Ai hốt đậm từ dịch bệnh?

Vô số cá nhân và doanh nghiệp đã và tiếp tục khó khăn bởi Covid-19 nhưng dịch bệnh cũng mang lại cơ hội cho không ít người khác và tất cả đều là những đại gia công nghệ. Tài sản của chín trong số những người khổng lồ lớn nhất nước Mỹ đã tăng hơn 360 tỉ USD trong năm qua. Tài sản của Elon Musk (Tesla) đã tăng gấp bốn lần. Mark Zuckerberg của Facebook đứng đầu với 100 tỉ USD. Hai nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin kiếm được tổng cộng 65 tỉ USD…

Sự gia tăng đáng kinh ngạc về lợi nhuận của họ trái ngược với sự tàn phá kinh tế ảnh hưởng hàng triệu người Mỹ, trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt. Tất cả cho thấy vấn đề bất bình đẳng và phân phối của cải đang ngày càng đáng chú ý. Việc xem xét sự giàu có của các tỉ phú công nghệ cần được để ý thêm với vai trò của các công ty họ trong đại dịch. Các phương tiện truyền thông xã hội bao gồm Facebook dường như khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn vì nó được sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch về Covid-19 và vaccine. Elon Musk từng phản đối việc làm việc ở nhà và tự mở lại nhà máy Tesla bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương. Trong trường hợp Bezos, lợi nhuận có được một phần là do Amazon thuê hơn 500.000 công nhân để xếp, phân loại, chọn và đóng gói hàng hóa vào năm 2020, ngay cả khi nhân viên kho hàng báo động về sự an toàn và trong bối cảnh có gần 20.000 nhân viên Amazon được xét nghiệm dương tính với coronavirus vào tháng 10.

Tài sản cộng thêm của các tỉ phú công nghệ Mỹ sau một năm dịch bệnh

Cổ phiếu công nghệ bắt đầu thống trị các vị trí hàng đầu trên những thị trường giao dịch chứng khoán vào khoảng năm 2014, đánh bật những cái tên truyền thống như ExxonMobil, Johnson & Johnson và Walmart. Tuy nhiên, theo nhận định Washington Post, sự gia tăng giá cổ phiếu của các công ty thống trị trong năm qua là kết quả trực tiếp từ việc các giám đốc điều hành mở rộng đế chế trong thời kỳ đại dịch. Vào tháng 4-2020, tỉ lệ thất nghiệp trên toàn quốc đã tăng vọt lên 14,7% – mức cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái sau khi 20,5 triệu người Mỹ mất việc làm. Cuộc suy thoái do Covid-19 phản ánh sự bất bình đẳng: Nó đã ảnh hưởng không tương xứng đến những người có mức lương thấp và người da màu.

Để minh họa cho sự phân chia ngày càng gia tăng Peter Atwater, giáo sư trợ giảng tại William & Mary, đã đưa ra khái niệm “phục hồi hình chữ K” để thể hiện đặc quyền đang tăng, trong khi những người lao động phải đối mặt sự chênh lệch về chủng tộc, giới tính, thu nhập và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe được đẩy mạnh hơn xuống bởi đại dịch. Anand Giridharadas, tác giả quyển Winners Take All: The Elite Charade of Change the World (2018), cho biết: “Trong khi hàng triệu người không còn việc làm và bị đuổi ra khỏi nhà, tầng lớp tỉ phú vẫn phát triển và thịnh vượng”. Theo Yardeni Research, sáu cổ phiếu công nghệ – Apple, Facebook, Amazon, Netflix, Microsoft và Google – đã chiếm hơn 60% lợi nhuận của S&P 500 vào năm 2020.

Các tỉ phú cũng thể hiện trách nhiệm cộng đồng nhưng số tiền họ bỏ ra chẳng đáng là bao so với những khoản họ thu vào. Bezos đã đóng góp 150 triệu USD cho các chương trình liên quan hỗ trợ dịch bệnh, tương đương 0,26% lợi nhuận mà ông tích lũy được trong đại dịch. Musk bỏ ra 5 triệu USD, tương đương 0,004% số tiền mới kiếm được của mình, cho các chương trình liên quan nghiên cứu covid-19, ngoài việc tặng máy thở. Thông qua Sáng kiến ​​Chan Zuckerberg, giám đốc điều hành Facebook và vợ ông, Priscilla Chan, trao 104 triệu USD, tương đương 0,36%, trong 29 tỉ USD mà ông tích lũy được trong đại dịch. Phần mình, Brin (Google) quyên góp 104 triệu USD cho các chiến dịch cứu trợ Covid-19, tương đương 0,24% tài sản tích lũy được trong đại dịch. Người đóng góp đáng kể nhất là Bill Gates, với 1,75 tỉ USD, tức khoảng 7,3% trong 24 tỉ USD mà ông có thêm trong tài sản ròng.

Công nghệ nói chung đã cho thấy sự quan trọng của nó trong đại dịch, khi mọi thứ phải thông qua mạng. Tuy nhiên, một số bất bình đẳng do đại dịch đã bộc lộ khiếm khuyết của việc đầu tư công nghệ, chẳng hạn tình trạng thiếu truy cập băng thông rộng cho hàng triệu trẻ em ở Mỹ để học từ xa. Như Anand Giridharadas nhận xét: “Mọi thứ mà các tỉ phú công nghệ từng hứa hẹn đều đề cập đến một xã hội hoạt động lành mạnh nhưng khi đại dịch xảy ra, chúng tôi nhận thấy rằng xã hội sẽ không được cứu bởi các ứng dụng mà người ta chỉ được cứu bởi lòng tốt. Tôi thực sự nghĩ rằng điều này chắc chắn để lại những ảnh hưởng lâu dài trong ký ức người Mỹ”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: