Coronavirus là căn bệnh của độc tài Trung Quốc

Dịch viêm phổi cấp Vũ Hán đã làm chết 132 người, với hơn 6.000 ngưi nhiễm bệnh. Ảnh NYT

Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) – Hiếu Chân dịch

Cuối cùng, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố chiến thắng sự bùng phát của chủng virus corona mới và chết chóc, họ chắc chắn sẽ ghi công cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng sự thật là ngược lại: chính đảng cộng sản phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này.

Sự bùng phát của chủng coronavirus mới bắt đầu từ thành phố Vũ Hán (Wuhan) của Trung Quốc đã gây bệnh cho hơn 4.000 người – chủ yếu ở Trung Quốc, nhưng cũng có ở nhiều nước khác, từ Thái Lan tới Pháp, tới Hoa Kỳ – và giết chết hơn 100 người. Do lịch sử bùng phát dịch bệnh của Trung Quốc – từ dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) tới dịch tả heo châu Phi – và nhận thức của giới quan chức về nhu cầu củng cố năng lực ứng phó với “các rủi ro lớn”, làm sao đại dịch này có thể xảy ra được?

Đừng ngạc nhiên khi thấy lịch sử đang lặp lại ở Trung Quốc. Để duy trì quyền lực của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải giữ cho công chúng tin rằng mọi chuyện đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Điều đó có nghĩa là đảng phải thực hiện việc che đậy có hệ thống tất cả những vụ tai tiếng, những sự bất cập có thể ảnh hưởng xấu tới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thay vì phải làm những việc cần thiết để ứng phó với dịch bệnh.

Đảng phải thực hiện việc che đậy có hệ thống tất cả những vụ tai tiếng, những bất cập có thể ảnh hưởng xấu tới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thay vì phải làm những việc cần thiết để ứng phó với dịch bệnh.

Sự bí mật bệnh hoạn này đã thui chột năng lực của chính quyền nhằm ứng phó nhanh chóng với thảm họa. Dịch SARS năm 2002-2003 đã có thể được khống chế sớm hơn nếu như các quan chức Trung Quốc, kể cả bộ trưởng bộ y tế, không cố tình che giấu thông tin với công chúng. Rồi khi các biện pháp thích hợp nhằm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh được thực thi, dịch SARS đã được khống chế chỉ trong vài tháng.

Nhưng dường như Trung Quốc đã không học các bài học của quá khứ. Mặc dù giữa cuộc bùng phát dịch viêm phổi cấp do coronavirus hôm nay và dịch SARS năm xưa có những sự khác biệt quan trọng – chẳng hạn như năng lực công nghệ nhằm giám sát dịch bệnh đã to lớn hơn trước – vẫn có một điểm chung không thay đổi là thói che đậy của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thoạt nhìn có vẻ như Chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng hơn cho việc đối phó với sự bùng phát dịch mới nhất. Nhưng, mặc dù ca bệnh đầu tiên được báo cáo vào ngày 8-12-2019, nhiều tuần lễ sau đó ủy ban y tế thành phố Vũ Hán vẫn không đưa ra thông báo chính thức nào. Và từ lúc đó, các quan chức Vũ Hán vẫn coi nhẹ độ trầm trọng của căn bệnh và cố ý tìm cách bưng bít thông tin báo chí.

Các thông báo của thành phố vẫn nói rằng, không có bằng chứng căn bệnh mới có thể lây từ người sang người, rằng không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh. Ủy ban y tế đã nhắc đi nhắc lại tuyên bố này cho đến ngày 05-01-2020 dù lúc đó đã có 59 trường hợp xác định bị nhiễm bệnh. Ngay cả sau khi ca tử vong đầu tiên được ghi nhận vào ngày 11-01-2020, ủy ban vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng không có bằng chứng cho thấy bệnh lây lan từ người sang người, hoặc có nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh.

Suốt thời gian hết sức cấp thiết cho việc phòng dịch này, có rất ít thông tin báo chí về sự bùng phát dịch. Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã làm việc rất cần cù để gỡ bỏ khỏi không gian công cộng tất cả mọi lời đề cập tới dịch bệnh – ngày nay họ làm công việc đó dễ dàng hơn thời kỳ dịch SARS nhờ chính phủ Trung Quốc đã thiết lập được sự kiểm soát hết sức chặt chẽ mạng internet, truyền thông báo chí và xã hội dân sự. Cảnh sát còn quấy nhiễu những người “phát tán tin đồn” về dịch bệnh.

Theo một nghiên cứu, những lời đề cập tới sự bùng phát dịch đăng trên mạng WeChat – một ứng dụng phổ thông ở Trung Quốc để nhắn tin, giao tiếp xã hội và thanh toán qua điện thoại di động – đã bùng lên giữa ngày 30-12-2019 và 04-01-2020, cùng thời điểm ủy ban y tế thành phố Vũ Hán lần đầu tiên công nhận có vụ bùng phát dịch coronavirus. Nhưng những lời cảnh báo về dịch bệnh sau đó đã giảm mạnh.

Những lời đề cập tới dịch bệnh coronavirus tăng nhẹ vào ngày 11-01, khi ca tử vong đầu tiên được báo cáo, nhưng rồi lại nhanh chóng biến mất. Phải tới sau ngày 20-01 – tiếp theo các báo cáo có 136 ca bệnh mới ở Vũ Hán, sự lây lan tới Bắc Kinh và Quảng Đông – thì chính phủ Trung Quốc mới nới lỏng các biện pháp kiểm duyệt. Những lời cảnh báo về coronavirus bùng nổ.

Nhưng một lần nữa, cố gắng bảo vệ hình ảnh của Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra quá đắt giá, bởi vì nó xói mòn những nỗ lực kiềm chế dịch lúc ban đầu. Sau đó nhà cầm quyền tăng tốc, và chiến lược của họ bây giờ có vẻ như nhằm chứng tỏ cho thế giới thấy chính phủ nghiêm túc đến mức nào trong việc đối phó với dịch bằng cách áp đặt những biện pháp rất quyết liệt: cấm đi lại và cô lập thành phố Vũ Hán, các thành phố lân cận của tỉnh Hồ Bắc – với tổng số hơn 35 triệu người.

Tại thời điểm này, không rõ liệu những biện pháp như vậy có cần thiết không, có hiệu quả không, cần thiết hoặc hiệu quả tới mức nào. Điều rõ ràng là cách xử trí sai lầm lúc đầu của Trung Quốc đối với sự bùng phát chủng coronavirus có nghĩa là hàng ngàn người dân bị nhiễm bệnh, hàng trăm người mất mạng và nền kinh tế, vốn đã bị suy yếu vì nợ công và thương chiến, phải lãnh thêm một cú đấm chí mạng.

Nhưng có lẽ phần bi thảm nhất của câu chuyện này là có rất ít lý do để hy vọng rằng, lần bùng phát dịch kế tiếp sẽ khác hôm nay. Sự sống còn của nhà nước độc đảng dựa trên sự bí mật, đàn áp báo chí và kìm hãm quyền tự do công dân. Vì thế ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu chính phủ phải gia tăng năng lực xử lý “những rủi ro lớn” thì Trung Quốc vẫn tiếp tục làm suy yếu sự an toàn của mình – và của cả thế giới – chỉ để gia tăng quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi cuối cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố chiến thắng trận đại dịch hôm nay, họ chắc chắn sẽ ghi công cho sự lãnh đạo của đảng. Nhưng sự thật là điều ngược lại: chính đảng cộng sản một lần nữa phải chịu trách nhiệm về sự bùng phát của thảm họa.

Tác giả Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) là giáo sư khoa chính quyền, trường đại học Claremont McKenna ở California, Hoa Kỳ. Bài viết trên đây của GS Bùi thể hiện quan điểm của ông; Saigon Nhỏ dịch và đăng lại để bạn đọc tham khảo, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Saigon Nhỏ.

Nguồn: Project-Syndicate

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: