Chống dịch cúm Vũ Hán: Vì sao Mỹ chậm chân hơn Nam Hàn? (4)

So với Nam Hàn, Mỹ phát triển hơn hẳn về kinh tế lẫn khoa học và công nghệ. Nhưng khi dịch cúm Vũ Hán tràn tới, Nam Hàn đã chủ động ứng phó khá thành công trong khi Mỹ lúng túng và thiệt hại nặng nề. Nhiều người Mỹ muốn biết, tại sao lại như vậy? Bài phân tích chi tiết của Reuters.

Bài 1; Bài 2; Bài 3

Phần 4: Thay đổi

Mỹ: Chậm thay đổi thủ tục hành chính

Ngày 24-02, các phòng thí nghiệm tiểu bang và địa phương của Mỹ van nài FDA nới lỏng các quy định để không còn phải phụ thuộc nặng nề vào CDC trong việc xét nghiệm chẩn đoán, để họ có thể sử dụng những bộ test-kit do phòng thí nghiệm của chính họ phát triển.

“Bây giờ chúng ta đã qua nhiều tuần lễ ứng phó với dịch mà vẫn chưa có công cụ xét nghiệm nhằm chẩn đoán hoặc giám sát dịch cho đại đa số các phòng thí nghiệm bên ngoài CDC. Toàn bộ cộng đồng phòng thí nghiệm bị đặt ra ngoài cuộc. Chúng tôi biết mình có thể phát triển bộ công cụ xét nghiệm và có khả năng làm điều đó nhưng chúng tôi bị gạt ra ngoài,” Scott Becker, giám đốc điều hành Hiệp hội các Phòng thí nghiệm Y tế cộng đồng (APHL)– tổ chức đại diện cho hơn 100 phòng thí nghiệm y khoa tiểu bang và địa phương – cùng với Grace Kubin, giám đốc sở thí nghiệm thuộc bộ Y tế tiểu bang Texas, van nài trong thư gửi ông Stephen Hahn, ủy viên phụ trách FDA ngày 24-02. Ông Becker nói với Reuters, họ chỉ muốn FDA nới lỏng quy định về xét nghiệm để các phòng thí nghiệm có thể test các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhanh hơn, theo kịp tình hình lây lan của virus.

Hai ngày sau khi nhận thư của của APHL, giám đốc Hahn của FDA trả lời rằng FDA sẵn sàng phê chuẩn các xét nghiệm bên ngoài CDC một cách nhanh chóng nếu bảo đảm được độ chính xác. “Kết quả xét nghiệm chẩn đoán sai dẫn tới những hậu quả rất trầm trọng về y tế cộng đồng, không chỉ cản trở việc chăm sóc cá nhân bệnh nhân mà còn tác động tới sự phân tích diễn biến của dịch và đưa ra các quyết định về y tế công,” ông Hahn viết trong thư trả lời APHL ngày 26-02.

Tuy nhiên dưới áp lực của dịch, FDA buộc phải nới lỏng và gỡ bỏ nhiều quy định hành chính. Ngày 29-02, FDA thông báo các phòng thí nghiệm công và tư, kể cả các phòng thí nghiệm của đại học và bệnh viện, có thể bắt đầu sử dụng bộ xét nghiệm của riêng họ trước khi được FDA phê chuẩn và gửi hồ sơ xin phê chuẩn về FDA trong vòng 15 ngày làm việc.

Cùng ngày hôm đó, chính phủ Trump thông báo trường hợp tử vong đầu tiên vì coronavirus ở Hoa Kỳ là một người đàn ông tuổi 50 ở tiểu bang Washington.

Đi mua cho chắc!

Trong lúc các quan chức Hoa Kỳ viết lại các quy định hành chính thì các thành phố Nam Hàn bắt đầu lập các điểm xét nghiệm tìm coronavirus trên đường phố khắp nước, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm chỉ trong vài phút khi người cần xét nghiệm vẫn ngồi yên trong xe hơi.

Tuần trước trong một cuộc họp kín ở Quốc hội Mỹ, dân biểu Raul Ruiz (Dân chủ, California) – vốn là bác sĩ cấp cứu, từng cứu chữa nhiều bệnh nhân trong dịch cúm H1N1 năm 2009 – yêu cầu FDA và các quan chức hành pháp phải trả lời tại sao Nam Hàn lại đi trước Mỹ trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. “Tại sao chúng ta không có những điểm xét nghiệm drive-thru như Nam Hàn?”, ông Ruiz hỏi.

Các quan chức trả lời rằng, họ đang làm – một số bệnh viện và cộng đồng đã bắt đầu xét nghiệm kiểu drive-thru ở Colorado, New York, Texas và vài nơi khác. Cơ quan FDA đã mở một đường dây nóng 24/24 giờ để hỗ trợ các phòng thí nghiệm, phê chuẩn hồ sơ của hai công ty sản xuất test-kit tốc độ nhanh và trao cho các tiểu bang quyền linh hoạt hơn trong việc phê chuẩn các bộ test mới để các phòng thí nghiệm không còn phải chầu chực FDA.

Tuy vậy, dân biểu Ruiz vẫn lo rằng Hoa Kỳ đã bị tụt hậu nhiều tuần lễ so với những gì Nam Hàn đã đạt được. “Có lẽ chúng ta nên xem xét mua lại các bộ test của Nam Hàn,” ông Ruiz nói.

Có thể như vậy. Cả hai công ty Kogene và SolGent – có bộ test-kit được phê chuẩn sử dụng ở Nam Hàn – đều để mắt tới thị trường Mỹ. “Cơ quan FDA đã yêu cầu chúng tôi nhanh chóng nộp hồ sơ”, ông Myoah Baek của công ty Kogene nói.

(Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: