Trần Thái Văn và những ký ức khó quên về người tỵ nạn

Những thuyền nhân Việt Nam trong trại cấm ở Hong Kong, hình chụp vào đầu năm mới ngày 1 Tháng Giêng, 1989 (ảnh: Peter Turnley/Corbis/VCG via Getty Images)
Share:

Những câu chuyện về người tỵ nạn thường được khơi dậy mang nhiều nỗi niềm đau thương, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng với luật sư Trần Thái Văn, có những dấu ấn khó quên mà ông là người biết tận tường vì từng trực tiếp tham gia, bây giờ nhắc lại, ông cảm thấy hài lòng với những gì đã làm.

“Hồi đó, có một câu nói giống như slogan mang đầy ý nghĩa: ‘Nếu chúng ta không lên tiếng, nói giùm cho người tỵ nạn đồng hương phía bên kia bờ Thái Bình Dương, thì ai sẽ nói thay cho họ?’”, luật sư Trần Thái Văn mở đầu câu chuyện kể về những hoạt động của các tổ chức, đảng phái và chính khách tại Little Saigon, liên quan đến việc giúp đỡ người tỵ nạn thời cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980. Khi ấy người tỵ nạn trốn chạy khỏi Việt Nam, sống vất vưởng tại các quốc gia thứ hai lên tới 250,000 người! Một con số nhức nhối.

Luật sư Trần Thái Văn, 2004 (ảnh: Ann Johansson/Corbis via Getty Images)

Screening

Hiện tượng người vượt biên từ Việt Nam diễn ra cao điểm vào các năm 1978-1979 (thời kỳ xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới Việt-Trung). Gần một triệu người vượt biên bằng đường biển.

Trước đó, từ cuối năm 1975, có khoảng hơn 12,000 người trốn chạy khỏi Việt Nam, đến Thái Lan, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, và đông nhất là Thái Lan với khoảng 5,000 người. Năm 1977, khoảng 15,000 người Việt Nam vượt biên và xin tỵ nạn tại các nước Đông Nam Á. Chỉ một năm sau, vấn đề tỵ nạn bắt đầu tăng đến mức báo động: có tới gần 62,000 thuyền nhân Việt Nam đổ đến các trại tỵ nạn.

Phản ứng ban đầu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tỵ nạn (The United Nations High Commissioner for Refugees-UNHCR) coi hiện tượng vượt biên như là hậu quả của chiến tranh, không ngờ đó là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tỵ nạn mới.

Cuối Tháng Sáu năm 1979, thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đưa ra cảnh báo, rằng họ đã quá mệt mỏi, sự mệt mỏi vượt giới hạn của mức chịu đựng, và tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ người mới đến nào. Thái Lan và Malaysia “mạnh tay” với việc đẩy thuyền của người tỵ nạn ra xa bờ biển, “sống chết mặc bay”, kết quả là có một con số rất lớn người Việt đã phải bỏ mạng trên biển.

Một gia đình thuyền nhân Việt Nam trong trại tị nạn tại Songkhla ở miền Nam Thái Lan, ngày 8 Tháng Mười năm 1981 (ảnh: Alex Bowie/Getty Images)

Luật sư Trần Thái Văn kể, vào năm 1988, Liên hiệp quốc và các quốc gia có liên quan lập ra chính sách thanh lọc thuyền nhân (screening) và cưỡng bách hồi hương. Nếu như trước Tháng Sáu năm 1988, thuyền nhân vào một quốc gia thứ hai, tự động họ được coi là tỵ nạn chính trị, nhưng sau khi có chính sách thanh lọc, khi đến được bờ biển một quốc gia nào, thuyền nhân sẽ phải làm thủ tục phỏng vấn, để chứng minh là mình bỏ nước ra đi vì bị đàn áp chính trị, kinh tế, hoặc tôn giáo – đúng với định nghĩa của luật tỵ nạn theo tiêu chuẩn chính trị.

“Trước Tháng Sáu, 1988, gánh nặng pháp lý nằm về phía chính phủ nhận thuyền nhân, sau mốc thời gian này, gánh nặng này chuyển qua người tỵ nạn,” luật sư Văn nói. “Khó lắm! Vì thật ra phỏng vấn chỉ là cái cớ để họ thanh lọc, làm bớt đi số người tỵ nạn. Đó là một trong những nguyên do trong cộng đồng người Việt có nhiều công cuộc vận động rất mạnh về vấn đề thuyền nhân.

Ai cũng biết chắc chắn mình không thể lật ngược chính sách thanh lọc, nhưng vẫn phải vận động. Thứ nhất là để bảo vệ quyền thuyền nhân, vì khi rớt thanh lọc, đâu có nghĩa họ về ngay, mà vẫn bị kẹt trong trại, nên phải vận động cho cuộc sống hàng ngày của họ không bị khổ sở, ít bị đàn áp hơn; ngoài ra mình cần giúp đỡ trong việc kháng cáo nếu ai đó cho rằng quyết định từ chối là sai lầm.”

Thuyền nhân Việt Nam trong trại cấm ở Hong Kong năm 1989 chẳng khác gì tù nhân (ảnh: Peter Turnley/Corbis/VCG via Getty Images)

Chiến dịch ráo riết vận động Quốc hội Hoa Kỳ

Vào năm 1988, cộng đồng người Việt tại Little Saigon chưa có dân cử gốc Việt, mà chỉ có các tổ chức chính trị, tổ chức tranh đấu, đảng phái hoạt động từ lâu, như Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Con Người, hay các mạng lưới nhân quyền, với quan tâm hàng đầu là chống lại đảng cộng sản Việt Nam và những chính sách gắt gao tại Việt Nam, khiến người dân phải bỏ nước ra đi. Những tổ chức này lập ra với mục tiêu như vậy, chứ không đại diện cộng đồng.

Trần Thái Văn, khi đó còn là sinh viên tại Đại học UC Irvine, đang làm Project Ngọc, đã thực hiện các cuộc vận động bằng cách cùng nhóm sinh viên, đầu tiên là liên lạc với các tổ chức trong cộng đồng Việt, rồi soạn thảo các văn kiện bằng Anh ngữ như thỉnh nguyện thư, hoặc viết thư gửi chính khách, các nhà ngoại giao. Kế đến là vận động tại Quốc hội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để theo dõi và áp lực với chính phủ địa phương như Thái Lan, Hong Kong, Malaysia, Indonesia, Philippines, để các quốc gia này nhẹ tay hơn hoặc đối xử nhân đạo hơn với người Việt đang sống trong các trại tỵ nạn.

“Vì sao phải vận động Quốc hội Hoa Kỳ? Vì Quốc hội có vai trò quan trọng, ngoài vấn đề ngoại giao, cũng như áp lực chính trị, Quốc hội còn cung cấp và viện trợ cho các quốc gia này, về hai phương diện: ngân sách và nhân sự chuyên môn qua sự tham gia và làm việc của các viên chức; và kêu gọi các quốc gia này nhận người tỵ nạn nhiều hơn,” luật sư Văn giải thích. “Trong thời gian đó, đi song song với hoạt động vận động quyền tỵ nạn, không thể nào không vận động để chống lại chính sách đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra: Tại sao có cả một làn sóng, hàng triệu người Việt vượt biên? Đó là vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam quá độc ác, nên người dân phải bỏ nước ra đi, hy sinh tất cả để đi tìm tự do.”

Trần Thái Văn (ngồi, bìa trái, đeo kính) và các sinh viên, thành viên Project Ngọc của Đại học UC Irvine, họp ở thành phố Westminster, Orange County vào mùa Xuân năm 1988, chuẩn bị cuộc vận động UNHCR về chính sách thanh lọc thuyền nhân tại Geneva, Thụy Sĩ (ảnh: Trần Thái Văn cung cấp)

Nhắc lại hoạt động này, luật sư Văn không quên những buổi liên lạc và phối hợp với tổ chức Boat People SOS ở Virginia, dưới sự điều khiển của ông Nguyễn Đình Thắng. “Vào thập niên 1990 có nhiều phái đoàn và mô thức để vận động các chính khách. Khi nói vận động, trước hết phải cho họ biết tình hình, do các nhà lập pháp Hoa Kỳ đa đoan chuyện quốc gia đại sự, chứ họ không quan tâm đến tình hình tỵ nạn bên Đông Nam Á, và vì ở đó không có cư dân Hoa Kỳ, mà cũng chẳng có ai là cử tri của họ,” luật sư Văn nói.

Thời gian đó, một trong những công tác của các phái đoàn Việt Nam, qua sự yểm trợ của Boat People SOS, là về Washington DC trong thời gian Quốc hội làm việc, gõ cửa từng văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ để vận động. Theo luật sư Văn, lúc đó, ông Christopher Henry Smith (Chris Smith) là dân biểu kỳ cựu ở New Jersey năm nào cũng ra dự luật nhân quyền cho Việt Nam. Tuy vậy dự luật chỉ được nằm trên bàn Hạ Viện, còn lên Thượng Viện thì đều bị “ngâm tôm”. Nhưng tối thiểu, qua các dự luật công khai hóa, cũng đem lên dư luận quốc tế để các chính khách có thể đặt vấn đề với Việt Nam.

“Ok, you can go!”

Tình hình thuyền nhân ở các trại tỵ nạn ngày càng cơ cực và nguy hiểm khi các quốc gia áp dụng chính sách cưỡng bách hồi hương. Ở thời điểm cao trào, cảnh sát địa phương bắt bớ người tỵ nạn, bịt mắt, xịt thuốc, trói tay rồi tống lên máy bay đưa về Việt Nam. Không chịu nổi những hành động cưỡng bách dã man như vậy, những người Việt trong trại biểu tình, mổ bụng, đốt nhà, dựng bảng “SOS”.

Khi ấy, Hạ Viện Hoa Kỳ muốn lập một phái đoàn sang thực địa trong các trại tỵ nạn ở Thái Lan và Hong Kong để điều tra tình hình tỵ nạn Việt Nam tại Đông Nam Á. Muốn là vậy nhưng các dân biểu ở Hạ Viện quá bận, không đi được, bèn gửi đi hai người là ông Paul Berkowitz, nhân viên chuyên môn (professional staff) Ủy ban ngoại giao của Hạ Viện và luật sư Joseph Rees – Giám đốc Điều hành Tiểu ban những cơ quan quốc tế và nhân quyền (International Organization and Human Rights), Ủy ban Ngoại giao của Hạ Viện. Đó là Tháng Tư, năm 1995.

Trong thời gian này, ông Nguyễn Đình Thắng làm việc với luật sư Joseph Rees và Văn phòng dân biểu Chris Smith, nên gọi cho luật sư Văn, nói: “Văn ơi, cần phải có người Việt đi theo hai ông này để giúp cố vấn và thông dịch với đồng bào tỵ nạn”. Lúc đó Văn mới mở văn phòng luật sư nhưng sẵn sàng lên đường. Vấn đề là Văn sẽ đi với tư cách gì khi không phải là nhân viên Quốc hội?

Do từng làm trong văn phòng ông Ed Royce lúc ông còn là Thượng nghị sĩ Tiểu bang California vào năm 1988, và hiện là dân biểu liên bang, thành viên Ủy Ban Ngoại giao của Hạ Viện, nên Văn gọi cho dân biểu Ed Royce, đề nghị:

“Xin ông bổ nhiệm cho tôi là nhân viên trong văn phòng Quốc Hội của ông, chỉ trong vòng một tháng thôi, vì tôi cần đi theo phái đoàn này trong việc điều tra về vấn đề tỵ nạn Việt Nam.” Ông Royce trả lời ngay: “Ok, you can go!”. Thế là Văn trở thành nhân viên Quốc hội với tư cách cố vấn phụ tá lập pháp cho ông Ed Royce để tham gia chuyến đi tham quan và điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ. Đây là sự kiện ít người biết đến nhưng là chuyến đi ảnh hưởng đến chính sách chống lại cưỡng bách hồi hương và đem những thuận lợi cho các đồng hương Việt Nam.

Trong chuyến đi đó, phái đoàn ba người đại diện Quốc hội Hoa Kỳ trong cuộc điều tra này bay qua Thái Lan và Hong Kong để họp với các viên chức cao cấp Thái Lan trong Phủ Thủ tướng, Bộ ngoại vụ và Sở Di Trú cũng như các viên chức Liên Hiệp Quốc và để thăm các trại tỵ nạn. Luật sư Văn bay từ California, hai ông Berkowitz và Rees bay từ Washington DC. Họ gặp nhau tại Bangkok.

“Tôi nhớ hoài, hôm đặt chân đến phi trường Bangkok thì bị thất lạc hành lý, 2 giờ sáng vô Hotel Grand Hyatt Erawan với bộ áo thun và quần ka-ki như bụi đời. Ngay buổi trưa, được nhân viên Đại sứ quán chở đi họp với phụ tá an ninh quốc gia của Thủ tướng Thái Lan tại Dinh Chính phủ, cũng chính bộ đồ đó, mà vẫn được các anh lính gác cổng chào rất nghiêm chỉnh,” luật sư Văn kể.

“Lần đó, chúng tôi muốn đi thăm trại Sikiew, là khu trại có đông người Việt tỵ nạn đường bộ, và cũng là nơi rất kinh hoàng, nhưng phía Thái Lan ‘đánh trống lảng’. Ông Phó cố vấn an ninh quốc gia của thủ tướng, Tiến sĩ Kachadpai, nói những phái đoàn ngoại quốc vô mấy trại này chỉ tổ đem đến cho người tỵ nạn một niềm hy vọng viển vông, ảo tưởng. Họ không ‘say no’ ngay, chỉ nói sẽ bàn lại và thông báo sau.

“Hôm sau, Tòa đại sứ Mỹ ở Bangkok gọi điện thoại, nói chính phủ Thái Lan cho biết sẽ không đi được trại Sikiew mà đề nghị chúng tôi đến tham quan tại Phanat Nikhom. Thật ra ở Phanat Nikhom là một trại chuyển vận, đa số những người ở đây được xét duyệt rồi, chỉ chờ ngày đi thôi, chứ không có vấn đề tỵ nạn gì hết. Phái đoàn chúng tôi từ chối lời đề nghị thăm Phanat Nikhom và lập lại yêu cầu về việc đi Sikiew, cùng lời cảnh báo đến các viên chức Thái Lan, là chính sách di trú của họ sẽ bị ảnh hưởng đối với Hoa Kỳ, nên phái đoàn chúng tôi không có cơ hội điều tra và phỏng vấn những người tỵ nạn trong trại này.

“Cuối cùng, Bộ Nội Vụ Thái Lan đề nghị phái đoàn thăm một trại tù di trú dành cho những người đến Thái Lan không có giấy tờ, trong đó có rất đông người Việt Nam. Đó là tù di trú Soai Suan Phlu, ngay tại trung tâm thủ đô Bangkok. Tụi tôi rất bất bình, vì thấy chính phủ Thái Lan và Tòa đại sứ không đáp ứng mục tiêu công tác điều tra của phái đoàn, thật vô dụng, làm mất thời gian của chúng tôi. Mà hôm đó, các viên chức đưa phái đoàn đi, cũng đâu vui vẻ gì, vì là cuối tuần, đúng ngày lễ té nước Songkran của Thái Lan. Trong khi vào Soai Suan Phlu thì bẩn thỉu, hôi hám, ảm đạm, tới mức cô nhân viên Bộ Nội vụ hướng dẫn phái đoàn không chịu nổi, cứ liên tục mở chai dầu thơm ra ngửi.”

Sau khi ở Bangkok, phái đoàn bay sang Hong Kong, có cuộc họp với viên chức an ninh Hong Kong, các luật sư, viên chức Liên Hiệp Quốc, và các thiện nguyện viên làm việc xã hội tại các trại cấm. Khi đó trong trại có vài chục ngàn người Việt, nhiều trẻ em còn nhỏ, hoặc mới sanh. Nhưng chính phủ địa phương muốn tống đi hết. Hong Kong khi ấy mệt mỏi vì Bắc Kinh muốn giải quyết trước khi Anh quốc trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, nên cưỡng bách người tỵ nạn về nước như những tội phạm, rất dã man, đàn bà con nít không đi là bị đánh đập, bị bắn, dù họ bắn đạn giả nhưng cũng có người chết thật.

“Ấn tượng của tôi khi tới trại tỵ nạn ở Hong Kong là rất tệ hại, khi chứng kiến những cảnh đời đau khổ, thấy thương người tỵ nạn vô cùng,” ông Văn hồi tưởng. “Cơ bản là mình muốn xem cách họ thanh lọc như thế nào, và lý do tại sao nhiều người bị rớt. Lần đó, tình cờ tôi gặp một sĩ quan, một cựu đại úy trong binh chủng Nhảy dù của Quân lực VNCH, bị rớt thanh lọc. Thật vô lý!”

Người tỵ nạn ở Hong Kong bị nhốt trong trại cấm, xung quanh là hàng rào kẽm gai và bị quản lý nghiêm ngặt. Có lần, luật sư Văn gặp linh mục Trần Công Vang (sau này là Hội trưởng Hội Việt Tộc Foundation, người được cử sang làm việc trong trại tỵ nạn ở Hong Kong) và được nghe ông kể, những đứa trẻ trong trại cấm quanh năm suốt tháng nhìn thấy vòng kẽm gai, chỉ biết con chuột cống là thú vật. Rồi có một năm chính phủ Hong Kong cho phép các em nhỏ ra phố chơi, chúng ngồi trên xe bus nhìn thấy con chó, con mèo, mà không biết đó là con gì!

Cảnh các thuyền nhân biểu tình chống cưỡng bách hồi hương tại một trại cấm ở Hong Kong năm 1990 (ảnh: Project Ngọc)

Bản báo cáo 30 trang và sự chuyển biến tích cực

Sau chuyến công tác điều tra 10 ngày trong sự bất mãn đối với Liên Hiệp Quốc và chính phủ địa phương, phái đoàn trở lại Mỹ. Trong đoàn, Văn là người trẻ tuổi nhất, được giao viết báo cáo. “Tôi làm một bản báo cáo trung thực với nhiều sự kiện và những dự báo, nhưng đầy bi quan, dài 30 trang, gửi cho Hạ Viện, Ủy ban Ngoại giao về tình hình ở trại Đông Nam Á. Đồng thời, tôi có viết bài bình luận về tình trạng thuyền nhân đăng trên báo OC Register, còn luật sư Rees cũng viết một bài về thảm trạng ở các trại tỵ nạn cho nhật báo The Wall Street Journal,” luật sư Văn kể.

Qua bản báo cáo của luật sư Văn, ông Chris Smith – người biết rõ và thân thiện với cộng đồng Việt Nam, cũng như người tỵ nạn ở Đông Nam Á, và với tư cách chủ tịch tiểu bang các cơ quan quốc tế và nhân quyền của Hạ Viện, đã tổ chức một buổi điều trần, và kêu gọi chính phủ phải hành động. Trong buổi điều trần còn có sự tham dự của luật sư Pam Baker bay từ Hong Kong qua.

Pam Baker là luật sư về đấu tranh cho quyền của người Việt tỵ nạn ở Hong Kong, nổi danh với tinh thần làm việc khẳng khái, kiên trì, cùng câu nói: “We judge how civilized a society may be not by looking at how it treats the wanted but rather the unwanted.” (Chúng ta đánh giá sự văn minh của một xã hội không phải bằng cách nhìn xem những người được trọng vọng được đối xử ra sao, mà phải xem những người bị ruồng bỏ bị đối xử như thế nào.)

Nói về luật sư Pam Baker, Văn cho biết: “Bà là luật sư giỏi, như một anh thư của người tỵ nạn, chẳng chịu thua ai, nhất là trong giới di trú. Năm 1995, nhân dịp được mời đến Washington  DC dự điều trần trước Quốc hội, bà tạt qua Cali, ghé ở lại nhà tôi ba ngày để họp với các anh em luật sư trẻ tại Quận Cam và bàn thảo kế hoạch thuyết trình, trước khi bay tới thủ đô.”

Sau điều trần, ông Chris Smith yêu cầu cắt khoản viện trợ $30 triệu trong ngân sách ngoại viện trong hai năm 1996-1997 cho UNHCR, vì cơ quan quốc tế này đã không giúp đỡ thuyền nhân, lại còn khuyến khích chính sách thúc đẩy cưỡng bách hồi hương – một hành động vô nhân đạo. Quyết định này của ông Smith dẫn đến sự điều đình giữa ông, cùng một số viên chức trong Quốc hội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, UNHCR, Boat People SOS và giáo sư Lê Xuân Khoa, Chủ tịch Trung tâm hành động cho người tỵ nạn Đông Dương (Indochina Refugee Action Center, IRAC) – người hoạt động rất quyết liệt để bảo vệ và cứu người tỵ nạn thời điểm đó.

Kết quả là chương trình “The Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees (ROVR)” được lập ra. Nhờ ROVR mà sau này có nhiều người Việt được định cư ở Mỹ hay các quốc gia khác, và đóng được cửa các trại tỵ nạn. “Chương trình ROVR rất hay, đó là thắng lợi cuối cùng, chấm dứt cảnh người tỵ nạn bị cưỡng bách hồi hương hoặc bị đàn áp. Tôi rất thỏa mãn, vì nhờ thế mà cứu được biết bao nhiêu người,” luật sư Văn nói.

Luật sư Pam Baker (giữa, ngồi) tại nhà Trần Thái Văn (bìa phải, đứng), trong lần bay từ Hong Kong qua để điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về tình trạng thuyền nhân ở Hong Kong. Trong hình có luật sư Nguyễn Quốc Lân (bìa trái, đứng) và bé trai Ngô Văn Hà (bìa phải, ngồi) ở trại Hong Kong – người tố giác tình trạng bất công của các viên chức tỵ nạn Hong Kong (ảnh: Trần Thái Văn cung cấp)

*****

Trước khi kết thúc câu chuyện, luật sư Văn còn kể thêm về một nơi không áp dụng cưỡng bách hồi hương, đó là Philippines, một quốc gia Công giáo. “Phải nói giáo hội Công giáo bên Philippines rất mạnh và có tầm ảnh hưởng tới các chính khách, chính trị gia,” luật sư Văn kể. “Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines, Giám Mục Ramon Arguelles, có qua Quận Cam, tôi gặp và đưa ông tham quan cộng đồng Việt, nhờ ông nói chuyện với chính phủ Philippines để bỏ chính sách cưỡng bách hồi hương.”

Song song với việc bỏ chính sách cưỡng bách hồi hương, tại Philippines, các soeur Dòng Nữ Tử Bác Ái lập ra một nơi để người Việt ở lại sinh sống, đặt tên là Làng Việt Nam, nằm gần phi trường Palawan, với khoảng 1,600 người Việt. Đó cũng là cách làm nhẹ đi gánh nặng kinh tế, xã hội cho chính phủ Philippines.

Theo UNHCR, các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á dần đóng cửa: trại Galang ở Indonesia đóng cửa năm 1996; trại tỵ nạn ở Thái Lan đóng cửa năm 1997; Philippines năm 1997, Hong Kong năm 2000. Năm 2001, UNHCR chính thức dẹp bỏ trại tỵ nạn cuối cùng đặt tại Malaysia, chấm dứt 21 năm cơ quan quốc tế này tham gia vào vấn đề thuyền nhân Việt Nam.

________

Bài viết được thực hiện từ các cuộc phỏng vấn ông Trần Thái Văn vào Tháng Tư 2023, trong khuôn khổ chương trình NỬA THẾ KỶ LITTLE SAIGON của Saigon Nhỏ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: