Trung Quốc sợ quốc tế điều tra dịch cúm Vũ Hán, vì sao?

Đại dịch cúm Vũ Hán càng lúc càng trầm trọng và cần một cuộc điều tra toàn diện, khách quan và khoa học. Biểu đồ diễn tiến hằng ngày của dịch của ĐH Johns Hopkins

HIẾU CHÂN

Đại dịch Covid-19 là thảm họa y tế toàn cầu lớn nhất trong hơn một thế kỷ qua nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ về coronavirus chủng mới -tác nhân gây bệnh. Mà không biết rõ thì khó có biện pháp chủng ngừa hoặc điều trị hiệu quả, và không thể ngăn chặn một đại dịch tương tự trong tương lai. Thế nhưng cho đến nay, những nỗ lực đầu tiên để điều tra về đại dịch cúm Vũ Hán đều vấp phải sự phản đối thẳng thừng và có phần thô bạo của chính quyền Trung Quốc và có nguy cơ không thực hiện được.

*

Nhiều nhà khoa học hàng đầu, khi phát biểu trên báo chí, truyền hình đều nói rằng họ vẫn “không hiểu” đại dịch Covid-19 đã bắt đầu như thế nào và họ yêu cầu có cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch.

Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế của Đại học Johns Hopkins nói với phóng viên báo Washington Post: “Điều hết sức quan trọng là phải hiểu chính xác đại dịch này bắt đầu như thế nào”. Theo ông, các quan chức y tế công cộng của Trung Quốc phải thực hiện điều tra khoa học, dịch tễ học và “mời các nhà khoa học quốc tế giám sát công việc của họ. Tiến trình này phải công khai cho toàn thế giới”.

Tara O’ Toole, chuyên gia về an toàn sinh học, từng là Thứ trưởng phụ trách khoa học và công nghệ của Bộ An ninh nội địa trong chính phủ Mỹ thời Obama, có đề nghị tương tự: “Thế giới cần các nhà khoa học nghiên cứu các chủng virus này… Động thái thích hợp là tập hợp một đội chuyên gia quốc tế, xem xét các quy trình an toàn và an ninh của các phòng thí nghiệm và kết quả phải được công bố”.

Lời yêu cầu của giới khoa học được tiếp thêm sức nặng từ các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Úc Scott Morrison. Tuần trước ông Trump đề cập tới cuộc điều tra mà các cơ quan an ninh và tình báo của Mỹ đang tiến hành, tuy ông không nói rõ chi tiết. Ông Morrison cho biết ông sẽ yêu cầu Hội đồng Y tế thế giới (World Health Assembly) thuộc Đại hội đồng Liên hiệp quốc tổ chức phái bộ điều tra quốc tế thực hiện một cuộc điều tra toàn diện về nguồn gốc và diễn biến ban đầu của đại dịch cúm Vũ Hán. Ông Morrison nói: “Đây là loại virus đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người trên khắp thế giới. Nó đã phong tỏa nền kinh tế toàn cầu. Điều hoàn toàn hợp lý là thế giới muốn có một sự đánh giá độc lập đại dịch này đã xảy ra như thế nào để chúng ta có thể học được bài học và tránh không để nó xảy ra lần nữa”, theo báo Guardian.

*

Lẽ ra Bắc Kinh phải là người đầu tiên tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, khách quan và khoa học về đại dịch, vì trách nhiệm của Trung Quốc với thế giới. Thế nhưng, phản ứng của Trung Quốc khiến mọi người thất vọng. Ngay sau khi Thủ tướng Morrison đưa ra đề nghị điều tra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh đã tố cáo Úc “chính trị hóa” vấn đề nhằm bêu xấu Trung Quốc. Cảnh Sảng (Geng Shuang), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong buổi họp báo đầu tuần: “Một số chính trị gia đang cố thực hiện những thủ đoạn chính trị, lấy nguồn gốc của dịch bệnh để bôi nhọ các nước khác, mưu toan của họ chắc chắn không bao giờ thành công”.

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc rơi xuống đáy vực sau khi Úc đề nghị điều tra quốc tế về dịch Vũ Hán. Guardian

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cáo buộc Úc “nhận chỉ thị từ Washington hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến tuyên truyền chống lại Trung Quốc, lặp lại như con vẹt những gì người Mỹ nói và theo đuôi Mỹ phát động tấn công chính trị vào Trung Quốc một cách ngu ngốc và đầy thành kiến.” Trong một bài đăng trên báo Úc Australian Financial Review, Đại sứ Trình Cảnh Nghiệp (Cheng Jingye) còn dọa nếu Úc thúc đẩy cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Vũ Hán, Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách tẩy chay hàng hóa của nước này. “Du khách Trung Quốc sẽ tự hỏi, tại sao lại phải đến một đất nước không mấy thân thiện với Trung Quốc? Phụ huynh học sinh sẽ nghĩ lại, Úc là nơi mà họ thấy không thân thiện, thậm chí ác cảm, thì có nên gửi con cái sang học hay không. Rồi người dân bình thường sẽ nói, tại sao phải uống rượu vang Úc, ăn thịt bò Úc?”, ông Trình viết.

Cay cú hơn, Hồ Hy Kim (Hu Xijin), tổng biên tập báo lá cải Global Times, lên mạng Weibo gọi Úc là “bã kẹo cao su bám dưới gót giày Trung Quốc” cần phải lấy đá gạt nó đi! “Sau đại dịch, chúng ta cần nhận thức rõ hơn rủi ro khi làm ăn với Úc cũng như khi chúng ta gửi con cái sang Úc du học”, ông Hồ viết.

*

Trung Quốc phản đối điều tra nguồn gốc dịch Vũ Hán không phải là chuyện khó hiểu: mở cửa để các khoa học gia quốc tế đến nước này điều tra là trái ngược hoàn toàn và không thể chấp nhận với một chế độ chính trị được xây dựng trên sự bí mật, lừa đảo và bưng bít thông tin.

Theo CNN, ngay trong tháng 01 và tháng 02, khi dịch mới bùng phát, một số nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu cẩn thận nhưng kết quả nghiên cứu của họ sau đó bị kiểm soát rất chặt, một nhà nghiên cứu ở Quảng Châu bị bắt giam, tài liệu bị hủy bỏ. Chợ động vật Hoa Nam ở Vũ Hán – nơi được cho là xuất phát điểm của virus, bị đóng cửa khử trùng tiêu độc từ rất sớm, các hồ sơ, mẫu bệnh phẩm thu thập được từ các bệnh nhân đầu tiên bị tiêu hủy. Cuối tháng 01-2020, Trung Quốc đưa các bác sĩ quân y cao cấp tới lãnh đạo Viện nghiên cứu virus Vũ Hán và ngày 14-02 Chủ tịch Tập Cận Bình công bố luật lệ mới về an toàn sinh học. Đến cuối tháng 03, chính phủ Trung Quốc ban hành quy định mọi công trình nghiên cứu khoa học về đại dịch Vũ Hán phải được xem xét đặc biệt và phê chuẩn thì mới được công bố.

Và cũng cần lưu ý rằng từ đầu dịch đến cuối tháng 03, Trung Quốc nhiều lần từ chối đề nghị của Hoa Kỳ được cử chuyên gia dịch tễ học tới Vũ Hán để giúp phòng dịch; ngay cả đoàn chuyên viên của WHO chỉ được tới Trung Quốc khi dịch bệnh đã được khống chế căn bản và phái đoàn của WHO cũng chỉ được đi lại, tiếp xúc theo sự sắp xếp của Trung Quốc.

Những động thái bưng bít liên tục và ở cấp cao như vậy cho thấy Bắc Kinh quyết giữ bí mật về nguồn gốc và diễn biến của dịch Covid-19.

Chính bản chất bí mật, thiếu minh bạch đó đang làm cho uy tín toàn cầu của Trung Quốc, các mối quan hệ thương mại và đầu tư, thậm chí cả tính chính danh của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong mắt người dân Hoa Lục, đang bị xói mòn trầm trọng. Mặc cho Trung Quốc dốc toàn lực vào cuộc chiến tranh tuyên truyền để phủ nhận nguồn gốc của đại dịch là Vũ Hán, Trung Quốc, thậm chí đổ vấy cho quân đội Hoa Kỳ mang coronavirus tới Vũ Hán thì trên thế giới hầu như không mấy người tin vào lập luận của Trung Quốc.

*

Thêm nữa, chính sự bí mật và giấu giếm của Trung Quốc về nguồn gốc của đại dịch đã tạo môi trường thuận lợi cho sự bùng phát thuyết âm mưu đủ loại, mà phần lớn đều quy trách nhiệm cho Trung Quốc.

Những thuyết cực đoan nhất cho rằng coronavirus chủng mới là một loại vũ khí sinh học, được Trung Quốc tạo ra trong phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Vũ Hán với mưu toan tàn phá xã hội và các nền kinh tế khối G-7 (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada); có thuyết cho rằng virus Vũ Hán là sản phẩm nhân tạo, do Viện nghiên cứu Vũ Hán dùng kỹ thuật biến đổi gene để ghép một bộ phận của virus HIV/AIDS vào gene của virus SARS-Covi với ý đồ nghiên cứu thuốc điều trị bệnh AIDS; có thuyết cho rằng coronavirus được cố ý thả ra cộng đồng cư dân, từ đó lây ra toàn thế giới sau khi Trung Quốc đã bí mật nghiên cứu được thuốc chữa, thuốc ngừa…

Hầu hết các thuyết âm mưu này đều bị các nhà khoa học nổi tiếng bác bỏ, có thuyết được xác định là tin giả, nhưng cũng có nhiều khoa học gia nghi ngờ rằng, coronavirus – có rất nhiều chủng được nghiên cứu trong Viện nghiên cứu virus Vũ Hán – bị thoát ra ngoài hoặc do bất cẩn, do tai nạn, hoặc do lây nhiễm vào các nhân viên của Viện rồi các nhân viên này lại phát tán ra cộng đồng. Nỗi hoài nghi này là có cơ sở, nhưng cần được chứng minh bằng một cuộc điều tra cẩn thận. Dù thế nào, các thuyết âm mưu này đều gần như đặt Trung Quốc vào vị thế “tội đồ” cố ý hay vô tình đã gây ra một đại dịch khủng khiếp cho nhân loại mà tất cả những nỗ lực “ngoại giao khẩu trang” đều không thể chống đỡ được.

*

Chỉ có cách tạo điều kiện thuận lợi cho một phái đoàn chuyên gia đa quốc gia – trong đó có những nhà khoa học từ các nền y học tiến bộ nhất thế giới như Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Pháp tham gia – đến thăm Trung Quốc và thành phố Vũ Hán để tìm hiểu nguồn gốc và giai đoạn bùng phát ban đầu của đại dịch thì họa may Trung Quốc mới có thể “thanh minh” cho sự “trong sạch” của Bắc Kinh trước công luận thế giới, giải tỏa sự phê phán của cộng đồng quốc tế; đồng thời bác bỏ các thuyết âm mưu đang lưu hành rộng rãi khắp nơi.

Trong điều kiện bình thường thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có thể giữ một vai trò quan trọng trong tiến trình điều tra về đại dịch, nhưng tổ chức này hiện không còn đủ uy tín, bị nhiều nước cáo buộc là quá thiên vị Trung Quốc, nên WHO không thể là lựa chọn tốt để chủ trì cuộc điều tra.

Do lòng tin cậy giữa Trung Quốc và thế giới đã xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử, để đạt được thỏa thuận giữa Trung Quốc và cộng đồng thế giới về tổ chức cuộc điều tra, quy mô, mục đích và thành phần của đoàn, là một chuyện không dễ. Nhưng một sứ mệnh điều tra thấu đáo và thành công sẽ không chỉ xác định chính xác nguồn gốc của đại dịch Covid-19 mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc hiểu biết nguy cơ của đại dịch và tái tạo niềm tin giữa các quốc gia. Điều đó không chỉ có lợi cho thế giới mà có lợi cho chính Trung Quốc nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: