Đã có hơn nửa triệu người nhiễm virus, gần 24.000 người tử vong

Một bệnh viện dã chiến 2.000 giường được quân đội Iran cải biến từ một trung tâm triển lãm quốc tế ở Tehran, chuẩn bị đón bệnh nhân nhiễm coronavirus. AP

H.C.

Đến chiều tối ngày thứ Năm 26-03, thế giới đã có hơn nửa triệu người nhiễm coronavirus với hơn hai mươi ngàn người tử vong, gây ra một tác động kinh tế hết sức trầm trọng.

Theo trang web chuyên thống kê dịch Covid-19 của Đại học Johns Hopkins, đến 21:00 ngày 26-03 giờ Washington, thế giới đã có 529.591 người nhiễm coronavirus, 23.970 người chết. Năm quốc gia có số người bệnh cao nhất là Mỹ (83.836 người), Trung Quốc (81.782 người), Ý (80.589 người), Tây Ban Nha (57.786 người) và Đức (43.938 người).

New York và Lousiana thành ổ dịch

Tại Mỹ số người chết vì dịch đã lên tới 1.209 người, riêng tiểu bang New York có hơn 400 người chết, trở thành điểm nóng tệ hại nhất của đất nước. Phần lớn các nạn nhân đều ở thành phố New York, đại đô thị lớn nhất nước nơi hệ thống bệnh viện đã bị quá tải trầm trọng.

Tiểu bang Louisana và thành phố New Orleans nhanh chóng trở thành một ổ dịch mới. Hôm nay thứ Năm, Louisana có thêm 500 ca nhiễm bệnh mới, nâng tổng số người bệnh lên hơn 2.300 người, 86 người tử vong, trong đó có một thiếu niên 17 tuổi. New Orleans đang hối hả chuẩn bị cho khả năng các bệnh viện bị tràn ngập bởi những người bị nhiễm virus, cải biến khu trung tâm triển lãm và hội nghị của thành phố thành một bệnh viện dã chiến lớn có thể tiếp nhận 3.000 bệnh nhân.

Dịch lây lan nhanh và mạnh đã buộc nước Ý phải đóng cửa toàn bộ các hoạt động sản xuất công nghiệp; Ấn Độ phong tỏa toàn bộ đất nước, hàng triệu người lao động lếch thếch rời các đô thị về miền quê để kiếm cái ăn qua ngày.

Kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng

Ở Ấn Độ, 1.300 triệu dân được lệnh phải ở yên trong nhà, từng đoàn người nghèo bỗng dưng bị mất việc, mất kế sinh nhai, nhiều gia đình không còn gì để ăn qua ngày. “Mối lo hàng đầu của tôi là thức ăn chứ không phải virus. Tôi không biết làm sao để sống nữa,” Suresh Kumar, 60 tuổi, hành nghề đạp xích lô ở New Delhi để nuôi sáu miệng ăn với thu nhập mỗi ngày khoảng 300 rupees (khoảng 4 USD) than thở.

Ấn Độ có tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ cao thứ hai thế giới. Những người đạp xích lô, bán hàng rong, giúp việc nhà, thợ nề thợ hồ và những người lao động lương thấp khác tạo thành xương sống của nền kinh tế nhưng cố gắng lắm cũng chỉ đủ sống chật vật qua ngày, không có của cải tích lũy để dành khi hoạn nạn.

Chính phủ Ấn đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 1.700 tỷ rupees, tương đương 22 tỷ USD nhắm bảo đảm khẩu phần lương thực và rau củ hàng tháng cho khoảng 800 triệu dân.

Dân Ấn Độ xếp hàng chờ mua khí đốt (gas). NYT

Từ Đại lộ số Năm New York đến các quảng trường rộng lớn của Paris và Rome, tất cả các nhà hàng, khách sạn, hãng hàng không, các chuỗi trung tâm mua sắm cũng như các cửa hiệu nhỏ đều đóng cửa; các xí nghiệp nhà máy ở cả hai châu lục Âu-Mỹ hầu như đều ngừng hoạt động; các thành phố đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu và yêu cầu công dân ở yên trong nhà, thực hiện cách ly xã hội.

Các công ty khắp châu Âu đang sa thải công nhân với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008; công việc làm ở Mỹ cũng đang biến mất: 3,3 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong một tuần – cao gấp năm lần mức kỷ lục lập vào năm 1982.

Ý Đại Lợi – nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), nước sản xuất và xuất cảng lớn các sản phẩm thiết bị máy móc, hàng dệt may và nhiều mặt hàng khác – trở thành nước công nghiệp phương Tây đầu tiên ngừng hoạt động toàn bộ nền kinh tế để chống dịch. Tất cả các doanh nghiệp, từ các nhà sản xuất lớn như xe hơi Fiat, Ferrari, vỏ xe hơi Pirelli, kính mắt Ray-Bans và Oakleys cho đến các dịch vụ nhỏ, không thiết yếu đều đã đóng cửa.

Hiệp hội doanh nghiệp Ý Confindustria dự tính mỗi tháng nguồn thu ngân sách quốc gia sẽ bị thất thoát khoảng 70 tới 100 tỷ euro nếu 70% số doanh nghiệp bị đóng cửa.

Tăng hỗ trợ tài chính cho người dân

Một dấu hiệu tích cực hiếm hoi là thị trường chứng khoán Wall Street tăng điểm ba phiên liên tiếp, do nhà đầu tư kỳ vọng vào gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua, đang chờ Hạ viện bỏ phiếu vào ngày mai thứ Sáu và sau đó Tổng thống D. Trump ký ban hành thành luật. Với gói giải cứu này, mỗi người Mỹ thu nhập trung bình và thấp sẽ được nhận 1.200 USD, trẻ em được 500 USD.

Vương quốc Anh, mới có 11.812 người nhiễm virus và 580 người tử vong, vừa công bố gói hỗ trợ kinh tế nhắm tới những người lao động độc lập, nhất là các chủ tiệm nhỏ, người lao động hợp đồng ăn lương theo giờ – những người đang đối mặt với tình trạng lụn bại về tài chính. Chính phủ sẽ cấp cho mỗi người đủ điều kiện khoản tiền tương đương 80% tiền lương, tức vào khoảng 2.500 bảng Anh, hay 3.000 USD mỗi tháng.

Trong khi đó Tổng thống Trump thông báo chính quyền liên bang đang soạn thảo bảng hướng dẫn mới, theo đó từng quận hạt (county) sẽ tùy vào tình hình và rủi ro của dịch bệnh mà có thể xem xét siết chặt hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế để làm sao vừa ngăn chặn được sự lây lan của virus vừa từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: