Khi chính quyền “độc quyền” cả chuyện chống dịch

Ảnh: báo Thanh Niên

Như vậy là đúng với những gì thiên hạ dự đoán, Sài Gòn tiếp tục “phong tỏa” cho đến ngày 1 Tháng Tám 2021, vì số ca nhiễm vẫn tăng lên. Người Sài Gòn lại có thêm bảy ngày trong chuỗi ngày “tự cách ly” ba không: Không thời hạn, Không chiến lược và Không hỗ trợ.

Có nhiều ý kiến cho rằng tôi “tiêu cực”, và việc tôi lên tiếng phản đối các quy định phong tỏa thành phố như hiện nay là sai trái, vì nhà nước làm vậy để bảo vệ người dân, cố gắng kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tôi nhận thấy, những ý kiến đó không thể hiện xác đáng những nguyện vọng thực sự của nhân dân. Nói cách khác, tôi thấy có sự nhầm lẫn to lớn.

1/ Nhầm lẫn thứ nhất là sự nhập nhằng giữa hai khái niệm lock down – phong tỏa và social distancing – giãn cách xã hội. Theo như những gì đang diễn ra ở Sài Gòn hơn một tháng nay thì chính xác phải gọi rằng thành phố này đang phong tỏa – lock down đúng nghĩa. Điều này vi phạm một số nguyên tắc trong Hiến pháp Việt Nam, vì hai lẽ: thứ nhất, Việt Nam chưa ban bố chính thức tình trạng khẩn cấp; thứ hai, chỉ thị là một dạng văn bản hóa mệnh lệnh cấp trên dành cho cấp dưới liên quan, không ảnh hưởng đến nhân dân.

2/ Sự nhầm lẫn thứ hai là ngay chính cách lock-down. Hãy nhìn một nước châu Á như Úc. Họ cấm tụ tập, cấm ra ngoài khi không cần thiết nhưng vẫn cho tự do ra ngoài mua vật phẩm thiết yếu, tập thể dục, chăm sóc thân nhân, và vẫn duy trì cửa hàng bán lẻ, bán mang về. Hay như Miến Điện, một nước đang có những bất ổn về chính trị, vẫn họp chợ giãn cách hết sức thông minh và thuận lòng dân.

3/ Nhầm lẫn thứ ba là nhầm lẫn ý thức nhân dân. Tôi nói thẳng thừng, rằng chẳng ai dại mà lết xác ra đường trong khi quán xá đóng cửa, nhà nhà nghi kỵ lẫn nhau, tiền và nhu cầu thực phẩm, giải trí ê hề trong nhà. Người ta ra đường vì mưu sinh, vì cuộc sống, vì cơm áo gạo tiền. Với việc phong tỏa “Ba Không” (không thời hạn, không chiến lược và không hỗ trợ), chính phủ đang dồn ép những người lao động nghèo vào con đường chết mòn. Chưa kể những điều khoản phạt cứng nhắc, thiếu suy nghĩ, sự không đồng bộ và thống nhất trong việc thực hiện, gây ra bao điều trắc trở cho người dân.

4/ Nhầm lẫn thứ tư đến từ việc khủng hoảng niềm tin, thiếu khả năng quản lý. Ở Việt Nam nổi tiếng với một sự thật phũ phàng: cái gì quản không được thì cấm (ấy thế nhưng những dự án mơ hồ, thiếu thuyết phục như tượng đài, đài tưởng niệm, cổng chào, đặc khu, đường sắt lại được duyệt hết sức dễ dàng). Chính quyền cấm dân đủ mọi thứ, miễn sao họ được “miễn trừ trách nhiệm” trong việc chống dịch là được. Họ đổ tất cả cho ý thức nhân dân kém. Thậm chí, họ duy ý chí đến mức cấm luôn chợ truyền thống, nhưng lại lùa người vào tập trung ở các “phòng”, “tòa nhà” của siêu thị hay bách hóa, nơi không gian máy lạnh, kín và dễ lây nhiễm.

5/ Nhầm lẫn thứ năm là sự nhầm lẫn về cách chống dịch. Theo lời bác sĩ Đinh Đức Long, những người của chính phủ đều xuất thân từ công an và đoàn hội, một nơi giỏi về trấn áp và một nơi giỏi về phong trào, hô khẩu hiệu. Thế nên, họ chống dịch bằng… nghị quyết. Vì thực sự, rất nhiều kêu gào từ chuyên gia, bác sĩ có uy tín trong và ngoài nước mà vẫn vô tác dụng. Chính phủ đang chống một thứ mà chính họ cũng chưa hiểu biết một cách tối thiểu, gây ra sự lãng phí nguồn lực, nhân lực một cách lớn lao.

6/ Nhầm lẫn thứ sáu là việc đánh đồng việc phản kháng trong ý thức cách ly. Chính phủ đến nay vẫn làm những việc phản khoa học là cách ly tập trung F1 và tất cả các F0 không triệu chứng. Điều này gây ra lây nhiễm chéo hết sức ngớ ngẩn trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

Ngoài ra, việc những trường hợp F1, F0 không triệu chứng hoặc nhẹ chiếm chỗ các giường bệnh cũng khiến ngành y tế gặp vô số gánh nặng không đáng có. Hơn thế, các khu cách ly và bệnh viện dã chiến cũng không đồng bộ về cơ sở vật chất, mỗi lần đưa người tới là tốn một xe 50 chỗ kèm theo đội ngũ y tế, một lực lượng túc trực để làm các công tác dọn dẹp trước, trong và sau khi người dân rời đi.

7/ Nhầm lẫn thứ bảy là việc đánh đồng kinh tế và sinh tồn. Rất nhiều người kêu gọi Sài Gòn cố lên, phải biết hy sinh kinh tế, hy sinh những ham muốn, thú vui cá nhân để chống dịch. Tôi cho điều này chưa chính xác. Vì rất đông người dân ở Sài Gòn đang thoi thóp từng giây theo những chỉ thị. Đối với họ, một ngày trôi qua không phải để sống chậm, tận hưởng, lạc quan hay lướt web học thêm điều gì đó, mà là những giây phút nặng nề đối đầu với sinh tử.

Tại sao có cảnh công nhân ùa ra khỏi công ty bất chấp cổng đã đóng, tại sao người ta phải dắt díu đi bộ hoặc đạp xe về tận Tây Nguyên hay Miền Trung? Quý vị có nghe chăng lời tâm sự của một anh công nhân bị cách ly hơn 30 ngày, chỉ vì trong công ty có bốn ca dương tính, và vợ con ở nhà thì đói meo. “Bế tắc rồi” – anh ta thở dài. Tôi chắc hẳn ai cũng có thể nhịn ăn bún bò một tháng, ăn chay một năm, không bia rượu hay giải trí gì vài tháng liền. Nhưng ở đây ta đang nói tới sự sinh tồn, điều mà nếu không nhờ sự nỗ lực đến mức muốn bật khóc của những tổ chức, hội nhóm từ thiện ngày đêm ra sức hỗ trợ bà con nghèo, vô gia cư hoặc khó khăn trong khu cách ly, chắc người ta đã chết vì đói trước khi chết vì cúm.

8/ Nhầm lẫn thứ tám là nhầm lẫn về vai trò và phương pháp của chính phủ trong việc chống dịch. Phải nói rằng Việt Nam quá may mắn trong cả hai lần bùng dịch. Lần thứ nhất ta đã “tự hào ngạo nghễ” trong khi thế giới “hỗn loạn”. Thế nhưng trái với những gì mà người ta mong đợi, tất cả đều khiến thất vọng, vì sự lúng túng, thiếu trước hụt sau của chính quyền, thất vọng vì dường như chẳng có một kế hoạch hay dự trù nào cho việc nhập, tiêm vaccine. Sự tự tin thái quá khiến Việt Nam rơi vào thế bị động trong khi nơi đây có đủ cơ sở để học tập, tham khảo, nghiên cứu từ các trường hợp khác trên thế giới. Ấy vậy mà những gì xảy ra ở Sài Gòn hơn tháng nay là việc cách ly vô tội vạ, là “khẩn trương” xây bệnh viện dã chiến và khu cách ly, là ứ đọng giao thương khiến nơi thừa, nơi thiếu.

Việc nhà nước “độc quyền chống dịch” trong khi quá nhiều sai phạm, bất cập gây phản cảm đang gây lãng phí tiền của, công sức và sự hy sinh của y tế. Đừng viện lý do rằng nước mình còn nghèo, kinh tế và điều kiện chưa phát triển nữa. Tuy chống dịch là việc hệ trọng, phức tạp và liên quan đến an nguy quốc gia, nhưng rõ ràng những việc mà chính quyền thể hiện chứng tỏ chúng ta không phải nghèo, không phải không đủ kinh tế, không phải không đủ nguồn lực, mà là đang quá chủ quan và đi “trật đường ray”.

Mấy ông lãnh đạo ở xứ mình vừa độc tài lại vừa “mỏng manh” quá, hễ dân chửi hay phản kháng vài ba câu thì đâm ra giận, kể khổ kể khó, rồi gọi dân là thù địch này, phản động nọ, quy chụp là mưu đồ này, ý đồ nọ, bắt dân phải thấu hiểu sự khó nhọc của họ… Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: