Sam Altman, người sinh ra để “thiết kế” tương lai

Share:
Sam Altman (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Năm 2012, trong một chuyến dã ngoại với bạn bè ở Bắc San Francisco, Sam Altman đã từ bỏ quan điểm cho rằng “con người là loài duy nhất có trí khôn”. Khi cả nhóm thảo luận về những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), anh khẳng định:

“Hoàn toàn không có lý do gì để tin rằng trong khoảng 13 năm nữa chúng ta vẫn không tạo được phần cứng có khả năng bắt chước bộ não con người. Máy móc có những lợi thế nhất định khi đưa trí khôn cho nó”. Hiện con người có nhiều giấc mơ và tham vọng này là đồng cha đẻ của OpenAI, công ty đứng sau công cụ ChatGPT đang làm mưa làm gió khắp thế giới.

Người kế thừa xuất sắc

Vào một buổi tối Tháng Năm dịu mát, 30 doanh nhân hàng đầu của Silicon Valley tập trung trong một căn phòng riêng tại Berlinetta Lounge ở thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California. Paul Graham nhìn qua những người sáng lập các công ty khởi nghiệp Instacart, DoorDash, Docker và Stripe, nói: “Đây chính là Silicon Valley!”.

Tất cả những người sáng lập đều xuất thân từ chương trình đào tạo của “vườn ươm tài năng” Y Combinator (“cỗ máy gia tốc” khởi nghiệp mà Paul Graham là đồng sáng lập) trong một khoá huấn luyện dài ba tháng, tổ chức hai lần một năm, về cách trở thành “unicorn” (kỳ lân-tên gọi của Silicon Valley dành cho các công ty tỷ đô). Năm 2016, mười ba ngàn công ty phần mềm non trẻ nộp đơn xin tham gia Y Combinator (YC) nhưng chỉ có hai trăm bốn mươi công ty được chấp nhận. Sau khi đã đào tạo xong cho 1,300 công ty khởi nghiệp, YC giờ đây tự hào về sức mạnh của một “quốc đảo” (island nation).

Năm 2014, Graham chọn Altman 31 tuổi, kém ông 20 tuổi, để kế nhiệm cương vị chủ tịch YC. Hai người đàn ông có chung một tình bạn thân thiết và lòng “nhiệt thành kiểu tôn giáo” với công ty. Khi Graham đề xuất, Altman sẽ xử lý. Altman luôn trong tư thế sẵn sàng tấn công như một con cú sừng. Ngay cả tại Silicon Valley thích tôn thờ năng suất, anh vẫn là kẻ ngoại đạo, ít khi rời mắt khỏi e-mail và các cuộc họp, như thể bị trói vào một quả bom hẹn giờ. Cái nhìn chằm chằm không chớp mắt của Altman như mệnh lệnh buộc các đồng nghiệp phải tăng tốc cho đến khi không thể tăng được nữa!

Thích những ý tưởng siêu phàm nhưng anh ít chú ý đến chi tiết của các ứng dụng mà nhiều công ty khởi nghiệp xuất thân từ YC tạo ra, mà chỉ quan tâm tác động tiềm tàng của chúng đối với thế giới. Patrick Collison, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty thanh toán điện tử Stripe, ví bộ não của Altman như cỗ máy ngoạm (claw machine): “Nó lang thang xung quanh nhưng có khả năng lao xuống rất nhanh khi cần thiết”.

Khi tiếp quản YC, Altman được thừa hưởng một “lò ấp” khổng lồ, nơi giúp hình thành những công ty startup đầy sáng tạo nhất nhì Silicon Valley. Nhà đầu tư mạo hiểm Chris Dixon nhận xét: “YC đã tạo ra mô hình kinh doanh vĩ đại nhất mọi thời đại và chiếm đến bảy phần trăm trong số công ty khởi nghiệp tốt nhất ở Thung lũng Silicon!”. Nói chung, các công ty của YC trị giá $80 tỷ, mức định giá tăng gấp 17 lần trong 5 năm qua.

Khi ngồi ghế quản trị YC, Altman quyết định làm mới lại gần như mọi thứ. Sau khi trao đổi với mười sáu đối tác khác của “cỗ máy gia tốc” YC, Altman đưa ra sáng kiến hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sớm hơn trong vòng đời của chúng và dành ra một quỹ để tiếp tục đầu tư bổ sung khi chúng phát triển. YC sẽ không còn đưa các công ty khởi nghiệp ra khơi trên những con tàu ọp ẹp mà tung ra những đội tàu bọc thép để khẳng định đế chế với tham vọng “xuất xưởng” không phải vài trăm công ty mỗi năm mà là hàng ngàn, rồi mười ngàn.

Giống như mọi người ở Silicon Valley, Altman tuyên bố muốn… cứu thế giới và đã có kế hoạch thực hiện. Anh nói: “Xét về mặt nào đó, YC chỉ điều hướng quá trình công nghệ. Nhưng người tiêu dùng sẽ quyết định”. Ngay sau khi tiếp quản YC, anh viết một bài đăng trên blog, nhấn mạnh: “Khoa học dường như đã hỏng” và kêu gọi sẽ sớm có các ứng dụng (application) mới từ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, người máy (energy, biotech, artificial intelligence, robotics) và tám lĩnh vực khác.

Đối diện với Altman trong bữa tối, CEO của một công ty khởi nghiệp về phân hạch hạt nhân hào hứng thúc giục người sáng lập một công ty khởi nghiệp về điện toán lượng tử (quantum-computing) hãy sớm đưa cỗ máy dựa trên nguyên tử nhân tạo (artificial-atom-based machine) của mình ra thị trường: “Những chiếc máy này sẽ rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm của chúng tôi từ 10 đến 20 lần!” – anh ta nói.

Ủng hộ tuyệt đối đảng Dân chủ, Sam Altman là người ăn chay trường và người đồng tính công khai (ảnh: Miikka Skaffari/Getty Images for Ketel One Vodka)

Thay thế Silicon Valley?

Việc Altman nhanh chóng xây dựng được một “quốc đảo” ở Silicon Valley được nhiều người xem là nhằm mục đích thay thế Silicon Valley bằng một hiệp hội các doanh nhân siêu tư bản cùng giúp nhau sửa chữa “một thế giới đã hỏng về khoa học”. Altman nhắc nhở những người rụt rè, ngại đột phá: “Nền dân chủ chỉ có tác dụng trong một nền kinh tế phát triển. Nếu không tăng trưởng kinh tế trở lại, thí nghiệm dân chủ sẽ thất bại. Tôi tin YC cực kỳ quan trọng cho sự tăng trưởng đó”. Để đạt được kế hoạch đề ra, Altman lập một danh sách các mục tiêu mỗi năm và cập nhật vài tuần một lần. Danh sách có cả mục tiêu thể chất (như đạp xe đạp hàng trăm dặm mỗi tuần hoặc 50 lần kéo xà liên tiếp) lẫn các mục tiêu công việc.

Altman luôn nhanh nhạy và hiệu quả. Khi mới 8 tuổi, hồi còn sống cùng gia đình ở St. Louis, Sam Altman đã tự học cách lập trình và tháo rời máy Macintosh và chiếc máy tính này đã trở thành con đường đưa anh ra thế giới. “Lớn lên là người đồng tính ở vùng Trung Tây, tôi không hề thoải mái chút nào. Việc tìm kiếm các phòng trò chuyện AOL với người đồng tính khác là một bước chuyển mình. Giữ bí mật càng tồi tệ hơn khi bạn mới 11, 12 tuổi” – anh kể.

Khi Altman nói thật với cha mẹ về giới tính của mình ở tuổi mười sáu, mẹ anh rất ngạc nhiên. Sau khi một cuộc thảo luận mở về tình dục tại ngôi trường dự bị đại học John Burroughs bị một nhóm Cơ đốc giáo tẩy chay, Altman liều mạng tự nhận mình là người đồng tính và hỏi liệu trường học muốn trở thành một nơi đàn áp hay một nơi cởi mở cho những khác biệt?”.

Madelyn Gray, chuyên viên tư vấn thời đại học của Altman, nhận xét: “Những gì Sam làm đã thay đổi trường học. Cảm giác như ai đó đã mở một chiếc hộp lớn chứa đầy đủ các loại học sinh để chúng đàng hoàng bước ra thế giới”. Sau đó Altman vào Đại học Stanford, nơi anh dành hai năm học khoa học máy tính, cho đến khi cùng hai người bạn chung bỏ học để dành toàn thời gian phát triển Loopt, một ứng dụng di động cho bạn bè biết mình đang ở đâu.

Công ty khởi nghiệp Loopt tham gia đợt đào tạo đầu tiên của Y Combinator và Altman xuất sắc vượt qua bài kiểm tra dành cho những người sáng lập công ty trẻ tuổi. Paul Graham còn nhớ “ánh hào quang” của Altman: “Sam cực kỳ giỏi, đặc biệt khi cần thể hiện sự mạnh mẽ!”.

Altman làm việc quá sức vào mùa Hè năm đó đến nỗi anh mắc bệnh còi xương. Gây ấn tượng mạnh trong buổi giới thiệu Loopt với các nhà cung cấp dịch vụ di động, anh chốt được thỏa thuận với họ và đưa giá trị của công ty lên $175 triệu. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại không quan tâm. Năm 2012, anh và những người sáng lập khác phải bán công ty với giá $43 triệu.

Alman còn bị cú sốc khi Nick Sivo, một trong những người đồng sáng lập với anh tại Loopt (cũng là bạn trai hẹn hò trong 9 năm của anh) chia tay anh sau khi bán công ty. “Tôi nghĩ mình sẽ cưới anh ấy vì tôi rất yêu anh ấy” – Altman nói. Thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm nhỏ Hydrazine Capital bằng tiền đóng góp $21 triệu từ Peter Thiel và phần lớn trong số $5 triệu kiếm được từ việc bán Loopt, Alman đầu tư 75% quỹ vào các công ty thuộc YC.

Có sở trường “tìm kiếm cơ hội trong sự hỗn loạn”, Altman thích đầu tư vào những công ty đang lộn xộn, mất định hướng. Tham vọng của anh là muốn tạo ra một tập đoàn trị giá hàng ngàn tỷ đôla và đưa thế giới tiến lên. Nhưng anh nhận ra, “không thể có một doanh nghiệp ngàn tỷ đô nếu không có những tiến bộ khoa học lớn”.

Vì vậy, Altman mở các đợt tuyển dụng chuyên viên công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và kỹ thuật tại các công ty “thất bại” anh tiếp quản và tuyển dụng những người giỏi nhất vào ban giám đốc. Altman đã giúp thuyết phục Kyle Vogt, CEO của công ty xe tự lái Cruise tham gia YC vào năm 2014. Sau đó, khi Cruise tìm không ra nhiều nguồn tài trợ, Sam Altman đã đầu tư $3 triệu vào công ty. Kế hoạch thành công. Chỉ không lâu sau, General Motors mua Cruise với giá $1.25 tỷ.

OpenAI

OpenAI, tổ chức phi lợi nhuận Altman thành lập cùng với Elon Musk, là màn đánh cược có dựa báo trước rủi ro để chấm dứt sự thống trị của con người. Dario Amodei, nhà nghiên cứu tại Google Brain, đến thăm văn phòng Open AI và nói với Altman “không ai hiểu sứ mệnh của các bạn là gì!”. Lúc đó, họ huy động được $1 tỷ và thuê một nhóm ấn tượng gồm ba mươi nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, sau đó, tin rằng AI sẽ phá hủy thế giới, Elon Musk rút lui.

Trái sang: Đồng sáng lập-Chủ tịch OpenAI Greg Brockman; Đồng sáng lập-CEO của OpenAI Sam Altman; biên tập viên TechCrunch News Frederic Lardinois trong một hội thảo về công nghệ tại San Francisco, California năm 2019 (ảnh: Steve Jennings/Getty Images for TechCrunch)

Một công ty của YC bắt đầu sử dụng AI bot “Hal9000” để giúp nó sàng lọc các đơn đăng ký đầu vào. Các mục tiêu ban đầu của OpenAI cũng được công bố, gồm một robot gia dụng có thể tự dọn bàn. Mục tiêu dài hạn hơn là xây dựng một hệ thống AI có thể vượt qua bài kiểm tra Turing và thuyết phục mọi người rằng nó giống như con người. Altman tin rằng AI nên tập trung nhiều hơn vào sáng tạo và làm mọi thứ để được thế giới chấp nhận.

The New Yorker thuật, dưới thời Altman, YC được xem là một dạng “Liên Hợp Quốc trong bóng tối”. Mùa Xuân năm 2016, Altman gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tại một triển lãm thương mại ở San Francisco. Carter nói: “Chúng tôi muốn làm việc với bạn tại Silicon Valley. Bạn hãy khai thác tốt nhất các kiến thức chuyên môn”. Altman trả lời: “Điều đó sẽ rất tuyệt. Ngài có thể là khách hàng lớn nhất thế giới của chúng tôi”.

Carter nhắc là chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển AI được Bộ Quốc phòng đề xuất trong năm tới sẽ cao hơn gấp đôi chi tiêu cho AI của Apple, Google và Intel cộng lại. “Nhưng rất nhiều công ty khởi nghiệp thất vọng vì phải mất hơn một năm mới nhận được phản hồi từ Bộ” – Carter để ngón trỏ vào thái dương như một khẩu súng và bóp cò. Altman trả lời: “Sẽ nhanh hơn nếu ngài thiết lập một điểm liên lạc duy nhất và sớm có quyết định khởi động các chương trình thử nghiệm với các công ty YC. Trong vòng hai tuần là tốt nhất”.

“Tuyệt” – Carter nói, liếc nhìn một trong bảy trợ lý của mình và hỏi Altman: “Còn gì nữa không?”. Altman suy nghĩ một lúc: “Nếu ngài hoặc một trong những cấp phó của ngài thường xuyên tiếp xúc với YC thì còn tuyệt vời hơn nữa”. Carter đồng ý ngay: “Tôi sẽ tự làm!”. Chris Lynch, cựu giám đốc điều hành của Microsoft lúc đó là người đứng đầu bộ phận kỹ thuật số của Carter, nói với Altman: “Thật tốt khi chúng ta bàn về OpenAI”… Altman gật đầu đồng ý. Ngân sách quân sự năm 2017 của Mỹ đã phân bổ $3 tỷ cho sự hợp tác giữa con người và máy móc trong dự án “Centaur Warfighting” (Chiến tranh nhân mã). Một hệ thống AI của OpenAI sẽ tiếp nối dự án này. Tại Stanford, Altman từng làm việc trong một dự án của DARPA (cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng) liên quan đến máy bay trực thăng không người lái.

Giờ đây, với vị trí CEO của OpenAI, Sam Altman đang muốn thay đổi mọi thứ. Anh muốn thay đổi Google. Anh muốn thay đổi Facebook. Anh muốn thay đổi cách mà con người sống, ở một kỷ nguyên tiếp theo, khi những bộ não máy sống cùng với con người.

_________________

Sam Altman

Sinh ngày 22 Tháng Tư 1985 trong một gia đình Do Thái, Sam Altman lớn lên ở St. Louis, Missouri. Năm 2005, ở tuổi 19, Altman đồng sáng lập và trở thành Giám đốc điều hành Loopt. Altman bắt đầu làm đối tác bán thời gian tại Y Combinator vào năm 2011. Vào Tháng Hai 2014, Altman được người đồng sáng lập, Paul Graham, bổ nhiệm làm Chủ tịch Y Combinator.

Altman được Forbes vinh danh là một trong những nhà đầu tư dưới 30 tuổi xuất sắc nhất nước Mỹ vào năm 2015. Sam Altman đầu tư vào rất nhiều công ty, trong đó có Airbnb, Stripe, Reddit, Asana, Pinterest, Teespring, Zenefits, FarmLogs, True North, Shoptiques, Instacart, Optimizely, Verbling, Soylent, Reserve, Vicarious… Anh cũng là Chủ tịch hội đồng quản trị của Helion và Oklo, hai công ty năng lượng hạt nhân. Sam Altman đang là Giám đốc điều hành OpenAI, công ty mẹ của ChatGPT đang làm mưa làm gió thế giới.

______________

Tán gẫu với Albert Einstein

Big Tech nhốn nháo trước ảnh hưởng dữ dội của ChatGPT

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: