Chuyện của Tuấn

“Chuyện của Tuấn” là nguyên nhân và kết quả của một mối quan hệ giữa người dân (xã hội) và đất nước
Ảnh minh hoạ: Unplash

“Chuyện của Tuấn” không mới, cũng như vô vàn câu chuyện khác đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra ở một đất nước mà người dân dễ bị cuốn vào các cuộc tranh luận “do cơ chế hay cá nhân.”

Sở dĩ “Chuyện của Tuấn” trở nên hấp dẫn trong những ngày qua, không phải vì đó là vụ án lớn hay thất thoát nghiêm trọng. Nói về tổn thất, đừng quên thương vụ MobiFone và trả AVG từng làm thất thoát của nhà nước gần 7 ngàn tỷ, con số hối lộ khoảng 140 tỷ (theo con số truyền thông nhà nước đưa ra). Cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ hưởng hơn 5.800 tỷ. Hàng loạt bộ, ngành vi phạm, trong đó có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải.

Cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tại phiên tòa. (Ảnh: báo Tuổi Trẻ)

Nếu so sánh về con số, thì rất khập khễnh giữa gần 7 ngàn tỷ và 53,6 tỷ; giữa 140 tỷ và $10.000 USD. Nếu nói về bản chất, đều là hối lộ, là tiêu cực, là tham nhũng, là tha hoá.

Nếu so về chức vị thì thứ trưởng Bộ TT và TT cũng quan trọng không kém một giám đốc bệnh viện. Bên tám lạng bên nửa cân. Số tiền thất thoát đều là mồi hôi nước mắt của dân chúng, từ tiền thuế đến tiền“phong bì.” Nhưng vì sao vụ án đấu thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế của Bệnh viên Tim Hà Nội lại “rung động” xã hội nhiều như thế?

Vì kẻ có tội là bác sĩ, một hình ảnh đã được định hình nhân phẩm phải là “lương y như từ mẫu”, người quyết định chính trong những phút sinh tử của bệnh nhân. Tình trạng bệnh nhân quá tải phải nằm tràn đường đi; tiền viện phí, tiền thuốc tăng luỹ thừa với giá xăng giá điện đầy trên mặt báo. Nó vừa đánh vào nỗi sợ của người dân, vừa là ước mơ của một dân tộc khốn khổ. Từ đó, nó làm cho người ta (dễ) tiếc nuối khi nghe tin một bác sĩ giỏi bị “ngã ngựa.”

Ông Nguyễn Quang Tuấn cùng các bị cáo tại tòa – Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Từ đó, mọi người tiếc nuối cho quan lộ của bác sĩ ấy, tiếc đất nước mất một nhân tài. Rồi cũng từ đó, mọi người tăng sự tiếc nuối của mình lên một bậc khi đặt ra một mệnh đề thuộc về thì “tương lai không có”: Phải chi ông ấy được hành nghề trong một xã hội khác? Phải chi cơ chế (đó) không như vậy…Rất nhiều cái “phải chi” được mọi người đưa ra.

Không thể trách những cái “phải chi” đó. Mơ ước không đóng thuế, cũng không phải hàng sản xuất “limited.” Muốn mơ bao nhiêu thì mơ. Mơ thêm nửa thế kỷ nữa, vẫn được.

Có điều là, một người mơ, dẫn đến triệu người mơ, giấc mơ vẫn là giấc mơ.

Nhưng một người làm (khác), dẫn đến triệu người làm (khác), thì cái “phải chi” ấy sẽ có thật, không nhiều thì ít, không nhanh thì chậm.

Một câu chuyện không phải ở xứ Việt, nhưng nó chứng minh cho thấy chỉ cần một cá nhân nhất định không đồng hoá với thể chế sai quấy, thì chắc chắn sẽ tác động đến cộng đồng. Ngày 2 Tháng Ba năm 1955, một thiếu niên da màu, Claudette Colvin ở Montgomery, Alabama, 15 tuổi, trên đường đi học về, nhất định không di chuyển về phía cuối của chiếc xe bus để nhường chỗ ngồi của cô cho một người da trắng. “Tôi đã trả tiền vé và đây là quyền hiến pháp của tôi,” Colvin đã nói như thế khi hai cảnh sát da trắng còng tay bắt cô.

Chín tháng sau đó, một phụ nữ da màu khác tên Rosa Parks, 42 tuổi, đã tạo nên lịch sử phong trào dân sự của người da đen. Bà làm đúng như điều Colvin đã làm: từ chối nhường chỗ ngồi của mình cho người da trắng. Claudette Colvin là một trong hàng ngàn người vô danh khác đã góp phần rất lớn trong lịch sử đấu tranh dân sự của Hoa Kỳ.

Trở lại “Chuyện của Tuấn.” Người ta trách một cơ chế, một guồng máy lãnh đạo đã làm biến chất con người, chôn vùi tài năng, đã “lấy mất” của bệnh nhân một bác sĩ giỏi, người đưa Bệnh viện tim Hà Nội trở thành bệnh viện đầu ngành của đất nước. Điều này có vẻ giống như “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.” Rất tiếc, nó quá lỗi thời trong thời đại này.

Đồ hoạ của báo Tin Tức

“Chuyện của Tuấn” là nguyên nhân và kết quả của một mối quan hệ giữa người dân (xã hội) và đất nước. Triết gia lỗi lạc của Hy Lạp, Plato, nói rất rõ điều này trong “The Republic”. Dịch giả Hoàng Đức Long dịch lại một phần trong cuốn “The Story of Philosophy” của Will Durant thế này: “Nhân dân nào, nhà nước ấy. Chính quyền thay đổi khi tính cách của nhân dân thay đổi; nhà nước được tạo thành từ những bản chất con người bên trong nó.”

Lý luận của thiên hạ đặt ra “nếu bác sĩ Tuấn chỉ là một bác sĩ chuyên môn, chỉ lo cứu người chứ đừng làm công tác quản lý thì đã không xảy ra chuyện đáng tiếc.” Có chắc vậy không? Xin thưa, hoàn toàn không. Đó là một chữ “nếu” rất ấu trĩ. Nói như thế chẳng khác gì, nếu chỉ là một bác sĩ chuyên môn, Tuấn sẽ không bị tha hoá? Không tham nhũng? Không hối lộ? Không vì $10.000 USD mà bán đứng câu “lương y như từ mẫu”?

Cũng xảy ra trong nước vài tháng trước. Một người bán hàng rong đổ phần nước lèo thừa của khách vào thùng nước lèo để bán tiếp. Chưa hết, bà đổ ly trà đá còn thừa vào thùng trà đá mới. Vừa làm, đôi mắt vừa láo liên xem hành động của mình có bị phát hiện không. Tất cả đã bị một máy điện thoại ghi lại và phát tán trên mạng xã hội.

Vậy nếu bà ấy là chủ một nhà hàng hủ tiếu, dư dả tiền bạc, bà ấy sẽ không phải bán cho khách nước lèo thừa của người khác???

Hành vi của con người xuất phát từ ba nguồn gốc chính: ham muốn, cảm xúc và tri thức. Trong đó, tri thức ngự trong đầu, là đôi mắt của ham muốn và có thể lèo lái tâm hồn (cảm xúc). Tri thức ở đây không cần là bằng cấp chói sáng của một ngôi trường lừng lẫy nào đó. Tri thức đây là thiện lương, là nhân tâm, là sự tử tế.

Hành vi của Tuấn và bà bán hàng rong đều xuất phát từ ba nguồn gốc chính đó, chỉ khác biệt về mức độ, do địa vị họ khác nhau, dẫn đến cơ hội khác nhau.

Quan trọng là cả hai đều có quyền chọn lựa. Đừng hỏi câu “ai cho họ quyền lương thiện?” Một chút nước lèo thừa của khách hàng không làm cho bà bán hàng rong bớt khốn khổ hoặc mở được một tiệm hủ tiếu. Bà ấy đã chọn lựa. Cũng như Tuấn đã chọn lựa.

Nếu ham muốn đã chiến thắng tri thức, thì một vụ án đấu thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế của Bệnh viên Tim Hà Nội vẫn không làm đủ túi tham vọng. Nó chỉ làm đầy thêm. Và sẽ có vụ đấu thầu thứ hai, thứ ba. Cũng như, nếu Tuấn không làm giám đốc bệnh viện, thì sẽ có cách khác để làm đầy túi tham vọng, ở cương vị bác sĩ chuyên môn.

Câu triết của Plato, “Chính quyền thay đổi khi tính cách của nhân dân thay đổi” thoạt nghe có vẻ “không tưởng”. Nhưng hãy hình dung, nếu mỗi người dân trong xã hội đó không tạo cơ hội cho cơ chế vốn đã mục rữa ngày càng phình to, thì liệu sự bại hoại, tha hoá có cơ hội tồn tại hay không? Hoặc chí ít, nó không di căn đến tận cùng ngõ ngách xã hội như hiện nay.

Gần đây, một gia đình khi làm thủ tục đi Mỹ ở phi trường Tân Sơn Nhất, đã cam chịu dấm dúi cho nhân viên cửa khẩu vài trăm ngàn, cho qua chuyện. Rất cảm thông với tâm trạng của gia đình ấy, căng thẳng, âu lo cho chuyến đi không thành. Nhưng nếu sáng suốt một chút, thì họ sẽ biết tên nhân viên hải quan đó hoàn toàn không có quyền giữ chân họ lại nếu họ không đưa tiền.

Căn bệnh ung thư trầm kha của xã hội Việt Nam rất cần những “bác sĩ” nhân dân không bằng cấp nhưng thật sự có “tri thức”, một Claudette Colvin hay Rose Parks kiên cường.

Đừng tiếc nuối cho “Chuyện của Tuấn”. Mỗi chúng ta hãy cùng nhìn lại “chuyện của mình” và tự hỏi, chúng ta đã thật sự ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội hay chưa? Cơ chế sẽ tự thay đổi từ đó.

Chỉ cần một lần tự hỏi, “liệu có một lần nào đó trong đời, dù là hành động rất nhỏ, mình từng là một phần đã gây ra những bại hoại cho cơ chế đó hay không?” hoặc “nếu mình là Tuấn, là Tú hay là Tài nào đó, mình sẽ như thế nào? Có làm khác đi không?” thì hy vọng lúc đó, không nhiều “Chuyện của Tuấn” nữa.

Cuối cùng, bản án ba năm, rất nhẹ, quá nhẹ so với tội của Nguyễn Quang Tuấn – tội của một bác sĩ vì lòng tham đã nhẫn tâm cắt đứt động mạch chủ của một xã hội vốn dĩ đang hấp hối.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: