Dịch viêm phổi cấp và thất bại của “mô hình Trung Quốc”

Lý Viễn (Li Yuan) – Hiếu Chân dịch

Khi Đảng Cộng sản củng cố quyền kiểm soát, nhiều quan chức lo lấy lòng cấp trên hơn là chăm sóc người dân.

Thị trưởng thành phố Vũ Hán đổ lỗi cho cấp trên. Một quan chức cao cấp về phòng dịch đổ lỗi cho bộ máy hành chính quan liêu nhiều tầng lớp. Một chuyên gia hàng đầu của chính phủ đổ lỗi cho dân chúng: người dân, ông ta nói, không hiểu những lời ông ta nói với họ.

Khi Trung Quốc vật lộn với sự bùng phát của virus corona bí hiểm đã giết chết gần 500 người và gây bệnh cho hàng chục ngàn người khác, người dân ở đất nước 1,4 tỷ dân này tự hỏi, đã có chuyện gì sai? Các quan chức cao cấp bỗng bộc lộ rõ ràng một cách bất thường tình trạng đổ lỗi cho nhau.

Có quá nhiều quan chức phủ nhận trách nhiệm tới mức người dùng mạng xã hội đùa cợt rằng mình đang xem diễn trò thi đua “gắp lửa bỏ tay người”.

“Trong một môi trường bị áp lực nặng nề của chiến dịch chống tham nhũng, đa số người, kể cả những quan chức chính phủ cao cấp, đều chỉ lo giữ thân mình… Họ không muốn là người đầu tiên lên tiếng. Họ chờ cấp trên đưa ra quyết định và họ chỉ có trách nhiệm báo cáo với cấp trên thay vì với dân chúng,”

Nhà văn Từ Khai Trân (TQ)

Người dân Trung Quốc đang có được cái nhìn hiếm hoi vào cách thức vận hành của guồng máy quan liêu khổng lồ nhưng mờ tối của Trung Quốc – hoặc nói đúng hơn, vào cách thức mà nó không vận hành được. Có quá nhiều quan chức trong guồng máy đã trở thành kẻ đầu cơ chính trị, sợ phải đưa ra những quyết định có thể làm cấp trên tức giận, song đồng thời lại kiêu ngạo và xa cách khi ra trước công chúng thừa nhận sai lầm và học hỏi từ sai lầm ấy.

Từ Khai Trân (Xu Kaizhen), một nhà văn có sách bán chạy nhất, nổi tiếng với những tiểu thuyết khám phá công việc rối rắm và phức tạp của chính trị Trung Quốc, nói: “Vấn đề quan trọng nhất của vụ bùng phát dịch này là chính quyền địa phương không hành động và sợ phải hành động”. “Trong một môi trường bị áp lực nặng nề của chiến dịch chống tham nhũng, đa số người, kể cả những quan chức chính phủ cao cấp, đều chỉ lo giữ thân mình… Họ không muốn là người đầu tiên lên tiếng. Họ chờ cấp trên đưa ra quyết định và họ chỉ có trách nhiệm báo cáo với cấp trên thay vì với dân chúng,” ông Từ nói thêm.

Chính phủ Trung Quốc dường như đã hiểu ra vấn đề. Tại một cuộc họp bộ chính trị hôm thứ Hai 03-02, giới lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản thừa nhận dịch viêm phổi cấp Vũ Hán là “một thử thách lớn cho hệ thống và năng lực quản trị của Trung Quốc.”

Ngày càng có nhiều người dân đặt vấn đề về các quyết định của chính phủ khi Trung Quốc bước vào một thời kỳ gần như tê liệt. Khi virus phát tán, các quan chức Vũ Hán và trên khắp nước đã ém nhẹm các thông tin thiết yếu, coi nhẹ mối đe dọa và trừng phạt các bác sĩ đang cố gắng gióng lên hồi chuông báo động. Bằng việc không đưa ra cảnh báo sớm hơn, chính phủ Trung Quốc đã gần như đánh mất cơ hội kiềm chế căn bệnh không để nó biến thành dịch.

Sự bùng phát dịch đã xói mòn cái huyền thoại rằng giới tinh hoa chính trị Trung Quốc được bổ nhiệm và đề bạt chỉ thuần túy dựa trên năng lực. Trung Quốc đã quảng bá hệ thống này như một sự sáng tạo độc đáo của họ. Các quốc gia đang phát triển đã gửi hàng ngàn viên chức chính phủ tới Trung Quốc để học tập mô hình quản trị của nước này – một hệ thống trong đó nhà nước cung ứng an ninh và tăng trưởng kinh tế đổi lại người dân phải phục tùng nền cai trị độc tài chuyên chế.

Sự bùng phát dịch đã xói mòn cái huyền thoại rằng giới tinh hoa chính trị Trung Quốc được bổ nhiệm và đề bạt chỉ thuần túy dựa trên năng lực.

Giờ đây người dân Trung Quốc đặt câu hỏi về mô hình đó. Họ tập trung phần lớn nỗi tức giận vào ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, người mà họ cho là đã tạo ra một nền văn hóa sợ hãi và lệ thuộc bên trong chính phủ Trung Quốc.

Ít người dám công khai nêu nghi vấn về ông Tập vì sợ đánh động các viên chức kiểm duyệt hoặc công an. Nhưng khi ông Tập không xuất hiện trước công chúng trong những ngày gần đây, một số người sử dụng mạng xã hội đã nêu câu hỏi một cách bóng gió: “Người ấy đâu rồi?”. Họ cũng đăng lên mạng và chia sẻ với nhau hình ảnh những người lãnh đạo trước đây xuất hiện tại hiện trường các vụ khủng hoảng trong quá khứ.

Những người phê phán nói thầm với nhau rằng, dưới thời ông Tập, Đảng Cộng sản bắt đầu đề bạt các cán bộ chính trị trung thành thay cho những người “kỹ trị” – tức là các chuyên gia và nhà quản lý có kỹ năng, những người làm nên xương sống của guồng máy hành chính trong các thập niên 1990 và 2000, khi đất nước này phát triển nhanh nhất.

Những quan chức kỹ trị như vậy thường tham nhũng, nhưng đôi lúc ngay cả những người phê phán đảng mạnh mẽ nhất cũng thừa nhận rằng họ làm được việc. Lưu Chí Quân (Liu Zhijun), cựu bộ trưởng bộ đường sắt đang chịu án tù chung thân vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực, cũng là người đã giám sát công cuộc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc, cải thiện rất lớn đời sống của quốc gia này.

Trò gắp lửa bỏ tay người trong hệ thống của Trung Quốc trong cơn dịch hiện nay có phần do mối xung đột giữa các viên chức kỹ trị – những người giữ rất nhiều vị trí ở các trung tâm kiểm soát dịch bệnh cấp tỉnh và cấp quốc gia – với các cán bộ chính trị, các thị trưởng, tỉnh trưởng và bí thư đảng bộ các cấp. Sự bùng phát của dịch và không công khai thông tin cho thấy các cán bộ chính trị đã thắng. Trong thực tế, ngay cả các viên chức kỹ trị cũng biến thành cán bộ bởi vì không ai trong số họ đủ dũng cảm để nói với dân chúng những điều họ biết về con virus bé nhỏ đó.

Quan chức Trung Quốc thường dành khoảng một phần ba thời gian của họ cho các lớp học tập chính trị, phần lớn là học các diễn văn của Tập Cận Bình. Bây giờ lòng trung thành chính trị được coi trọng hơn trước trong việc xem xét cất nhắc cán bộ. Bây giờ luật lệ chung trong giới quan chức Trung Quốc là phải thể hiện lòng trung thành, càng lộ liễu càng tốt, mọi chuyện khác phải thật mơ hồ và khi có chuyện sai trái xảy ra thì phải cố né tránh trách nhiệm bằng mọi giá.

Nhân dân Trung Quốc sẽ phải trả giá. Thất bại này đã lan tràn khắp hệ thống.

Châu Hiền Vượng (Zhou Xianwang), thị trưởng thành phố Vũ Hán, nói ông ta không thể công bố sớm hơn quy mô và mức nguy hiểm của nạn dịch bởi vì ông ta phải được cấp trên phê chuẩn. Nhưng ông ta có thể làm một số việc mà không cần phải chia sẻ nhiều thông tin, chẳng hạn như bảo người dân đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh những cuộc tụ tập đông người, chẳng hạn như bữa tiệc cộng đồng với 40.000 gia đình tham gia được tổ chức chỉ vài ngày trước khi thành phố 11 triệu dân này bị phong tỏa.

Khi thông tin bắt đầu rò rỉ ra, nó rất mơ hồ và sai lệch. Trong hàng loạt thông báo trực tuyến được đưa ra giữa ngày 31-12-2019 và 17-01-2020, các quan chức địa phương cho biết họ đang điều trị các bệnh nhân bị viêm phổi nhưng không nói khi nào hoặc bao nhiêu người.

Ủy ban Y tế quốc gia – cơ quan cấp bộ có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh, đã không phát thông báo nào về dịch bệnh cho đến tận ngày 19-01-2020. Rồi khi ủy ban này phát hành thông báo thì việc đầu tiên của họ là đổ lỗi cho chính quyền địa phương.

Các quan chức địa phương thì dường như không coi người dân là ưu tiên hàng đầu của mình. Trong một lần trả lời phỏng vấn của truyền hình nhà nước, Mã Quốc Cường (Ma Guoqiang), bí thư thành ủy Vũ Hán, công nhận rằng nhân dân Vũ Hán “có chút lo lắng và chút sợ hãi” và nói ông sẽ huy động tất cả các đảng bộ để trấn an người dân! “Nhưng điều quan trọng nhất giúp người dân an tâm sẽ đến từ tổng bí thư đảng Tập Cận Bình,” ông này nói thêm.

Ông Từ, nhà văn, cho rằng phát biểu của bí thư Mã chứng minh rõ ràng rằng các quan chức quan tâm nhiều tới việc làm hài lòng cấp trên của họ hơn là chăm lo cho người dân mà họ phải phục vụ. “Nếu họ có thể sắp xếp lại thứ tự trong tâm hồn mình, chúng ta sẽ thấy một kiểu quản trị rất khác,” ông Từ nói.

Khi họ cố gắng kiềm chế nạn dịch, các chính quyền địa phương thể hiện rằng họ trông có vẻ bận rộn thì tốt hơn là họ đang tìm kiếm một giải pháp. Nhiều địa phương bây giờ tìm cách theo dõi, thậm chí trục xuất các cư dân từ tỉnh Hồ Bắc để ngăn không cho virus phát tán. Theo dõi và phát hiện những người có khả năng lây bệnh là một chính sách đúng, nhưng trừng phạt hoặc xử lý họ có rủi ro là sẽ khiến họ giấu bệnh, khiến cho việc chống dịch trở nên khó khăn bội phần.

Ngay cả ở các vùng bên ngoài các khu vực có dịch, quan chức địa phương cho thấy trong đầu họ không nghĩ tới an nguy của người dân khi đưa ra các quy định, luật lệ. Một video được chia sẻ rộng rãi trên khắp Trung Quốc cho thấy một đôi nam nữ bị mắc kẹt trên cây cầu nối tỉnh Quý Châu (Guizhou) với thành phố Trùng Khánh (Chongqing). Chính quyền hai địa phương này đã cấm việc đi lại giữa hai nơi, và cặp đôi này – người nữ từ Quý Châu, người nam từ Trùng Khánh – đã không thể đến một trong hai nơi đó nếu không chịu tách rời nhau!

Trên mạng xã hội, các cán bộ cấp thấp than phiền rằng họ nhận quá nhiều chỉ thị của cấp trên tới mức họ phải dành phần lớn thời gian để lập báo cáo thay vì làm những việc thật sự cần thiết. Trong một bài đăng trên mạng xã hội có tiêu đề “Chủ nghĩa hình thức dưới mặt nạ”, tác giả viết, “Đa số những người trong hệ thống không làm việc để giải quyết vấn đề. Họ làm việc để giải quyết trách nhiệm.”

Sau nạn dịch lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải trừng phạt một vài quan chức, thậm chí phạt nặng, để lấy lại thể diện và chút ít tín nhiệm. Nhưng với những người dân đang đau khổ vì dịch bệnh và thất bại của hệ thống quản trị quốc gia, Đảng Cộng sản chắc khó mà lấy lại lòng tin của họ.

“Tôi biết từ lâu rằng đất nước này sẽ trở lại là một xã hội an bình và thịnh vượng. Chúng ta sẽ nghe nhiều người hét vang rằng họ tự hào biết bao về sức mạnh và sự phồn vinh,” một cư dân thành phố Vũ Hán viết trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo). “Nhưng sau những gì tôi đã chứng kiến, tôi từ chối xem những tràng vỗ tay và những lời khen ngợi!”.

Nguồn: The New York Times, số ra ngày 04-02-2020

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: