Mỹ-Trung “đọ” hỏa tiễn ở Tây Thái Bình Dương (1)

Hỏa tiễn Pershing II

HIẾU CHÂN

Cuộc chạy đua hỏa tiễn (missile) ở Tây Thái Bình Dương, gồm cả biển Đông Việt Nam, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sắp có chuyển biến khi Mỹ tung ra những vũ khí mới, chiến lược mới nhằm thu hẹp khoảng cách với đối thủ. Lược khảo phúc trình đặc biệt của hãng tin Reuters đăng tải ngày 06-05-2020.

Mỹ, Nga bị trói – Trung Quốc múa gậy vườn hoang

Nhiều năm qua, Trung Quốc đầu tư lớn để phát triển vũ khí, nhất là các loại hỏa tiễn tầm trung và tầm xa trong khi Mỹ bị “trói tay” bởi một hiệp định kiểm soát vũ khí ký kết với Nga từ thời Chiến tranh Lạnh.

Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty) gọi tắt là INF Treaty do Tổng thống Ronald Reagan ký với Chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev ngày 8-12-1987 cấm hai quốc gia này phát triển các loại hỏa tiễn đạn đạo (ballistic), hỏa tiễn hành trình (cruise) và bệ phóng hỏa tiễn (missile launcher) có tầm bắn từ 500 đến 5.000 km từ căn cứ trên đất liền (land-based); những loại hỏa tiễn có tầm bắn như vậy đã sản xuất ra thì phải bị tiêu hủy. Hiệp định không áp dụng cho hỏa tiễn phóng đi từ phi cơ (air-launched) hoặc từ chiến hạm (sea-launched). Ba năm sau, đến tháng 5-1991, hai nước Nga-Mỹ đã tiêu hủy tổng cộng 2.692 hỏa tiễn các loại, tiếp đó là 10 năm kiểm tra xác nhận tại hiện trường.

Trong lúc Nga và Mỹ tự trói nhau bằng hiệp định INF thì Trung Quốc mặc sức múa gậy vườn hoang, phát triển đủ loại hỏa tiễn mà không bị ràng buộc gì. Theo tính toán của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ, sản xuất và bố trí hơn 2.000 hỏa tiễn tầm trung và tầm xa. Không chỉ xây dựng lực lượng hỏa tiễn trên đất liền, Trung Quốc còn điều chỉnh và trang bị hỏa tiễn tầm xa, hỏa tiễn diệt hạm cho đội tàu chiến và phi cơ chiến đấu của mình.

Lợi dụng hiệp định INF trói buộc Hoa Kỳ và Nga, Trung Quốc xây dựng một lực lượng hỏa tiễn khổng lồ và hiện đại.

Ngoài ra, lợi dụng hai thập niên Mỹ bị lôi cuốn vào chiến tranh ở Trung Đông và Afghanistan, quân đội Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng hỏa tiễn nhắm mục tiêu tấn công các hàng không mẫu hạm (HKMH), chiến hạm và chuỗi căn cứ quân sự đang là xương sống của lực lượng Mỹ ở châu Á. Trong thời gian này, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đã xuất xưởng một đội tàu hải quân lớn nhất thế giới, hiện có khả năng thống trị các vùng nước gần bờ Trung Quốc và giữ cho các lực lượng Mỹ không đến gần được. Ở nhiều chủng loại, hỏa tiễn Trung Quốc bây giờ đã ngang bằng, hoặc vượt qua các loại hỏa tiễn trong kho vũ khí của Mỹ và đồng minh.

Hỏa lực tích cóp được đã làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Hoa Kỳ, từ lâu là thế lực quân sự thống trị ở châu Á, đã không còn đủ tự tin sẽ giành được chiến thắng nếu xảy ra một trận xung đột quân sự trên vùng biển gần Trung Quốc, theo nhận định của các sĩ quan cao cấp của Mỹ đã nghỉ hưu.

Nhận ra sự vô lý này, và sau nhiều lần thuyết phục Trung Quốc tham gia hiệp định INF mở rộng không thành công, ngày 20-10-2018 Tổng thống Donald Trump thông báo Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định INF, đình chỉ các nghĩa vụ theo INF từ ngày 01-12-2019 và chính thức xóa bỏ hiệp định ngày 02-08-2019; phía Nga cũng làm như vậy.

“Hoa Kỳ đã trở lại”

Không còn bị trói buộc bởi hiệp định INF, Hoa Kỳ lập tức tăng tốc nghiên cứu và sản xuất các loại hỏa tiễn đời mới và lập kế hoạch bố trí các hỏa tiễn này ở châu Á-Thái Bình Dương, sẵn sàng đối phó với Trung Quốc. Ngay sau khi Mỹ xóa bỏ hiệp định INF ngày 02-08, sang ngày 03-08 Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper thông báo ông muốn thấy các hỏa tiễn mặt đất của Mỹ được bố trí ở châu Á trong vài tháng nữa, dù ông công nhận sẽ mất thời gian lâu hơn.

Động thái của Mỹ nhắm vào việc đáp lại lợi thế áp đảo của Trung Quốc trong lĩnh vực hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo đặt căn cứ trên mặt đất. Theo các chỉ huy cao cấp và cố vấn chiến lược của Mỹ, quân đội Trung Quốc có một lực lượng hỏa tiễn khổng lồ, có tầm bắn vượt xa hỏa tiễn của Mỹ và đồng minh. Nay thì Ngũ Giác Đài có ý định đảo ngược vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong cái mà các chiến lược gia gọi là “chiến tranh tầm bắn” (range war).

Hồi tháng 03-2020, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện về dự toán ngân sách cho năm 2021, các chỉ huy cao cấp của quân đội Hoa Kỳ đã trình bày một số kế hoạch mới.

“Người Mỹ đã trở lại, lợi hại hơn xưa. Tới năm 2024-2025 sẽ có một rủi ro cho quân đội Trung Quốc là những bước phát triển quân sự của họ sẽ trở thành lỗi thời,” Ross Babbage, cựu quan chức quốc phòng cao cấp của chính phủ Úc và nay là nhà nghiên cứu không thường trú của Trung tâm Chiến lược và Thẩm định Ngân sách – một tổ chức an ninh có trụ sở tại Washington, nhận định.

Cải tiến Tomahawk để kiểm soát mặt biển

Hỏa tiễn Tomahawk phóng đi từ chiến hạm đang được cải tiến để trang bị cho Thủy quân Lục chiến. (Wiki)

Cuối tháng trước, Ngũ Giác Đài cho thử nghiệm hỏa tiễn hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất. Hồi tháng 12-2019, họ đã thử hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) phóng từ mặt đất. Hiệp định INF cấm các loại hỏa tiễn phóng từ mặt đất nên suốt 30 năm qua, Mỹ không thể thử nghiệm các loại hỏa tiễn mặt đất như vậy.

Trước tiên, Ngũ Giác Đài dự định trang bị cho lực lượng Thủy quân Lục chiến (TQLC) các phiên bản mới của hỏa tiễn Tomahawk, hiện chỉ có trên các chiến hạm; đồng thời tăng tốc việc bố trí các phiên bản hỏa tiễn tầm xa diệt hạm trong các thập niên tới.

Hỏa tiễn Tomahawk xuất trận lần đầu và gây tiếng vang trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1991. Trong vài thập niên qua, Tomahawk được bố trí trên các chiến hạm, dùng để tấn công hủy diệt các mục tiêu trên đất liền với tầm bắn lên tới 1.600 km, theo nhà sản xuất Raytheon Company. Từ nay đến 2022, TQLC sẽ thử nghiệm loại hỏa tiễn hành trình Tomahawk và cải tiến để nó phù hợp với các đơn vị nhỏ, tác chiến trên bộ.

Thiếu tướng Eric Smith, chỉ huy cao cấp của TQLC nói với Quốc hội hôm 11-03 rằng lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã yêu cầu TQLC “nhanh chóng” triển khai hỏa tiễn hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất. Dự toán ngân sách trình Quốc hội cho thấy TQLC yêu cầu có 125 triệu USD để mua 48 quả Tomahawk trong năm tới.

Sau khi được trang bị Tomahawk, TQLC sẽ tham gia cùng Hải quân tấn công các chiến hạm đối phương. Các đơn vị TQLC nhỏ, tính cơ động cao, được trang bị hỏa tiễn diệt hạm sẽ trở thành những sát thủ đáng gờm cho tàu chiến của địch. Khi xảy ra xung đột, các đơn vị TQLC sẽ được bố trí rải rác ở những chốt quan trọng trong vùng Tây Thái Bình Dương, dọc theo cái gọi là Chuỗi Đảo Thứ Nhất – một dãy các hòn đảo bên ngoài bờ biển Trung Quốc, chạy từ quần đảo Nhật Bản, qua Đài Loan, Phi Luật Tân và xuống tới đảo Borneo thuộc Indonesia. Hải quân Trung Quốc muốn đi ra Thái Bình Dương phải xuyên qua chuỗi đảo này.

Tại cuộc điều trần ngày 05-03, tướng David Berger, Tư lệnh TQLC nói với Quốc hội rằng các đơn vị TQLC nhỏ, trang bị hỏa tiễn có độ chính xác cao có thể giúp Hải quân Mỹ giành lại quyền kiểm soát mặt biển, đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương. “Hỏa tiễn Tomahawk là một trong những công cụ cho phép chúng tôi làm chuyện đó,” tướng Berger nói.

(còn tiếp bài 2)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: