Little Saigon và những người muôn năm cũ (2)

Một góc Little Saigon (ảnh: Dân Huỳnh)

Có một sự kiện là Kiều Nguyên Tá làm tờ báo Quê Hương là báo đầu tiên FREE không bán, chỉ dựa vào tiền thu quảng cáo làm lợi tức. Do loan tin về nguồn tin không có thật của tổ chức kháng chiến Hoàng Cơ Minh cho nên trong ngày lễ 30 Tháng Tư năm đó, 1983, Kiều Nguyên tá bị thành viên nhóm này vây đánh, duy nhất có hai người can đảm chạy tới can thiệp giải thoát cho anh Tá là Lữ Mộc Sinh và tài tử Nguyễn Long.

Anh Nguyễn Long có share phòng mobile home tôi ở khoảng hai năm. Khi anh em thân tình hơn, tôi có layout cho anh một quyển sách dầy viết về nghệ sĩ; anh Long có chụp và ký tên biếu tôi một hình tôi lúc làm layout cho báo chị Võ Thị Vui, còn treo trên vách hiện nay. Anh Nguyễn Long đã mất khá lâu.

Kiều Nguyên Tá nguyên là một sĩ quan Bắc Việt vượt Trường Sơn vào Nam. Một chiều dừng chân, chàng Tá nhìn thấy tận xa có đường xe lửa, đêm đó Tá đào thoát và đầu thú theo chính sách “chiêu hồi” của chế độ miền Nam. Bởi vậy Kiều Nguyên Tá phải vọt vào ngày 30 Tháng Tư 1975.

Tôi quen anh Tá lúc anh theo phong trào “Thiền Ông Tám”, khi bị vợ bỏ, anh dẹp tiệm sửa TV, leo lên núi Arow Head thiền hết hai năm. Ngày trở về lại khu Bolsa, vô quán ăn, tóc dài xõa quá vai, đi cùng người bạn tôi là nhạc sĩ Bình Thủy điên sống bụi đời, là người tôi tình cờ quen trong mấy ngày đầu tiên (bỏ Chicago) về Cali.

Nguyệt – cô em dâu, một tối đưa tôi đi ăn ở nhà hàng có ca hát, tôi lên hát bài Ông lái đò, có hai đoạn ngâm thơ nên chàng Bình Thủy cầm ống sáo trúc nhào lên đứng cạnh để hòa sáo theo lời ngâm, rồi kết bạn từ đó. Bình Thủy điên trú ở điện Bà Chúa Xứ. Một đêm trời mưa to, tôi đến chơi ngủ lại, ngồi xuống bàn viết một lèo bài thơ năm chữ “một đời tôi mưa trôi” thành hình trong cơn mưa trên đường chạy xe tới điện Bà. Bình Thủy đọc xong cảm xúc phổ ngay thành nhạc phẩm. Vài câu:

Chiều nay mưa vào tối

Chim bay theo lá rời

Có gì như tình khơi

Mưa và hoa rụng rơi

Một đời tôi mưa trôi

Một đời hoa lạc lối

Bước về con phố tối

Trăng lạnh ngập hồn tôi

___

Từ khi lập đền Bà Chúa Xứ Châu Đốc trên đường Magnolia, tôi kéo anh em bạn đến chơi hằng đêm, Nguyễn Tất Nhiên thường ngủ lại. Ít ai biết tượng bà Chúa Xứ Châu Đốc là do Lữ Mộc Sinh đứng ra quyên góp để nhờ điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đúc thành, với giá $8,000. Anh Thu lúc ấy ở nhờ chùa Liên Hoa của Hòa Thượng Chơn Thành, mắc võng nơi vườn hồng sau chùa nằm đu đưa cảnh đời mới qua Mỹ. Lữ Mộc Sinh muốn giúp nên kêu anh đúc tượng Bà là vậy.

Tượng Bà Chúa Xứ đúc xong được tổ chức diễu hành trang nghiêm một vòng phố Bolsa cho công chúng biết, trước khi về đền an vị và làm lễ khánh thành. Cũng từ đó, Lữ Mộc Sinh ở lại điện Bà thường xuyên để giúp Kiều Nguyên Tá làm cho nơi thờ phượng Bà thu hút được nhiều người đến lễ bái, cầu xin Bà giúp cho những việc khó khăn hay tai qua nạn khỏi. Tiền phước sương dâng tạ Bà là nguồn lợi tức sinh tồn. Khi anh em đến chơi, Kiều Nguyên Tá vái Bà rồi lấy tiền trong thùng phước sương mua bia cho anh em. Tôi nói vậy là anh em mình mắc nợ Bà, phải làm cho đền Bà giàu lên.

Tiếc thay, Kiều Nguyên Tá ngông nghê phạm thượng Bề trên, ví Bà là Âu Cơ, ông là Lạc Long Quân, trước đó thì xưng con Trời, “Thiên tử”. Lữ Mộc Sinh thấy vậy, lặng lẽ bỏ đi, dù đang là nơi yên tĩnh tu tập Phật đạo. Điện Bà Chúa Xứ không bao lâu đóng cửa vì khách thập phương không đến. Kiều Nguyên Tá vài năm sau đi về Việt Nam hưởng cuộc sống già. Là một con Rồng, hơn rồng tôi một giáp và ngang Rồng Cao Đông Khánh.

*****

Tôi được quen anh Phạm Công Thiện qua “nhà văn trẻ” Trần Trúc Giang. Lúc tôi bị tai nạn mẻ cột xương lưng, không đi làm sở được, trong năm năm đau đớn ở không ấy, Nguyễn Diệu Thắng mua quyển vừa tái bản của nhà xuất bản Đại Nam, Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng là quyển Phạm Công Thiện đã dịch ở Việt Nam trước 1975, đưa tôi đọc. Tôi tóm lược bằng chọn những câu hay ho nhất tập hợp hữu lý thành một tập, gửi đăng trên báo Việt Nam Tự Do của Duy Sinh mà không ghi người soạn thảo.

Có lẽ do vậy, khởi duyên để Trần Trúc Giang giới thiệu tôi với anh Thiện, vì Giang trước đó có gửi lá thư cho Phạm Công Thiện mà được Phạm Công Thiện dùng để chua vào bài viết Tựa cho quyển tái bản Ý Thức Mới trong Văn Nghệ và Triết Học cũng do Đại Nam tái bản, nên Giang giữ liên lạc với anh Thiện từ khi anh ở Pháp sang Mỹ tạm ở chùa Việt Nam của Thầy Mãn Giác trên L.A. Anh Nho chủ nhà xuất bản Đại Nam to nhất ở Hoa Kỳ giao toàn bộ việc layout sách cho nhà văn Cao Xuân Huy. Anh là hàng xóm cách tôi một căn trong khu mobilehome Green Lantern. Anh em rất thân tình chạy qua chạy lại.

Tôi lại làm cầu nối để giới thiệu nhóm anh em với anh Phạm Công Thiện. May là tất cả đều được anh Thiện thương mà chơi thân tình bạt mạng với nhau từ đó. Lữ Mộc Sinh và Nguyễn Diệu Thắng là hai bạn mà anh Thiện dành nhiều ưu ái nhất, theo tôi, vì đây là hai con người đặc dị, thông minh, quá khứ của hai chàng này là cả một quyển tiểu thuyết hấp dẫn ly kỳ.

Năm 1986, trước tình trạng Phật giáo hải ngoại bị đánh phá nặng nề, Thầy Viên Lý trụ trì chùa Diệu Pháp ở Monterey Park, cũng là người học trò Phật Pháp của Đại học Vạn Hạnh, môn học do Giáo sư Phạm Công Thiện phụ trách. Anh Thiện lúc này tạm trú chùa Diệu Pháp của Thầy Viên Lý, hai vị chủ trương ra tờ tạp chí làm phương tiện phản công ngăn chặn sự chống phá của cộng sản Việt Nam đang cố gắng làm sụp đổ Phật Giáo Tự Do đang vươn mình ở hải ngoại mà mạnh nhất ở Mỹ.

Triết gia Phạm Công Thiện nhận vai trò điều động tờ báo này, anh vẽ logo và là tên đặt cho tờ báo: ĐỘNG ĐẤT. Tôi được anh Thiện kêu đứng tên môn bài và nhận vai trò Chủ Nhiệm. Thế là anh em xúm lại tiếp tay, một buổi họp mặt lập biên bản thành hình tờ Động Đất. Ban biên tập và cộng tác viết có nhiều tên tuổi lừng danh. Rất tiếc Động Đất được sáu lần, nghĩa là phát hành đến số thứ sáu thì đình bản. Lữ Mộc Sinh từ đó sát cánh bên Phạm Công Thiện, có khi lên chùa thầy Mãn Giác nhập thất cùng thiền sư Phạm Công Cúc Hoa, cái tên mà Phạm Công Thiện khoái khoe khoang mình là.

Hòa Thượng Viên Lý, ngoài chùa Diệu Pháp, còn thành lập chùa Điều Ngự ở Westminster, một ngôi chùa to đẹp, dập dìu Phật tử, do người em Thầy là Thượng Tọa Thích Viên Huy trụ trì. Tôi layout nhiều sách của hai Thầy, và phụ trách dàn trang cho đặc san Điều Ngự của chùa. Còn nhớ ơn thầy Viên Lý lúc mới qua là Đại Đức, thầy đến thăm thầy Phạm Công Thiện, có cho tôi $20, là tình nghĩa tôi không bao giờ quên ơn vì đó là lúc tôi lang thang bụi đời. Thầy Thích Viên Lý đã phát hành trên 40 tác phẩm về Phật đạo.

Một góc Bolsa (ảnh: Dân Huỳnh)

Có một đêm, Lữ Mộc Sinh kéo anh Hùng Cường, anh Tâm Piano quán Ngon, Lê Giang Trần, 2 giờ khuya từ Phở Ngon chạy lên chùa “bắt cóc” Phạm Công Thiện xuống Little Saigon. Tới nơi 3 giờ sáng, không khí chùa im ắng như chùa bà Đanh. Biết căn phòng Phạm Công Thiện sát ngoài tường, trước mặt cửa sổ phòng có một cây cao nghệu nên Sinh trèo lên đến ngang cửa sổ bèn chuyền ra nhánh rồi dùng chân đạp lắc cho đu đưa vô cửa sổ, nắm được thành cửa bèn lên tiếng vọng vào, “có mau thay đồ xuống đi không thì bảo, ông sẽ đập cửa sổ phá chùa…”

Thế là vài phút sau Phạm Công Thiện đeo bị túi ra khỏi chùa đi bụi đời. Lên xe ngồi yên vị, thiền sư Thiện vừa cười khoái chí vừa mắng cái ngang tàng của chàng lính điên, tao sợ mày phá chùa nên tao phải đi, mày thiệt hết sức nói! Rồi chạy xe ra phố Tàu ăn cháo khuya, về đến nhà anh Hùng Cường đã 5 giờ sáng. Vô nhà, anh Cường lớn tiếng gọi vợ dậy làm cho món nhậu, rồi anh mở tủ mang tất cả chai rượu tí hon bày làm kiểng trong tủ trưng. Anh lớn tuổi hơn anh Thiện nhưng bao giờ cũng xưng em, nói, Anh Thiện, anh em mình nhậu hết mấy chục chai rượu rồi anh mới về nghe. Thế là um xùm ỏm tỏi hai ống ô-bẹt-lưa Thiện và Sinh. Tới 8 giờ sáng, đã hết rượu lâu rồi, mới chịu từ giã gia chủ Hùng Cường về căn nhà số 22.

Căn nhà số 22 nằm trong khu apartment sát bên Phở Ngon, đang của nhà báo trung úy phi công Nguyễn Kim Long chủ phòng trà Caravelle thuê (còn vũ trường Ritz của Vô Thường sang lại cho Nhạc sĩ Ngọc Chánh), Kim Long rồng vàng không ở nữa nên nhường cho Vô Thường thuê tiếp, nhà một phòng ngủ, lúc đó giá $600, hai người ở chung chánh thức là Lữ Mộc Sinh và Lê Giang Trần, chia mỗi người $200 tiền thuê. Căn nhà này là nơi tập trung trước khi Vô Thường và Lê Giang Trần ở khu mobilehome ở McFadden, được Phạm Công Thiện gọi là “thai nôi” của những “thiên tài”, vì Phạm Công Thiện thích dùng chữ dao to búa lớn. Mỗi khi anh Phạm Công Thiện từ chùa về đây thì căn nhà trở thành super market.

Nhà nói ba người nhưng thành ra tới sáu mạng: trong phòng của Vô Thường và Lữ Mộc Sinh, ở góc phòng khách sát cửa kính là giang sơn Lê Giang Trần. Phương Lùn út trong bọn, bụi đời tới ở lì đuổi không đi, ngủ trên sàn chỗ nào trống.

Hải Cao võ sĩ dọn vô ở chung, chiếm cái closet tủ quần áo rộng bề ngang cỡ giường double size vì vài bữa có đào Khanh của chàng tới ngủ chung cho kín đáo. Lê Giang Trần phụ trách đi chợ nấu ăn và dọn dẹp nên Lữ Mộc Sinh phong chức “bà quản gia”.

$5 là đủ mua nấu ba món, ăn hai bữa. Giá thực phẩm thời đó rẻ rề: 1 pound thịt bầm 99 cent, 1 pound đùi cánh gà 99 cent, cá lòng tong trứng 99 cent/bịch, mực trứng con 99 cent/bịch, vỉ 12 trứng gà 79 cent, bắp cải 19 cent/pound, rau thơm 10 cent/bó. Nấu ba món căn bản: canh xà lách son thịt bầm. Đùi cánh gà xào sả ớt. Trứng xào bắp cải, thêm dĩa đậu bắp hấp trên mặt nồi cơm. Đổi món thì đại khái: mực xào cần tây, cá lòng tong kho sả, trứng đánh trộn hành lá hấp thay canh, canh bắp cải cà chua tôm khô, canh hẹ đậu hủ, khổ qua dồn thịt hay thái mỏng xào trứng, vài kiểu trộn sà lách, dưa leo… miễn sao mua trong vòng $5 là OK.

Gạo, cà phê, đường, trà… thì chị Diễm Phúc tiếp tế khi hết. Vài ba bữa có anh Hùng Cường tới chơi trổ tài nấu bếp ăn chơi thì có viện trợ thêm thịt thà hay món nhậu. Tôi thấy anh Cường xắt hành lá để râu củ gom lại, định hốt bỏ thì anh la lên, Trần, Trần, em để đó, nó là món hết sẩy nghe, anh sẽ dạy em làm “dưa rễ hành” nhậu hết phản! Từ đó cứ mỗi khi thái cọng hành lá thì nhớ tới anh Hùng Cường với bao kỷ niệm.

Khi anh lâm bệnh nhưng còn ra quán ăn, tôi vô quán thấy anh đang ăn trái cây, biết tôi ngạc nhiên, anh tếu, “anh bây giờ thành khỉ rồi, ăn toàn trái cây thôi, hôm nay ăn đu đủ Hawaii vì nó nhỏ mà ngọt”. Khoảng năm sau tôi về Việt Nam, đang ở bên đó thì nghe tin anh Hùng Cường đã lâm chung. Ngô Tịnh Yên là cô bạn thơ thân tình, sau đó kể tôi nghe, Yên chăm sóc anh vào những ngày cuối đời.

CÒN TIẾP…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: