Chiến lược “zero-Covid” tại châu Á-Thái Bình Dương phá sản 

Chiến lược “zero-Covid” đang thất bại tại Việt Nam: bất luận phong tỏa nghiêm ngặt, tỉ lệ lây nhiễm vẫn liên tục tăng (ảnh MXH)

Một năm rưỡi kể từ khi trường hợp Covid-19 đầu tiên được xác định, nhiều quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương đã cảm thấy có thể sống bình thường trở lại vì đã tiêu diệt được hết coronavirus. Nhưng nay, các ca nhiễm biến chủng Delta đang tăng mạnh ở các quốc gia từng được ca ngợi chiến lược “Covid bằng không”… 

Trong khi người dân Anh đến các hộp đêm sau một mùa Đông dài bị hạn chế bởi coronavirus, hàng triệu người ở Úc và Trung Quốc bị nhốt trở lại trong nhà. Hệ thống y tế của các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… quá tải. Các quốc gia như đảo quốc Fiji ở Thái Bình Dương, nơi năm ngoái chỉ báo cáo vài ca nhiễm, hiện phải chống chọi với đợt bùng phát lớn biến chủng Delta. Đối với một số người, thật khó hiểu tại sao châu Á – Thái Bình Dương, một “dũng sĩ diệt virus”, lại bị ảnh hưởng nặng nề đợt dịch này như thế?

Khi coronavirus vừa bùng phát tràn lan với nhiều ca tử vong ở châu Âu và Mỹ, chiến lược của nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương là “tự phong tỏa, đóng cửa biên giới” với hầu hết người nước ngoài, áp đặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với những người mới đến, đồng thời áp dụng chính sách kiểm tra và truy tìm tích cực để không có ca nhiễm hay nghi nhiễm nào lọt qua “hàng phòng thủ” của họ. Chính sách phong tỏa biên giới quyết liệt này là nhằm kéo số ca nhiễm xuống đến mức 0 và giữ cho mọi người được an toàn.

Chiến lược có vẻ rất hiệu quả và được duy trì cho đến khi biến thể Delta dễ lây lan bất ngờ tấn công khu vực, dẫn đến đợt bùng phát mới “không kềm chế nổi”, khiến một câu hỏi nghiêm túc được đặt ra “Chiến lược ‘Covid bằng không’ được Trung Quốc, Úc và nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương áp dụng có thật sự bền vững và hiệu quả với các biến chủng nguy hiểm như Delta? Trước đó, tại New South Wales, tiểu bang có thành phố Sydney, điểm nóng Covid của Úc, trong một “điều chỉnh về chính sách”, chính quyền cho biết việc đạt tỷ lệ tiêm chủng 50% là đủ để bắt đầu nới lỏng lệnh phong toả nghiêm ngặt, mà không cần đưa số ca bệnh xuống mức 0.

Theo Huang Yanzhong, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Trung Quốc, ngày càng có nhiều chuyên gia y tế công cộng ủng hộ cách tiếp cận “giảm thiểu” thay vì “không khoan nhượng” với coronavirus. Việc linh hoạt vận dụng chiến lược “Covid bằng không” cũng sẽ được các “lãnh thổ pháo đài” như New Zealand và Hong Kong thực hiện vì không thể tách khỏi thế giới mãi mãi.

Hong Kong có khoảng 12,000 ca nhiễm từ khi bắt đầu đại dịch và New Zealand chỉ có hơn 2,880 ca (hiện chưa có ca nhiễm Delta nào được xác nhận tại hai nơi này). “Không thể phủ nhận, chiến lược ‘Covid bằng không’ đã thành công ở một số nơi trên thế giới trong 18 tháng qua. Nhưng tôi không nghĩ nó nên được áp dụng mãi mãi trong tương lai – Karen A. Grépin, Phó giáo sư tại Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Hong Kong, nhận định – Sự lựa chọn bây giờ là: Khi nào buộc phải chấp nhận hy sinh một số dân cư không thể hoặc không biết cách tự bảo vệ mình để đưa cuộc sống trở lại bình thường”.

Dĩ nhiên, cách tiếp “Covid bằng không” như Trung Quốc và Úc đã làm cũng dẫn đến các tổn thất kinh tế, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào du lịch như New Zealand và các đảo Thái Bình Dương. Hàng ngàn người Úc không thể quay lại quê hương mình do các chuyến bay hạn chế và bị cách ly. Người Úc cũng không thể ra nước ngoài nếu thiếu thị thực xuất cảnh. Đổi lại, các quốc gia và lãnh thổ có chiến lược chống coronavirus quyết liệt chưa bao giờ bị dịch tàn phá thảm khốc như Mỹ hoặc Anh.

Tuy nhiên, Giáo sư Dale Fisher về bệnh nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, tin rằng “cách truy vết, khoanh vùng và tiêu diệt gọn” đang bị thách thức nghiêm trọng từ hơn tháng nay bởi biến chủng Delta với khả năng lây lan giống bệnh thủy đậu và cao hơn từ 60% đến 200% so với chủng ban đầu ở Vũ Hán.

“Tôi tin rằng họ đã đánh giá quá cao tính bất khả xâm phạm biên giới của họ. Suy nghĩ này đúng với phiên bản Vũ Hán, nhưng không đúng với Delta”. Khi Delta đến, Úc đã bộc lộ lỗ hổng lớn: Triển khai vaccine quá chậm. Trong lúc các quốc gia khác rầm rộ tiêm chủng vaccine vào đầu năm nay, lãnh đạo Úc, Thủ tướng Scott Morrison lại không vội vàng. Tính đến Chủ Nhật (8 Tháng Tám), chỉ 17% dân số 25 triệu người được tiêm chủng đầy đủ – thấp hơn nhiều so với 58% tại Anh và 50% tại Mỹ.

New Zealand và Hong Kong chỉ có 16% và 39% được tiêm chủng đầy đủ, tính đến 8 Tháng Tám, nên nếu Delta xâm nhập, chúng cũng bùng phát mạnh. Điều đó có nghĩa là có rất ít khả năng miễn dịch trong cộng đồng trước đà lây lan của Delta. “Cuối cùng, tất cả các quốc gia rồi sẽ phải mở cửa lại ra thế giới và phải chấp nhận một số người có khả năng mắc bệnh, thậm chí tử vong. Nhưng mở cửa sẽ rất khó khăn đối với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương từng thành công với chiến lược cũ. Vấn đề là khi nào họ nhận ra thực tế không thể tách khỏi xã hội loài người mãi mãi và chấp nhận sống chung với virus.

Theo dữ liệu thử nghiệm được Trung Quốc đệ trình cho WHO, Sinovac, chỉ có hiệu quả khoảng 50% đối với bệnh nhân có triệu chứng và 100% đối với các ca nặng. Còn Sinopharm có hiệu quả đối với cả triệu chứng và nhập viện là 79% (theo WHO). Con số này thấp hơn vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna – có hiệu quả hơn 90% đối với bệnh nhân có triệu chứng. “Ở Trung Quốc, có thể sẽ có lệnh tiêm mũi bổ sung để tăng khả năng miễn dịch. Mở cửa biên giới có nghĩa là cái chết mà họ đã chiến đấu sẽ lại xảy ra. Nhưng không còn chọn lựa nào khác” – Grépin nói. Gút lại, kinh nghiệm của Trung Quốc và Úc cho thấy các quốc gia dù hạn chế biên giới cứng rắn vẫn không thể chặn được Delta – và các biến thể khác – mãi mãi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: