Ngày 19-06, Malala Yousafzai, 22 tuổi, chủ nhân giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2014 tốt nghiệp Đại học Oxford chuyên ngành triết học, chính trị và kinh tế.
Năm 2014, khi mới 17 tuổi, Yousafzai được nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình cùng với nhà hoạt động xã hội người Ấn Độ Kailash Satyarthi, và là người trẻ nhất trong lịch sử nhận được giải thưởng lớn này.
Tự truyện “I am Malala” của cô là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới (2013). Tác phẩm được xem là tuyên ngôn đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái ở quốc gia Hồi giáo còn nhiều hà khắc và kiêng kị như Pakistan. Sách do nhà báo Mỹ Patricia McCormick chấp bút.
Tốt nghiệp Đại học Oxford danh tiếng, Malala nhận được nhiều lời chia sẻ tích cực từ cộng đồng, trong đó có phi hành gia Anna McClain.
“Với rất nhiều người, việc tốt nghiệp đại học là bước đầu tiên dẫn đến sự thành công. Với em, quá nhiều điều vĩ đại đã thành hiện thực trước khi học đại học, và tôi không thể tưởng tượng được sẽ còn bao nhiêu điều vĩ đại em sẽ làm sau đó. Thế giới này thật may mắn khi có em.”, Anna McClain viết.

Trong “I am Malala”, Malala Yousafzai kể lại hành trình tới trường bất chấp những nguy hiểm rình rập tính mạng cô. Quân Taliban tràn tới thung lũng Swat – quê hương của Malala, bắt bớ và kiểm soát mọi thứ. Phiến quân cực đoan vào từng gia đình, lấy đi các vật dụng, kể cả radio và tivi. Chúng muốn mọi người bị cô lập, dễ bảo hơn nếu không có học vấn và khó tiếp cận với tin tức.
Những bạn gái của Malala – vốn bị bố và anh trai cấm đi học – giờ bị quân Taliban tiếp tục ngăn đến trường. Trường học, trở thành mục tiêu tấn công của phiến quân. Malala viết blog cho BBC kể chi tiết về cuộc sống của cô và những người xung quanh khi quê hương bị quân cực đoan chiếm đóng. Sự dũng cảm của Malala khiến quân Taliban dọa giết cô. Bố Malala rất lo lắng cho con gái, cô gái tuổi teen vẫn lạc quan và tin mọi chuyện sẽ ổn.
Vào ngày 9-10-2012, do nỗ lực đấu tranh giành quyền được giáo dục cho phụ nữ và trẻ em, Malala đã bị tổ chức khủng bố Taliban mưu sát. Yousafzai may mắn thoát chết trong vụ mưu sát ấy. Cô bé được chuyển đến Bệnh viện Queen Elizabeth ở Birmingham, Anh để chữa trị. Sau khi bình phục, cô trở lại trường học, tiếp tục đấu tranh giành quyền được giáo dục.
Không chỉ những người thân ở Pakistan mà cả thế giới ủng hộ “nữ chiến binh” này. Bố của Malala đã đặt tên con gái theo tên một nữ tướng và cô bé sống đúng như tên của mình.