Khẩu trang, cồn rửa tay, khăn diệt khuẩn chạy đi đâu hết?

Vào lúc mọi người không tìm đâu ra khẩu trang, cồn rửa tay, khăn diệt khuẩn để bảo vệ mình trước con coronavirus quái ác thì một số thương nhân lại không biết làm gì với đống hàng mà họ đã mua gom, tích trữ với ý đồ bán lại kiếm lời sau khi Amazon triệt hành vi đầu cơ nâng giá. Phóng sự của báo The New York Times.

Vét hàng!

Vào ngày 01-03-2020, một ngày sau khi nước Mỹ công bố người đầu tiên bị nhiễm coronavirus, hai anh em Matt và Noah Colvin lái một chiếc S.U.V. màu bạc đi gom các chai cồn rửa tay. Đi loanh quanh vùng Chattanooga, bang Tennessee, họ ghé vào các cửa hàng Dollar Tree, Walmart, Staples và Home Depot. Ở mỗi cửa hàng, họ vét sạch sản phẩm này trên các kệ hàng.

Trong ba ngày kế tiếp, Noah Colvin làm chuyến đi 1.300 dặm, từ bang Tennessee sang Kentucky vét hàng và chất đầy một chiếc xe tải U-Haul (loại xe tải lớn thường dùng khi chuyển nhà) hàng chục ngàn chai cồn rửa tay và hàng ngàn hộp khăn lau diệt khuẩn, phần lớn gom từ các cửa tiệm nhỏ bán hàng giá 1 đô la mỗi món ở các vùng sâu vùng xa vì “các khu đô thị đã bị vét sạch rồi”, anh ta nói.

Trong khi đó Matt Colvin ở nhà gần Chattanooga, tiếp nhận nhiều kiện hàng khăn diệt khuẩn và cồn rửa tay đã đặt mua; rồi anh ta bắt đầu rao hàng trên mạng thương mại điện tử Amazon. Colvin nói, anh ta đưa lên 300 chai cồn rửa tay và bán hết ngay lập tức với giá từ 8 USD đến 70 USD mỗi chai, cao gấp nhiều lần so với giá mua. Với anh ta, “đó là tiền điên khùng”. Còn với nhiều người khác, đó là đầu cơ trục lợi từ đại dịch.

Ngày hôm sau, Amazon triệt những mặt hàng của Colvin và hàng ngàn người khác, cũng rao bán cồn rửa tay, khăn lau diệt khuẩn và khẩu trang. Amazon cảnh báo nếu họ tiếp tục nâng giá vô tội vạ, tài khoản giao dịch của họ sẽ bị xóa. Mạng thương mại điện tử EBay cũng làm như vậy, thậm chí nghiêm khắc hơn, cấm tất cả mọi vụ mua bán khẩu trang và cồn rửa tay tại Mỹ.

Bây giờ, trong lúc hàng triệu người Mỹ đang tìm mua trong vô vọng cồn rửa tay để bảo vệ mình trước sự lây lan của coronavirus thì anh em nhà Colvin đang ngồi với một đống 17.700 chai cồn rửa tay tồn kho mà không biết làm sao bán được.

*

Matt Colvin chỉ là một trong hàng ngàn người bán lẻ trên mạng đã đầu cơ cồn rửa tay và khẩu trang mà hiện thời các bệnh viện phải phân phối cho nhân viên theo số người vì thiếu hụt.

Amazon, Wal-Mart, EBay và nhiều sàn thương mại trực tuyến khác đang cố gắng chặn đứng hiện tượng người bán lẻ kiếm lợi nhuận quá đáng từ cuộc khủng hoảng y tế công cộng. Trong khi các công ty khuyến dụ người dân không nên mua gom tích trữ các sản phẩm đó, làm cho giá cả bị đẩy lên, thì nhiều người bán lẻ đã vét sạch các cửa hàng ở địa phương rồi tung ra bán trên mạng. Bây giờ thì cả các cửa hàng “ảo” lẫn cửa hàng thực đều đã rỗng tuếch!

Mikeala Kozlowski, một y tá ở Dudley, Massachusettes chuẩn bị sinh con đầu lòng; chị đã lùng mua cồn rửa tay từ ngày 05-03 nhưng không mua được. Khi kiểm tra trên mạng Amazon, chị thấy có người bán, nhưng giá không dưới 50 USD một chai. “Các người thật ích kỷ; đầu cơ hàng hóa để trục lợi cho cá nhân,” chị nói với những người bán lẻ trên mạng.

*

Cuộc bùng nổ thương mại điện tử, với những sàn giao dịch ảo như Amazon, eBay làm nổi lên ngành kinh doanh của hàng triệu thương nhân độc lập – họ lùng mua các mặt hàng giảm giá, hàng khó kiếm ở các cửa tiệm rồi rao lên mạng và bán đi khắp thế giới; họ tìm tất cả những gì có thể bán lại có lời nhiều. Trong vài tuần gần đây, có lẽ họ nhìn thấy cơ hội lớn nhất: đại dịch covid-19.

Một số thương nhân nói, họ xem danh sách các mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất trên Amazon, và thấy những cụm từ như “Purell” (một nhãn hiệu cồn rửa tay nổi tiếng), “khẩu trang N-95” và “khăn diệt khuẩn Clorox” và thế là họ biết phải làm gì: mua gom hết hàng rồi bán lại với mức giá mà thị trường chấp nhận được.

Lúc đầu, hoạt động này có hiệu quả. Trong vài tuần, giá cả các mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất trên Amazon là khăn diệt khuẩn, cồn rửa tay, và khẩu trang tăng chóng mặt. Báo The New York Times phân tích diễn biến giá cả ghi nhận trên trang Jungle Scout – chuyên theo dõi dữ liệu người bán hàng cho Amazon – cho thấy cả Amazon và các thương nhân độc lập như anh em nhà Colvin đều đẩy giá lên. Khi giá lên cao, mọi người vẫn phải mua, và Amazon vẫn thu 15% tiền bán hàng, EBay thu 10%, tùy theo giá và theo người bán.

Thế rồi những sàn giao dịch này, càng lúc càng bị phê phán dữ dội từ phía khách hàng và các nhà quản lý, phải hành động. Sau khi ban hành biện pháp chống nâng giá hồi tuần trước, hôm thứ Tư, Amazon đi xa hơn: cấm bán các mặt hàng có liên quan tới phòng dịch covid-19 của một số thương nhân. “Đầu cơ nâng giá là vi phạm rõ rệt chính sách của chúng tôi, vô đạo đức và ở một số nơi, còn là hành vi phi pháp. Ngoài việc hủy bỏ tài khoản của những thương nhân bên thứ ba này, chúng tôi mong có cơ hội làm việc trực tiếp với các công tố viện để xử trí những kẻ xấu,” Amazon ra thông báo.

*

Matt Colvin, 36 tuổi, nguyên là một trung sĩ kỹ thuật trong Không quân, nói rằng anh ta bắt đầu bán hàng trên Amazon từ năm 2015, bán giày Nike và đồ chơi cho thú cưng, bán hàng theo xu hướng (trend) và kiếm được mỗi năm khoản tiền lời không dưới sáu chữ số.

Hồi đầu tháng 02-2020, khi báo chí loan tin về sự bùng phát dịch covid-19 bên Trung Quốc, Colvin nhìn thấy cơ hội kiếm tiền. Một công ty gần nhà rao bán 2.000 túi “đồ dùng chống dịch” vì công ty ngừng hoạt động; mỗi túi gồm 50 khẩu trang, bốn chai cồn rửa tay và một nhiệt kế. Giá bán là 5 USD mỗi túi, nhưng Colvin mặc cả và mua được trọn gói với giá 3,5 USD/túi.

Anh ta nhanh chóng bán toàn bộ 2.000 túi đồ này trên mạng EBay, với giá từ 40 USD đến 50 USD mỗi túi, có túi được giá cao hơn. Anh từ chối cho biết số tiền lời, chỉ nói là lời “khá lắm”.

Thành công kích thích ham muốn. Khi nhìn thấy công chúng hoảng sợ bắt đầu đi mua cồn rửa tay và khăn diệt khuẩn, anh em nhà Colvin bắt đầu tích trữ hàng. Ở những nơi khác trong nước, nhiều thương nhân bán hàng trên Amazon cũng làm như anh em Colvin.

Chris Anderson ở Pennsylvania nói rằng anh ta và một người bạn đã lái xe đến tận Ohio, mua gom được 10.000 cái khẩu trang. Anh ta dùng phiếu giảm giá mua từng hộp khẩu trang với giá 15 USD mỗi hộp rồi lên mạng Amazon bán lại từ 40 USD đến 50 USD. Sau khi trừ phí quản lý cho Amazon và các chi phí khác, anh ta kiếm lời được khoảng 25.000 USD. Bây giờ Anderson còn khoảng 500 hộp khăn diệt khuẩn chưa bán được vì Amazon đã chặn, không cho anh ta rao bán với giá 19 USD/hộp, tăng 3 USD so với giá 16 USD mấy tuần trước dù anh ta chỉ mua vào với giá 3 USD/hộp.

Eric, một tài xế xe tải ở Ohio – không muốn nêu tên đầy đủ vì ngại Amazon trả đũa – cho biết anh ta mua gom khoảng 10.000 khẩu trang, mỗi hộp 10 cái với giá 20 USD và bán trên mạng hầu hết với giá 80 USD/hộp, có hộp anh ta bán được với giá 125 USD. “Ngay cả giá 125 USD/hộp vẫn bán hết ngay lập tức,” Eric nói, và dự tính đã kiếm lời được từ 35.000 đến 40.000 USD. Bây giờ Eric còn tồn gần 1.000 cái khẩu trang nhưng không biết phải làm gì với chúng. Anh ta nói Amazon rất mơ hồ, không xác định rõ thế nào là hành vi nâng giá khiến cho nhiều thương nhân sợ hãi và không muốn bị mất khả năng bán hàng trên sàn thương mại lớn nhất thế giới này.

*

Với cơ quan quản lý, các thương nhân này đã đầu cơ tích trữ các sản phẩm y tế trong thời kỳ đại dịch. Văn phòng công tố các tiểu bang California, Washington và New York đang điều tra hành vi nâng giá hàng liên quan tới dịch cúm Vũ Hán. Luật chống nâng giá của California cấm thương nhân tăng giá bán lên hơn 10% sau khi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp. Luật của tiểu bang New York cấm thương nhân thu “giá cao quá đáng và bất hợp lý” trong thời kỳ tình trạng khẩn cấp.

Một quan chức của văn phòng công tố bang Washington nói cơ quan này tin rằng họ có thể áp dụng luật bảo vệ người tiêu dùng của tiểu bang để khởi kiện các sàn thương mại điện tử hoặc các thương nhân có hành vi nâng giá bất hợp lý, ngay cả khi các sàn giao dịch và các thương nhân đó không đặt cơ sở ở Washington nhưng có bán hàng cho cư dân của Washington.

Matt Colvin không tin mình là kẻ đầu cơ nâng giá. Anh ta nói rằng, khi anh ta bán trên Amazon hai chai Purell với giá 20 USD dù mua vào với giá chỉ 1 USD mỗi chai, mọi người đã quên rằng giá bán này bao gồm cả tiền công lao động của anh ta, chi phí cho Amazon và khoảng 10 USD phí chuyển hàng (shipping). “Chỉ vì tôi chỉ bỏ ra 2 USD không có nghĩa là tôi không phải mất 16 USD nữa để đưa hàng đến tận nhà người mua”, Colvin nói.

*

Nhưng đâu là vấn đề đạo đức trong hành vi đầu cơ tích trữ những sản phẩm có thể giúp ngăn ngừa sự phát tán của virus, chỉ để kiếm lời cho mình?

Colvin nói anh tả chỉ đơn giản sửa chữa “những sự kém hiệu quả của thị trường”; khi một số vùng trong nước cần những sản phẩm này hơn những vùng khác, anh ta chỉ giúp nguồn cung đáp ứng nhu cầu. “Ngay lúc này nhu cầu ở một số thành phố là rất lớn. Tiệm Dollar General ở khu vắng vẻ bên ngoài thành phố Lexington, Kentucky thì không có nhu cầu như vậy,” Colvin nói. “Tôi thật lòng cảm thấy như đây là một dịch vụ công ích. Tôi được trả tiền cho dịch vụ công ích của tôi,” Colvin nói thêm.

Nhưng anh ta cũng tâm sự là không mong rơi vào hoàn cảnh “bị” nêu tên trên báo như một kẻ đầu cơ 20.000 chai cồn rửa tay để bán giá cao gấp 20 lần so với giá mua. Khi báo chí bắt đầu kể câu chuyện của anh ta vào sáng nay thứ Bảy, 14-03, Colvin đã quyết định hiến tặng toàn bộ số hàng tồn kho trong garage của anh cho từ thiện.

Trên mạng Twitter hôm nay đã có rất nhiều bình luận lên án hành động của anh em nhà Colvin và những kẻ đầu cơ, khen ngợi các sàn giao dịch Amazon và Ebay đã hành động dứt khoát. Nhưng cũng có người cho rằng mua rẻ, bán đắt, tận dụng mọi cơ hội để kiếm tiền là căn tính của chủ nghĩa tư bản, điều đáng ngạc nhiên là chưa thấy chính quyền hành động để bảo vệ người dân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: