Beating the Odds

Tiếng Anh theo dòng thời sự

Sau cuộc bầu cử bán kỳ 2022, tờ New York Times đăng một bài bình luận tựa đề “Biden Celebrates Beating the Odds, but He Faces a New Challenge.” Tại sao gọi là “beating the odds?”

Trong tiếng Anh, chữ odds là danh từ – khác nghĩa với chữ odd là tĩnh từ. Odd (tĩnh từ) có nghĩa là quái gở, lạ thường, lập dị v.v. Chẳng hạn khi nghe ai thuật lại một kinh nghiệm bản thân có vẻ khó tin, ta có thể đáp lại bằng câu: “Wow! That’s odd!”

Trong khi đó chữ odds (danh từ) mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, liên quan đến sự khả thi (possibility) hoặc xác suất (probability) trong toán học. Chữ odds được dùng thường xuyên nhất tại các sòng bạc và trong cá độ, nhất là trong các cuộc đua ngựa. Khi ta đặt cược trong một cuộc đua, nhà cái luôn đưa ra một con số gọi là odds cho mỗi chú ngựa. Ví dụ như 7-2, 5-1 v.v. Theo cách dùng này, nếu bạn bỏ ra $2 cho con ngựa có odds 7-2 và nó thắng, bạn sẽ được $7 (cộng $2 mình bỏ ra, tức $9). Hoặc nếu odds là 5-1, bỏ ra $1 bạn có thể lấy lại $6 (nếu con ngựa của bạn về nhất).

Nói một cách khác, odds càng cao thì xác suất chú ngựa ấy thắng càng thấp và khả năng bạn lấy lại được vốn rất mong manh. Trong cuộc đua bán kỳ vào Quốc Hội hôm 8 Tháng Mười Một, hầu hết cơ quan truyền thông cũng như những nhà bình luận viên đều tiên đoán sẽ có một “làn sóng đỏ” và đảng Cộng Hoà sẽ thắng áp đảo. Họ nói cũng có lý.

Lịch sử bầu cử hàng trăm năm qua cho thấy dân Mỹ thường xuyên bầu cho đảng đối lập đương kim tổng thống trong cuộc tranh cử giữa mùa vào Quốc Hội. Câu hỏi duy nhất được đặt ra là đảng của tổng thống sẽ mất bao nhiêu ghế, mất nhiều hay ít mà thôi. Đảng của Harry Truman mất 44 ghế trong mùa 1950; đảng của Bill Clinton mất 53 ghế năm 1994. Rùng rợn nhất là mùa 2010, đảng Dân Chủ mất đến 63 ghế khiến Tổng thống Obama phải gọi trận thua thê thảm đó bằng chữa shellacking” (bị uýnh nhừ tử) – nay đã trở thành một thuật ngữ chuyên môn trong ngành chính trị học. Nhìn từ một góc độ khác, kể từ năm 1906 đến nay, chỉ có đúng ba lần đảng của tổng thống thắng thêm ghế tại Hạ Viện trong mùa bán kỳ: 1934 (Franklin D. Roosevelt); 1998 (Bill Clinton); 2002 (George W. Bush).

Thế cho nên trong cuộc tranh cử năm nay, giới am tường đều cho rằng “the odds are stacked against Joe Biden” – stacked against trong tiếng Anh dùng để diễn tả lực cản của odds khi nói về một tình huống khó thể xảy ra. Mượn đua ngựa làm ví dụ, ta có thể nói xác suất đảng Dân Chủ sẽ mất quyền kiểm soát Lưỡng Viện là khá cao, có thể là 5-1 hay hơn. Đó là chưa kể những cuộc tranh cử thống đốc cũng quan trọng không kém tại những tiểu bang chiến địa (battleground states) như Arizona, Michigan hay Wisconsin.

Thành thử chưa đến ngày bầu cử mà ai cũng dự đoán những ứng cử viên được Donald Trump ủng hộ (hơn 300 người) sẽ càn quét nước Mỹ trong một trận “tắm máu” mệnh danh “The Red Wave” – “Làn Sóng Đỏ”. Song điều đó đã không xảy ra. Tính đến ngày 10 Tháng Mười Một, nhiều cuộc đua vẫn chưa có kết quả chính thức. Giới báo chí tha hồ đoán già đoán non. New York Times cho rằng tại Hạ Viện đảng Cộng Hoà đã thắng 207 ghế, Dân Chủ 189 ghế, 39 ghế chưa ngã ngũ. NBC News thì tiên đoán tỉ số cuối cùng sẽ là 222-213 cho đảng Cộng Hoà. Cũng nên nhắc lại là số ghế cần thiết để chiếm đa số (và quyền kiểm soát) tại Hạ Viện là 218.

Tại Thượng Viện thì tình hình cũng không đến nỗi bi quan lắm cho đảng Dân Chủ. Odds đảng của ông Biden sẽ giữ được Thượng Viện phải nói là tương đối cao, có thể là 2-1 hoặc 3-2. Sau cuộc đếm phiếu (vẫn chưa xong) ở Arizona, nếu phi hành gia Mark Kelly (Dân Chủ) giữ được ghế thượng nghị sĩ của mình (odds khá cao) thì tỉ số sẽ là 49-49. Còn lại hai tiểu bang chưa ngã ngũ là Nevada và Georgia thì chỉ cần một trong hai nghiêng về phía tổng thống là “đủ điểm” để Dân Chủ chiếm đa số. Bởi vì nếu Thượng Viện huề 50-50 thì Phó Tổng Thống Kamala Harris, trong vai trò chủ tịch Thượng Viện, sẽ bỏ lá phiếu quyết định khi cần.

Thế cho nên so với những người tiền nhiệm thì ông Biden đã tránh được một trận thua hầu như không ai tránh khỏi trong mùa bầu cử bán kỳ đầu tiên sau khi nhậm chức. Thành ra New York Times nói Tổng thống Biden đã “beat the odds” là vậy, nhất là khi phải đối phó với một lực cản khá mạnh có tên gọi “The Donald”. Tiếng Anh còn có thành ngữ “against all odds” dùng cho trường hợp này cũng rất đúng vì rõ ràng có nhiều yếu tố bất lợi cho ông Biden trong năm vừa qua, nhất là lạm phát và lãi suất cao khiến giá sinh hoạt trở nên đắt đỏ.

Còn hơi sớm để biết cán cân quyền lực tại Quốc Hội sẽ ngã ngũ ra sao, nhất là khi ghế Thượng Viện bang Georgia sẽ phải định đoạt bởi một cuộc đua runoff vào đầu Tháng Mười Hai giữa thượng nghị sĩ Raphael Warnock và Herschel Walker, người được Trump ủng hộ. Một điều chắc chắn là bộ sậu đầy kinh nghiệm của ông Biden đã và đang vạch ra nhiều kế hoạch khác nhau để đối phó với mọi tình huống khả dĩ. Nếu Thượng Viện không rơi vào tay đảng Cộng Hoà thì chính quyền Biden vẫn có thể tập trung vào việc điều hành đất nước, kinh tế nước Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Khả năng điều đó xảy ra, nói theo tiếng Anh, là: “The odds are pretty good!”

_________

Tiếng Anh theo dòng thời sự

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: