Những điều chưa kể về Trần Thái Văn

Share:
Ông Trần Thái Văn (ảnh: Jeff Gritchen/Digital First Media/Orange County Register via Getty Images)

Mùa Hè năm 1980, sau năm năm sống tại Grand Rapids, Michigan, gia đình luật sư Trần Thái Văn quyết định chia tay thân bằng quyến thuộc để dời sang Orange County, California. Lúc đó Văn mới 15 tuổi…

Con đường bước vào chính trường

“Lý do chuyển sang bờ Tây sinh sống là vì ba tôi là giáo sư có bằng cấp tại Hoa Kỳ, kiếm được việc là dạy học tại trường trung học thuộc khu học chánh Santa Ana,” ông Văn kể. “Má tôi là nha sĩ, muốn làm việc đúng chuyên môn để giúp đỡ gia đình. Đó là lý do chính mà chúng tôi muốn dời khỏi Michigan, nhưng một lý do khác mà ai cũng biết, là khí hậu Nam California quá hạp với người Việt, thay vì ở xứ tuyết.”

Mẹ của luật sư Văn là nha sĩ Dư Thị Mỹ Lan, một trong những nha sĩ mở phòng nha người Việt đầu tiên trên đất Mỹ, tại đường Bolsa, khi Little Saigon bấy giờ chỉ “lác đác vài cơ sở thương mại, và những bãi dâu với những chiếc xe của nông dân đậu ngoài đường”, như ký ức của cậu bé 15 tuổi. Nhưng một lý do quan trọng khác, khiến gia đình Văn chọn California, là vì với họ, đây là “miền đất hứa”.

Trần Thái Văn (thứ hai, từ phải) cùng gia đình tại trại tỵ nạn Fort Chafee, Arkansas, năm 1975. (ảnh: Trần Thái Văn cung cấp)

“Khi đó, ở các tiểu bang khác không cho phép chuyên viên ngành y như bác sĩ, nha sĩ hành nghề ngay, dù đã có bằng cấp trước đó, trừ California,” Văn kể tiếp. “Má tôi sang California và chỉ mất một năm để được cấp bằng hành nghề.”

Nha sĩ Dư Thị Mỹ Lan là em của Tướng nhảy dù Quân Lực VNCH – Trung tướng Dư Quốc Đống. Cùng chồng là giáo sư Anh Văn Trần Văn Điền di tản sang Mỹ khi đã là nha sĩ ở Sài Gòn, với nghị lực của một phụ nữ 40 tuổi, có năm mặt con, bà vượt qua được mọi rào cản về ngôn ngữ, học và thi đậu, rồi mở phòng nha, chữa cho nhiều bệnh nhân người Việt cũng như người Lào và Cam-bốt.

Có nhiều dì, cậu và anh em họ theo ngành y, nha, dược, nhưng Trần Thái Văn chọn khoa học chính trị khi vào UC Irvine. Văn kể, khi thấy con trai không theo nghề truyền thống gia đình, mẹ ông không bằng lòng, nhưng ba ông là người cấp tiến, đồng tình với quyết định của con, chỉ dặn dò: “Con cứ chọn ngành mình muốn, nhưng phải học giỏi thì mới thành công.”

Giải thích vì sao lại đi ngược hướng ngành nghề của gia đình, Văn nói: “Hồi ấy với nhiệt huyết của một thanh niên mới lớn, tôi đơn giản nghĩ, nếu làm nghề y, tôi chỉ có thể chữa đơn lẻ từng bệnh nhân, còn theo ngành luật, làm chính trị, tôi lo được cho cả cộng đồng xã hội. Tôi chưa bao giờ ví von ngành này, ngành kia, nhưng nếu so sánh thì có thể hiểu một bên là ‘bán lẻ’, một bên là ‘bán sỉ’ vậy đó.”

Trong thời gian đó, người Việt thế hệ thứ nhất rất thích chính sách cứng rắn trong đường lối ngoại giao cũng như quốc phòng và không chấp nhận cộng sản của Tổng thống Ronald Reagan. Văn lớn lên trong môi trường đó, nhiệt tình tham gia các hoạt động cộng đồng như giúp bà con cử tri ghi danh đi bầu. Hồi ấy, vào mỗi đợt bầu cử, cử tri không dễ dàng và thuận lợi như bây giờ là lên internet điền form hoặc ra DMV là xong, mỗi cuối tuần trong mùa bầu cử, Văn cùng các thiện nguyện viên đem bàn và ghế xếp để mời từng cử tri đến ghi danh đi bầu tại các chợ trong khu vực Little Saigon.

Mùa hè 1985, khi mới 20 tuổi, Văn có ba tháng tập sự đầu tiên trên Washington DC, tại văn phòng dân biểu liên bang Robert Dornan (đảng Cộng hòa). Hết thời gian tập sự, ông Dornan gọi Văn lên, nói: “Anh làm tốt lắm, giờ tôi mướn anh làm việc ở văn phòng địa hạt tại California.” Lúc đó, Văn vẫn còn học UC Irvine, còn chưa đủ tuổi được phép uống rượu (21 tuổi), nên được offer này, anh như “mở cờ trong bụng” nhưng vẫn phải xin phép ý kiến ba má. “May sao, ba má tôi nói cứ nhận làm, nhưng phải làm tốt và học cho xong. Sau đó tôi chính thức là nhân viên thực thụ của văn phòng dân biểu liên bang. Hãnh diện lắm!” Văn kể.

Trần Thái Văn tại văn phòng địa phương ở Garden Grove thời gian làm phụ tá cho Dân biểu liên bang Robert Dornan. (ảnh: Trần Thái Văn cung cấp)

Văn phòng dân biểu liên bang có thẩm quyền giám sát, liên lạc trực tiếp với các cơ quan chính phủ như Bộ Ngoại Giao, Sở Di Trú, Cơ quan An sinh Xã hội, Bộ Quốc Phòng và nhiều cơ quan khác của chính phủ liên bang, Văn cho biết, chính vì thế, trong giai đoạn 1985-1987, anh học được thêm về cách thức hoạt động của chính giới Mỹ; về đường hướng xây dựng tinh thần dân chủ, và đặc biệt giúp đỡ cộng đồng người Việt, nhất là vấn đề một thời hết sức nóng bỏng vào thời điểm đó: Thuyền nhân.

“Project Ngọc”

Nói về sự di tản của cộng đồng Việt trong 15 năm đầu tiên tại Mỹ, luật sư Trần Thái Văn nhấn mạnh ba làn sóng: Một là số người đi tị nạn vào năm 1975, khoảng 123,000 người. Hai là phong trào thuyền nhân vượt biên từ 1976 đến 1987, và ba là Chương trình ra đi có trật tự (Orderly Departure Program – ODP).

Văn nói: “Số người chết ở biển trong vô số vụ vượt biên, cho đến hôm nay, là bao nhiêu thì không ai có thể biết chính xác. Nhiều người nói ít nhất là 50%. Như vậy, nếu một triệu người vượt biên thì có 500,000 người bỏ xác dưới biển. Con số quá lớn. Lúc đó dù chưa biết đích xác bao nhiêu, Chính phủ Mỹ vẫn nhận thức được sự kiện này kinh hoàng cỡ nào, nên họ đã cùng Liên Hiệp Quốc lập ra chương trình ODP. Lúc đó Mỹ chưa bang giao chính thức với Việt Nam.”

Đầu năm 1987, khi vẫn còn học ở UC Irvine, Văn tham gia tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận có tên “Project Ngọc”. Project Ngọc được xem là tổ chức đầu tiên của sinh viên với mục tiêu duy nhất là bảo vệ quyền lợi cho thuyền nhân tại Đông Nam Á, do giáo sư Mỹ Tom Wilson lập ra, sau khi nghe được câu chuyện thương tâm của một cô bé người Việt tên Ngọc chết thê thảm trên đường vượt biên sang Thái Lan. Giáo sư Wilson lúc ấy còn là nghiên cứu sinh, cùng ngồi lại với một số bạn bè, sinh viên bàn bạc và quyết định lập ra một tổ chức để hỗ trợ người tị nạn.

Khi ấy, do Văn đã có nhiều thời gian và kinh nghiệm sinh hoạt cộng đồng, nên anh hiểu rõ tâm trạng và suy nghĩ của cộng đồng Việt, kể cả tình hình Đông Nam Á liên quan đến người tị nạn, nên mùa Hè năm 1987, anh được chọn làm chủ tịch đầu tiên của Project Ngọc. Trong thời gian giữ chức vụ này, anh để lại dấu ấn với nỗ lực nâng cao nhận thức sinh viên về cuộc khủng hoảng người tị nạn Việt Nam.

Một bản tin của Project Ngọc tại UC Irvine do sinh viên Au Nguyen Duc làm chủ bút, xuất bản Tháng Hai, 1989. (ảnh: Trần Thái Văn cung cấp)

Một hoạt động thuộc Project Ngọc mà bây giờ kể lại luật sư Văn vẫn không giấu được niềm hãnh diện. Đó là mùa Đông năm 1987, Project Ngọc gây quỹ và gửi được năm sinh viên qua trại tị nạn Hong Kong. Trần Thái Văn là một trong năm sinh viên nói trên. Lúc này, Hong Kong vẫn thuộc Anh Quốc, nên việc một nhóm sinh viên qua đó, mà lại vào trại tị nạn, là điều không dễ. Nhưng vì lúc đó Văn là phụ tá cho dân biểu liên bang nên xin được lá thơ giới thiệu cho sinh viên đến Hong Kong, với lý do đem đồ chơi tặng cho các em nhỏ vào mùa Giáng Sinh. Một trong rất những em nhỏ đó là MC Thùy Dương của Trung Tâm Asia sau này. Thùy Dương lúc đó 5 tuổi, khi được tặng trái táo Mỹ, đã để đầu giường, không dám ăn, vì sợ ăn thì hết mất.

Trở lại phái đoàn được cử sang đảo Hong Kong, dù là sinh viên nhưng tất cả đều làm việc nghiêm chỉnh và quy củ. Sau hai tuần, họ trở về, ngồi lại viết bản báo cáo vài chục trang, in ra, gửi đến các văn phòng dân biểu, thượng nghị sĩ tiểu bang, liên bang, Bộ Ngoại Giao và cả Tòa Bạch Ốc.

Tháng Ba 1988, các chính sách về vấn đề thuyền nhân bắt đầu thay đổi. Trước đó, thuyền nhân rời Việt Nam đương nhiên trở thành người tị nạn chính trị, nhưng khi Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc có quy chế mới, thuyền nhân phải chứng minh họ ra đi vì lý do chính trị chứ không phải vì kinh tế. Do vậy, họ phải trải qua thủ tục thanh lọc rất rắc rối, phức tạp, thậm chí bất công. “Sau này nhìn lại, tôi thấy những thủ tục này chỉ là cái cớ để các quốc gia từ chối. Có nhiều trường hợp bị từ chối rất vô lý,” Văn nói.

Phái đoàn gồm tám lãnh đạo người Mỹ gốc Á châu ở Hoa Kỳ đi Jerusalem, Do Thái, năm 1988, dưới sự bảo trợ của chính phủ Mỹ. Trong hình, Trần Thái Văn (thứ ba, từ phải) khi đang là phụ tá lập pháp cho Thượng Nghị Sĩ California Ed Royce. Nhạc sĩ Nam Lộc (thứ hai, từ phải) khi đang là Giám đốc Văn phòng Di trú của cơ quan USCC tại Los Angeles. (ảnh: Trần Thái Văn cung cấp)

“Sau 12 năm đối phó với hiện tượng thuyền nhân, các quốc gia Đông Nam Á và Hong Kong bắt đầu mệt mỏi, bởi sức ép chính trị lẫn kinh tế, đặc biệt khi người bản xứ chống đối quyết liệt và phản ứng rất gay gắt. Nhiều quốc gia sở tại muốn giải quyết người tỵ nạn Việt Nam càng nhanh càng tốt. Bắc Kinh muốn “tống” người tỵ nạn Việt Nam trước khi Anh Quốc trả lại Hong Kong cho Trung Quốc, nên họ cưỡng bách thuyền nhân Việt Nam về nước như tội phạm. Họ thậm chí đánh đập cả đàn bà con nít và bắn đạn giả. Có không ít người chết.” Văn kể…

Cuối năm học 1996-1997, Project Ngọc được giải thể, khi vấn đề người tị nạn Việt Nam dần lắng xuống. “Một thập kỷ cống hiến” là chủ đề buổi dạ tiệc chia tay Project Ngọc, diễn ra vào ngày 13 Tháng Tư 1997. Các cựu lãnh đạo và thành viên Project Ngọc có mặt, cả sáng lập viên Tom Wilson cũng như nhiều nhân vật trong cộng đồng người Việt. Tất cả số tiền thu được từ buổi tối hôm ấy được dùng để giúp những người tị nạn còn lại ở Hong Kong.

Ông Trần Thái Văn (phải), cùng nhạc sĩ Nam Lộc trong một cuộc phỏng vấn với Saigon Nhỏ (ảnh: Đoan Trang)

Tham gia dòng chính

Năm 2000, Trần Thái Văn trúng cử nghị viên thành phố Garden Grove. Bốn năm sau, ông đắc cử dân biểu tiểu bang, trở thành người Việt đầu tiên được bầu vào Quốc hội California, khi mới 40 tuổi. Trần Thái Văn không phải là chính trị gia dân cử gốc Việt đầu tiên ở California, vì trước đó, năm 1992, ông Tony Lâm đã được bầu là nghị viên thành phố Westminster. Vấn đề là khi đó, ông Tony Lâm đã 50 tuổi, và không qua trường lớp chính quy. Trong khi Trần Thái Văn không những tốt nghiệp khoa chính trị ở đại học mà còn có điều kiện sinh hoạt trong những tổ chức chính trị dòng chính như College RepublicansYoung Americans for Freedom trước khi tốt nghiệp.

“Cộng đồng người Việt mình khi đó ‘thấp cổ bé miệng’, không có tiếng nói gì. Đó là lý do tôi quyết tâm tham gia dòng chính,” Văn cho biết. “Tôi luôn nghĩ mình có được vị trí như thế là nhờ có nhiều người cố vấn, ủng hộ, và bảo trợ. Do vậy, tôi phải cống hiến để đáp lại. Ngoài vấn đề thuyền nhân, tôi là nhân chứng sống và đóng góp cho cuộc tranh đấu đòi dân chủ, tự do, dân quyền, kéo dài tới năm 2000, cũng như liên tục thực hiện các cuộc vận động cho tiếng nói cộng đồng về chính trị.”

Nghị viên thành phố Garden Grove Trần Thái Văn trong một cuộc họp báo tại trung tâm hội họp Cộng đồng Garden Grove vào Thứ Tư, ngày 28 Tháng Tư, 2004. (ảnh: Geraldine Wilkins/Los Angeles Times via Getty Images)

Nhìn lại bánh xe lịch sử của cộng đồng Việt tại Nam California nói chung, Little Saigon nói riêng, luật sư Trần Thái Văn đánh giá cao sự phát triển không ngừng về phương diện văn hóa, kinh tế, giáo dục, chính trị. Văn cho biết: “Nếu 30 năm trước chỉ có ông Tony Lâm làm nghị viên, thì 30 năm sau có tới mấy chục vị dân cử ở nhiều vị trí khác nhau tại Orange County này, và cộng đồng Việt sẽ còn tiến triển hơn nữa. Đó là chân lý lịch sử. Tất nhiên sẽ có nhiều thử thách hơn, nhưng sự lớn mạnh của cộng đồng Việt ở đây thì không thể phủ nhận.”

Ông Trần Thái Văn nói: “Cộng đồng Việt không phải là cộng đồng tị nạn, di dân đầu tiên hay cuối cùng trên đất Mỹ, vì sẽ còn người dân từ các quốc gia khác nữa, khi có sự bất ổn chính trị. Từ từ, theo thời gian, họ cũng gia nhập vào dòng chính. Với cộng đồng Việt, theo tôi, với những thành công đạt được suốt gần nửa thế kỷ qua, để có thể duy trì ảnh hưởng, vấn đề lớn nhất bây giờ không chỉ là dấn bước vào dòng chính mà còn duy trì được cội nguồn, là làm sao giữ được một điều quan trọng cho thế hệ hậu duệ: Đó là ngôn ngữ, và cùng với đó là niềm tự hào: Mình là người Mỹ gốc Việt.”

________

Bài viết được thực hiện từ các cuộc phỏng vấn ông Trần Thái Văn vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trong khuôn khổ chương trình NỬA THẾ KỶ LITTLE SAIGON của Saigon Nhỏ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: