COVID-19 và 25 ngày làm thay đổi thế giới!

Sau một năm coronavirus tàn phá thế giới, chúng ta biết được gì về nguồn gốc của nó?

Nhiều hãng tin và báo lớn vừa tung ra hồ sơ điều tra độc quyền (exclusive investigation) sau một năm Covid-19 hoành hành và làm thay đổi thế giới, lật lại những chi tiết bưng bít của nhà cầm quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, bài báo “25 DAYS THAT CHANGED THE WORLD” của New York Times đăng ngày 30-12-2020 có thể nói là bài báo hay nhất.

Với sự điều tra công phu và cẩn trọng truyền thống, New York Times đã cung cấp nhiều chi tiết trước nay chưa từng được nghe, đặc biệt tinh thần và thái độ của một số nhân vật trong giới y khoa Trung Quốc ít được nói đến và những rào cản chính trị mà họ gặp phải. Dưới đây là phần lược thuật…

Cơn bão u ám trước ngày đón Tết

Được tôn vinh là người hùng giúp phát hiện và chống đỡ đại dịch SARS cách đây 17 năm, Tiến sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), 84 tuổi, được lệnh gấp đến Vũ Hán để điều tra một loại coronavirus mới lạ. Tấm ảnh ông trên chuyến tàu đêm, mắt nhắm nghiền, mà một trợ lý chụp, sau này trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất Trung Quốc, được nhìn nhận như một cột mốc chính thức dẫn đến sự mở màn cuộc chiến mà Trung Quốc tự hào chiến thắng, bất chấp vô số sự thật và không ít thất bại bị bưng bít. Bốn ngày sau, 23-1-2020, Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh phong tỏa Vũ Hán. Tuy nhiên, cảnh báo đầu tiên đã thực sự xuất hiện vào 25 ngày trước, ngày 30-12-2019.

Trong nhiều năm, dù quan hệ chính trị hai nước lúc trầm lúc thăng nhưng giới khoa học Mỹ-Trung vẫn giữ liên lạc tương đối tốt. Ngày 8-1-2020, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), Cao Phúc (Gao Fu; còn được viết là George F. Gao) đã không giấu được sự lo lắng về mức độ nguy hiểm của coronavirus chủng mới, khi gọi cho người đồng cấp bên Mỹ, Tiến sĩ Robert R. Redfield. Tuy nhiên, cả Tiến sĩ Redfield và Tiến sĩ Cao, do bị tác động bởi các yếu tố chính trị, đều đã không báo động cho công chúng.

Tại Bắc Kinh, giới chức y tế hàng đầu bắt đầu nhận được loạt báo cáo đáng ngại từ các bác sĩ Vũ Hán. Hai nhóm chuyên gia được Bắc Kinh cử đến điều tra. Tuy nhiên, họ thiếu “bản lĩnh chính trị” để đương đầu với giới chức địa phương “rừng nào cọp đó” ở Vũ Hán, và cuối cùng quyết định giữ im lặng. Với Tiến sĩ Chung Nam Sơn, chuyến đi Vũ Hán thật ra có nhiều yếu tố chính trị hơn là khoa học. Ông biết virus đang lây lan giữa người với người; mục đích thực sự của ông là phá vỡ sự bế tắc trong hệ thống chính trị vốn chưa bao giờ minh bạch của Trung Quốc.

“Chắc chắn có sự lây truyền từ người sang người” – Tiến sĩ Chung viết trong báo cáo mà ông soạn trên chuyến tàu trước khi có mặt ở Vũ Hán. Báo cáo đề cập việc “nhắc nhở người dân không đến Vũ Hán, trừ lý do đặc biệt, giảm tụ tập và du lịch”. Ngày 30-12-2019, sau khi giới bác sĩ Vũ Hán phát hiện nhiều bệnh nhân viêm phổi với những triệu chứng lây nhiễm bí ẩn, khó chữa, chính quyền thành phố yêu cầu các bệnh viện báo cáo những trường hợp tương tự. Theo luật, bệnh viện cũng phải báo cáo trực tiếp với CDC trung ương. Lần này họ không làm như vậy. Chỉ 12 phút sau khi thông báo nội bộ được đưa ra, nó đã tràn lên WeChat. Một thông báo nội bộ thứ hai về việc chăm sóc bệnh nhân cũng nhanh chóng lan nhanh trên mạng. Chỉ đến khi đó trận dịch Vũ Hán mới đến tai Tiến sĩ Cao.

Bưng bít ngay từ đầu

Địa điểm bùng phát dịch tại Vũ Hán dường như ở Chợ hải sản Hoa Nam. Một tuần trước đó, các bác sĩ địa phương đã gửi dịch phổi của một tiểu thương 65 tuổi đến Vision Medicals, công ty phân tích bản đồ gien ở Nam Trung Quốc. Tại đó, người ta phát hiện một loại coronavirus gần giống với SARS. Hai phòng thí nghiệm khác cũng kết luận tương tự. Tuy nhiên, chẳng ai dám tiết lộ. Vision Medicals gửi dữ liệu đến Viện hàn lâm y khoa ở Bắc Kinh và cử một viên chức điều hành cấp cao đến cảnh báo Ủy ban y tế Vũ Hán.

Nhóm chuyên gia Bắc Kinh, trong đó có Tiến sĩ Tào Bân (Cao Bin), được phái đến Vũ Hán những ngày cuối cùng của năm 2019. Thời điểm đó, chính quyền Vũ Hán đã công khai xác nhận các bệnh viện của thành phố đang giải quyết những ca viêm phổi bất thường nhưng đồng thời phủ nhận bệnh có thể truyền nhiễm. Cùng lúc, Ủy ban Y tế Quốc gia ra lệnh các phòng thí nghiệm tiêu hủy hoặc giao nộp các mẫu virus, và yêu cầu chỉ công bố kết quả sau khi được chính thức chuẩn thuận. Người đứng đầu Ủy ban Y tế Quảng Đông, theo lệnh Bắc Kinh, đã dẫn đầu một nhóm đến Vision Medicals tịch thu mẫu virus.

Trong khi đó, giới khoa học Trung Quốc vẫn liên lạc với thế giới bên ngoài. Giáo sư Stanley Perlman thuộc Đại học Iowa nhắn tin cho một đồng nghiệp Trung Quốc vào ngày 4-1-2020. Ông được nhắc phải dùng ứng dụng nhắn tin bảo mật. Vị đồng nghiệp Trung Quốc cho biết, có bốn phòng thí nghiệm đã giải mã chuỗi gien virus. “Có một điều gì đó u ám đang xảy ra”. Trong khi đó, nhóm Bắc Kinh gấp rút đưa ra hướng dẫn cách điều trị và giúp quan chức địa phương Vũ Hán đóng cửa chợ hải sản. Tuy nhiên, họ không hề lo lắng về khả năng lây lan vào dịp nghỉ Tết. “Trung Quốc đã tích lũy nhiều năm kinh nghiệm kiểm soát bệnh truyền nhiễm” – Tiến sĩ Từ Kiến Quốc (Xu Jianguo) nói với một tờ báo Hong Kong – “Chắc chắn không có khả năng lây lan vào dịp nghỉ xuân”.

Cách đó hơn 500 dặm về phía Đông, Trương Vĩnh Chân (Zhang Yongzhen), nhà virus học hàng đầu tại Trung tâm Lâm Sàng Y tế công cộng Thượng Hải, người từng học ở Oxford (Anh), rất lo lắng. Đã giải mã gien virus này, ông Trương biết chắc rằng nó gây lây nhiễm. Sau khi hoàn thành giải mã gien virus ngày 5-1-2020, Trương gửi cảnh báo nội bộ đến chính quyền Thượng Hải cũng như giới chức y tế Bắc Kinh. Ông cũng chuẩn bị công bố dữ liệu, sau khi đến Vũ Hán nói chuyện tại một đại học vào ngày 9-1-2020. Ngày 11-1-2020, khi giáo sư Trương chuẩn bị đáp chuyến bay tới Bắc Kinh thì nhận được cuộc gọi từ đối tác nghiên cứu lâu năm Edward Holmes, nhà virus học tại Đại học Sydney.

Lúc ấy, Trung Quốc bắt đầu ghi nhận có ca tử vong đầu tiên và nhiều ca nhiễm được nghi xuất hiện ở Hong Kong. Trước đó không lâu, giáo sư Trương đã gửi kết quả phân tích gien lên GenBank, một thư viện dữ liệu di truyền trực tuyến khổng lồ. Trong cuộc gọi, Edward Holmes thúc Trương Vĩnh Chân nên lập tức báo động. Thoạt ngần ngừ nhưng không đầy một phút sau, Trương gọi lại Holmes, cho biết ông quyết định công bố. Ngay sau đó, dữ liệu được đưa lên một trang web về virus học. Hai tiếng rưỡi sau, khi hạ cánh xuống Bắc Kinh, giáo sư Trương bật điện thoại. Loạt tin nhắn đổ vào máy. Giới khoa học thế giới bắt đầu nhốn nháo…

Con đường từ Vũ Hán đến Bắc Kinh

Tiến sĩ Robert R. Redfield, giám đốc Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), là bạn cũ của người đồng cấp Cao Phúc. Cả hai đều là chuyên gia virus học. Họ đã nói chuyện với nhau sau khi có cảnh báo của chuyên san ProMED vào ngày 30-12-2019 nhưng Tiến sĩ Cao khẳng định virus chỉ lây từ động vật ở chợ chứ không từ người sang người. Tuy nhiên, đến ngày 8-1-2020, Cao bắt đầu hoảng hốt. Virus đã lây cho những người làm việc trong bệnh viện, trong khi giới chức địa phương khăng khăng không có chuyện nhiễm từ người sang người.

Trung Quốc và Mỹ từng có thời gian dài hợp tác trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh. Mỹ đã thực hiện một chương trình có tên “Predict” tại Trung Quốc, với mục đích phát hiện các mầm bệnh nguy hiểm ở động vật, đặc biệt coronavirus, trước khi chúng có thể lây sang người. Một trong những phòng thí nghiệm của họ đặt ở Vũ Hán. Tuy nhiên, tháng 7-2019, bất ngờ và không giải thích, Chính phủ Mỹ rút bác sĩ người Mỹ cuối cùng ra khỏi nhóm CDC Trung Quốc.

Vài tháng sau, một văn phòng của CDC Hoa Kỳ ở Bắc Kinh cũng đóng cửa. Đây từng là nơi làm việc của hơn 10 chuyên gia Mỹ và 40 nhân viên y tế công cộng Trung Quốc. Đến tháng 12, những người còn lại của nhóm CDC Hoa Kỳ tại Trung Quốc chỉ còn hai nhà dịch tễ học, một chuyên gia công nghệ thông tin và vài nhân viên địa phương, chủ yếu làm việc về bệnh cúm mùa. Chương trình “Predict” bị đình chỉ… Khi nói chuyện với đồng cấp Cao Phúc, Tiến sĩ Robert R. Redfield đề nghị Mỹ giúp dập ổ dịch Vũ Hán. 20 nhà dịch tễ học Mỹ có thể đến Trung Quốc trong 48 giờ. Tuy nhiên, Bắc Kinh khước từ.

Trên giấy tờ, Tiến sĩ Mã Hiểu Vĩ (Ma Xiaowei), Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, là người quyền lực nhất trong bộ máy hành chính y tế Trung Quốc. Trong thực tế, hai tay của Mã bị trói chặt. Trong hệ thống Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mã Hiểu Vĩ chỉ đứng ở rìa. Bên ngoài thủ đô Bắc Kinh, giới chức kiểm soát dịch bệnh thường lấy “tín hiệu” từ các giám sát viên địa phương chứ không phải từ Mã. Ngày 8-1-2020, Tiến sĩ Mã cử một nhóm đến Vũ Hán, làm tiếp việc điều tra mà nhóm Bắc Kinh đã bỏ lại trước đó.

Chính quyền Vũ Hán nói rằng suốt nhiều ngày không có ca mới nào. Tuy nhiên, bên trong nhiều bệnh viện Vũ Hán, các khu bệnh sốt đang đông nghẹt. Tại bệnh viện Đồng Tế (Tongji), bác sĩ Triệu Kiến Bình (Zhao Jianping) không nghi ngờ những gì đang thấy, rằng dịch bệnh lan rất nhanh và lây từ người sang người. Tình trạng nguy ngập diễn ra khắp nơi. Bệnh viện Trung Nam (Zhongnan) phải mở phòng cấp cứu sốt 24/24. Bác sĩ và y tá đổ bệnh hàng loạt.

Ủy ban Y tế Quốc gia kêu gọi giới chức y tế trên khắp Trung Quốc họp video vào ngày 14-1. Sau đó, Ủy ban gửi một chỉ thị nội bộ, với 63 trang, khuyến cáo các bệnh viện và trung tâm kiểm soát dịch bệnh khắp Trung Quốc về cách theo dõi và ngăn chặn virus mới. Khuyến cáo dù vậy vẫn viết: “Không có bằng chứng rõ ràng về các trường hợp lây từ người sang người”. Giữa tháng 1, Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp với hơn 20 quan chức hàng đầu.

Không hề đề cập đến coronavirus! Trong khi đó, tại Quảng Đông, Tiến sĩ Chung Nam Sơn không yên tâm. Vai trò của ông trong việc phát hiện và cảnh báo virus SARS đã đưa ông trở thành một trong những bác sĩ được kính trọng nhất Trung Quốc. Chung là một trong những bác sĩ Trung Quốc đầu tiên được cử đi học ở phương Tây cuối những năm 1970. Ông học ở London và Edinburgh.

“Hôm nay là cơ hội cuối cùng để các ông nói ra sự thật!”

Đứng đầu trung tâm bệnh hô hấp ở Quảng Đông, bác sĩ Chung đã nghe nói một số ca nhiễm lạ vào giữa tháng 1-2020 tại một bệnh viện ở Thâm Quyến. Một gia đình được xét nghiệm dương tính sau khi đến Vũ Hán. Sau đó, một người họ hàng khác cũng bị dương tính sau khi vào bệnh viện ngày 14-1 (để thăm gia đình trên) mà người này chưa bao giờ đến Vũ Hán. Giới chức Quảng Đông tổ chức cuộc họp khẩn ngày 16-1. Tại Chiết Giang, bác sĩ Lý Lan Quyên (Li Lanjuan), cựu chánh văn phòng y tế tỉnh, nghe nói rằng các bác sĩ ở bệnh viện Vũ Hán đang bị nhiễm. Bà gọi cho Tiến sĩ Mã ở Bắc Kinh. Ngày 18-1, Tiến sĩ Mã đề nghị Tiến sĩ Chung dẫn một phái đoàn thứ ba đến Vũ Hán. Tại đó, Tiến sĩ Chung được báo cáo rằng tình hình thực tế ở Hồ Bắc còn tồi tệ hơn nhiều.

Người đứng đầu tỉnh Hồ Bắc, Vương Hiểu Đông (Wang Xiaodong), tiếp nhóm của bác sĩ Chung trong một phòng họp khách sạn. Khi nghe giới chức Hồ Bắc “trấn an”, một người trong nhóm của Tiến sĩ Chung nổi cáu: “Hôm nay là cơ hội cuối cùng để các ông nói ra sự thật!”. Cuối cùng, một quan chức Hồ Bắc thừa nhận: 15 nhân viên y tế ở Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán có khả năng đã nhiễm và dịch bệnh có nguy cơ lây từ người sang người. Chỉ cần bấy nhiêu, nhóm Chung lập tức lên đường đến Bắc Kinh.

Tiến sĩ Mã Hiểu Vĩ, Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, có lý do xác đáng để hối thúc giới chính trị chóp bu hành động. Sáng hôm sau, Tiến sĩ Chung đến khu nhà có tường bao quanh của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc – Trung Nam Hải. Ông Tập đang đi vắng ở Tây Nam Trung Quốc. Thủ tướng Lý Khắc Cường nghe báo cáo. Tối hôm đó, Chung được phép xuất hiện trong cuộc họp báo chiếu truyền hình để cảnh báo dịch bệnh. Ba ngày sau, Trung Quốc xác nhận 571 ca nhiễm, dù các chuyên gia ước tính con số thực là hàng nghìn.

Trở về Bắc Kinh, Tập ra lệnh đóng cửa Vũ Hán. 11 ngày sau, Tập đối mặt một cuộc khủng hoảng chính trị. Cộng đồng mạng bùng nổ giận dữ khi biết chuyện bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) bị nhiễm. Bác sĩ Lý, người phát ra những cảnh báo đầu tiên, đang nằm phòng chăm sóc đặc biệt. Ngày 7-2, bác sĩ Lý qua đời.

Những gì xảy ra tiếp theo là một chiến dịch cực kỳ qui mô, không chỉ nhằm dập dịch, mà còn là dập làn sóng thông tin bùng nổ trên mạng. Hàng loạt người bị bắt, tội lan truyền thông tin “không chính xác”. Bác sĩ và y tá Vũ Hán bỗng im lặng. Những báo cáo liên quan cuộc chiến chống dịch đột ngột không nhắc gì đến Trương Vĩnh Chân, nhà virus học hàng đầu tại Trung tâm Lâm Sàng Y tế công cộng Thượng Hải. Tháng 9, Tập vinh danh các bác sĩ, quan chức và những người đóng góp trong chiến dịch chống Covid-19. Trong bài phát biểu 74 phút, Tập nói về việc giới lãnh đạo Đảng Cộng sản đã “hành động quyết đoán và phản hồi một sự kiện bất thường bằng các biện pháp phi thường”.

Tập trao Huân chương Cộng hòa (“Cộng hòa quốc Huân chương” – 共和国勋章), danh hiệu cao quý nhất của Trung Quốc, cho Tiến sĩ Chung Nam Sơn. Hôm sau, Nhân Dân nhật báo tôn vinh Tiến sĩ Chung và trích dẫn một trong những câu nổi tiếng của ông: “Trong khoa học, chỉ có một điều duy nhất đúng đắn là tìm sự thật từ dữ liệu chứ không phải đưa ra những trấn an về sự an toàn. Nếu không, bệnh nhân sẽ thành nạn nhân”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: