Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ được dựng như thế nào?

Share:
Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ, trong công viên Sid Goldstein Freedom Park của thành phố Westminster. (ảnh: Đoan Trang)

Cách nay đúng 20 năm, Tháng Tư năm 2003, nhiều người Việt sống tại Little Saigon đã khóc vì xúc động khi nhìn thấy tượng hai người lính Việt Nam và Hoa Kỳ, đứng sát vai, trông dũng mãnh và kiên cường, trong công viên Sid Goldstein Freedom Park của thành phố Westminster, Orange County, Nam California. Đó là Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ.

Toàn cảnh khu Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: Paul Bersebach/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)

Ý tưởng bức tượng đến từ đâu?

Nhắc lại sự kiện trên, nhiều người còn nhớ rằng, không hề đơn giản để có thể thực hiện được một công trình nhằm vinh danh những anh hùng trong quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng tự do. Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ giữa lòng Little Saigon, theo lời thị trưởng Thành phố Westminster Frank Fry lúc bấy giờ, là “nơi duy nhất trên thế giới mà các chiến sĩ Hoa Kỳ và Việt Nam đứng sát vai nhau, hy sinh cùng nhau trong cuộc chiến.”

Không đơn giản. Vì quá trình thực hiện kể từ lúc bắt tay thực hiện cho đến khi công trình hoàn tất phải mất bốn năm, với biết bao công sức và tiền bạc, trong đó phần đóng góp tài chính chủ yếu từ cộng đồng người Việt ở Nam California.

Khi thành phố Westminster mở cuộc thi về biểu tượng của tượng đài, một trong những thí sinh tham gia là điêu khắc gia Tuấn Nguyễn – người tị nạn bằng đường bộ từ Việt Nam sang Thái Lan vào năm 1988, sang Mỹ năm 1989, nhưng chỉ vài năm sau khi tốt nghiệp đại học, đã trở thành điêu khắc gia nổi tiếng, nhận được nhiều giải thưởng. Sáng tác của Tuấn Nguyễn cuối cùng đã được chọn.

Điêu khắc gia Tuấn Nguyễn (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)

Ủy ban Xây dựng Tượng đài của Thành phố Westminster được thành lập năm 1998, gồm ông Frank Fry – khi đó là nghị viên thành phố; luật sư Nguyễn Văn Giỏi; ông Hồ Ngọc Minh Đức, ông Craig H. Mandeville, điêu khắc gia Tuấn Nguyễn, kiến trúc sư Nguyễn Cửu Lâm, ông Don Manh Tran, bà Kathryn Tran và Erin Prangley. Mục tiêu mà Ủy ban đề ra là tìm được nguồn ngân sách khoảng $500,000 cho giai đoạn đầu, và giai đoạn kế tiếp là $400,000.

Công nhân lắp đặt bức tượng cao 15 feet lên bệ. Hình chụp ngày 23 Tháng Chín năm 2002 (ảnh: Irfan Khan/Los Angeles Times via Getty Images)

Những tranh cãi quyết liệt

Dự án hoạt động trôi chảy ở giai đoạn đầu. Sau khi bài dự thi của điêu khắc gia Tuấn Nguyễn được chọn, anh bắt tay vào thực hiện, từ năm 1998 cho đến năm 2002 thì hoàn tất. Đó là bức tượng đồng hai người lính nặng ba tấn, cao khoảng 15 feet. Người lính Mỹ trong tư thế buông súng, nghỉ ngơi, coi như cuộc chiến đã kết thúc; còn người lính Việt Nam vẫn vai mang súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Khi số tiền gây quỹ lên được hơn $400,000 thì xảy ra tranh cãi. Nhạc sĩ Nam Lộc kể: “Chẳng ai ngờ dự án đang ‘chạy’ lại bị bế tắc. Khi đó, nội bộ bên trong lục đục, còn bên ngoài cộng đồng cũng có nhiều ý kiến chống đối. Khi số tiền gây quỹ được $450,000 thì chương trình không nhúc nhích gì được nữa.”

Chuyện gây tranh cãi cũng được đưa lên mặt báo lúc bấy giờ. Tờ Los Angeles Times đăng ngày 21 Tháng Chín 2002 đã dẫn lời nghị viên Frank Fry khi đề cập đến Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ mà ông gọi là “một biểu tượng của sự chữa lành” (a symbol of healing) nhưng lại gây tranh luận với đủ ý kiến, chẳng hạn có người nói đài tưởng niệm chiến tranh mô tả hai người lính, một người Việt và một người Mỹ, nhưng trông buồn thảm, đứng cạnh nhưng không bắt tay nhau.

Cũng có ý kiến nhắc đến chi tiết rằng thiết kế ban đầu chỉ có một lá cờ Hoa Kỳ. Bài báo cũng nhắc đến việc các quan chức thành phố và cư dân không đồng ý về vị trí của đài tưởng niệm, trong khi ngày càng có nhiều người phản đối vì lúc ấy vật giá leo thang, khiến các nhà hảo tâm và cộng đồng phải đóng góp nhiều tiền hơn.

Một phụ nữ khóc khi dự lễ khánh thành Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ ngày 27 Tháng Tư 2003 (ảnh: Geraldine Wilkins/Los Angeles Times via Getty Images)

Chiến dịch gây quỹ

Khi đó dù cộng đồng người Việt chưa nhiều đài truyền hình hay đài phát thanh như bây giờ nhưng đài phát thanh của ông Vạn Võ và cô xướng ngôn viên Hoàng Khuyên tỏ ra rất quan tâm. Gần như mỗi đêm mọi người đều mở nghe đài này để xem “bên chống” gọi vào nói gì. Sợ càng để lâu, vật giá càng tăng thì không biết đến chừng nào mới tượng đài mới có thể hoàn thành, một số người tìm đến nhạc sĩ Nam Lộc. “Họ tìm tôi vì biết tôi từng tổ chức thành công các đại nhạc hội gây quỹ ủng hộ cây Mùa Xuân chiến sĩ và cô nhi quả phụ,” nhạc sĩ Nam Lộc cho biết.

Nhạc sĩ Nam Lộc kể thêm:

“Đến năm 2000, trong hơn 400 tượng đài tưởng niệm trên toàn nước Mỹ và các quốc gia khác được dựng lên mà họ gọi là ‘Vietnam War Memorial,’ tất cả đều không có một hình ảnh nào của chiến sĩ Quân lực VNCH. Trong khi đó, có tới hơn 300,000 chiến sĩ VNCH cùng với hơn 50,000 quân nhân Hoa Kỳ và đồng minh tử trận. Họ xứng đáng được vinh danh và nhớ ơn. Tôi cũng là quân nhân VNCH. Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm. Đồng bào đến được bến bờ tự do thì phải nhớ đến những người đã hy sinh, phải nhớ họ và tưởng niệm họ; và để như vậy thì phải mang linh hồn họ sang đây. Mà muốn có linh hồn thì phải có tượng đài…”

Để gây quỹ, một trong những cách khả dĩ là tổ chức chương trình đại nhạc hội, vốn là sở trường của ông Nam Lộc. Nhạc sĩ Nam Lộc cho biết thêm, ông không làm một mình mà may mắn lúc đó Tổng Hội Sinh Viên (THSV) Nam California, vốn thành công với các Hội Chợ Tết, đã cùng chung tay. THSV lo về tổ chức, dựng sân khấu, bán vé, giữ tiền. Nhạc sĩ Nam Lộc chịu trách nhiệm liên lạc nghệ sĩ để mời gọi, thuyết phục, vì tất cả đều làm thiện nguyện, không có “cát-xê”.

Bức tượng bằng đồng hai người lính Hoa Kỳ và Việt Nam, do điêu khắc gia Tuấn Nguyễn tặng nhạc sĩ Nam Lộc (ảnh: Đoan Trang)

Vào Chủ Nhật, ngày 21 Tháng Năm 2000, Đại nhạc hội mang tên “Tạ ơn chiến sĩ tự do” lần đầu quy tụ khoảng 150 anh chị em nghệ sĩ, biểu diễn tại bãi đất trống trên đường Westminster, phía bên phải của tượng đài hiện tại. Trong tờ poster có tên các ca sĩ Ý Lan, Lưu Bích, Linda Trang Đài, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Thái Thảo, Tùng Giang, Anh Tú, Thúy Anh, Mai Lệ Huyền, Phi Nhung,… MC có ông Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Nam Lộc, Việt Thảo,…

Suốt từ 2 giờ trưa đến 9 giờ tối hôm đó, bà con đến xem chật kín, không đủ ghế nên nhiều người thậm chí ngồi bệt dưới đất. Đại nhạc hội mở cửa tự do, ban tổ chức chỉ chuẩn bị các thùng quyên góp. Số tiền thu được hôm đó vượt quá $100,000 mà ban tổ chức đặt ra.

(ảnh: Đoan Trang)

Tuy nhiên, chưa hết chuyện. “Mọi người hy vọng chỉ một năm sau là xây dựng được tượng đài nhưng khi có tiền rồi lại xảy ra tranh cãi tiếp, mà lần này nặng nề hơn nữa,” nhạc sĩ Nam Lộc kể. “Họ nói vì sao bức tượng hai người lính không bắt tay nhau, mà chỉ đứng cạnh nhau? Cùng lúc đó, chính quyền cộng sản Việt Nam trong nước lại gây áp lực với Mỹ, khiến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải gửi văn thư xuống tiểu bang California; phần mình, chính quyền tiểu bang gây áp lực lại với thành phố, yêu cầu Westminster hủy dự án. Những khó khăn như vậy làm cho chương trình một lần nữa bước vào tình trạng bế tắc.”

Đóng góp bất vụ lợi của giới nghệ sĩ

Bế tắc suốt hai năm trời, qua tới năm 2002, Ủy ban Xây dựng Tượng đài quyết định mời nghệ sĩ Nam Lộc làm thành viên, tham gia ủy ban. Ông Nam Lộc từ chối và chỉ đồng ý yểm trợ bằng cách tổ chức một kỳ đại nhạc hội nữa. Ông không muốn chỉ vì thiếu một khoản chi phí nữa mà có thể làm phá hỏng dự án.

“Thật sự lúc đó tôi không nghĩ có thể làm được một đại nhạc hội lần thứ hai tốt như lần đầu. Do vậy, tôi đặt ra hai điều kiện cho ủy ban và thành phố,” nhạc sĩ Nam Lộc kể. “Thứ nhất: nếu tổ chức được đại nhạc hội, dự án phải thực hiện trong vòng sáu tháng kể từ khi thu đủ ngân khoản. Thứ hai: ủy ban và thành phố phải áp lực nhà thầu, ký thỏa thuận hẳn hoi, để công trình phải được hoàn tất trước Tháng Tư năm 2003. Nghe xong, họ ok hết, nên tôi lại phải xắn tay áo vào cuộc, dù ngại lắm, vì nghệ sĩ hát đâu có tiền, họ còn phải bỏ show nếu nhận lời.”

Để thuyết phục các nghệ sĩ tham gia, ông Nam Lộc cậy đến Khánh Ly, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Ý Lan, Lưu Bích, Thanh Trúc, nhờ họ cùng ông “lôi kéo” các ca sĩ khác.

Cuối cùng, Đại nhạc hội “Tạ ơn chiến sĩ tự do” kỳ II cũng khai mạc, diễn ra từ 1 giờ trưa đến 8 giờ tối Chủ Nhật 24 Tháng Mười Một 2002, trong một thời điểm rất có ý nghĩa vì đúng vào tuần Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Nếu lần thứ nhất chỉ có Tổng hội Sinh viên Nam California chung tay làm việc thì lần này có nhiều cơ quan đoàn thể tham gia như Radio Sống trên đất Mỹ, Hội Đồng Liên Tôn, Hội Cựu Chiến sĩ VNCH, Gia đình Phật Tử Miền Quảng Đức, Giới trẻ Công giáo, Đại Đạo Thanh niên Hội Cao Đài, Thanh niên Đoàn Phật giáo Hòa Hảo, Thanh Niên Tin lành, Hội Y sĩ Việt Nam-Nam California,… cùng hơn 200 ca-nhạc sĩ tình nguyện biểu diễn không công.

Mục tiêu đặt ra lần này là thu $175,000 để đủ tiền hoàn tất dự án. Đại nhạc hội thành công ngoài sức tưởng tượng. Bà con đồng hương lũ lượt rủ nhau xem rất đông, và bỏ vào thùng quyên góp tới hơn $260,000. Kết quả, Tượng đài Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại thành phố Westminster được khánh thành vào ngày 27 Tháng Tư 2003, đúng như yêu cầu của nhạc sĩ Nam Lộc đưa ra trước khi tổ chức Đại nhạc hội “Tạ ơn chiến sĩ tự do” Kỳ II.

Một người Việt thắp hương tại Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: David McNew/Getty Images)

Cuối cùng, ngày Chủ nhật 27 Tháng Tư 2003, lễ khánh thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ được tổ chức, với sự tham dự của hai vị tướng quân lực Hoa Kỳ và VNCH là Walter Ulmer và Lâm Quang Thi cùng bà chánh án Eilen Moor và chánh án Nguyễn Trọng Nho. Theo lời kể của ông Nam Lộc, buổi lễ được tổ chức trang trọng. Lúc 11 giờ, ba trực thăng Chinook bắt đầu bay biểu diễn qua khán đài, trong khi hai chiếc Cessna kéo hai lá cờ Mỹ-Việt bay trên bầu trời Little Saigon. Sau đó là cuộc rước quốc kỳ của các nước đồng minh từng tham chiến tại Việt Nam (Canada, Úc, New Zealand, Philippines, Đại Hàn, và Thái Lan).

Nhiều nhân vật trọng yếu được mời lên đọc diễn văn, trong đó có bà thị trưởng Westminster, Margie Rice; ông Frank Fry, chánh án Nguyễn Trọng Nho, nữ chánh án Eilen C. Moor, Tướng Lâm Quang Thi của VNCH và Tướng Walter Ulmer của quân đội Hoa Kỳ… Lễ thượng kỳ bắt đầu với sự giới thiệu của hai MC Nam Lộc và Leyna Nguyễn và cuối cùng là lễ mở khăn trùm hai tượng Chiến Sĩ Việt Mỹ…

Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, được dựng tại số 14180 đường All American Way, Westminster, CA 92684, trong công viên Sid Goldstein Freedom Park, rộng 1.4 acre (gần 61,000 sqft), được bao quanh bởi một đài phun nước bằng đá cẩm thạch đen và những lá cờ Hoa Kỳ và cờ VNCH. Dưới lá cờ Hoa Kỳ là lá cờ đen tượng trưng cho những quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Chiếc lư hương lớn có lửa cháy suốt ngày đêm, như một ngọn đuốc, được đặt chính giữa công viên của tượng đài, trên một hồ nước nhỏ. Ngọn lửa này không bao giờ tắt, vì được thiết kế công tắc mồi tự động, nên dù giông bão, mưa to gió lớn, mồi lửa tự động cũng sẽ thắp sáng trở lại.

Đài tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa trong khu Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: Paul Bersebach/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)
Đài tưởng niệm những anh hùng vị quốc vong thân trong khu Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: Paul Bersebach/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)

Trong khu Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ sau này còn có Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa (khánh thành ngày 19 Tháng Giêng 2020); và Đài Tưởng Niệm Anh Hùng được dựng lên để tưởng nhớ những anh hùng vị quốc vong thân (Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung Tá Nguyễn Văn Long).

Không chỉ thân nhân các tử sĩ mà nhiều người từ phương xa, mỗi lần ghé Little Saigon, đều đến Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ để thăm viếng, đặt cành hoa, đốt điếu thuốc và thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã khuất…

__________

Bài viết được thc hin t các cuc phng vn nhc sĩ Nam Lc đu năm 2023, trong khuôn kh chương trình NA TH K LITTLE SAIGON ca Saigon Nh.

_________________________

NHỮNG BỨC ẢNH LỊCH SỬ

Nghị viên Frank Fry (giữa), Chủ tịch Ủy ban Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ, trong lễ động thổ công trình Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)
Chương trình đại nhạc hội quyên góp xây dựng Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)
Ca sĩ Ý Lan trong một chương trình đại nhạc hội quyên góp xây dựng Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)
Việt Dzũng và Phi Nhung trong một chương trình đại nhạc hội quyên góp xây dựng Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)
Ca sĩ Nhật Trường trong một chương trình đại nhạc hội quyên góp xây dựng Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)
Nhạc sĩ Nam Lộc trước 25,000 khán giả tại đại nhạc hội quyên góp xây dựng Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ lần hai (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)
Danh sách các nghệ sĩ tham gia chương trình đại nhạc hội quyên góp xây dựng Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)

Quyên góp xây dựng Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)

Nam Lộc và Ý Lan trao tiền cho Ủy ban xây dựng tượng đài (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)
Sự kiện đại nhạc hội quyên góp xây dựng Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ được tường thuật trên báo Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)
Chi tiết buổi lễ khánh thành Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)

Nam Lộc và Leyna Nguyen điều phối chương trình lễ khánh thành Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)
Tướng Walter Ulmer và Tướng Lâm Quang Thi trong lễ khánh thành Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)
Hàng ngàn người đã đến dự chương trình lễ khánh thành Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ (ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)

(ảnh: nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: