‘Từ đây người biết thương người…’

Một tấm bảng với dòng chữ “Liều thuộc nhiệm mầu nhất vẫn là tình yêu” được nhìn thấy trên ban công ở quận Kreuzberg, Đức. Hình: Reuters.

CÁT LINH

Thế giới này đã trải qua không biết bao nhiêu trận đại dịch toàn cầu (global pandemic), từ Antonine Plague (Đại dịch Antonine) trước công nguyên cho đến đại dịch HIV/AIDS từ 2005-2012. Số người chết vì các đại dịch đó, cao nhất có đến mấy chục triệu người (36 triệu trong đại dịch AIDS, khoảng 50 triệu trong đại dịch FLU 1918). Nhưng hình như chưa bao giờ cùng một lúc, nhân loại có chung một kẻ thù vô hình và có sức lây nhiễm vũ bão như coronavirus như lúc này.

Kẻ thù chung của nhân loại

Chỉ từ tháng 12-2019 đến nay, bốn tháng, COVID-19, còn được cho là một phiên bản SARS-CoV-2, tàn phá gần như toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Nó khiến cho các cửa ngõ giao thương quốc tế từ thuỷ, bộ cho đến hàng không đều bị đóng kín. Ngay cả khoảng cách giữa người với người cũng bị giới hạn.

Vỏn vẹn vài tháng, lần lượt từng quốc gia hùng mạnh, lãng mạn, lịch lãm nhất đều phải ban lệnh phong toả. Lần lượt từng con người ưu tú, tinh hoa của văn hoá, chính trị, giáo dục, khoa học, giải trí, quân đội…đều trở thành nạn nhân. Mỗi ngày, thế giới cứ như ngồi chờ biết tên của người nào kế tiếp trong cuốn sổ sinh tử.

Georgetown ở Washington D.C, thành “Ghost-town”. Hình: SGN

Bất kỳ sự bùng phát nào khi đến đỉnh điểm, nó sẽ nhốt con người vào ngục tù của hoảng loạn. Đây là lúc con virus vô hình COVID-19 làm cho câu nói “tạm biệt nhé” trở nên ghê gớm bao giờ hết. Chưa bao giờ tình yêu thương được thể hiện bằng hình thức… lạ lùng đến thế: “Nếu yêu thương mọi người, hãy cách xa nhau.”

Chồng của bà Willia Robinson vừa qua đời hôm thứ Năm 26-3. Chỉ mới ngày 13-3, một ngày trước khi viện dưỡng lão ở Burbank, California, nơi ông Robinson ở chưa bị phong toả, bà còn gặp được ông. Bà mang đến cho ông gà nước, khoai tây nghiền và cà rốt cùng với những lời tạm biệt quen thuộc.

“Em yêu anh,” bà nói.

“Anh yêu em nhiều hơn cả”, ông đáp lại.

Thế nhưng, ngày sau đó, bà phải ngồi nhìn người chồng 55 năm của mình đang bị cách ly.

Rồi câu chuyện của những người cha về thăm con nhưng chỉ đứng nhìn từ đầu ngõ. Vì họ là những y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch. Họ không thể đến gần người thân yêu của mình chỉ vì, họ… yêu thương những người ấy.

Còn rất nhiều câu chuyện tương tự khác…

Nhân loại đang có chung một kẻ thù. Nước Nhật từng đơn phương chịu thảm hoạ động đất, sóng thần. Chiến tranh thế giới hay nội chiến dù kéo dài mấy mươi năm cũng gây mất mát ở vài quốc gia có liên quan, không nhiều thì ít. ‘Cái chết đen’ năm 1346-1353 làm tử vong khoảng 200 triệu người, là thảm hoạ của Châu Âu, Afirca và Châu Á. Đại dịch Asian Flu (1956-1958) cũng bắt nguồn từ Trung Quốc đã lan sang Singapore, Hong Kong, và Hoa Kỳ, gây cái chết cho khoảng 2 triệu người.

Lúc này lại khác. Coronavirus đang len lỏi tấn công toàn ngõ ngách của thế giới. Và thế giới ngày đêm oằn mình chống lại nó. Chống lại bằng khoa học, bằng nghiên cứu, bằng đấu tranh, và hơn tất cả: bằng tình người.

‘Từ đây người biết thương người…’

Những ai đang khóc cho những cái chết không đủ chỗ chôn ở nước Ý, chắc hẳn cũng biết những hình ảnh, video được chia sẻ rất nhiều thời gian qua. Người dân Ý theo lệnh phong toả toàn thành phố, phải “stay-at-home”. Họ chắc cũng theo dõi con số tử vong khủng khiếp của dân tộc mình. Nhưng, thay vì bi thương, vật vã, sợ hãi, điên loạn, họ đã… hát, và hát cùng nhau. Tiếng hát, tiếng đàn từ các balcony, cửa sổ những căn nhà ở Ý lan rộng ra khắp thế giới.

Hình: REUTERS/Alberto Lingria

John Nichols viết trên Twitter của anh: “Ở thành phố Sicily, hàng xóm đang cùng hát với một người đàn ông chơi đàn accordion. Người Sicily đã có giải pháp trong tình trạng đang bị cách ly.”

Đó chẳng phải bắt nguồn từ tình thương yêu nhau sao?

Khi danh tính của các nạn nhân coronavirus bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội và trên báo chí, câu chuyện của bà Suzanne Hoylaerts, ở Binkom, gần Lubbeek, nước Bỉ, làm cho người ta có cái nhìn bình thản hơn về sự ra đi. 

Bà Suzanne Hoylaerts qua đời vào thứ Bảy 21-3, ở tuổi 90, vì nhiễm COVID-19. Cô con gái Judith của bà nói với tờ báo địa phương: “Mẹ nói với tôi, ‘con không được khóc. Con đã làm tất cả những gì con phải làm. Mẹ đã có một đời sống đẹp.”

Hình: phanxico.vn

Các bác sĩ cho tôi biết bà từ chối máy trợ thở. Vì tôi đã bị nhiễm bởi con virus quái quỷ này, tôi không muốn hô hấp nhân tạo. Giữ cái máy này cho các em trẻ. Tôi đã có một cuộc sống đẹp, mẹ tôi nói với các bác sĩ. Mẹ tôi luôn như vậy: luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.” Cô Judith nói thêm.

Chỉ có tình thương yêu mới có thể làm như thế!

Lúc này, đi vào hầu hết các phòng cấp cứu ở Hoa Kỳ, các bạn sẽ thấy nhiều nhân viên ở đó đều mang giày Crocs. Hãng sản xuất giày dép Crocs đã công bố một chương trình quyên góp 10.000 đôi mỗi ngày cho các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống lại coronavirus.

Cửa tiệm bánh Crust Bros Pizza ở London đã phục vụ hàng trăm chiếc pizza cho các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, những người trong tuyến đầu của cuộc chiến. Đây cũng chính là phần đóng góp từ những khách hàng của cửa tiệm.

Hình: CNN

Công ty 3M đã gửi 500.000 mặt nạ phòng độc đến New York và Seatlle, hai nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Công ty cũng chủ động tăng gấp đôi sản lượng khẩu trang y tế N95 lên 1.1 tỷ cái, tốn khoảng 100 million mỗi tháng. 

Chúng ta cùng nhau trong trận chiến này. Và 3M sẽ tiếp tục làm tất cả những gì chúng tôi có thể để giúp bảo vệ cuộc sống, đưa thế giới vượt quan cuộc khủng hoảng này.” Tổng Giám đốc 3M, ông Mie Roman nói trong một cuộc họp báo.

Nhà thiết kế thời trang trẻ của New York, Chiristian Siriano tạm gác lại những mẫu thiết kế theo xu hướng mới nhất cho dạ tiệc, những show diễn trên sàn catwalk để may khẩu trang.

Nhà thiết kế thời trang trẻ của New York, Chiristian Siriano. Hình: Getty Images)

Tôi có một đội ngũ may làm việc tại nhà. Chúng tôi có thể giúp.” Anh viết trên Twitter.

“Tôi có một shop may. Gần đây ngày nào cũng theo dõi tin nên biết ở đâu cũng thiếu khẩu trang, tôi vô group kêu gọi mọi người cùng may. Ai cũng hướng ứng. Cả bang Washington mọi người từ nhiều thành phố về đây góp công góp sức.”

Đó là Kati Nguyễn, người Mỹ gốc Việt, cho chúng tôi biết về việc cô và nhóm cộng đồng Việt ở ở tiểu bang Washington đang thực hiện.

Khi lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh “không cần thiết”, tiệm nail của người Việt chịu ảnh hưởng rất lớn. Nhưng, cũng chính lúc này, họ lại là những người thể hiện rõ ràng nhất câu tục ngữ của nước Việt: “Bầu ơi thương lấy Bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”

Báo Việt Page News có bài phóng sự về tiệm Maria’s Nails. Tiệm Maria’s Nails nằm trên đường Airport Blvd thành phố Mobile, tiểu bang Alabama đã quyên tặng hơn 500 khẩu trang y tế và 30.000 đôi bao tay đến bệnh viện Providence nhằm giúp đỡ họ có thêm trang thiết bị bảo hộ.

Chị Maria Nguyen, chủ tiệm nói rằng, chị có rất nhiều khách hàng, bạn và thành viên trong gia đình làm trong ngành y tế và muốn mình cũng đóng góp được gì đó như họ. Chị nói trong lúc tiệm phải tạm đóng cửa vì dịch và trong thời gian này số khẩu trang và mặt nạ kia không cần dùng đến, do đó chị muốn gửi tặng chúng tới những nhân viên y tế, bác sĩ, y tá những người đặt cược sinh mạng của mình để chống chọi lại với dịch.

Một tiệm nail spa ở thành phố Federickburg, Đông Bắc cũng quyên góp số khẩu trang, găng tay cho bệnh viện trước khi đóng cửa tiệm thực hiện lệnh shutdown.

Trận đại dịch này rồi sẽ qua đi. Bao lâu thì không ai biết được. Con số mất mát là bao nhiêu nữa, cũng không ai biết. Nhưng chắc chắn một điều, bắt đầu từ những ngày này, chính con người đã truyền cho nhau tình yêu phút giây hiện tại, và tình yêu giữa người với người. Dù không cùng quê hương, nhưng vẫn: Từ đây người biết quê người /Từ đây người biết thương người/Từ đây người biết yêu người.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: