Khi bạn là “con lai”

Diễn viên Angelababy (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Những người mang hai chủng tộc ở châu Á thường phải đối mặt với nhiều thách thức và có ít cơ hội thăng tiến. Định kiến ​​này vẫn còn phổ biến nhưng các phong trào chống chủ nghĩa phân chủng trên qui mô toàn cầu đang tạo ra sự thay đổi… Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng chứng kiến sự thay đổi như thế này…

Xã hội đang nhìn người hai chủng tộc như thế nào?

Sinh ra có mẹ là người Thái Lan và cha đến từ Châu Phi, vlogger nổi tiếng Natthawadee “Suzie” Waikalo kể lại: “Tôi từng bị các giáo viên bắt nạt, bị đuổi việc vì bị sếp ‘mặc định’ rằng màu da của tôi đã làm cho việc kinh doanh của công ty trở nên tồi tệ! Thậm chí có lúc hành khách trên xe buýt bỏ xuống xe khi tôi ngồi cạnh họ!”. Angela Yeung Wing (Dương Dĩnh), có bố là người Hoa, mẹ người Đức, cũng từng là nạn nhân của kỳ thị. May mắn hơn nhiều người cùng hoàn cảnh, cô hiện là siêu mẫu, doanh nhân thành đạt, được mời tham gia hai bộ phim Hollywood và một số bộ phim bom tấn Trung Quốc. Nổi tiếng với biệt danh “Angelababy”, Angela có hơn 100 triệu người theo dõi trên một mạng xã hội lớn của Trung Quốc (chi phí cho đám cưới năm 2015 của cô là $31 triệu, con số khổng lồ đối với cả tiêu chuẩn thế giới).

Natthawadee và Wing thuộc số hàng trăm ngàn trẻ em mang hai chủng tộc ở châu Á khiến cuộc sống của họ không thể “bình thường” như đa số trang lứa khác. Theo các học giả và nhà bảo vệ nhân quyền, tình trạng phân biệt xảy ra với những người hai chủng tộc là vì nhiều người có thói quen đối xử với người khác tùy vào tình trạng kinh tế xã hội và ngoại hình của họ. Làn da trắng, đôi mắt to hai mí và chiếc mũi hẹp – ưu thế của người da trắng – được xem là hấp dẫn và đáng ghen tị. Nước da sẫm màu và xuất thân từ các gia đình có thu nhập thấp thì ngược lại.

Trong khi đó, có rất nhiều ví dụ về những người đa chủng tộc rất thành công. Diễn viên Úc gốc Lào Ananda Everedham là một trong những ngôi sao hàng đầu tại Thái Lan. Anh xuất hiện trên vô số bảng quảng cáo mỹ phẩm và sản phẩm. Nữ diễn viên người Mỹ gốc Hàn Ella Gross được mạng xã hội gọi là “người mẫu nhí lộng lẫy nhất thế giới”. Số người đẹp đa chủng tộc chiến thắng tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế cũng không hiếm. Nhưng không có “ánh hào quang” nào như thế chiếu vào con cái của những bà mẹ lam lũ, nông dân hay hành nghề mại dâm, những “vợ hờ” ký hợp đồng với lính Mỹ hoặc các “cô dâu được chọn qua thư”.

Ananda Everingham (phải) trên bìa tạp chí Posh (Thái Lan)

Kể từ Thế chiến thứ hai, quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Philippines đã tạo ra nhiều đứa trẻ lai. Napat Chaipraditkul thuộc Viện Đạo đức Eubios ở Thái Lan viết: “Nhận thức ngược đời về luuk krung (tiếng Thái chỉ con lai, kết quả của sự lang chạ giữa một phụ nữ Thái và lính Mỹ) là chúng rất xinh đẹp, hiện đại và đáng mơ ước nếu cha là da trắng. Còn có cha hoặc mẹ gốc Châu Phi thì không và sẽ bị phân biệt đối xử”. Natthawadee bổ sung: “Xã hội Thái Lan vẫn xem màu da đen là không thể chấp nhận được. Bạn không thể thành công với màu da này”.

Những thay đổi tích cực

Có một số dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi tích cực trong tư duy của người Thái về con lai nhờ tác động của toàn cầu hóa và các phong trào chống phân biệt chủng tộc gần đây như “Black Lives Matter”. Ngoài ra, khi sự sùng bái người nổi tiếng lan rộng thì xuất thân sắc tộc của một ngôi sao và ngoại hình cũng không còn quan trọng như trước. Đen nhẻm hay béo ị không còn là vấn đề. Đó là trường hợp của nhà vô địch đơn nữ bốn lần các giải Grand Slam quần vợt Naomi Osaka, có mẹ là người Nhật, cha người Haiti khi cô được chọn cầm đuốc thắp sáng ngọn lửa khai mạc Thế vận hội Tokyo vừa qua, điều mà chỉ vài năm trước là không tưởng!

Tay golf Tiger Woods, con trai của một sĩ quan quân đội Mỹ gốc Phi và mẹ người Thái Lan, được trao huy chương hoàng gia và quyền công dân danh dự của Thái Lan trong chuyến thăm quê hương của mẹ anh thời ông Abhisit Vejjajiva làm thủ tướng. Excelsa Tongson thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phụ nữ tại Đại học Philippines nhận định: “Hầu hết người Philippines đều nhìn về các ngôi sao Hollywood và thích bắt chước vẻ đẹp chuẩn của Hollywood. Những diễn viên có tên họ ngoại quốc và có cha mẹ là người da trắng đến từ Mỹ hoặc Châu Âu thường nổi tiếng ngay lập tức”.

Sự phát triển địa chính trị cũng tạo thuận lợi rất nhiều cho những người mang hai chủng tộc, trong đó có hàng ngàn “trẻ bụi đời”, con rơi của lính Mỹ tham gia Chiến tranh Việt Nam mà một số bị mẹ bỏ rơi và nhiều người không bao giờ biết tên cha. Sau khi di cư sang Mỹ và tìm lại được cha mình sau 27 năm, Jimmy Miller, con trai của một lính Mỹ, đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận “Con lai Mỹ-Á Không biên giới” (Amerasians Without Borders). Dùng phương pháp truy tìm DNA, ông đã xác định được một số con lai còn ở Việt Nam đã trên dưới 50 tuổi và giúp đưa họ sang Mỹ. “Tình trạng của những người này đã tốt hơn theo thời gian và khi hai quốc gia từ kẻ thù trở thành bạn” – ông nói, ám chỉ hai chính phủ Mỹ-Việt cùng có mối quan tâm chung là chống lại sức mạnh đang tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á (nguồn tham khảo: Asia’s biracial children face challenge and opportunity, Nikkei Asia, 20 Tháng Mười 2021).

Naomi Osaka tại Met Gala 2021 (ảnh: Mike Coppola/Getty Images)

Nhưng định kiến vẫn còn nơi này nơi khác

Nhà nghiên cứu xã hội học Lawrence Yoshitaka Shimoji văn phòng tại Tokyo nhận định: “Người Nhật, đặc biệt thế hệ trẻ, có xu hướng chấp nhận hafu (hai chủng tộc) nhiều hơn. Các nhà hoạt động trẻ chống phân biệt đã thành lập các nhóm thiện nguyện, tổ chức các cuộc biểu tình và sử dụng mạng xã hội để đăng thông tin về nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và quyền của thiểu số lao động tình dục”. Tuy nhiên, một số hafu vẫn bị từ chối việc làm, bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, không cho thuê nhà hoặc bị báng bổ.

Một số con lai ở Nhật Bản cho biết thỉnh thoảng họ lại bị hỏi: “Mày có thực sự là người Nhật không? Nhìn mày không giống ai cả!”. Tại Thái Lan, những người thuộc hai chủng tộc thường bị nói móc như: “Tưởng mày không thể ăn đồ cay như người Thái!”. Việc trở thành ngôi sao của Osaka, một công dân Nhật thông thạo văn hóa Nhật nhưng chủ yếu sống ở Mỹ, cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về “ý nghĩa của việc là người Nhật Bản”. Trong khi những người hâm mộ Osaka xem chiến thắng của cô là “chiến thắng của người Nhật” thì số khác lại dùng tiêu chuẩn kép, với câu hỏi “Naomi là niềm tự hào của Nhật Bản? Nhận xét này chỉ khiến tôi phát ốm! Các hafu không thể là người Nhật đúng nghĩa được!”.

Sự phức tạp ở chỗ trong nhiều trường hợp, vấn đề không hẳn nằm ở yếu tố phân biệt chủng tộc mà là quan niệm về sắc đẹp. Việc đánh đồng da trắng với cái đẹp đã có từ nhiều thế kỷ trước ở một số xã hội châu Á. Hơn 2,000 năm trước, dưới triều đại nhà Hán, người Trung Quốc đã đánh đồng làn da trắng với “vẻ đẹp, giàu có và đẳng cấp cao trong xã hội” trong khi những người da ngăm đen bị xem là nông dân hoặc “nô bộc rám nắng”. Đến thế kỷ thứ tám, phụ nữ Nhật Bản vẫn còn sử dụng bột làm trắng da để làm đẹp.

Ngày nay, châu Á chiếm hơn phân nửa trong tổng chi tiêu $13 tỷ mỗi năm trên toàn cầu cho các sản phẩm làm sáng da (báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Future Market Insights có trụ sở tại Dubai), bất chấp phản ứng dữ dội khiến một số công ty mỹ phẩm quốc tế phải rút các “sản phẩm phân chủng” ra khỏi quầy hàng hoặc thay đổi cách quảng cáo. Ở Trung Quốc, nhiều điện thoại thông minh có app tự động làm trắng da, sáng tóc và làm mắt to ra cho các ảnh selfie. Hiện có gần 7,000 sản phẩm làm trắng da dành cho nam giới có thể mua dễ dàng qua Alibaba, tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc.

“Người Mỹ gốc Á” – HỌ THẬT SỰ LÀ AI?

Cụm từ “Người Mỹ gốc Á” (Asian American) được dùng để phản ánh sự dịch chuyển của người châu Á, phần lớn là người Đông Á, đến Mỹ sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật nhập cư mới vào năm 1965 gọi là Hart-Celler, trong đó dỡ bỏ các hạn chế về di cư và mở cửa đất nước cho hàng triệu di dân. Theo số liệu điều tra dân số mới nhất của Mỹ, hiện có gần 20 triệu người Mỹ gốc Á đến từ hơn 20 quốc gia khác nhau, tăng gấp ba so với 6.6 triệu người gốc Á sống ở Mỹ vào năm 1990.

Jason Leung/Unsplash

Trong hai thập niên gần đây, họ là nhóm nhân khẩu học tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ. Những người mới đến không chỉ định cư ở New York và California, mà còn ở khắp nơi, từ Dakotas, Indiana đến West Virginia. Hầu hết họ không có mối liên hệ thực sự nào với thuật ngữ “Người Mỹ gốc Á” do các nhà hoạt động sinh viên tại Đại học California ở Berkeley đặt ra vào năm 1968 và được xem là mang ý nghĩa chính trị vào thời điểm mà các tổ chức “thức tỉnh” như Black Panthers và Phong trào Chicano (Chicano Movement) thống trị khuôn viên các trường đại học.

Ngày nay, “Người Mỹ gốc Á” chủ yếu chỉ là một thuật ngữ đơn thuần mô tả nhân khẩu học của những người “trông giống nhau”. Và nếu những người trông giống nhau bị tấn công trên đường phố thì chắc chắn những kẻ tấn công họ không biết gì về sự khác biệt giữa người gốc Việt Nam và gốc Trung Quốc. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, người Mỹ gốc Á có mức chênh lệch thu nhập (trong cộng đồng họ sống) lớn nhất so với bất kỳ nhóm chủng tộc nào khác ở Mỹ.

Trong khi một hộ gia đình người Mỹ gốc Ấn trung bình kiếm được $119,000 một năm thì một gia đình Miến Điện chỉ kiếm được trung bình $44,400 và 25% người nhập cư Miến Điện sống dưới mức nghèo khổ. Đối với người Philippines, con số còn thấp hơn: 7%! Về sự can dự của họ vào đời sống chính trị Mỹ, một khảo sát vào mùa hè năm 2020 cho thấy 65% ​​người Mỹ gốc Ấn nói sẽ bỏ phiếu cho Joe Biden, 28% cho Donald Trump và 6% lưng chừng. Đối với người Việt Nam, 36% cho Biden, 48% cho Trump và 16%… không biết. Số do dự của người Mỹ gốc Hoa chiếm đến 23% (nguồn tham khảo: The myth of Asian American Identity – New York Times, 5 Tháng Mười 2021).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: