‘The Paper Tigers’ và khát vọng mang phim Việt ra thế giới

Share:
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
‘The Paper Tigers’ và khát vọng mang phim Việt ra thế giới
/

Những tháng cuối năm 2021, Squid Games (Trò chơi con mực) của điện ảnh Hàn Quốc “tung hoành” trên Netflix ở 90 quốc gia, phủ sóng gần như toàn bộ giờ xem phim gia đình trên truyền hình Mỹ. Cùng lúc ấy, có một phim của đạo diễn trẻ gốc Việt được tạp chí GoodHouseKeeping đưa vào danh sách “Những phim hay nhất của Netflix vinh danh hiện tượng làng điện ảnh châu Á” (The Best Films on Netflix that celebrate the Phenomenal Scope of Asian Cinema). Đánh dấu sự thành công của phim còn là giải thưởng Breakthrough Award 2021 của APAPA HQ (Asian Pacific Islander American Public Affairs) – một tổ chức vinh danh ảnh hưởng văn hóa Á châu trên nước Mỹ.

Phim còn được Rotten Tomatoes, trang đánh giá phim uy tín của Mỹ, bầu chọn là “Phim võ thuật xuất sắc nhất 2021” với số điểm 98%.

Chưa hết, ngay trong những ngày đầu của năm 2022, cuốn phim của đạo diễn gốc Việt này được trang Screen Rant, trang mạng nổi tiếng nói về phim ảnh và các chương trình truyền hình, bình chọn là một trong những phim võ thuật hay nhất của năm 2021, bên cạnh những phim “bom tấn” khác của Hollywood như “No Time To Die”, “Prisoners Of The Ghostland”.

Đó là The Paper Tigers – Tam Chỉ Hổ, tác phẩm điện ảnh đầu tay gây tiếng vang của Trần Quốc Bảo, đạo diễn kiêm kịch tác gia của phim. 

Ước mơ

Trần Quốc Bảo mê phim ảnh từ bé, đặc biệt phim võ thuật. Hồi còn nhỏ, cậu bé Trần Quốc Bảo chọn ngôi sao phim võ thuật Lý Tiểu Long là “thần tượng” mình. Bảo nói: “Ở nhà Bảo xem phim đánh võ của Lý Tiểu Long. Ra rạp Bảo xem phim hành động của Mỹ. Bảo cũng được học võ từ nhỏ và rất mê kung fu”.

Trần Quốc Bảo, đạo diễn kiêm kịch tác gia của phim The Paper Tigers. (Ảnh: Trần Quốc Bảo)

Như phần lớn gia đình Việt Nam truyền thống khác, cha mẹ của Bảo, những người vượt biển tìm tự do năm 1977, cũng có tư tưởng “muốn con cái trở thành kỹ sư, bác sĩ”. Họ đặt để ước vọng đó vào cậu con trai út. Bảo không phụ lòng cha mẹ. Anh tốt nghiệp ngành kỹ sư điện toán. Tuy nhiên, Bảo vẫn không thể dứt được niềm đam mê điện ảnh. “Khi nhỏ xem phim Lý Tiểu Long rồi lớn lên thì xem phim Thành Long. Bảo thích cách dựng phim và phong cách võ thuật của họ nên mơ ước sau này mình trở thành đạo diễn” – Bảo tâm sự. 

Đạo diễn Trần Quốc Bảo (trái) đang hướng dẫn một cảnh quay. Ảnh: Trần Quốc Bảo.

Trần Quốc Bảo là thế hệ người Mỹ gốc Việt thứ hai (những người sinh ra và lớn lên ở Mỹ) được nuôi dưỡng giữa hai nền văn hóa. Anh nói: “Bạn bè tập võ của Bảo là Mỹ trắng, Mỹ đen, châu Á. Mọi người tuy có nguồn gốc văn hóa khác nhau nhưng đều lớn lên ở Mỹ, hiểu và giúp nhau. Có những chuyện mà nếu mình không ‘sống’ cùng với nhau, mình sẽ không thể hiểu nhau được, không thể hòa nhập với nhau được”. Điều Bảo muốn là làm sao để diễn đạt văn hóa và giá trị nhân bản của con người, nói rộng hơn, của dân tộc mình, trên cái nền văn hóa đa dạng. Anh nhớ rõ những cảm xúc khó quên hồi còn nhỏ. Khi đó, lúc đến trường với phần ăn trưa thuần Việt như nhiều đứa trẻ Việt Nam khác, Bảo cảm thấy “mắc cỡ” và bối rối vì những món ăn của mình lạ kỳ so với bạn bè. Cơm, thịt, canh… dường như rất lạc lõng với những chiếc hambuger, khoai tây chiên, xúc xích… của các bạn Mỹ trắng.

Chặng đường mười năm

Từ những câu chuyện đời nho nhỏ của mình, Bảo gom góp câu chuyện của ba anh em “khác cha khác mẹ, cùng sư phụ” để đưa vào The Paper Tigers. Tinh thần thượng võ và tình huynh đệ thể hiện rõ trong kịch bản phim. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ba nhân vật chính của The Paper Tigers mang ba sắc tộc khác nhau. Họ là Danny do Alain Uy, gốc Philippines thủ vai; Jim – do Mykel Shannon Jenkins, là người Mỹ da màu; và Hing do diễn viên Ron Yuan, gốc Hàn Quốc thể hiện. Cả ba là sư huynh đệ đồng môn, những người yêu và sống chết với kung fu. Dàn diễn viên của phim còn có sự tham gia nhiều thanh niên trẻ gốc Việt khác.

Ba diễn viên chính trong phim. Từ trái: Ron Yuan, Alain Uy, Mykel Shannon Jenkins. (Ảnh: Trần Quốc Bảo.)

Khoảng mười năm trước, nhân cơ hội làm việc với diễn viên, đạo diễn người Mỹ gốc Việt Dustin Nguyễn ở Việt Nam, Trần Quốc Bảo đã “chào hàng” kịch bản The Paper Tigers cho các nhà sản xuất phim trong nước. Lúc ấy, dù kịch bản được khen ngợi nhưng anh được yêu cầu “đổi sang câu chuyện của người Việt Nam”. Bảo từ chối. “Cảm hứng của phim là câu chuyện của những người sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Họ gặp phải ‘conflict’ trong cuộc sống và công việc giữa hai nền văn hóa. Cuối cùng, vì họ là sư huynh đệ, cùng yêu võ thuật, kính trọng sư phụ, muốn trả thù cho sư phụ nên đã hợp sức với nhau” – Bảo kể. 

Nhóm làm phim The Paper Tigers mất hơn bốn năm để tìm nhà sản xuất sau khi họ từ chối nguồn đầu tư Hollywood cũng với lý do “phải thay đổi màu da của phim”. Bảo cũng từ chối hàng triệu đôla của một nhà sản xuất vì họ yêu cầu anh phải để tài tử gạo cội Bruce Willis đảm nhận vai chính. Thời gian đó, Trần Quốc Bảo nỗ lực làm việc dành dụm tiền và tiếp tục đi tìm nhà đầu tư khác. “Bảo rất cứng đầu. Bảo không muốn bỏ cuộc vì như vậy chẳng khác gì thừa nhận thất bại. May mắn là sau khi Bảo nói chuyện với một số cá nhân, công ty nhỏ, họ tin Bảo thành công nên mỗi người đầu tư một chút. Bảo nghĩ cũng do mọi người muốn có một phim do người Việt thực hiện” – anh kể.

Bảo đã mất gần mười năm, trong đó hai năm hoàn thành kịch bản, sáu năm đi tìm kinh phí và hai năm thực hiện phim. Ekip quy tụ khá đông người Mỹ gốc Việt. Một trong những nhà sản xuất là Al’n Duong. Ba diễn viên võ thuật chính góp mặt trong phim là Phillip Đặng, Andy Lê và Brian Lê, đều là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, đam mê điện ảnh và không xa lạ với nghệ thuật thứ bảy. Thông điệp phim được Trần Quốc Bảo giữ đúng theo kịch bản gốc của anh. Đó là “sức mạnh đoàn kết của một cộng đồng người Mỹ đa sắc tộc”. 

Phim được công chiếu rạp vào thời điểm nước Mỹ bùng nổ phong trào StopAsianHate. The Paper Tigers xuất hiện đúng lúc, như một thông điệp “load and clear” của những người trẻ gốc Á chống nạn kỳ thị chủng tộc. The Paper Tigers vinh dự được trao giải Breakthrough Award 2021 của APAPA HQ (Asian Pacific Islander American Public Affairs). Bảo nói, sự kiên nhẫn không bỏ cuộc trong suốt gần mười năm của anh cũng như triết lý “Be water” (“Tượng thủy nhất dạng” – uyển chuyển theo nước) của Lý Tiểu Long. “Hãy tự tin và giữ vững tinh thần. Cạnh đó mình phải biết học hỏi xung quanh, thay đổi những điều chưa đúng để có thể đạt kết quả tốt đẹp” – Bảo tâm sự. 

Khát vọng

Những ngày cuối năm 2021, Trần Quốc Bảo và dàn diễn viên trẻ gốc Việt mang The Paper Tigers giới thiệu đến nhiều tiểu bang ở Mỹ. Sự thành công The Paper Tigers có thể được xem như là thể hiện niềm khát vọng tiến dần và sâu hơn vào nền công nghiệp điện ảnh của “người gốc Việt ở Hollywood” – theo Phillip Đặng, một trong những diễn viên gốc Việt trong The Paper Tigers.

Là võ sư wushu kiêm diễn viên đóng thế chuyên nghiệp Hollywood, Phillip (tên tiếng Việt là Phi) nói, dù anh nhận một vai nhỏ trong phim nhưng anh cảm thấy tự hào vì “đây là một phim có nội dung sâu sắc và do người Việt chúng ta làm”. Phillip mê diễn xuất từ nhỏ. Khi nghe tin The Paper Tigers tuyển diễn viên, Phillip đã chạy xe gần ba giờ đồng hồ để đến địa điểm thử vai. Sau đó, dự án phim bị gián đoạn do chưa tìm nguồn đầu tư. Vài năm sau, Phillip mới nhận được cuộc điện thoại của Bảo mời anh vào vai diễn. Ngoài công việc ở trường dạy võ và làm diễn viên đóng thế chuyên nghiệp, Phillip dành thời gian rảnh để viết kịch bản và dựng kịch ngắn.

Diễn viên Phillip Đặng trong một lần dự cuộc thi USA Wushu Team Trials tại Tysons Corner, Virginia (Ảnh: Brandon Sugiyama)

Phần mình, Trần Quốc Bảo cho biết, anh không được đào tạo từ trường làm phim, và kinh nghiệm có được là do học từ bạn bè cũng như những người đi trước. Bảo kể thêm, trong quá trình quay The Paper Tigers, không ngày nào không có “cãi vã”, “nhưng cuối cùng, tất cả đều làm việc với tinh thần chuyên nghiệp, thẳng thắn, tôn trọng nhau, tôn trọng kịch bản, Bảo và mọi người đã vượt qua những khó khăn đó” – Bảo kể lại. 

“Vì sao chỉ trong thời gian không quá dài, Hàn Quốc đã có những tác phẩm điện ảnh gây chấn động thế giới? Vì họ dựng nội dung tốt và diễn viên nhập vai hoàn hảo. Điện ảnh Mỹ cũng vậy. Diễn viên đọc từng ‘line’, đặt mình vào nhân vật. Thêm nữa, họ khiêm tốn và chấp nhận những góp ý trung thực từ người khác” – Phillip nói. Chàng trai sinh năm 1982 cố diễn đạt suy nghĩ của mình giữa tiếng Anh, tiếng Việt bập bẹ: “Trong khi đó, người Việt chuộng hình thức và thích nghe khen hơn chê. Nếu để ý sẽ thấy những bài viết về phim Việt trong nước không có sự phản ảnh trung thực. Tại sao khi một phim Mỹ ra đời thì báo chí họ có những bài phân tích rất thực, hay nói hay, dở thì chê dở. Diễn viên đóng chưa hay thì nói thẳng là chưa hay. Phim Việt thì chưa có được điều đó”. Phillip nói thêm rằng, chỉ khi nào người Việt “khiêm tốn hơn trong công việc, không ngại học hỏi lẫn nhau thì công nghệ điện ảnh của người Việt mới mong đạt được vị trí như Hàn Quốc”. 

The Paper Tigers của Trần Quốc Bảo và dàn diễn viên gốc Á có thể được xem là một khởi đầu đầy lạc quan của những nhà làm phim người Mỹ gốc Việt đang ôm khát vọng bước sâu hơn vào thế giới cạnh tranh khốc liệt Hollywood. Họ ý thức được chặng đường phía trước còn dài và nhiều thách thức nhưng cùng lúc họ vẫn tự tin, với triết lý “Be water”, giúp họ có thể uyển chuyển vượt qua mọi rào cản. 

Đọc thêm:

Chuyện của Đại Uý Lục Quân, Nha Sĩ nhi khoa Andrew Võ

Ashley Nguyễn Dewitt, người thổi hồn vào phim hoạt hình Mỹ

Bảo Võ, chàng nghệ sĩ gốc Việt dùng màu sắc ‘vẽ’ âm nhạc

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: