Chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, nói dễ làm khó!

HIẾU CHÂN

Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang “tăng tốc” một kế hoạch đưa các dây chuyền sản xuất công nghiệp ra khỏi Trung Quốc, cân nhắc những mức thuế mới để trừng phạt Bắc Kinh vì cách xử lý đại dịch coronavirus, theo các quan chức quen thuộc với việc lập kế hoạch của Mỹ, hãng tin Reuters đưa tin ngày 03-05.

Điểm yếu sinh tử

Ông Trump từ lâu đã cam kết đưa các nhà máy công nghiệp từ nước ngoài về lại Mỹ, tạo công ăn việc làm cho người lao động Mỹ, nhưng trong ba năm cầm quyền ông chưa làm được bao nhiêu trong vấn đề này, bởi vì dịch chuyển dây chuyền cung cấp là việc hết sức phức tạp, nói dễ nhưng làm rất khó.

Đại dịch Covid-19 làm lộ ra điểm yếu chết người của nước Mỹ là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp hàng hóa từ Trung Quốc – từ những mặt hàng đơn giản như khẩu trang, cho đến những thứ cao cấp hơn như dược phẩm – buộc chính phủ Mỹ phải tính lại chính sách thương mại. Nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ, cả đương nhiệm lẫn đã nghỉ hưu – đều nói tới một sự nôn nóng muốn đưa hoạt động sản xuất và dây chuyền cung ứng ra khỏi Trung Quốc, có thể chuyển về Mỹ hoặc sang các quốc gia thân thiện hơn.

Keith Krach, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi đã làm việc [về vấn đề này] trong vài năm qua, nhưng bây giờ chúng tôi đang tăng tốc kế hoạch đó. Tôi nghĩ, điều cấp thiết là phải hiểu biết, đâu là các lĩnh vực cốt yếu, ở đâu xảy ra tình trạng tắc nghẽn”. Krach cho biết thêm rằng đây là vấn đề cốt tử cho an ninh của nước Mỹ và chính phủ sẽ sớm công bố kế hoạch hành động.

Nhưng do Mỹ là quốc gia tự do, chính phủ không có quyền buộc doanh nghiệp phải làm theo ý mình như Trung Quốc, cho nên chắc chắn Washington chỉ có thể sử dụng công cụ thuế và/hoặc trợ cấp để vận động doanh nghiệp.

“Đây là thời điểm hoàn hảo, đại dịch đã kết tinh lại tất cả các mối lo âu mà mọi người từng nói về việc làm ăn với Trung Quốc. Những đồng tiền mà trước đây người ta nghĩ họ kiếm được từ quan hệ với Trung Quốc bây giờ tỏ ra chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại kinh tế” vì đại dịch, một quan chức nhận định.

Từ “tối huệ quốc” trở thành đối thủ cạnh tranh

Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ về sản lượng hàng hóa xuất cảng. (Photo by STR/AFP via Getty Images)

Nhìn lại lịch sử, sau vài thập niên phát triển vượt bậc, kể từ khi Tổng thống Bill Clinton cấp cho Trung Quốc quy chế “tối huệ quốc” (most-favored nation, MFN), hàng hóa Trung Quốc được ưu đãi về thuế quan khi nhập cảng vào Hoa Kỳ đầu thập niên 1990 và Tổng thống George W. Bush mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2001, tới năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất nhiều hàng hóa nhất thế giới, vượt qua Hoa Kỳ, chiếm 28% sản lượng hàng hóa toàn cầu, theo số liệu của Liên hiệp quốc.

Thành tích đó có phần đóng góp lớn của Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ lần lượt nối nhau chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc, làm ra hàng hóa rồi đưa về Mỹ tiêu thụ, tận dụng nguồn lao động giá rẻ, luật lệ về bảo vệ môi trường lỏng lẻo của Trung Quốc để tối đa hóa lợi nhuận. Sau này khi Trung Quốc đã giàu lên, hình thành một tầng lớn trung lưu đông đảo thì nước này lại trở thành thị trường khổng lồ đem lại phần lớn lợi nhuận cho các công ty Mỹ. Đã diễn ra một nghịch lý lớn: công ty Mỹ thì giàu lên nhờ lao động và thị trường Trung Quốc, người Trung Quốc cũng giàu lên nhờ kinh tế phát triển trong khi người dân Mỹ thì nghèo dần vì mất công ăn việc làm, vị thế của Mỹ trên trường quốc tế cũng suy yếu dần theo tỷ trọng của hàng hóa Mỹ trong nền kinh tế thế giới.

Nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung ứng, nói cụ thể là rút cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đã được bàn luận rất nhiều trong vòng mười năm trở lại đây, nhất là khi giá lao động ở Trung Quốc không còn rẻ và chính phủ Bắc Kinh ban hành nhiều quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Nhu cầu đó không chỉ có ở các doanh nghiệp Mỹ mà có ở doanh nghiệp ngoài Trung Quốc nói chung, dù đó là công ty châu Âu, Nhật Bản hay Nam Hàn. Có thời người ta bàn nhiều tới công thức “Trung Quốc + 1”: vẫn duy trì sản xuất ở Trung Quốc để khai thác thị trường 1,4 tỷ dân này, nhưng đồng thời phát triển cơ sở ở một nước khác ngoài Trung Quốc để phòng tránh rủi ro.

Việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trở nên cấp bách khi Tổng thống Trump phát động cuộc thương chiến với Trung Quốc cuối năm 2018, cùng với cuộc vận động “Buy American” (Mua hàng Mỹ) từ tháng 7-2019. Đại dịch Covid-19 đầu năm nay đã làm nổi bật vai trò chủ chốt của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và phơi bày nguy cơ của Hoa Kỳ. Chính sách của Bắc Kinh hạn chế xuất cảng thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, nhiệt kế không tiếp xúc và nguyên liệu bào chế thuốc càng làm cho Washington thêm quyết tâm thúc đẩy một sự giải kết (decoupling) ra khỏi kinh tế Trung Quốc.

Giải pháp thay thế: Mạng Thịnh vượng Kinh tế

Ông Trump đã nói đi nói lại nhiều lần rằng ông có thể đặt thêm mức thuế mới lên mức thuế nhập cảng 25% đang áp dụng trên hàng hóa Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD. Các công ty Mỹ – phải đóng khoản thuế ấy chứ không phải người Trung Quốc – đang than van vì thuế cao, mà hàng hóa lại bán chậm. Nhưng biện pháp tăng thuế nhập cảng tạo ra một hiệu ứng mà Bắc Kinh rất không thích: các công ty tìm cách chuyển cơ sở sản xuất tới nước khác để tránh thuế bán hàng vào Mỹ. Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, hoặc đội lốt xuất xứ hàng hóa từ Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp đa quốc gia đang bắt đầu rời Trung Quốc, chuyển sang các nước khác. Ảnh Fox News

Một giải pháp thay thế Trung Quốc mà các quan chức chính phủ đang bàn là lập ra một liên minh “các đối tác tin cậy”, có tên là “Mạng Thịnh vượng Kinh tế” (Economic Prosperity Network), một quan chức cho biết. Mạng này sẽ bao gồm các công ty, các nhóm xã hội dân sự hoạt động theo cùng tiêu chuẩn trong tất cả mọi lĩnh vực sản xuất- dịch vụ, từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng và hạ tầng cho tới nghiên cứu, thương mại và giáo dục. Chính phủ Mỹ đang thảo luận với Úc, Ấn Độ, Tân Tây Lan, Nam Hàn và Việt Nam để “đưa nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước,” Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo nói hôm 29-04. Những cuộc thảo luận này bao gồm cả “cách thức chúng ta tái cơ cấu… các dây chuyền cung ứng để tránh chuyện như hôm nay xảy ra lần nữa,” ông Pompeo nói, theo Reuters.

Tuy chưa có chi tiết cụ thể về Mạng Thịnh vượng Kinh tế mà chính phủ Mỹ đang nhắm tới, nhưng thành phần các quốc gia tham dự và nội dung cốt lõi của nó làm mọi người nghĩ tới một phiên bản mới, “hồi sinh” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership, TPP) đã được chính phủ Barack Obama đàm phán và ký kết năm 2018. Với 12 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, lấy Hoa Kỳ làm trung tâm, TPP nhắm mục tiêu hạn chế, tiến tới triệt tiêu sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Rất tiếc là ông Trump đã vội vã rút ra khỏi TPP ngay trong tuần lễ đầu tiên nhậm chức tổng thống Mỹ. Các quốc gia còn lại đã phải điều chỉnh hiệp định, TPP biến thành CT-TPP với Nhật Bản là trung tâm, nhưng thiếu vai trò trụ cột của Hoa Kỳ, CT-TPP đã hầu như không có nhiều tác dụng như mong đợi.

Nhưng vấn đề là ở doanh nghiệp

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp kinh doanh, không dễ gì rút chân ra khỏi một nơi đang đem lại cho họ nguồn lợi nhuận lớn. Doug Barry, phát ngôn viên Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc nói ông chưa nhìn thấy một làn sóng vội vã ra đi của các doanh nghiệp đang làm ăn tại Trung Quốc.

John Murphy, phó chủ tịch cao cấp phụ trách chính sách quốc tế của Phòng Thương mại Hoa Kỳ nói rằng xây dựng cơ sở sản xuất mới phải mất từ năm đến bảy năm chứ không thể nói là làm ngay được. Ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách hãy thực tế “hãy thu thập dữ kiện thực tế trước khi nghĩ đến việc thay đổi”.

Ngay cả việc đa dạng hóa nguồn cung ứng bằng cách chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác ở khu vực châu Á – như các nước có tên trong liên minh Mạng Thịnh vượng Kinh tế nói trên – cũng không dễ. Ấn Độ và Việt Nam có thể có giá nhân công thấp hơn nhiều so với Trung Quốc nhưng hạ tầng giao thông vận tải yếu kém, lao động tay nghề không cao là những trở ngại khiến các nước này không thể thay vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ít ra là trong vài năm nữa.

Cây gậy và củ cà rốt

Có thể Tòa Bạch ốc sẽ áp dụng biện pháp “khuân từng gói nhỏ”, khuyến khích các doanh nghiệp một số ngành nghề thiết yếu nào đó chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, sau đó đến lượt các ngành hàng còn lại. Chính phủ Mỹ có thể vừa dùng “cây gậy” (trừng phạt qua thuế và các biện pháp hành chánh khác) vừa dùng củ cà rốt (trợ cấp, ưu đãi tín dụng) để vận động doanh nghiệp.

Hôm thứ Hai tuần trước, ông Peter Navarro, cố vấn về thương mại của Tòa Bạch ốc cho biết, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép hạn chế việc nhập cảng các thiết bị dùng trong mạng lưới phân phối điện năng từ Nga và Trung Quốc; và đang xem xét ban hành một sắc lệnh khác, bắt buộc các cơ quan liên bang chỉ được mua các sản phẩm y tế “made in U.S.A.” Cũng hôm thứ Hai, Bộ Thương mại Mỹ thông báo khởi sự cuộc điều tra về an ninh quốc gia, có thể dẫn tới việc áp đặt thuế cao ngất lên việc nhập cảng các linh kiện chủ yếu dùng trong máy biến thế điện, và muốn bảo đảm thị trường nội địa luôn có sẵn những thiết bị đó để ứng phó khi việc cung cấp điện bị gián đoạn. Cơ quan quản lý viễn thông và thông tin liên bang (FCC) từ tháng trước đã yêu cầu các công ty viễn thông nông thôn lập kế hoạch gỡ bỏ các linh kiện viễn thông do các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE sản xuất, thay vào đó bằng các linh kiện của Cisco (Mỹ) hay Ericcson, Nokia (châu Âu) nếu muốn được tiếp tục được chính quyền liên bang trợ cấp.

Những bước đi như vậy – cùng với thuế và các quy định tài chánh – dần dần có thể làm thay đổi tính toán của doanh nghiệp, kéo họ xa dần thị trường Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã có một động thái tương tự: trong kế hoạch kích thích kinh tế bị đình đốn vì đại dịch, công bố đầu tháng 04 vừa qua, Nhật Bản quyết định dành ra 220 tỷ yen (tương đương 2 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và trở về Nhật Bản, 23,5 tỷ yen hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang các nước khác. Nếu Hoa Kỳ có chương trình phối hợp với Nhật Bản để cùng vận động các doanh nghiệp Nhật – Mỹ rút ra khỏi Trung Quốc thì có cơ may hệ thống cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại, xóa bỏ vị thế độc quyền của Trung Quốc hiện nay.

Nhưng trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, chính phủ của ông Trump thường hay thay đổi, một phần do áp lực của Bắc Kinh, một phần do sự vận động của các nhóm lợi ích ở Washington. Một quyết định cấm bán các linh kiện điện tử thiết yếu cho tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc chẳng hạn, vẫn cứ dùng dằng mà chưa đi tới kết luận cuối cùng, là một ví dụ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: