Biến thể Omicron làm thế giới lo sợ một đợt bùng dịch mới

Thế giới đang tiêu tan hy vọng đẩy lùi đại dịch vào quá khứ.
Ga số 5 phi trường Heathrow của London vắng vẻ trong ngày 26 Tháng Mười Một sau khi hành khách từ Nam Phi và một số quốc gia láng giềng bị đưa vào danh sách đỏ và bị cấm nhập cảnh Anh Quốc. Ảnh: Getty Images

Các nhà khoa học vẫn chưa biết biến thể Omicron mới nguy hiểm đến mức nào nhưng sự xuất hiện nhiều biến chủng của nó đã gióng lên hồi chuông báo động, làm tiêu tan hy vọng đẩy lùi đại dịch vào quá khứ.

Thế giới đã phản ứng rất nhanh và mạnh với thông tin một biến thể (variant) mới, có độ truyền nhiễm cao của coronavirus vừa phát hiện ở Nam Phi. Ngay từ hôm qua Thứ Năm, Vương quốc Anh đã đình chỉ tất cả các chuyến bay đi và đến Nam Phi; hôm nay Thứ Sáu, lần lượt Hoa Kỳ và nhiều nước khác ban hành biện pháp hạn chế tương tự. Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc và giá xăng dầu quay đầu giảm mạnh. Nhiều nước đang tính tái lập các biện pháp cách ly, phong tỏa. Hy vọng về việc thoát ra khỏi đại dịch thế kỷ đang mờ dần.

Phản ứng sớm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hai ngày trước chính thức liệt biến thể Omicron, mã hiệu B.1.1.529, vào loại “biến thể đáng lo ngại” – mức cảnh báo cao nhất – lần đầu tiên kể từ sau biến thể Delta xuất hiện cách đây một năm. Việc đặt mức cảnh báo này có nghĩa là biến thể Omicron có những đột biến (mutation) có thể làm cho nó lây lan mạnh hơn, độc hại hơn hoặc làm cho các loại vaccine và biện pháp phòng ngừa trở nên kém hiệu quả hơn mặc dù tới lúc này những điều đó vẫn chưa được xác nhận chắc chắn.

Các khoa học gia Nam Phi công bố sự tồn tại của biến chủng Omicron hôm thứ Tư, cho biết số trường hợp xác định chắc chắn bị nhiễm biến thể này trong ba tuần qua mới chỉ là dưới 100 trường hợp, nghĩa là rất ít. Vì thế WHO và các khoa học gia nhiều nước tỏ ra cẩn trọng; họ nói hiện vẫn biết rất ít về chủng Omicron và liệu mối nguy hiểm của nó có tương xứng với nỗi lo sợ mà nó gây ra hay không. Tức là, còn quá sớm để lo sợ.

Tuy vậy, phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của các chính phủ chứng tỏ rằng, sau hai năm bị tố cáo là chậm chạp và quá rụt rè trong việc xử lý đại dịch, nhiều chính trị gia thà chịu rủi ro do phản ứng sớm với một mối đe dọa mới hơn là phản ứng không đủ mạnh.

Hạn chế đi lại, giá cổ phiếu và dầu giảm mạnh

Hôm nay Thứ Sáu, Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu, Singapore, Israel quyết định tạm thời cấm nhập cảnh tất cả du khách nước ngoài từ Nam Phi và bảy quốc gia lân cận nước này; chỉ có công dân và thường trú nhân mới được phép nhập cảnh để về nhà với điều kiện xét nghiệm âm tính hoặc bị cách ly khi trở về. Theo khuyến nghị của các cố vấn về đại dịch, Tổng thống Joe Biden đã quyết định cấm nhập cảnh với người từ Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi bắt đầu từ Thứ Hai tuần tới.

Các quan chức cảnh báo rằng cho dù chính phủ đã nhanh chóng áp đặt biện pháp hạn chế đi lại, chắc chắn biến thể Omicron vẫn lây lan mạnh và sẽ lan đến Hoa Kỳ, dù Trung tâm Kiểm soát Dịch Bệnh CDC thông báo hôm nay rằng chưa có trường hợp nhiễm Omicron nào được ghi nhận ở Mỹ.

Chính phủ nói rằng, các cơ quan y tế đã bắt đầu thảo luận với các công ty bào chế vaccine về khả năng họ phải điều chỉnh công thức tiêm chủng để ứng phó với biến chủng mới. Nhưng trước tiên, các khoa học gia cần quyết định liệu các loại vaccine hiện có có bị giảm hiệu quả trong việc chống lại chủng Omicron hay không. Câu trả lời cần phải mất vài tuần, có khi lâu hơn.

Giá cổ phiếu và giá dầu đều giảm mạnh khắp thế giới ngay sau khi có tin về chủng Omicron và các biện pháp hạn chế đi lại, gây lo ngại về một vụ thiệt hại tài chính nặng nề do đại dịch. Hôm nay Thứ Sáu, chỉ số S&P 500 giảm 2.3%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ Tháng Hai năm ngoái khi đại dịch bùng phát và lan tới Mỹ. Ở châu Âu giá cổ phiếu giảm từ 3% đến 5% tùy thị trường.

Giá dầu thô giao sau giảm 13% ở Mỹ và 11% ở châu Âu.

Nam Phi “nạn nhân bất đắc dĩ” 

Các nhà khoa học đã nhận diện được 50 biến chủng trong chuỗi di truyền của biến thể Omicron làm cho nó khác với các biến thể khác; bao gồm 30 biến chủng trong protein gai (spike protein) mà virus dùng để bám vào thụ thể của tế bào người.

Thay đổi trong protein gai là điều đặc biệt đáng lo ngại vì hệ miễn dịch của người chống lại virus – dù ở người được miễn dịch sau khi nhiễm virus và khỏi bệnh hoặc người đã được tiêm ngừa – chủ yếu nhận diện và tấn công các protein gai này.

Ngoài Nam Phi, biến chủng Omicron đã được tìm thấy trong một số ít trường hợp ở Botswana, Bỉ, Israel và Hong Kong, và kinh nghiệm cho thấy khi bị phát hiện là khi virus đã lây lan rộng ra cộng đồng.

Phản ứng của quốc tế đã gây bất bình cho chính quyền và các doanh nghiệp Nam Phi. Đất nước này có hệ thống theo dõi dịch bệnh và nghiên cứu virus rất tân tiến và họ đã chia sẻ nhanh chóng các kết quả nghiên cứu với thế giới. Nhưng sự minh bạch của Nam Phi đã bị đáp lại bằng các lệnh cấm nhập cảnh. Lindiwe Sisulu, Bộ trưởng Du lịch Nam Phi, than thở: “Chúng tôi thấy mình bị trừng phạt vì thành tích mà chúng tôi tạo ra”!

Các quan chức Nam Phi đề nghị, thay vì cấm người Nam Phi nhập cảnh, các nước khác chỉ nên gia tăng việc sàng lọc ở cửa khẩu ra vào, đặt thời hạn cách ly lâu hơn, để khỏi gây ra những tác hại kinh tế không đáng có. “Phản ứng quá đáng của một số nước sẽ khiến các nước khác lo ngại và không muốn chia sẻ những thông tin hết sức quan yếu cho sức khỏe công cộng toàn cầu,” một quan chức của WHO phụ trách chương trình chống COVID ở châu Phi, nhận định.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: