Lụy quê hương

(minh họa: Unsplash)

Mỗi lần sắp Tết, anh em tôi dọn dẹp nhà, lại thấy đôi giày giày bốt-đờ-sô cũ của lính còn nguyên vẹn, lôi ra từ gầm giường để lau bụi.

Má tôi có lần bảo: “Đôi giày cũ không dùng, bỏ cho rồi!. Ba tôi: “Để đó cho tui!” “Để làm chi vậy ông, giày này cũ lại nặng nề, đâu dùng được!” ‘Để dành đó, sau này về quê mang…  đi rừng!”

Tổ tiên bên nội của tôi có gốc gác ở cù lao Phố, thuộc Biên Hòa ngày nay, là một trong hai đô thị xuất hiện sớm nhất ở miền Nam, trước cả thành phố Sài Gòn. Hơn ba trăm năm trước, trên nơi từng được gọi là “Đại phố châu” vốn là cù lao trên sông Đồng Nai này đã có đường lớn đường nhỏ giao nhau lát bằng đá, mười một cái đình và sáu ngôi chùa. Tuy vậy, quanh cù lao bảy tám chục năm trước còn nhiều khoảnh rừng lớn nhỏ, mà ba tôi mong có dịp đi lại bằng đôi bốt-đờ-sô đó, như hồi còn trẻ theo ông Kinh lý Nhơn đi đo đạc đất đai.

Lấy vợ Sài Gòn, ông xa quê tới lúc đó đã hơn nửa thế kỷ rồi mà vẫn mơ về quê để có dịp đi rừng. Ông vẫn nhớ món “gà nấu huyết” mà má tôi không biết cách nấu và đến giờ tôi vẫn không hình dung nó ra sao. Ông đặc biệt thích gỗ quý.

Sài Gòn. (ảnh: Unsplash)

Nhớ thời bao cấp sau 1975, mỗi nhà được phân phối chất đốt, có lúc là than, có lúc là củi gộc từ rừng miền Đông đưa về. Ông nhanh chóng nhận ra cái nào là gốc của cây Gõ đỏ, cái nào là Cẩm lai, Trắc hay Gõ mật… những danh mộc ở rừng miền Đông. Ông kể, có lần về thăm nhà chú Ba của tôi ở cù lao, đêm nằm ngủ nghe tiếng còi hú khi xe lửa chạy ngang cầu Gành hay cầu Rạch Cát mà nhớ hồi còn nhỏ quá đỗi.

Những trăn trở của ông ám ảnh đến độ khi theo về cù lao, tôi hình dung: góc phố này là nơi ba nhớ về khi nghe câu hát “Tôi sẽ về thăm lại dòng sông con phố cũ, ngày xưa có lần chiến tranh qua…”, chỗ kia là khúc sông trước nhà ông cố, mà ông nhắc câu hát “thương những chiều nắng dọi bờ sông”…

Tình hoài hương trong góc nhỏ tâm hồn ba tôi khó được vợ con thông cảm, vì má và anh em tôi đều sinh ra ở Sài Gòn. Nhưng khi lớn lên và… già đi, tôi càng thấm thía cảm xúc đó, chẳng phải vì tôi đang “Ở Sài Gòn mà nhớ Sài Gòn” đó sao? Có lần đến thành phố Mỹ Tho, tôi đi ngang dãy nhà mái ngói thấp gần chợ vào buổi chiều trong chuyến đi công tác một mình.

Thoang thoảng từ một căn nhà ở đó có mùi bánh cóng chiên trong chảo mỡ bay ra gợi nhớ con phố nhỏ gần chợ Phú Nhuận gần nhà của những ngày tuổi thơ quá chừng, dù con phố ấy vẫn tồn tại ở đó.

Mỹ Tho, Tiền Giang. (ảnh: Unsplash)

Có lần đọc cuốn “Cõi ký ức trăng xanh”, tôi vừa buồn cười vừa thương với tình yêu xứ Huế của mấy nhà văn nhà thơ nữ xứ này. Nhà văn Hồ Trường An, tác giả cuốn sách viết: “Có cây bút nào yêu Huế hơn Túy Hồng, Hoàng Hương Trang? Họ bỏ Huế vào Sài Gòn để rồi viết về Huế như tìm lại cái tuổi thiên thần đã mất của họ”.

Huế của các nhà văn nữ này hiện rõ ở từng khung cảnh đế đô, nhất là ở các món ăn: chả đông sương, bánh khoái, bún bò, dấm nuốc, bánh ít bộc lọc, bánh lá chả tôm, mè xửng, kẹo cau. Ông than: “Ai chứ chị Túy Hồng có óc địa phương lớn cỡ cái nia. Thịt heo ở Sài Gòn da dày cui, thua xa thịt heo mỏng thua nhãn Huế hột nhỏ, cơm dầy.

Món nước cốt dừa miền Nam lờ lợ như nước xà bông. Món canh chua cá lóc miền Nam có cái đầu cá lóc kéo thêm chùm ruột, gan giống như con ma lai rút ruột. Ai mà đọc ‘Tôi nhìn tôi trên vách’ và ‘Mùa hạ huyền’ của chị đều rõ”.

Ông kể vui nhất là để đáp lễ, trong một truyện dài đăng trên nhật báo Công Luận, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ viết rằng con lươn miền Nam to bằng cườm tay, um hay xào xả ớt đều ngon, còn con lươn xứ Huế “nhỏ như con lãi đũa”.

Hồ Trường An kể có lần ông tháp tùng ông bà Võ Phiến từ tỉnh Nancy đến tỉnh Baccara (nơi làm đồ mỹ nghệ bằng pha lê nổi tiếng) rồi đến vùng núi Vóges. Dọc đường, bà Võ Phiến dặn ông: “Hễ khi thấy có mái nhà lợp ngói âm dương, chú nhớ chỉ tôi”. Hồ Trường An nghĩ trong bụng: “Làm sao mà có mái ngói nào cái úp cái ngửa mà ông bà mình gọi là mái ngói âm dương ở vùng đó!”.

Nhưng qua tháng sau, khi đi nghỉ hè ở miền Nam nước Pháp và khi đi sâu về phía cực Nam, ông phát hiện ra vô số mái nhà lợp ngói âm dương, có nơi mái ngói lợp đỏ au. Ở đó, ông thấy trùng trùng điệp điệp hoa trúc đào, bông mười giờ, bông phấn, toàn là những thứ bông thịnh hành ở Nam kỳ khiến ông đã xúc động rơi nước mắt. Ông thấy miền Nam nước Pháp rất giống miền Nam Việt Nam, chỉ khác là mưa ít và sông ngòi ao hồ quá ít, nhưng tính cách người dân ở đây bộc trực, xuề xòa, tốt bụng như dân lục tỉnh Hậu Giang.

Mấy nhà văn gốc miền Nam, như Bình Nguyên Lộc hay Sơn Nam với tuyệt đại tác phẩm đều viết bằng văn xuôi. Tuy vậy, hai bài thơ hiếm hoi của hai nhà văn này được nhiều người thích đều viết về nỗi nhớ quê hương. Bài thơ “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam tuyệt hay, nhất là những câu cuối: “… năm tháng đã trôi qua/ray rứt mãi đời ta/nắng mưa miền cố thổ/phong sương mấy độ qua đường phố /hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…”

Bài thơ làm lay động bao lớp người vì chiến tranh, sinh kế mà dạt về Sài Gòn lánh nạn hay kiếm sống. Một bài khác, “Thơ Ba Mén”của nhà văn Bình Nguyên Lộc, ít được chú ý hơn nhưng chân chất lắm, gần gũi với đời thường, viết như kể chuyện mà sức lay động không kém:

“Lạnh thấm lòng, mưa mai lác đác,

Quán bên hè, uống tách cà-phê.

Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê,

Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.

Bến Ông Lãnh màn mưa bao phủ,

Ghe thương hồ ủ rũ dưới kia.

Ghe ơi, vài bữa ghe về,

Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?…”

Hẳn khi viết truyện ngắn “Mưa thu nhớ tằm”, Bình Nguyên Lộc sống lại cảm xúc ấy. Truyện kể trong một lần trú mưa, ông gặp chủ nhà là một người đàn ông quê gốc ở Quảng Nam. Nhà bác này có trồng trước sân một cây dâu tằm. Khi trời mưa, vì thương tằm bác cầm nón ra che mưa cho dâu. Bác kể với khách là trồng dâu không phải để làm thuốc, mà là vì nhớ làng quê với nghề trồng dâu nuôi tằm, nên khi vô Sài Gòn làm công nhân trong nhà máy, bác nhớ nghề cũ và nhớ quê hương mà bác phải rời xa vì sinh kế và chiến tranh.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Hồi Thủ, một nhà thơ, dịch giả đang sống ở Pháp đã viết khi còn là sinh viên sang Nhật Bản du học từ thập niên 1960:

“Tôi gương cánh cung tình yêu tha thiết/Muốn bắn chiều nay vào nỗi nhớ nhà…”

Một đoạn thơ khác:

“… chúng ta sẽ trở về/như trăm sông về biển/như lá tre vàng rụng bên bờ giếng/như tiếng gà eo óc lúc bình minh/như đến trường nghe tiếng gọi điểm danh/lòng cũng mới như một tờ giấy trắng…” (Lời đồng vọng, 1973, Thi Phẩm Chợt Nhớ)

Có những câu thơ khiến ta được đến gần thêm một chút cõi tâm hồn tác giả. Khi đọc câu thơ này, tôi hiểu hơn về bút danh của ông, Hồi Thủ… quay đầu và nhìn lại!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: