“Nỗi khổ” của Trump

TIẾNG ANH THEO DÒNG THỜI SỰ
Cựu Tổng thống Donald Trump trong một chiến dịch vận động (ngày 9 Tháng Mười 2022) cho các ứng cử viên Cộng hòa tại Arizona (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Từ ngày Donald Trump bước lên sân khấu chính trường Hoa Kỳ, một chữ lâu nay ít thấy ai dùng bắt đầu xuất hiện thường xuyên trong giới truyền thông báo chí – đó là chữ grift.

Vào Google gõ “grift trong tiếng Việt là gì” thì thấy chỉ có một kết quả duy nhất từ trang engtoviet.com định nghĩa grift là “nỗi khổ”. Còn lại toàn là kết quả cho chữ “gift” hay chữ “grit” – chắc bác Gồ nghĩ mình đánh sai chính tả hay sao ấy. Điều này chứng tỏ grift không phải là một từ thông dụng và cũng không có mặt trong đại đa số các tự điển Anh-Việt online.

Thế là tôi đành phải lôi mấy quyển tự điển đang đóng bụi trên kệ tủ xuống để tra cứu cho chắc ăn. Quyển thứ nhất của Lê Bá Khanh-Lê Bá Kông (2004), xuất bản lần đầu năm 1975 và tái bản 12 lần — với phụ đề “With a Supplement of New Words, English-Vietnamese”không thấy có chữ grift.

Kế đến là quyển “Từ điển Anh-Việt” khá đồ sộ do Viện Ngôn Ngữ Học ở Việt Nam xuất bản năm 1993, tái bản lần thứ ba năm 1996 với trên 150,000 từ tiếng Anh, cũng không thấy grift đâu cả. Lâu nay ít về Việt Nam nên ngu tôi không có cơ hội cập nhật những quyển tự điển mới nhất. Đành chịu thôi. Không biết sau này trong nước có ai dịch chữ grift sang tiếng Việt chưa, nhưng chắc chắn một điều là ý nghĩa của nó trong tiếng Anh không phải là “nỗi khổ” như trang web kia nói.

Merriam-Webster định nghĩa grift là: “to obtain (money or property) illicitly”. Còn Oxford Dictionary thì ghi: “engage in petty or small-scale swindling” (động từ); “a small-scale swindle” (danh từ).

Rất may chữ swindle khá thông dụng nên tự điển Anh-Việt nào cũng có thấy. Ý của nó đại khái là “lừa đảo, lường gạt, nhất là lừa tiền trong giao dịch kinh doanh.” Vậy thì theo Webster, grift là làm tiền hoặc thâu tóm tài sản một cách phi pháp (illicitly). Còn theo Oxford thì grift là trò lừa tiền ở mức nhỏ hay cấp thấp (small-scale).

Nếu đúng như vậy thì dùng chữ grift dùng cho trường hợp gia đình và tập đoàn Trump cũng không hẳn đúng. Nhiều cách làm tiền của họ không phi pháp chút nào, mặc dù họ thua lỗ cũng nhiều và nạn nhân của họ không kiện cáo gì được. Còn nếu gọi những trò lừa tiền của họ là small-scale thì sai ghê lắm. Bằng chứng là trong những năm gần đây Donald Trump đã dụ được nhiều triệu người đóng góp vào các tổ chức tranh cử của ông ta và mua biết bao nhiêu chiếc nón MAGA made in China.

Chưa hết, sau khi bị Twitter trục xuất vì tội xúi giục thiên hạ bạo loạn tại Điện Quốc Hội, ông Trump đã thành lập một mạng xã hội mới tên là Truth Social, với vốn đầu tư nghe nói lên đến cả tỉ đôla, do một công ty mới mang tên Trump Media & Technology Group (TMTG) đứng đầu.

Để quản lý và phân phối số tiền đầu tư khủng này, một công ty vỏ bọc (shell company) được dựng lên, mang tên Digital World Acquisition (DWA). Ngôn ngữ tài chánh gọi DWA là Special Purpose Acquisition Company (SPAC), với mục đích duy nhất là kêu gọi các nhà đầu tư đổ tiền vào cho TMTG. Wall Street đã ủng hộ Truth Social khá nồng nhiệt. Cổ phiếu của DWA có lúc đã lên hơn $100. Như vậy ta không thể nào gọi những chiêu trò kiếm tiền của tập đoàn Trump là small-scale cả. Thực chất là nó thường ở các cấp bậc bạc triệu, bạc tỉ.

Tuy nhiên, ngoài những thứ đó thì gia đình ông Trump cũng có những trò kiếm bạc một cách rẻ tiền (petty). Cách đây vài hôm trên Twitter có người phát hiện bà Melania Trump đã đứng tên lập một công ty với cái tên khá luộm thuộm: “A COVID 19 Task Force, LLC” vào ngày 25 tháng Giêng, 2021 – chỉ năm ngày sau khi hai vợ chồng bà rời Bạch Cung. [LLC là viết tắt của Limited Liability Company, tiếng Việt gọi là Trách Nhiệm Hữu Hạn, TNHH.]

Điều lạ kỳ là công ty TNHH này lại đặt bản doanh ở Florissant, Missouri, một thành phố nhỏ với dân số xấp xỉ 50,000 người. Ngộ hơn nữa là theo Google Map thì địa chỉ của trụ sở nằm trong một khu shopping nhỏ xíu, nhìn chẳng khác nào… một tiệm hớt tóc hay tiệm nail. Mục “Business Classification” chú giải đây là một công ty lo về một số dịch vụ liên quan đến đại dịch – “To provide COVID relieve [sic] services” (để ý chữ “relief” bị viết sai thành “relieve”).

Điều đáng để ý là công ty này viết sai hơi nhiều khi nói về họ. Chẳng hạn như dịch vụ “Social distancing floor decals customized” [sic] – tức là cung cấp những miếng plastic dán dưới sàn nhà nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách an toàn (tĩnh từ “customized” viết sai chỗ, đúng ra phải đặt ở đầu câu).

Rồi thì “Testing for the COVID virus” – thử nghiệm dịch khuẩn COVID. Câu này sai hai chỗ. Thứ nhất, theo CDC thì tên của con virus SARS-CoV-2, còn COVID là tên gọi dịch bệnh. Thứ nhì, tiếng Anh chuẩn ít ai dùng chữ “the” trong trường hợp này; thường thì người ta chỉ nói vắn gọn là “Testing for SARS-CoV-2.”

Nào là “Forms for tracking & tracing for your workspace” – mẫu đơn dùng để truy lùng và theo dõi sự tiếp xúc của những người nơi bạn làm việc (đáng lẽ phải nói là “in your workspace”).

Cách viết tiếng Anh sai văn phạm lung tung đã là điều đáng cho ta nghi ngờ, nhưng hơn vậy nữa là công ty này chỉ có một người đứng ra làm hết mọi chuyện – vừa là Agent (đại diện), vừa là Organizer (người tổ chức). Không biết ông Zachary Keys nọ là nhân vật thế nào hay nhân thân ra sao. Nhưng có lẽ ta không nên lấy làm lạ cho lắm, vì trên cùng trang web đó còn liệt kê một lô những LLC khác mang tên Melania. Cho nên đây có thể chỉ là một màn trong bộ phim Grift nhiều tập.

Nói chi xa, mới cách đây vài ngày, công ty mẹ của Truth Social là TMTG vừa bị một cựu nhân viên cao cấp “thổi còi báo động”. Ông Will Wilkerson, đồng-sáng-lập-viên của Truth Social, nói với The Washington Post rằng Trump đã tìm mọi cách ép đồng-sáng-lập-viên Andy Litinsky “gift” (tặng) cổ phần của ông ta trong công ty cho… bà Melania! Ông Litinsky quyết liệt từ chối, để cuối cùng bị Trump sa thải. Mặc dù Trump đã nắm 90% cổ phần của TMTG, rõ ràng đây là một nỗ lực chiếm đoạt tài sản của người khác một cách không chính danh, có thể gọi là grift không sai.

Nhưng cổ phần của MTMG chỉ là chuyện nhỏ (small-scale). Điều đáng lo cho Donald Trump là Will Wilkerson đã trở thành “whistleblower” (người tố giác) giúp cho SEC (Securities and Exchange Commission – cơ quan quản lý thị trường chứng khoán ở Mỹ), sau khi ông ta bị Trump đuổi việc vì đã dám nói chuyện với The Washington Post. Để chứng tỏ lòng thành tâm của mình, Wilkerson đã cung cấp cho SEC rất nhiều tài liệu liên quan đến TMTG, kể cả hồ sơ, email, text, bản ghi âm các cuộc họp v.v.

Stock của công ty mẹ DWA đã rơi từ mức cao nhất là $175 xuống còn có $18. Xem chừng cú grift lần này của Donald Trump không đơn giản là một phi vụ kiếm chác bị thua lỗ mà sẽ thực sự biến thành một “nỗi khổ!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: