Rồi đây còn biết “ai tri âm đó mặn mà với ai”…

Từ một bàn viết lữ thứ, căn phòng nhỏ ở phố Bolsa, văn-chương hải-ngoại đã được tạo dựng như thế…

Minh họa: laura-rivera-unsplash
Share:

“Chữ nghĩa đã hàm oan / Tâm kiệt cùng mực cạn / Ẩn mật chút men trong / Cất lòng sầu vô hạn… Có chiều thương bút mực / Bàn viết như mồ hoang / Yên nằm hồn lệ quỉ / Chờ ý xuống hộ tang… Quỉ ơi đời giấy trắng / Chờ ngươi đã nhiều năm / Có nghe nghìn xác sóng / Tìm nhau ngoài hư không?”

(Chuyện vãn cùng sách cũ – Viên Linh)

Trong một bài phỏng vấn khi được hỏi thế nào là “văn-chương hải-ngoại”, một nền văn chương sau 1975 mang nhiều khổ nạn và hệ lụy, nhà văn/ dịch giả Đào Trung Đạo nói: “Để đánh dấu các mốc đó có lẽ chúng ta có thể căn cứ vào sự xuất hiện của các tạp chí văn chương (báo giấy), những trang mạng văn chương sau khi các tạp chí văn chương đình bản và những diện mạo văn chương mới. Về tạp chí văn chương (ở Mỹ, không kể ở Âu châu) có hai tờ VĂN và VĂN HỌC qui tụ nhiều người viết nhất. Tờ VĂN do Mai Thảo “dựng bảng” lại – nhưng cương quyết từ chối danh xưng chủ nhiệm hay chủ biên – còn tờ VĂN HỌC do Nguyễn Mộng Giác đảm nhiệm”.

Từ một bàn viết lữ thứ, từ “một căn phòng 209 rất nhỏ trên lầu 2 của một chung cư dành cho người cao niên ngay phía sau hẻm nhà hàng Song Long”, phố Bolsa, Mai Thảo – một trong những tác giả tiên phong xiển dương và dựng nên một nền văn chương “nhà Việt Nam xây bên ngoài Việt Nam” như thế, với những trang bìa chỉ tuyền là tên các tác giả… nằm im lìm mà nghe như rưng rức một cảm hoài khó tả, từ 1982 cho đến 1996 trước khi chuyển sang bộ mới do Nguyễn Xuân Hoàng phụ trách – liên tục và đều đặn hàng tháng trong 14 năm ở một nơi viễn xứ, một chủ biên/ chủ bút/ chủ nhiệm “one-man-show” “ôm ấp chi một định mệnh buồn” như thế, khi chỉ có mình ông lo phần bài vở, tuyển chọn và giới thiệu những người viết mới, lo cả phần in ấn và phát hành, viết tay từng tên độc giả trên từng bì thư gửi đi hàng tháng…

Tuyển tập Văn (ảnh chụp từ bộ sưu tập cá nhân của Nguyễn Trường Trung Huy)

Như từ kiếp trước, khi xem lại những trang Văn với độc nhất vô nhị mục “Sổ Tay” được bạn đọc văn yêu thích nhất, thấy lòng bồi hồi khó tả. Thường được gọi là “Sổ Tay Mai Thảo”. Đều đặn một năm 12 tháng, tháng nào ông cũng gửi đến độc giả thân mến của Văn một bài Sổ Tay. Với một giọng văn bay bướm ngắt câu lãng mạn kiểu Mai Thảo, mục Sổ Tay điểm mặt những bạn bè và những sinh hoạt văn chương văn nghệ xảy ra quanh thời đại ông.

Qua trang Sổ Tay, người đọc khó tính của Văn tìm thấy ở chủ bút Mai Thảo một trình độ quốc tế, đọc được ngoại ngữ, tiêu hóa kiến thức thế giới, tương đối ít vọng ngoại thờ ngoại quá độ, như độc giả khó tính vẫn thường thấy ở nhiều nhà trí thức dù sống nơi đâu nhưng vẫn còn mang tâm thức các xứ nhược tiểu.

Minh họa: asal-lotfi-unsplash

“Mỗi kỳ một chân dung nghệ sĩ” nhìn bởi Mai Thảo như một chuyến tàu viễn hành ngược thời gian thuật lại những câu chuyện văn nghệ trước 1975 qua những kỷ niệm riêng tư để bắc cầu qua những câu chuyện mới hơn của những văn nghệ sĩ và bầu khí quyển văn nghệ những ngày đầu đến Mỹ.

Và qua đó, “chân dung” không chỉ là cuốn album vẽ văn nghệ sĩ bằng ngòi bút rất Mai Thảo mà đó còn là một trang biên niên sử về chính cảnh tình của những di dân tị nạn thời điểm bấy giờ, những di cảo (xuất hiện duy nhất trên những số bài này và hầu như không in lại hay xuất hiện lại lần nào nữa) của những tên tuổi lẫy lừng của văn chương miền Nam mà nay nhìn lại danh sách hầu như phần lớn đã “nghìn trùng xa cách”:

Phạm Duy, Phạm Công Thiện, Thanh Tâm Tuyền, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nghiêm Xuân Hồng, Nhật Tiến, Nguyên Sa, Du Tử Lê… Khi nhìn những dòng chữ từ tên tác giả cho đến hồn cốt của những tác phẩm tưởng mất mà vẫn còn nơi những trang giấy nhuốm màu quá vãng, thật sự độc giả chắc cũng như người viết sẽ thấy mình đang đối thoại cùng quá khứ, đối thoại cùng những phần hồn “tương tư rót tràn trên giấy”.

Nếu một ngày xa phố Bolsa
Lấy ai ngồi nhắc chuyện quê nhà
Chắt chiu từng nỗi dường như vẫn
Tưởng dửng dưng mà rất thiết tha.

(Phùng Quân)

Một khoảng thời gian chưa đủ xa, nhưng ngày nay cũng đã không còn ai “chắt chiu nỗi dường như vẫn” vì dường như thế hệ ấy đã hao hụt (khá) nhiều và thế hệ tiếp nối đã như xóa ký ức, không dấu vết, những thùng sách lặng lẽ nằm trong garage, những thùng sách lặng lẽ rời khỏi nhà đến các bãi rác… Đó là một thực trạng có thật và đau lòng…

Tôi muốn níu giữ một chút những ấn phẩm này, không chỉ là “hình ảnh” của một thời đoạn văn hóa nghệ thuật rất sôi động, rất… “chúng ta đi mang theo quê hương”, mà đó còn là những mảnh lịch sử đang trôi dạt vô định mà những con robot A.I còn chưa thu gom, lưu trữ và học được.

Ôi, rồi đây còn biết “ai tri âm đó mặn mà với ai”…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: