Chi tiết đáng chú ý trong phiên toà Trương Duy Nhất

Ông Trương Duy Nhất tại phiên toà ngày 9-3-2020. (Hình: TTXVN)

CÁT LINH

Sáng ngày 9-3-2020, tại phiên toà sơ thẩm, TAND Thành phố Hà Nội tuyên án 10 năm tù giam đối với nhà báo, blogger Trương Duy Nhất với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật Hình sự.

Pháp luật bất nhất

Hai luật sư bào chữa cho ông Trương Duy Nhất là luật sư Đặng Đình Mạnh (Manh Dang) và luật sư Ngô Anh Tuấn. Sau khi phiên toà kết thúc, luật sư Đặng Đình Mạnh nói với Saigon Nhỏ về điều mà ông cho là đáng chú ý nhất trong phiên xử.

“Điểm đáng chú ý nhất trong phiên toà đó là cách áp dụng pháp luật bất nhất. Họ áp dụng nguyên tắc kép, tức là trong cùng một vụ án nhưng mà với đối tượng này thì họ vận dụng khác, nhưng với ông Trương Duy Nhất thì họ vận dụng khác, theo hướng nặng nề hơn.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh.

Cụ thể là trường hợp định giá tài sản được toà án gọi là “thiệt hại”. Đó là căn nhà được chính quyền Đà Nẵng bán lại theo giá ưu đãi. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho rằng thời điểm bán giá đó gây ra thiệt hại 301 triệu VNĐ (2004). Con số này cũng được xác định là con số gây thiệt hại do Trưởng và Phó Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết lúc đó. Vì con số thiệt hại này dưới mức 500 triệu VNĐ (theo luật định) cho nên được gọi tên là “ít nghiêm trọng”, thời hiệu truy tố hai người này là năm năm.

Thế nhưng, cho đến năm 2018, vụ án mới chính thức được khởi tố. Điều này cũng đồng nghĩa là quá thời hạn năm năm. Do đó, Trưởng và Phó Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết mặc nhiên được miễn truy tố.

Cũng tài sản này, cũng con số thiệt hại này, nhưng đối với ông Trương Duy Nhất họ lại áp dụng thời giá năm 2018, tức thời điểm họ khởi tố vụ án. Tính ra con số mà ông Trương Duy Nhất phải chịu trách nhiệm là hơn 13 tỷ đồng. Do căn cứ định lượng trên 13 tỷ đồng thì nó sẽ thuộc vào nhóm rất nghiêm trọng, thời hiệu lên đến 15 năm, và hình phạt ông Nhất phải chịu dao động từ 10-15 năm.” Luật sư Mạnh kể lại chi tiết trong phiên xử.

10 năm tù giam là bản án cuối cùng ông Trương Duy Nhất nhận lãnh.

Với vai trò là luật sư của ông Trương Duy Nhất, luật sư Đặng Đình Mạnh đã nêu câu hỏi về sự khác biệt trong vấn đề định giá tài sản đối với từng đối tượng bị can. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đã không trả lời được vấn đề này.

“Trong phiên toà còn nhiều những điều vô lý khác, nhưng đây là một ví dụ điển hình nhất, theo nhận định của tôi.” Luật sư Mạnh nói.

Trong phiên toà có sự hiện diện của bị cáo Phan Văn Anh Vũ với tư cách là ngươi có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Ông Phan Văn Anh Vũ, còn được biết đến với tên gọi Vũ “Nhôm” đang thụ án từ 25-27 năm tù giam về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Ông Phan Văn Anh Vũ, còn được biết đến với tên gọi Vũ “Nhôm”

Có mặt tại phiên toà lần này, ông Vũ đã xin kêu oan tội trạng trong các vụ án khác nhưng bị từ chối. Một chi tiết được báo chí nhắc đến và được mọi người chú ý, đó là ông Vũ đã kêu oan cho ông Trương Duy Nhất.

Theo báo Tiền Phong ghi nhận lời của ông Vũ khi nói về khu đất 82 Trần Quốc Toản, vốn từng là văn phòng đại diện của báo Đại Đoàn Kết trước khi trở thành nhà riêng và địa chỉ trụ sở công ty của Phan Văn Anh Vũ bị bắt.

“… Tôi cũng không biết căn nhà này đang bị kê biên trong vụ án nào… Anh Nhất không có tội, báo mua nhà này không mất đồng nào mà được sử dụng 30 năm, nếu không mua cùng tôi thì hằng tháng báo phải trả tiền thuê nhà”.

Sự có mặt của ông Phan Văn Anh Vũ tại toà án, theo luật sư Mạnh là một hình thức cho thấy ông Vũ là người có quyền lợi liên quan:

“Người ta cố ý làm rõ là giữa ông Trương Duy Nhất và ông Phan Văn Anh Vũ là có sự cấu kết với nhau để chuyển căn nhà từ nhà nhà nước thành nhà tư nhân. Thứ hai, là giúp cho ông Vũ mua được căn nhà giá rẻ. Căn nhà đó, theo họ (toà án) định giá nếu bán đúng, đủ thì nó khoảng gần 1 tỷ đồng. Nhưng khi bán cho báo Đại Đoàn Kết thì họ chỉ bán còn 70% giá trị vào thời điểm đó.” 

Nhắc lại chuyện một năm trước, ngày 25-1-2029, ông Nhất được cho là xuất hiện tại Văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ nạn tại Bangkok, Thái Lan (UNHCR)và hôm sau ông bịmất tích tại một khu mua sắm trên đất Thái. Khi đó, dư luận trong nước có cho rằng ông Trương Duy Nhất bị “bắt cóc” về Việt Nam là vì “những hồ sơ mật liên quan đến vụ án Vũ ‘Nhôm’”.

Ông Nhất xuất hiện tại Văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ nạn tại Bangkok, Thái Lan

Tuy nhiên, cũng lúc đó, Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải khẳng định: 

Tất cả những gì cho rằng Nhất có liên quan vụ án kinh tế hình ảnh Vũ nhôm gì đó tôi cho là tất cả của dư luận viên.

Ngày 25-3-2019, sau hơn hai tháng ông Nhất mất tích, trong một cuộc họp báo, công an Hà Nội mới lên tiếng về trường họp mất tích bí ẩn của ông. Trung Tướng Công An Trần Văn Vệ, Chánh Văn Phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An cho biết:

“Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Vũ ‘Nhôm’, cơ quan điều tra Bộ Công An đã phát hiện có dấu hiệu sai phạm liên quan đến ông Trương Duy Nhất. Thời điểm đó, ông Nhất là trưởng đại diện của Báo Đại Đoàn Kết tại TP. Đà Nẵng, đã lợi dụng giấy tờ của báo để mua đất nhà không qua đấu giá gây thất thoát lãng phí. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra chưa thể cung cấp thông tin cụ thể.”

‘Đòn thù chính trị’

Trên trang Facebook cá nhân, luật sư Manh Dang tường thuật lại phiên toà được xét xử công khai với sự tham dự của phần lớn là cảnh sát tư pháp. Phía gia đình ông Nhất, có hai người em ruột sinh sống ở Quảng Nam đã ra Hà Nội tham dự phiên toà và theo dõi từ bên ngoài tường rào toà án.

Trong lời nói sau cùng tại tòa, ông Trương Duy Nhất phát biểu cùng lời thơ cảm tác từ chí sĩ Phan Châu Trinh:  “Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm tin tưởng đến số phận pháp lý của tôi, điều đó giúp cho tôi thêm sức mạnh và niềm tin để vượt qua khổ nạn này. 

Những kẻ vá trời khi lỡ bước/Gian nan chi kể việc con con.

Vụ án chỉ là một đòn thù chính trị đê hèn….”

Luật sư Manh Dang cho biết theo ông, chính vì lời nói đó của ông Nhất mà làm cho các luật sư mơ hồ nghĩ rằng vụ án này khi dàn dựng lên dường như nó che dấu một mục đích khác, chứ không đơn thuần là trừng trị những vi phạm pháp luật.

Khi phiên toà xử ông Trương Duy Nhất vừa kết thúc, con gái của ông là cô Trương Thục Đoan viết trên trang cá nhân:

“Hơn một năm rồi con mới lại thấy ba, nhưng không phải là qua màn hình điện thoại mà qua tấm ảnh trên báo. Ba con vẫn vậy, vẫn cương trực, bản lĩnh và mạnh mẽ. Ba ơi, con rất vui khi thấy ảnh tuần trước và tuần này khi ra toà ba đều mặc áo con tặng. Ba biết không, con cố chọn một chiếc sơ mi màu xanh dương để gửi cho ba – màu xanh của hy vọng”.

Ông Trương Duy Nhất nguyên là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Đại Đoàn Kết (giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2011) tại thành phố Đà Nẵng.Ông còn được biết đến là chủ của trang “Trương Duy Nhất – Một góc nhìn khác”. Ông từng bị án tù hai năm với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.” Cáo trạng khi đó nói ông Nhất có các bài viết “không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: