tôi tin, những quý vị độc giả khi đọc Vực Xoáy cũng nhìn cái giá trị, đó là làm cho người đọc phải rơi nước mắt. Được giới thiệu trong Tháng Tư Ðen như thế này, tôi cho đó là một trong những sinh hoạt văn học rất có ý nghĩa của chúng ta”.

Nhưng bấy nhiêu đó chưa thỏa chí Châu Thụy. Anh muốn có một hành động lớn hơn, lâu dài hơn và đại diện cho cả lịch sử hình thành cộng đồng người Việt tự do trên đất Mỹ. Đó là lý do Vietnamese Heritage Museum (VHM) ra đời.

Châu Thụy với lịch sử từ những phận người

Năm 2016, Châu Thụy bàn với những người bạn thân, và cho ra đời Viện Bảo tàng di sản người Việt – Vietnamese Heritage Museum. Anh muốn thực hiện một hành động mang tính lâu dài và tập trung từ những gì mình từng điểm qua đây đó như bút họa hay viết văn. Anh muốn hành trình vượt biển của người Việt phải được giữ lại như một chương chính thống trong lịch sử hiện đại của người Việt để tất cả ký ức này không bị quên lãng.

“Tôi cũng là người vượt biển. Tôi cũng là thuyền nhân. Tôi đã đối diện với hải tặc Thái Lan, đối diện với sự sống chết vô chừng. Và tôi biết rằng có hàng triệu người Việt đã trải qua hành trình như vậy. Nhưng nhiều thập niên trước, vì nó quá đau đớn và riêng tư nên không phải ai cũng đủ sức để kể lại. Nhưng giờ thì thế hệ mới của người Việt đã hình thành. Và tôi tin rằng bất kỳ ai cũng muốn có một nơi để con cháu chúng ta tìm về, để tìm hiểu nguyên nhân sự có mặt của mình trên đất nước tự do. Viện bảo tàng ra đời với suy nghĩ đó”, Châu Thụy nói với Saigon Nhỏ dịp ra mắt chiếc thuyền vượt biên nguyên bản được đem về trưng bày tại VHM ở Garden Grove vào ngày 6 Tháng Năm 2023.

Trước khi cái tên Vietnamese Heritage Museum phổ biến trong cộng đồng người Việt hải ngoại, Châu Thụy đã bỏ ra nhiều năm để tìm hiểu và học hỏi cách thức gom góp kỷ vật, những chi tiết về sự kiện lịch sử để mọi thứ không có tính riêng tư của một sắc tộc thiểu số, mà phải là một nơi lưu giữ có tầm vóc đủ để thuyết phục những ai tìm đến.

“Tôi đã đến thăm nhiều viện bảo tàng lớn nhỏ trên khắp nước Mỹ. Tôi quan sát với sự tôn kính rất nhiều đồ tạo tác, từ một cây bút đến một chiếc ôtô. Khi tôi đến thăm Bảo tàng Holocaust của người Do Thái, tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ trưng bày nhiều đồ vật còn sót lại từ các trại tập trung của Đức. Thậm chí có cả một sợi tóc. Những bảo tàng như thế này muốn chúng ta hiểu những sự kiện ảnh hưởng đến quốc gia và dân tộc họ như thế nào. Các kỷ vật được trưng bày có thể vô hồn, nhưng những bảo tàng này giúp nói lên nguồn gốc của chúng. Nhờ những hiện vật như vậy, chúng ta có thể hình dung cuộc sống của những người ở các thế kỷ trước và của nhân loại. Họ là lịch sử!”

Châu Thụy như chạm được vào cánh cửa đầu tiên, như sứ mệnh của đời anh. Mỗi nơi có cách diễn đạt về sự kiện lịch sử. Với những người Việt đã ra đi và tìm con đường tự do thì đây là một giai đoạn mà nhiều người tin rằng đó là hành trình can trường, bất chấp sống chết, trong đó có cả trẻ em, phụ nữ. Nhưng ở quê nhà, trong một chế độ khác, truyền thông của nhà nước cộng sản luôn nói rằng đây là những thành phần vì phản bội tổ quốc, chạy theo đế quốc mà bỏ nước ra đi. Chắc chắn thế hệ trẻ dù lớn lên ở nơi đâu cũng sẽ bị hoang mang về những sự giải thích trái ngược như vậy. Chỉ có những dữ kiện lịch sử đưa ra, với những câu chuyện được kể lại, mới thật sự thuyết phục rằng vì sao cha mẹ, ông bà của họ đã rời khỏi Việt Nam. Châu Thụy nói:

“Trang nhà vietnamesemuseum.org mang một trách nhiệm như vậy. Chúng tôi đã thảo luận làm thế nào để những hiện vật và tài liệu có thể được thu thập và lưu giữ vào một nơi để lịch sử người Việt tị nạn có thể được bảo tồn một cách cụ thể, sống động và chính xác. Mỗi ngày, VHM sẽ nhắc nhở chúng ta, những người Việt Nam, già cũng như trẻ, rằng chúng ta không bao giờ được phép quên cội nguồn; chúng ta hãy luôn phấn đấu để tiếp tục nhiệm vụ vĩ đại mà các thế hệ đi trước đã khởi xướng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn người dân địa phương biết thêm về nguồn gốc người tỵ nạn Việt Nam, với nỗ lực vươn lên bất chấp khó khăn và những đóng góp cho đất nước nơi chúng tôi đang cư trú. Bảo tàng Di sản người Việt không phải là dự án nhỏ của một cá nhân hay một cộng đồng. Chúng tôi kêu gọi tất cả người Việt Nam tự do trên thế giới có cùng một lý tưởng, hãy đoàn kết và cùng nhau mở rộng Bảo tàng Di sản người Việt, bây giờ cũng như về sau”.

Chiếc thuyền vượt biển được trưng bày tại Viện bảo tàng Di sản người Việt (ảnh: Tuấn Khanh)
Chiếc mái chèo nhỏ nhoi này đã đưa những số phận mong manh đến bến bờ tự do (ảnh: Tuấn Khanh)

Ngày ra mắt chiếc thuyền vượt biên nhỏ bé ở VHM, các phóng viên Mỹ được mời đến đã bày tỏ kinh ngạc khi biết rằng gần chục con người trên những mảnh ván ghép mỏng manh dài chưa đến 6m, bề ngang chưa đến 2m, chỉ có mái chèo, đã vượt qua hơn 1,500 dặm, với không biết bao nhiêu vất vả, bão tố rồi hải tặc, mới có thể đến được đất liền.

“Không chỉ chiếc thuyền này”, Châu Thụy chỉ về hướng chiếc thuyền nằm giữa phòng trưng bày, nói, “Chúng tôi hiện có hàng ngàn hiện vật của người Việt gửi về để nhờ lưu giữ và giới thiệu. Vào những năm tháng cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và cả những lúc những quân nhân cán chính bị đi tù cải tạo, tất cả những kỷ vật gợi nhớ, chứng tích cho những ngày tháng khó khăn đó, cùng những di vật còn lại trong những chuyến hải trình đi tìm tự do. Chúng tôi không muốn chỉ gói gọn trong những câu chuyện vượt biển, mà muốn hình thành một chương đầy đủ với các chi tiết, cho bất cứ ai khi thắc mắc và muốn tìm ra một nhánh, trong dòng lịch sử của người Việt sau khi mất nước”.

Châu Thụy đã tìm đến những nhân chứng của sự kiện mất miền Nam và thực hiện dự án Lịch sử Truyền khẩu (Oral History), để nghe và ghi lại những gì mà người vượt biên kể lại. Lịch sử Truyền khẩu được thực hiện sống động và chân thực. Nhiều khán giả sau khi xem đã khóc và nói, họ tưởng rằng mọi thứ đã chôn vùi theo thời gian, nhưng khi xem, nỗi đau vẫn còn mới nguyên. Cả trăm video như vậy đã được thực hiện và lần lượt chờ post lên trên kênh YouTube của VHM.

Trong mơ ước dựng đủ các phần của di sản người Việt trên đất Mỹ, Châu Thụy cho biết, anh muốn tạo ra nhiều dự án nữa, chẳng hạn Vinh danh người Việt trên đất Mỹ, để nói về sự hội nhập, thành đạt và đóng góp vào quê hương thứ hai của cộng đồng người Việt. Một dự án khác cũng đầy tâm huyết là sưu tập và tạo thành một “bức tường vinh danh” trên mạng internet, về con số 165,000 người đã chết trong các trại tù cải tạo sau 1975, theo ước đoán của truyền thông quốc tế.

Châu Thụy nói, những người Việt này cần được ghi lại, thông qua sự trợ giúp thông tin từ các gia đình nạn nhân. Châu Thụy cũng hào hứng khi nói về việc đang hình thành một trung tâm kỹ thuật số, sưu tập và giữ gìn các văn bản học thuật, văn hóa nghệ thuật của hai nền Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, để mọi thứ không bị mất đi và mãi được lưu giữ, tham khảo.

Chuyến “đi biển” hiện tại của Châu Thụy

Liệu việc giữ lại quá nhiều điều đáng buồn từ quá khứ có bị coi là một cách nuôi dưỡng hận thù hơn là xây dựng văn hóa không? Đó là một trong những ngôn luận của nhà nước Việt Nam hiện nay vẫn nói. Châu Thụy bật cười, và trả lời trong sự tự tin, rằng “Chúng tôi chỉ lưu giữ lịch sử. Chúng tôi chỉ giới thiệu câu chuyện và không đề cập hận thù. Nhưng phản ứng với hành động của cái ác là suy nghĩ tự thân và của riêng mỗi người, của những người đã tìm hiểu sâu và nhận thức đủ về ngày hôm qua. Chúng tôi muốn nhấn mạnh sự trân trọng và tiếc thương với quá khứ. Việc giáo dục hận thù không nằm trong mục đích của Viện bảo tàng”.

Châu Thụy với thế hệ trẻ gốc Việt (ảnh: nhân vật cung cấp)

Ít ai biết, vì dữ liệu ngày càng nhiều, Châu Thụy đã dùng toàn bộ căn nhà của mình để biến thành trụ sở phụ và kho chứa hiện vật quyên góp được. Việc gìn giữ VHM giờ cũng giống như một hành trình không khác gì ra biển của Châu Thụy cùng các đồng sự. Mọi dự án ngày càng mở rộng, càng lớn với sự hưởng ứng người Việt ở mọi nơi.

“Liệu anh có thể vận động đủ ngân sách cho chương trình dài hơi, không thể ngừng lại này không?”. Thoáng ngập ngừng, Châu Thụy nói rằng anh vẫn chưa bao giờ thấy đủ trong công việc của mình. Mọi thứ vẫn cứ đi, lúc chậm lúc nhanh, nhưng không dừng lại. Ngoài đóng góp của những người có lòng với VHM, Châu Thụy cũng đang tìm thêm các nguồn yểm trợ của chính phủ, hoặc tổ chức quan tâm đến hoạt động bảo tồn di sản và sắc tộc.

“Nó giống như tôi ra biển, chỉ có thể tin là sẽ đến bờ, dù chung quanh là mênh mông biển. Tôi tin rằng mình sẽ hoàn thành từng phần của Viện bảo tàng theo giai đoạn, chứ không thể nói trước là kết quả ra sao. Nhưng chắc chắn đã chọn ra khơi, tôi không thể quay đầu hay dừng lại”, Châu Thụy nói.

Nếu bạn đọc bài viết này và chợt nhận ra mình cũng là một trong những di dân, người tỵ nạn của ngày hôm qua, có những điều còn muốn biết, hay muốn nói, xin đừng ngần ngại góp thêm một sức chèo trong hành trình vô cùng mênh mông của Châu Thụy và những người bạn, ở Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt.

Phone: (714) 846-8438. Email: [email protected]

Hoặc gửi những chia sẻ của mình đến Saigon Nhỏ, [email protected]

___________________

Châu Thụy kể về “Chiếc áo tình mẫu tử” (Saigon Nhỏ thực hiện)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: